. Vưong Uy từ ngày vào lính đánh nhau, chưa biết sợ là gì, lúc này thấy binh lính dưới quyền ngần ngại không muốn đi tiếp, anh ta liền lớn tiếng: – Tiến lên, gặp thứ gì cũng có súng của ông đây rồi! Nói rồi, Vương Uy xăm xăm đi trước, Nhị Rỗ vội theo sau. Chỉ huy đã tiến, lính tráng đâu dám trái lệnh, tất cả ào ạt tiến lên. Đi được một quãng xa, họ phát hiện trong thung lũng lớn lại có thung lũng nhỏ, một bên vách núi có một hang động lớn bằng chiếc xe quân sự, đến đây thì tầm mắt bị chặn lại, không thể trông thấy ánh lửa ởbên trong, nhưng khói trong hốc kia vẫn bay ra, cay chảy cả nước mắt. Lẫn trong khói có mùi hôi thối. Vương Uy ở trong quân mười mấy năm ngửi thấy mùi này lập tức cau mày, là mùi thi thể cháy khét. Đánh nhau trong mùa nóng bức, lúc thu dọn chiến trường, một số xác chết được kéo đi chôn, những xác không thể chôn đành phải đốt để đề phòng phát sinh dịch bệnh, mùi xác cháy thường rất khó chịu, hễ ngửi thấy thì phải đến mấy ngày sau không nuốt nổi miếng ăn. Nhị Rỗ hỏi: – Thưa chỉ huy, có nên đốt lửa báo cho đại đội Ba biết mà vào đây không? Vương Uy phẩy tay, nói: – Không cần. Chuyện vặt này mà phải đốt lửa báo tin, bọn họ cười cho. Anh gọi mười người nữa đi theo tôi, những người khác canh giữ cửa hang, nếu có người chạy ra bắt sống được thì bắt sống, nếu không bắt sống được thì phải giữ lấy xác, nghe rõ cả chưa? Uy tín của Vương Uy trong quân đội không phải ngày một ngày hai mà tạo dựng được, anh vừa ra lệnh, lính tráng liền đồng thanh đáp lại: “Rõ!” Cả nhóm chui vào thung lũng phía trong, đi chừng mấy trăm mét, không gian mỗi lúc một rộng hơn, thung lũng bên trong có hình bầu dục, trong đó lại có bốn căn nhà gỗ, cửa không khóa, Vương Uy vừa đẩy, cửa liền mở, trên cánh cửa bụi bặm bám thành một lớp dày. Nhị Rỗ và một người nữa vào nhà xem xét, bên trong có kê một chiếc phản gỗ, trên vách treo đầy cung nỏ, dụng cụ đi săn, áo lông và da thú, nhưng tất cả đầy bụi bặm, chứng tỏ đã lâu rồi không có người đến đây. Vương Uy cho người kiểm tra cả ba căn nhà gỗ kia, phát hiện đồ dùng sinh hoạt thường ngày trong nhà còn nguyên vẹn, nhưng tất cả đều phủ một lớp bụi dày, giống như căn nhà thứ nhất. Vương Uy nói: – Nhị Rỗ, vừa rồi chúng ta thấy có người nhảy múa quanh đống lửa, nhưng tại sao ở đây lại có vẻ như rất lâu không có người sống rồi? Nhị Rỗ gật đầu: – Đúng là lạ thật, cứ theo bí thuật phong thủy tổ tiên của tôi truyền lại thì đất này là đất dưỡng thi, người sống không thể ở được, nhưng nơi này lại có dấu vết con người sinh sống. Chúng ta đứng ở thác nước nhìn vào trong thung lũng này rõ ràng thấy có rất nhiều người, thế mà vào đây lại phát hiện người sống ở đây đã mất tích từ rất lâu rồi. Lúc ấy, một người lính đi ra phía sau kiểm tra chạy vào báo cáo ở đấy có một bệ đá rất lớn, hình như ánh lửa phát ra từ đấy. Vương Uy được tin lập tức dẫn những người khác theo người lính kia vòng ra sau rừng