nghe ra, còn có một người nữa! Mà người đó không ai xa lạ, chính là… Tư Xê! Trong vai giả làm người phục vụ tiệc, Tư Xê đã xung phong bưng cơm vào phòng của cô chủ và khi tới cửa, anh ta đã vô tình nghe hết cuộc đối thoại bên trong! Và lời của Nguyệt Ánh vừa dứt thì ngoài này mâm cơm trên tay Tư Xê cũng vừa rơi xuống sàn! Anh ta bỗng ngã lăn ra, hình như có một cái bóng của ai vừa trong cơ thể anh thoát ra ngoài! Khi bà Thành và Nguyệt Ánh mở cửa ra thì chỉ nghe anh ta thét lên vừa chỉ tay về phía cửa sổ: - Út Thông! Út… Nguyệt Ánh hốt hoảng: - Sao… sao anh còn ở đây? Vẫn chỉ tay và lắp bắp: - Út… Út… Thông! Rồi anh ta gục xuống, miệng sùi bọt mép… Nguyệt Ánh thất thần, miệng lẩm bẩm trong sợ hãi: - Hắn… hắn chết rồi mà… Chỉ nói được có thế, rồi cô ả lảo đảo, vừa ôm bụng kêu đau! Bà Thuận Thành kinh hải kêu to, đám gia nhân trong nhà cùng chạy tới, một mặt khiêng Nguyệt Ánh trở vào phòng còn Tư Xê thì được đưa ra nhà ngang, chỗ gia nhân cư ngụ. Từ đó đến khi lễ cưới diễn ra, anh ta cứ thỉnh thoảng lại kêu lên khe khẽ: - Cậu Út… cậu Út… tôi không làm được… Trong lúc đó thì giờ hành lễ đã đến, đằng trai tới đúng giờ và theo nghi thức thì cô dâu phải ăn mặc lễ phục ra chào và cùng lễ gia tiên. Nhưng do tình thế đột xuất như vậy nên sau khi bàn bạc với nhà trai, họ cũng đồng ý thông qua, lo cứu chữa cho cô dâu xong mới cử hành lễ. Thậm chí nếu Nguyệt Ánh không tỉnh lại, hai bên cũng không buộc cô dâu có mặt trong lễ lạy bàn thờ. Ông sui trai còn nói: - Do thằng con tôi ở rể, nên thay vì đưa con vợ nó về bên nhà lạy gia tiên xong rồi trở lại đây ở luôn, nhưng nay như vậy thì chuyện về lạy bàn thờ bên nhà để lúc nó tỉnh lại đã, không sao! Thế là lễ cưới diễn ra suôn sẻ… Việc chỉ mới lấy chồng được năm tháng mà Nguyệt Ánh chuyển bụng sinh đã làm cho tôi tớ trong nhà quá đỗi ngạc nhiên. Họ bàn tán với nhau: - Bộ sinh non hay sao mà mới năm tháng đã sinh? Người kia thì nói: - Chuyện của nhà giàu mình hơi đâu mà bàn cho mệt! - Bộ nhà giàu rồi có thai chỉ mấy tháng là sinh sao? Họ khác người nghèo chúng ta hả? Người nọ bật cười: - Không khác, nhưng lúc nào thích thì họ sinh, ai làm gì họ! Cuộc bàn tán chấm dứt ngang, bởi khi đó cậu chủ Năm Hòa từ trong bước ra, anh ta hất hàm hỏi: - Sao không làm việc mà ngồi “tán dóc”? Ba gia nhân hoảng sợ tản ra mỗi người một hướng. Đối với họ thì cậu chủ này không phải người khó, nhưng do thường nói lén sau lưng cậu ta nhiều, nên vừa rồi ba người mới bỏ đi. Nhưng chỉ được một lát sau thì cả ba đã tìm cách tụm lại, tiếp tục câu chuyện: - Tội nghiệp cậu Hòa, làm chồng, làm cha mà chẳng có quyền gì hết, suốt ngày cứ quanh quẩn quanh “bà chằn” kia để bị bà ấy sai chạy có cờ! Người vừa nói là Tám Son, người làm cho nhà bà nội Hai lâu đời nhất. Chị ta lại tiếp: - Ông này nhà giàu mà chấp nhận ở rể, chỉ vì ông ta thương cô Nguyệt Ánh quá. Vậy mà “bà chằn” Ánh lúc nào cũng lấn lướt, ăn hiếp chồng, thấy mà ứa gan. Người thứ hai là Ba Thắm, vội chen vào: - Mấy đứa con gái nhà giàu thường hay ăn hiếp chồng. Phải chi gặp cỡ thằng chồng tao thì nó đánh cho mỗi ngày tám chục bận, cho hết thở luôn! Người cuối cùng là Tư Sương, vốn ôn hòa nhất trong đám gia nhân, vội gạt ngang: - Chuyện của người ta thì kệ họ, nói tới nói lui lọt tai bà chủ nhỏ đó thì có nước về mò cua bắt ốc! Tám Son không chịu thôi: - Mò cua còn hơn là ở đây suốt ngày nhìn con đó đỏng đảnh, đanh đá, thấy chướng mắt quá chừng! Rồi chị ta kề tai các bạn, nói khẽ: - Tôi nghe đồn là con Nguyệt Ánh trước đây “cặp” với thằng con trai Út ông chủ hãng vận tải Thuận Lợi. Dám đứa con trong bụng con nhỏ Ánh là con của thằng công tử kia lắm! Tư Sương xua tay: - Đừng nói mò kiểu đó, lọt tai cậu Năm Hòa thì tội nghiệp cậu ấy! Ba Thắm tỏ ra rành chuyện hơn: - Mấy bà nhớ anh tài xế Tư Xê không? Tội nghiệp anh chàng này… chẳng hiểu sao tự nhiên phát điên phát khùng rồi không còn lái xe được nữa! Người ta đồn chính anh ta có dính líu tới cô Ba Nguyệt Ánh nữa, chứ chẳng phải riêng gì Út Thông đâu. Tám Son còn rành chuyện hơn, chị ta kể vanh vách: - Tư Xê khi nào hết điên trong giây lát đã kể chuyện động trời mà chỉ có tôi là được nghe thôi! Mấy bà có nghe không? Hai người kia đời nào bỏ qua chuyện lạ: - Bà kể coi, Tư Xê nói gì? - Một bữa tôi đang nằm ngủ trưa sau nhà thì Tư Xê lại gần. Nhìn thấy anh ta tóc tai rũ rượi, tôi sợ quá định bỏ chạy thì anh ta van lơn tôi, xin hãy để cho anh ta nói điều uẩn khúc trong lòng bấy lâu nay… tôi nghe giọng nói của anh ta không có vẻ gì là xằng bậy cho nên đã ngồi lại nghe anh ta kể. Tư Xê nói rất thật rằng anh ta đã được con Ánh cởi áo cho xem và còn dụ cho lấy làm vợ nữa! Tôi nghe mà dựng tóc gáy luôn! Hai người kia kêu lên: - Có chuyện đó sao? Vậy Tư Xê có phải là tác giả cái thai kia không? Tám Son vừa mở miệng định nói thì bỗng nhiên thét lên một tiếng rồi ngã lăn ra, hộc máu như vừa bị thọc huyết! Tư Sương hốt hoảng la lên: - Thôi, đừng nói nữa, lo cứu bà ấy đi! Nhờ có chuyện đó mà mấy gia nhân thôi không bàn tán nữa. Cũng vừa khi ấy bỗng trong nhà có tiếng kêu to: - Mợ Ba chuyển bụng rồi, đóng cửa lại không cho ai vào nhà hết! Nguyệt Ánh thật ra đã chuyển dạ từ sáng sớm, đã rước đến ba bà mụ về, nhưng không bà nào giúp được cô ả sinh con, nên chỉ biết đứng xớ rớ bên ngoài để chờ… Bây giờ nghe cô hầu thân tín báo tin vậy cả ba bà mụ đều chạy vào một lượt. Nhưng cả ba đã phải khựng lại ngay cửa phòng, bởi trước mắt họ đang có một cảnh mà họ không tin vào mắt mình: Nguyệt Ánh đã sinh xong, có lẽ kiệt sức nên nằm thiêm thiếp, còn bên cạnh cô ả là một hài nhi thân thể đỏ như máu, đang rúc vào nách mẹ như đang tìm sữa bú. Phải mất vài giây, ba bà mụ mới kêu lên: - Đỡ cho mợ ấy đi! Họ cùng lao vào và cùng kêu thét lên một lượt khi hài nhi quay mặt ra: - Trời ơi! Trước mắt họ là một quái vật thì đúng hơn! Đứa bé có gương mặt chẳng khác gì một con chó, chứ chẳng giống một con người! Nó