Ngày xưa, Hoàng còn là cậu học trò nho nhỏ, phải đi học xa ở tuốt làng Thượng. Hàng ngày Hoàng đi bộ cả buổi mới tới nhà cụ Phán ở làng đó. Thật ra cụ Phán không phải là thầy giáo, mà chỉ là một người có chức sắc trong tỉnh và có chút học vấn. Tình cờ trong lúc Cụ đang ngồi dạy học cho mấy đứa cháu, thấy Hoàng thập thò ngoài cửa sổ, lén học theo. Cảm thấy Hoàng còn nhỏ mà ham học, Cụ Phán bèn gọi vào và ngỏ ý muốn dạy bố tôi chung với đám cháu cho tới ngày đi thi. Ban ngày, Hoàng phải chăn trâu làm ruộng, đến chiều mới bắt đầu cắp sách đến nhà cụ Phán. Cho nên thường về tới nhà khoảng nửa đêm. Trên con đường Hoàng thường đi ngang qua có một nghĩa trang rộng lớn. Nghe nói, khu nghĩa trang này có nhiều chuyện lạ xảy ra. Những người già trong làng còn nói hồn ma của người chết chưa chịu rời bỏ thế gian tụ tập ở đây nhiều nhất. Nhưng đó chỉ là lời đồn thôi, Hoàng lúc đó không tin lắm. Vả lại lúc đó tuy còn nhỏ tuổi mà phải vật lộn với đời từng ngày, Hoàng đã trở nên chai lì, không biết sợ hãi là gì. Cho nên những lúc đi ngang qua nghĩa trang, Hoàng vẫn bình thản như đi qua đồng không nhà trống, chẳng sợ ma gì cả. Lâu lâu mệt mỏi, còn ghé lại một ngôi mộ nào đó nghỉ chân. Vào một buổi tối, đang trên đường về nhà, khi đi ngang qua khu nghĩa trang, Hoàng thấy có một vệt sáng sáng chạy dài từ một ngôi mộ tới một ngôi nhà trong làng. Tính tò mò nổi lên, Hoàng chạy lại thật gần để xem cho kỹ. Thì ra vệt sáng đó là do những con sâu bọ thường ăn xác chết người, thân hình phát ra ánh sáng mờ ảo. Những con bọ nối đuôi nhau chạy dài. Hoàng lần theo vết ánh sáng mà đi thì thấy trước cửa căn nhà của ông già Thành, những con bọ kia chỉ bám lủng lẳng trên mái hiên như đang tìm đường vô. Hoàng ngạc nhiên, thắc mắc đứng dòm một hồi thì thấy những con bọ kia đục một lỗ trên vách đất bò, rồi lại nối đuôi nhau bò vào nhà. Hoàng rất muốn xem những con bọ kia chạy tới đâu trong căn nhà ông già Thành đó. Nhưng ngại vì trời đã khuya, người trong nhà chắc đã ngủ hết rồi, Hoàng đành bỏ ý định xem nơi đến của những con bọ kia, mà quay về nhà ngủ. Sáng hôm sau thì hay tin con gái ông Thành già bất ngờ qua đời. Không ai biết cô ta bị sao mà chết, họ chỉ thấy hai con mắt của xác chết sâu hỏm vào trong, vòng mắt đen kịt. Thầy lang ta, bác sĩ tây đều không biết đó là triệu chứng của bệnh gì. Mọi người trong làng đều buồn cho ông già. Lá non đã rụng mà lá già vẫn còn. Nghe mọi người bàn tán xôn xao, Hoàng ngẩn người suy nghĩ không biết có phải những con bọ tối hôm qua kia tới bắt hồn con ông già Thành không? Hoàng chạy ra nghĩa trang tìm ngôi mộ kia, coi người chôn bên dưới là ai. Lạ thay, ngôi mộ chỉ có bia nhưng tuyệt nhiên trống không, không có một chữ nào ghi lại danh tánh của người chết. Ðêm hôm sau, cũng vào lúc đi học về, Hoàng lại thấy từ ngôi mộ kia, một vệt sáng chạy ra, nhưng lần này chạy đến một căn nhà khác, căn nhà của bà Nhiễu. Trong lúc những con bọ còn đang treo mình lủng lẳng trên mái hiên, Hoàng lấy một khúc cây quẹt vào những con bọ kia cho nó rớt xuống đất. Trong lòng Hoàng cũng hơi lo sợ, vì nếu lỡ đám sâu bọ kia không vào nhà mà lại quay lại bám vào mình thì nguy. Nào ngờ khi rớt xuống đất, chúng quay đầu lại từ từ bò lên vách nhà. Thấy những con bọ kia lại tính đục vách, Hoàng vội khua khúc cây quẹt chúng rớt xuống, nhưng con này rớt lại có con khác. Khua quẹt một hồi đến đổ mồ hôi mà lũ bọ kia vẫn đục được lỗ chui vào, Hoàng hoảng quá hét to lên cho mọi người trong nhà thức dậy: - Bớ người ta… dậy đi… dậy đi…. không chừng có người chết… Nghe tiếng trẻ la, người thì xua chó, người thì vác dao xách gậy chạy ra. Họ hầm hè nhìn Hoàng có vẻ tức giận lắm: - Mày làm cái gì la toáng lên thế Hoàng đâu còn tâm trí để ý đến người khác, chỉ đợi khi cánh cửa của nhà bà Nhiễu mở ra thì chạy ào vào trong. Vết sáng kia đang bò nhanh tới chiếc ván gỗ, trên đó con bé Hạnh đang ngủ say sưa như chết, không biết gì đang xảy đến với nó. Con Hạnh nhỏ hơn Hoàng hai tuổi, nhưng hai đứa chơi với nhau rất thân. Mặc kệ người nhà la hét, túm áo kéo lại, Hoàng nhào đến khều, đập vào vệt sáng kia. Mọi người thấy vệt sáng dài kia, chỉ biết há hốc miệng ra ngó. Một hồi sau, người con trai lớn nhất của bà Nhiễu mới chợt tỉnh, chạy lại bế con Hạnh ra chỗ khác. Một người quẹt khều, một người bế con bé chạy đi nhưng cũng có vài con bọ bám lên được người con Hạnh. Bà Nhiễu thấy thế, chạy tới đưa tay không phủi hất mấy con bọ kia đi. Khi cảm thấy bị mất mồi, mấy con sâu bọ kia lại nối đuôi nhau quay nhanh về không thể tả. Trong chớp mắt, vệt sáng dài kia mất hút, không còn thấy gì nữa. Giống như chúng ẩn chui vào lòng đất, chứ không phải bò quay về ngôi mộ không tên kia. Sau khi thấy sự việc lạ lùng như vậy, mọi người bu quanh Hoàng hỏi tới tấp. Hoàng đứng ngớ người ra, không biết nên trả lời ai trước. Cuối cùng, Hoàng chậm rãi kể đầu đuôi câu chuyện từ lúc thấy vệt sáng bò tới nhà ông già Thành, thì con gái ông ta bị chết, cho tới lúc thấy vệt đó vào nhà bà Nhiễu. Nhiều người nghe xong thì bàng quang, thờ ơ. Có người cho là Hoàng bịa ra câu chuyện đó để gây sự chú ý. Nhưng sau đó thì bổng nhiên con Hạnh và bà Nhiễu bị bệnh nặng, hai người mê man không tỉnh, giống như một hai cái xác không hồn nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Hai con mắt họ từ từ lỏm sâu vào trong sọ, vòng mắt đen xì, giống như kẻ bị đói cả chục năm. Người của họ nhìn chẳng khác gì cái xác của con ông Thành già. Nhưng con ông Thành già đã chết, hai người kia vẫn còn thở. Lúc đó mọi người trong làng lại quay đầu lại hạch hỏi Hoàng. Không còn cách nào hơn, Hoàng dẫn mọi người ra mộ của người vô danh kia. Vài người già trong làng, thấy thế gật đầu nói: - Cái mộ đó là của một người khách lạ bị bệnh cùi, ông ta lạc đến đây thì bị chết. Không ai biết ông ta tên gì, nhưng dân làng cũng chôn ông ta trong nghĩa địa của làng để tỏ lòng hiếu khách. Theo lời chỉ dẫn của vài người thầy địa lý, dân làng đào ngôi mộ đó lên, rồi đem thiêu cái xác của vị khách lạ kia thành tro. Chẳng bao lâu, con bé Hạnh và bà Nhiễu cũng tỉnh lại. Họ có trở lại bình thường hay không thì Hoàng không biết, vì lúc đó Hoàng đã lên tỉnh thi và ở đó học luôn, không trở về làng xưa nữa.