cây, ở đó có một khe núi, phía trên hai vách khe liền nhau, bên dưới chỉ hở ra một khe vừa một người chui lọt. Người lính dẫn đường chui vào trước, Vương Uy và Nhị Rỗ theo sau, khoảng đất trống phía sau khe núi tương đối rộng rãi, dưới đất có một bậc đá độ dốc khá cao, nếu leo lên có thể lên đến lưng chừng núi, trên đó có một bệ đá rất lớn. Lúc này trên bệ đá đèn đuốc sáng rực, khói đen bốc lên mù mịt khiến mọi người nôn ọe ra cả nước xanh nước vàng. Nhị Rỗ “ọe” một tiếng, chửi đổng: – Đồ chó má, tám phần là trò tà thuật gì rồi, nửa đêm đốt xác chết, mẹ kiếp, đến là buồn nôn! Vương Uy đưa tay ra hiệu, mười hai người liền chia thành sáu nhóm, mỗi nhóm hai người, năm nhóm leo lên, nhóm còn lại ở dưới canh chừng, đề phòng bất trắc. Hai người phối hợp với nhau, một người ở bên trái bậc đá, người kia ở bên phải bậc đá liền kề sau, nhóm tiếp theo lại ở bậc đá liền kề sau nữa, tuần tự mà leo, phát hiện tình huống gì lập tức nổ súng. Mười con người thận trọng leo mãi lên tít trên cao, bệ đá nơi lưng chừng núi nom hệt cái miệng của bóng đêm đang há to, đợi họ nối đuôi nhau chui vào. Hai người leo lên đầu tiên nói nhỏ với nhau: – Trên này không có người. Nghe được câu ấy, Nhị Rỗ buột miệng “ơ!” một tiếng, vừa rồi có ánh lửa, lại có kẻ đốt xác chết, trên bệ đá không lý nào lại không có người. Vương Uy khẽ đẩy Nhị Rỗ, ý bảo gã đừng có ngẩn ra đó, mau mau leo lên. Vương Uy và Nhị Rỗ lần lượt lên đến nơi, vừa đưa mắt nhìn liền kinh hoàng phát hiện ra trên bệ đá rộng thênh thang này không có ai hết. Cả hai toát mồ hôi lạnh, những người khác thì không nói, nhưng hai người lên đầu tiên biến đâu rồi? Vương Uy nhìn quanh, thấy bệ đá trên lưng chừng núi này khá rộng, đủ chỗ ột đơn vị bộ đội mấy nghìn người xếp hàng. Ở giữa lại có một bệ đá nhỏ diện tích chừng mươi mét vuông, trông như một cỗ quan tài, xung quanh có bốn mươi chín chậu lửa thật lớn kê trên trụ đá, bên trong đốt củi khô. Hai người đưa mắt nhìn nhau, nhóm thứ ba đằng sau đứng dưới thềm đá hỏi tình hình thế nào, Vương Uy bèn lệnh cho họ cứ đợi ở đấy đừng lên nữa, mười lăm phút sau nếu anh ta và Nhị Rỗ không có động tĩnh gì, họ phải lập tức tụt xuống đất, rút khỏi thung lũng. Người của nhóm thứ ba thấy những lời của Vương Uy rất lạ lùng, nhưng chỉ huy đã có lệnh, họ cũng không dám hỏi thêm gì. Vương Uy và Nhị Rỗ mỗi người mỗi bên, nắm chắc tay súng tiến về phía bệ đá nhỏ, xung quanh yên tĩnh đến rợn người, chỉ có vài tiếng nổ củi khô lép bép trong chậu lửa. Dưới ánh lửa, bóng núi non xung quanh hiện lên hết sức rùng rợn, như sắp xông tới vồ người. Vương Uy vốn rất táo bạo, ngoài chiến trường giết người như thái rau, nhưng lúc này cầm súng đi về phía bệ đá nhỏ, anh cũng không khỏi rờn rợn, cảm thấy hình như trên đó có thứ gì đang nằm, trông lờ mờ hình dáng một con người. Anh định hỏi Nhị Rỗ, nhưng mở miệng mấy lần vẫn không sao cất lời nổi. Vương Uy càng nghĩ càng hoang