thấy ba bà mụ thì bỗng ngửa mặt lên trời rú lên một tiếng dài như tiếng chó tru! - Trời ơi! Bà mụ thứ nhất bước vào sau nên khi bước lui thì chạy được trước. Nhưng bà vừa cất bước thì ngã nhoài người. Rồi bà thứ hai cũng xoay người và ngã chồng lên bà trước. Cuối cùng thì cả ba bà đều nằm chồng lên nhau. Trong khi đó thì tiếng tru của đứa bé hầu như không dứt… Cho đến khi Năm Hòa bước trở vào. Anh nhìn cảnh tượng đó thay vì sợ như những người kia thì lại hết sức bình tĩnh và còn trách mọi người: - Sao để con tôi như thế này! Anh ta còn bước tới ôm con vào lòng, bế lên tay và đặt nhẹ nhàng vào lòng Nguyệt Ánh. Đứa bé thôi không kêu la tru tréo nữa, mà trái lại rất ngoan ngoãn… Hòa còn ngồi xuống bên vợ con, âu yếm một cách bình thường: - Mình thấy thế nào, có mệt lắm không? Nguyệt Ánh hơi động đậy thân thể, nhưng mắt vẫn nhắm nghiền, miệng thì thào gì đó mà Năm Hòa bật dậy ngay. Anh gọi to ra ngoài: - Mấy người khiêng giùm mấy bà mụ này đi đi! Đám gia nhân tuy sợ điếng hồn, nhưng không dám cãi, phải vừa khiêng mà vừa run. Trong khi đó còn lại trong phòng sinh với vợ, Năm Hòa kiêm luôn công việc của bà mụ. Anh tắm rửa cho đứa bé, quấn tã cho nó một cách nhẹ nhàng, đầy tình thương yêu… Mà chẳng riêng gì hôm đó. Những ngày sau Năm Hòa cũng làm y như vậy. Hình như anh ta đã chấp nhận việc ấy. Mà cũng lạ, cô ả Nguyệt Ánh vốn xưa nay đỏng đảnh, vậy mà sinh con quái thai như vậy nhưng cô ta vẫn âm thầm chịu đựng, ở miết trong phòng cùng chồng lo cho con! Họ còn nghiêm cấm không ai được bước vào phòng riêng đó. Hằng ngày những đám tôi tớ chỉ được phép mang thức ăn, pha sữa đem vào tới cửa, đặt trước chiếc bàn con rồi đi ra. Vợ chồng con cái họ hầu như chỉ sống trong bốn bức tường đó… Riêng ba bà mụ sau khi bị ngất đi và được đưa về cứu chữa, sau đó cả ba đều phát điên. Nhất là mỗi khi nghe ai nhắc tới chuyện cái quái thai thì đều kêu thét lên và bỏ chạy! Kể cả những ai tò mò, thóc mách nhiều chuyện, hay bàn tán vụ quái thai đó thì đều bị hành xác như đau bụng, nhức đầu, thậm chí còn bị hộc máu không nguyên cớ. Do vậy sau này chẳng còn ai dám bàn tán nữa. Ba năm sau… Cũng may là càng lớn lên thì thằng bé càng có gương mặt trông dễ coi hơn lúc mới sinh. Do vậy cha mẹ nó cho nó ra ngoài. Năm Hòa đặt tên con là Thuận Tâm để cho gần giống với tên cha là Thuận Hòa, nhưng mỗi lần kêu tên đó thì thằng bé lại khóc, hình như không chịu! Cuối cùng chính nó khi biết nói đã xưng tên mình là Thông! Vừa nghe con nói tên đó ra thì Nguyệt Ánh bàng hoàng, cô ngăn con lại: - Không được đâu! Nhưng đứa bé đã nói rành rẽ: - Con thích cái tên đó hơn. Con là con của người này đây mà! May là khi thằng bé nói điều ấy ra thì không có mặt Năm Hòa ở đó. Do vậy, Nguyệt Ánh dặn con: - Con tên Thông cũng được, nhưng đừng nói với ba con chuyện con là con của ai nghe chưa! Thằng bé chỉ cười chứ không trả lời. Năm Hòa thì vẫn vô tư và vẫn hết mực thương con… Và có một điều lạ là