mang, cảm thấy việc này quả là không bình thường. Đúng lúc ấy, Nhị Rỗ bỗng sấn lên chạy vụt đến trước bệ đá nhỏ, nổ súng đoàng một tiếng. Vương Uy giật nảy mình, tiếng súng của Nhị Rỗ lan đi trong thung lũng, ngón tay Vương Uy đặt trên cò súng hơi ấn xuống, chỉ chờ cho cái vật nằm trên đài kia bật dậy, anh ta sẽ nổ tiếp một phát nữa. Đột nhiên, Nhị Rỗ cười phá lên, nói: – Mẹ kiếp, là người bằng đất nung! Vương Uy thở phào chạy đến xem, vừa trông thấy nó, anh đã hít vào một hơi khí lạnh, đấy không phải người mà rõ ràng là chim, hay có thể nói là người chim. Chỉ thấy tượng người bằng đất nung nằm giữa bệ đá, dáng cao to hơn người bình thường, có tay chân, nhưng không phải mặt người, mà là mặt một con chim. Phần giữa gương mặt gồ lên, mắt và miệng giống hệt chim, trên người quấn áo lông vũ bảy màu. Vương Uy nói vói Nhị Rỗ: – Gương mặt này giống mặt chim ưng nhỉ? Nhị Rỗ gật đầu: – Là kền kền, kền kền mà người Tạng dùng để cử hành thiên táng ấy. Vương Uy nhớ ra ngay, liền nói: – Chẳng lẽ đây là đài thiên táng ư? – Nhìn quang cảnh chắc là không sai, nhưng đài thiên táng này lạ lắm, sao lại đặt tượng người mặt chim ở đây nhỉ? Họ muốn người thiên táng làm thế nào đây? Người Tạng đa phần tin theo Phật giáo Tạng truyền, mà tư tưởng nòng cốt chính là thuyết luân hồi. Nghi thức thiên táng của người Tạng có hàm ý để linh hồn thoát ly khỏi túi da thối là thân xác, bay lên thiên đường hoặc rơi xuống địa ngục, tiếp tục luân hồi. Trước đây Vương Uy cũng đã nhìn thấy nhiều đài thiên táng, nói chung tất cả đều được đặt trên núi, gần chùa chiền, nếu cần cử hành thiên táng, cũng tiện mời ngay Phật sống hoặc lạt ma trong chùa tụng kinh siêu độ. Đây là lần đầu anh Uy thấy đài thiên táng dựng giữa lưng chừng núi. Vương Uy chăm chú nhìn mặt người chim hồi lâu, anh luôn cảm thấy người chim đang chằm chằm nhìn mình, ánh mắt của nó rất sắc, hồ như ẩn giấu điều gì đó khiến người ta không sao hiểu được, anh ngấm ngầm hoảng sợ. Nhị Rỗ đi vòng quanh bệ đá rồi bất ngờ dồn sức đẩy tượng người mặt chim nằm trên đó. Bức tượng rất nặng, Nhị Rỗ đẩy mãi vẫn không nhúc nhích. – Nhị Rỗ, anh điên đấy à, đừng làm bậy. – Vương Uy nói. Nhị Rỗ vẫn ra sức đẩy: – Thưa chỉ huy, chỉ huy đến đây giúp một tay đi, dưới pho tượng này có vấn đề. Nghe Nhị Rỗ nói vậy, Vương Uy biết gã đã phát hiện ra chuyện gì đó, liền đến giúp. Hai người ra sức đẩy mà bức tượng chỉ hơi nhúc nhích. Vương Uy liền quay xuống dưới gọi to: – Các người còn ngây ra đó làm gì, mau lên đây giúp một tay. Nghe lệnh chỉ huy, cả tám người bên dưới vội vã leo lên, tất cả chung tay cùng đẩy pho tượng đất nung sang một bên. Vừa nhìn xuống dưới bệ đá, cả mấy người giật nảy mình. Nhị Rỗ kêu to: – Cha mẹ ơi, sao cái bệ đá này lại trong mờ? Chính giữa bệ đá nhỏ, vốn bị pho tượng che khuất, có khảm một khối đá trong mờ, nhỏ hơn bức tượng đôi chút. Giữa khối đá thấp thoáng một bóng đen, Vương Uy nhìn mãi không biết là thứ gì, bèn quay sang hỏi Nhị Rỗ. Nhị Rỗ nhìn ngó một hồi, liền bảo mọi người chụm đuốc lại, chín bó đuốc soi sáng rực phía trên bệ đá, bấy giờ mọi người mới nhìn rõ. Bóng đen bên trong bệ đá kia là người, hai con người nằm co, ôm nhau theo một tư thế quái gở, nhìn rất kỳ dị. Hơn nữa còn có thể khẳng định đây là hai con ngườì thật sự, bằng xương bằng thịt. Vương Uy phải đổi mấy góc độ để nhìn cho kỹ, bởi khối đá trong mờ này rất khó nhìn xuyên qua, nếu không tìm được góc độ thích hợp thì chỉ thấy ở giữa là một khối đùng đục, nhưng nếu nhìn từ góc độ phù hợp, có thể thấy rất rõ. Đột nhiên mắt Vương Uy máy một cái, lòng chợt lạnh buốt. Từ góc độ của mình, anh có thể nhìn rõ quần áo trên người bọn họ, hai người này mặc quân phục lính Tứ Xuyên. Bệ đá này gắn chặt với mặt đất, không để hở một mảy may, trông như thể nối liền với nền đất vậy. Càng kỳ lạ hơn nữa là, khối đá trong mờ cũng dính liền với bệ đá, không hề có dấu vết hàn gắn, như được sinh ra từ bệ đá vậy. Mọi người căng mắt ra nhìn đi nhìn lại mãi vẫn không sao hiểu nổi. Bọn họ tìm suốt mấy tiếng đồng hồ vẫn không thấy khe kẽ nào trên bệ đá, vậy mà sao hai người kia vừa lên đây chừng năm phút đã chui tọt vào đó được? Hai người lính mặc quân phục Tứ Xuyên nằm co, tư thế hệt như bào thai nằm trong bụng mẹ, gương mặt bọn họ hết sức mơ hồ, không sao nhìn rõ được. Nhị Rỗ đi vòng quanh bệ đá, bảo Vương Uy: – Chỉ huy có để ý không, mấy chậu lửa trên bệ đá này bụi phủ dày đến cả ngón tay rồi, củi trong chậu cũng phủ đầy mạng nhện, hình như chậu lửa này không phải người đốt đâu. Vưong Uy đang rối trí về việc hai ngưòi lính chui vào trong bệ đá kia, nghe Nhị Rỗ nói vậy, lòng càng nặng nề hơn, bèn hỏi: – Lửa này không phải người đốt, lẽ nào là ma đốt à? Nhị Rỗ vẫy tay gọi sáu người ở phía sau đến, bảo họ xuống thung lũng lấy lên một ít đất, bệ đá này được đục đẽo rất bằng phẳng, không có lấy một mẩu gạch ngói vụn, mấy người đều làm theo lời Nhị Rỗ, người lấy quân trang bọc đất bưng lên. Nhị Rỗ lại bảo họ dùng đất dập tắt ngọn lửa trong chậu kia. Lửa tắt, mọi người mới trông thấy xung quanh bệ đá có ánh xanh lập lòe. Vương Uy hỏi: – Ánh lân tinh này sao lại bay lơ lửng giữa không trung? Nhị Rỗ đáp: – Bệ đá này ít ra cũng phải cả năm trời không người lai vãng rồi, nhưng chậu lửa kia vẫn tự cháy được, là vì lân tinh trong không khí rơi vào chậu lửa, góp nhặt từng ngày, tới khi tích tụ được một lượng nhất định, lại gặp lúc thời tiết chuyển sang nóng nực, sẽ bén vào cành khô, bốc cháy thành ngọn lửa. Nhưng lân tinh trong xương người lơ lửng giữa không trung thế này, chắc chắn dưới đất có bảo bối nào tác quái đây. Góc bệ đá kề sát vào núi dày đặc ánh lân tinh lơ lửng, kết thành một khối lớn bằng cơ thể người, trông vô cùng kinh hãi. Nhị Rỗ đến trước đám lân tinh, cầm lấy đèn pin từ tay một người lính, soi xuống nền đất, phát hiện chỗ tiếp giáp giữa bệ đá và vách núi vốn không phải liền lạc không một khe hở, mà có một khe nứt dài chừng ba mươi phân, nhìn vào trong tối om om không trông thấy đáy, bèn thưa với Vương Uy: – Chỉ huy, để tôi xuống dưới xem thử. Vương Uy quát: – Đồ con rùa, đang lúc căng thẳng này đừng gây thêm rắc rối cho ông! Nhị Rỗ khăng khăng nói: – Nơi này rất kỳ lạ, nếu không phá giải được cục diện này, e rằng mọi người chẳng ai sống nổi đâu. Chỉ huy tin tôi đi, trong những thời điểm then chốt, Nhị Rỗ tôi đã bao giờ làm hỏng việc đâu, tôi nhất định phải xuống cái khe này. Vương Uy chủ yếu chỉ lo Nhị Rỗ làm ẩu sẽ bị mất mạng, nhưng thấy gã cứ khăng khăng đòi xuống dưới, anh cũng bó tay. Nhị Rỗ quấn mấy vòng dây thừng quanh người, nhờ người giữ, rồi ngậm đèn pin vào miệng, từ từ tụt xuống cái khe kia. Chương 2: Cây đá Khe đá rất hẹp, Nhị Rỗ phải nghiêng người lách vào, bị kẹt mấy lần, chật vật mãi mới xuống được tận đáy. Vương Uy thấy sợi dây thừng chững lại, bèn gọi vọng vào khe hỏi xem có chuyện gì. Nhị Rỗ ở dưới gào thật to, bảo thấy một cửa hang, gã muốn vào xem. Đèn pin của Nhị Rỗ sắp hết pin, có thể tắt bất cứ lúc nào, Vương Uy sợ Nhị Rỗ ở dưới đó xảy ra chuyện, đành bảo lính buộc mình vào dây thừng thả xuống khe đá. Vương Uy xuống đến nơi thì đèn pin của Nhị Rỗ cũng tắt ngấm, rất may Vương Uy đã có chuẩn bị, đem theo đuốc. Lúc tụt xuống khe đá không tiện cầm đuốc, không cẩn thận rất dễ làm cháy áo quần trên mình. Vương Uy xuống đến nơi liền gọi Nhị Rỗ, gọi mấy tiếng không nghe Nhị Rỗ trả lời. Vương Uy sợ hãi vội đốt đuốc lên, thấy trước mặt là một cửa hang cao chừng nửa thân người. Vương Uy thầm chửi Nhị Rỗ nói chẳng giữ lời, bảo chờ bên dưới vậy mà nháy mắt đã không thấy đâu. Xong việc này nhất định phải xạc cho gã một trận, cái tội vô kỷ luật, không nghe lệnh chỉ huy. Nơi Vương Uy đứng là vách đá chênh vênh, rơi xuống coi như thịt nát xương tan. Nhị Rỗ quý mạng như vàng, nhất định sẽ không nhảy xuống dưới, hẳn đã chui vào cái hang kia rồi. Vương Uy chẳng kịp suy nghĩ, chỉ sợ trong hang Nhị Rỗ không có ánh sáng, gặp phải rắn rết hay thú dữ thì coi như xong đời, đành chui đầu vào hang. Trong hang nồng nặc mùi hôi thối, có lẽ là xác con vật nào đó thối rữa. Cửa hang rất hẹp, nhưng bên trong cũng đủ để đứng thẳng người. Cái hang là một đường hầm dẫn xuống dưới, xung quanh yên tĩnh tới mức Vương Uy nghe rõ mồn một tiếng chân mình, ngọn đuốc chỉ soi sáng được trong phạm vi mấy mét, bóng tối rợn người vây chặt lấy anh. Vương Uy đi được một quãng, thoáng nghe thấy trong hang sâu vang lên những tiếng động gì đó rất mơ hồ, không thật. Vương Uy cầm chắc tay súng, thận trọng đi về phía phát ra tiếng động kia. Lại đi tiếp một đoạn nữa, âm thanh to hơn rất nhiều, dường như là tiếng động vật đang rau ráu nhai gì đó. Trong bóng tối mịt mùng nghe thấy âm thanh ấy ai cũng phải nổi da gà. Nghe âm thanh này, hình như là thú dữ đang ăn, có cả tiếng xé thịt, nhưng điều khiến người ta lấy làm lạ là, cái hang chật hẹp thế này lấy đâu ra thú dữ? Nhị Rỗ chui vào hang rồi không thấy tăm hơi đâu nữa, lý ra hai người vào cách nhau không lâu, hang động này lại chỉ đi thẳng, không có nhánh rẽ, nhất định phải để lại dấu vết gì chứ. Vương Uy càng nghĩ càng cho rằng Nhị Rỗ đã gặp chuyện, chẳng nhẽ trong hang này có thú dữ, tiếng nhai kia là tiếng thú dữ xé thịt gã hay sao? Vương Uy đang suy nghĩ vẩn vơ bỗng một luồng khí nóng từ phía trước ập tới, tiếng nhai rau ráu như ở sát bên tai. Vương Uy giật nảy mình, toát mồ hôi lạnh, vội lùi lại, giơ súng lên bắn liền mấy phát, nhưng đạn bay cả vào không trung. Bỗng tiếng nhai dễ sợ kia im bặt. Vương Uy cũng bình tĩnh lại, anh và Nhị Rỗ là bạn từ hồi học ở đại học Yên Kinh, lại là anh em cùng tòng quân hơn chục năm nay. Có câu sống phải thấy người, chết phải thấy xác, cứ coi như Nhị Rỗ bị thú dữ ăn thịt rồi, anh cũng phải thu nắm xương tàn của gã để khỏi phụ tình anh em sống chết có nhau. Nghĩ đến đây Vương Uy hạ quyết tâm, tiếp tục đi phía trước, bó đuốc trong tay anh sắp cháy hết, ánh đuốc loang loáng vài lần rồi phụt tắt. Trong khoảnh khắc bóng tối bao trùm, Vưong Uy chợt thấy một bóng người tiến tới trước mặt mình. Vương Uy giật nảy mình, theo phản xạ đưa tay đẩy bóng đen ra. Vừa chạm vào, anh cảm thấy tay dinh dính dịch thể, không biết là thứ gì. Vưong Uy vội đánh bùi nhùi, châm một bó đuốc khác. Trong ánh đuốc chập chờn anh thấy một gương mặt tái nhợt, dán sát xuống mặt đất, loang lổ máu me. Nhưng có thể khẳng định đó không phải là mặt Nhị Rỗ, Vương Uy cũng thở phào nhẹ nhõm. Chợt anh lại nghĩ, chuyện này cũng thật bất thường, khe đá thì đã có anh và Nhị Rỗ cùng tụt xuống, lẽ nào trong hang động này còn có lối vào khác? Hơn nữa, trong khoảnh khắc ngọn đuốc tắt phụt, rõ ràng anh trông thấy một bóng người, vậy mà cuối cùng chỉ có một cái đầu, chuyện này cũng thật ly kỳ khó hiểu. Vương Uy đá văng cái mặt nằm dưới đất, vừa đi tiếp vừa âm thầm chửi rủa khắp lượt tổ tông nhà Nhị Rỗ, gã này thật nhiễu sự, tự dưng tự lành đòi chui vào khe làm quái gì cơ chứ? Lối đi trước mặt rộng hơn ra, nhưng dọc đường không thấy chút dấu tích nào chứng tỏ từng có những sinh vật khác đặt chân tới. Con đường phía trước rẽ ngoặt một khúc, tại nhánh rẽ có một ô cửa đá cực lớn đang hé mở, như có người vừa tiến vào. Vương Uy áp tai vào cửa, nghe ngóng động tĩnh bên trong, hồi lâu chẳng nghe thấy gì, anh đành khom người chui vào. Phạm vi chiếu sáng của ngọn đuốc rất nhỏ, chỉ được mấy mét, Vương Uy không sao xác định nổi tình hình trong hang. Anh giương đuốc tiến vào giữa hang, bỗng phát hiện cách đấy mấy mét có một người đang nằm sấp. Người ấy co ro, tư thế giống hệt người nằm trong khối đá trong mờ trên kia, tức là khoanh tròn như thai nhi trong bụng mẹ. Trống ngực Vương Uy đập thình thịch, thì ra hai anh lính của mình chui vào giữa bệ đá kia không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu và tuân theo quy luật nào đó, rất có thể họ đã trúng tà thuật. Vương Uy lại gần xem, thấy người kia nằm khoanh tròn trên một bệ đá vuông vắn, chẳng hề động cựa, xem chừng là một xác chết. Trên mình kẻ đó vận một bộ quân phục đã cũ, Vương Uy nhớ, mấy năm nay quân đội Tứ Xuyên không mặc quân phục loại này nữa, thật là kỳ lạ. Anh bước lên bệ đá, phát hiện đây là một không đầu, liền nghĩ ngay đến cái đầu ở ngoài cửa, lẽ nào cái đầu ấy là của cái xác này? Vương Uy lật cái xác lên, kinh hoàng nhận ra bên dưới là một phiến đá trong mờ, giống như bệ đá trên lưng chừng núi. Giữa lớp đá trong mờ cũng thấp thoáng một bóng đen, nhưng không trông rõ là thứ gì. Anh giơ đuốc soi khắp hang, hang này rất lớn, rộng ít nhất mấy chục mét, nhưng bên trong trừ bệ đá kỳ dị này ra không còn bất cứ thứ gì khác. Anh lại gần bệ đá nhìn kỹ, nhận ra nó rất lớn, lớn hơn nhiều so với bệ đá trên lưng chừng núi. Càng ngạc nhiên hơn là, bên trên bệ đá chừng hai mét lại có một bệ đá khác giống hệt gắn vào trần hang, hai cái đối xứng nhau. Chuyện này thật quá lạ lùng. Như vậy lẽ nào bệ đá trên lưng chừng núi nối liền với bệ đá trong hang? Bệ đá trong mờ kỳ lạ này đã xuyên qua mấy chục mét núi, hay đặt giả thiết táo bạo hơn là bệ đá này còn ăn sâu hơn nữa vào lòng núi, phần bệ đá trên đỉnh hang vốn liền lạc với phần bệ đá dưới đất này, về sau bị người khác dùng cách gì đó đẽo mất một khúc ở giữa. Nhưng quân phục trên người kẻ này giống như quân phục của đám quân phiệt địa phương đầu thời Dân Quốc vậy, có lẽ hắn ta cũng là người từ cách đây mười năm hai mươi năm trước rồi. Vương Uy lục soát khắp người cái xác kia, tìm thấy một tập văn bản. Lòng hiếu kỳ nổi lên, anh mặc kệ mình đang ở trong sơn động dưới đất, vội mở tập văn bản ra xem. Xem xong một lượt, Vương Uy toát hết mồ hôi lạnh vì kinh hãi. Thì ra sự kiện đề cập đến trong văn bản liên quan tới một truyền thuyết ly kỳ từ hai mươi năm trước ở Tứ Xuyên. Cái xác không đầu này là viên thư ký của Mã Văn Ninh, tên quân phiệt lớn vùng Tạng A Bối từ hơn hai mươi năm trước, nói chính xác là, thư ký đội đào trộm mộ của Mã Văn Ninh, đồng thời cũng do hắn chỉ đạo trực tiếp. Vương Uy đánh Đông dẹp Bắc, đã đi hầu khắp tỉnh Tứ Xuyên, biết không ít chuyện về tên đại quân phiệt Mã Văn Ninh khét tiếng một thời. Nhất là chuyện hắn đào được cỗ quan tài đá, vướng phải lời nguyền độc địa, không những toàn quân bị diệt mà bản thân cũng chết thảm trong nhà. Câu chuyện ấy Vương Uy đã nghe không biết bao nhiêu lần. Theo văn bản thì trong đội đào mộ không thiếu thầy phong thủy cao tay, bọn họ dựa trên bản đồ kho báu của vị lạt ma để phán đoán vị trí, tìm được một ngọn núi lớn gần vùng Xương Đô, ở đó có một đài thiên táng thần bí. Viên thư ký từ lâu đã nghe Mã Văn Ninh kể về giấc mơ kỳ quái của mình, thấy cái đài thiên táng kia giống hệt trong giấc mơ mà Mã Văn Ninh m