lúc mới sinh thì hầu như ai trong nhà cũng sợ đứa bé, nhưng khi nó lớn lên thì người ta lại thương mến nó nhiều hơn. Bởi hình như thằng bé biết tình cảnh của mình, nên nó tỏ ra ngoan hiền và thân thiện với mọi người trong nhà, nhất là với những gia nhân. Nhờ vậy mà khi được sáu tuổi, tới tuổi đến trường, trong lúc Năm Hòa định rước gia sư về nhà dạy, thì Chín Lài, cô người làm kiêm vú em đã tình nguyện đưa đón thằng bé đi học: - Cô cậu cứ để cho em đưa đón cháu hằng ngày. Cho nó tới trường học thì tốt hơn ở nhà. Nghe vậy thì vợ chồng Năm Hòa cũng nghe theo. Và thật bất ngờ, ngoài sự lo ngại của họ, Thông vào trường là gây được cảm tình ngay với bạn bè, thầy cô giáo. Tuy ngoại hình nó không còn xấu như lúc mới sinh, nhưng dẫu sao gương mặt vẫn còn nét của một con chó… dễ thương. Và chẳng hiểu sao mọi học sinh khác đều không bao giờ chế giễu gì nó cả. Đặc biệt là Thông học hành rất giỏi, vượt xa các bạn cùng lớp! Có lẽ đó cũng là nguyên nhân các bạn thích nó, trong đó có sự nể phục nữa! Mọi việc diễn ra thuận lợi như vậy nên Nguyệt Ánh và chồng không còn phải bận tâm đến “cục nợ” mà họ cứ tưởng mình phải ôm suốt đời! Nhất là Nguyệt Ánh, cô nàng được rảnh tay nên lại trở về với nếp sống cũ, thường đi về Rạch Giá, Sài Gòn, nói là đi giao thiệp làm ăn, nhưng thật ra là để nối lại những cuộc vui thời con gái mà sáu bảy năm nay bị gián đoạn! Chỉ tội nghiệp cho Năm Hòa, kể từ ngày lấy vợ anh ta trở thành một anh chồng hờ đúng nghĩa cứ sống theo sự lèo lái của vợ và chấp nhận vô điều kiện như vậy… Anh ta tự an ủi mình bằng cách lao vào công việc kinh doanh. Từ khi về ở rể nhà Thuận Thành, Năm Hòa được cha mẹ ruột dặn là phải quản lý số tài sản lớn mà ông bà giao cho: Một là số nợ mà ông bà Thuận Thành thiếu, được trừ cấn khi làm đám cưới, được chuyển sang làm vốn cho vợ chồng Hòa qua số xe cộ chạy đưa khách mang tên công ty của cha mẹ vợ, được ông bà Thành hứa sẽ chuyển về cho vợ chồng Hòa quản lý sau ba năm họ chung sống. Hai là số tiền cũng khá lớn được cha mẹ cho trực tiếp Hòa và Nguyệt Ánh để lập một công ty xuất cảng hải sản do Năm Hòa đứng tên làm chủ. Với ngần ấy công việc nên Hòa làm còn không xuể, nói gì chuyện đi đây đi đó cùng vợ. Nên Nguyệt Ánh mặc sức mà kiếm chuyện để vắng nhà. Lại một tấn bi kịch nữa xuất phát từ đây… Vào một buổi sáng… Sau khi đi Sài Gòn suốt một tuần, hôm đó Nguyệt Ánh về nhà lúc nửa khuya. Lại đi với một người đàn ông lạ. Hình như họ vừa uống rượu ở đâu, nên người nồng nặc hơi men… - Mình đi đâu mà mãi tới giờ này mới về tới? Đường sá xa xôi, lại khó đi mà sao không về cho sớm sớm một chút… Năm Hòa chỉ nói có bấy nhiêu đó vậy mà Nguyệt Ánh đã sừng sộ: - Bộ muốn nhốt người ta ở nhà như con chó giữ nhà sao! Đi đâu, về giờ nào là quyền của tôi, việc gì tới mấy người! Ả ta sau khi nói vào mặt chồng một hơi, liền quay sang người đàn ông đi cùng, dịu giọng: - Mông-xừ Lý cứ tự nhiên, nhà này vậy đó, không như vậy không được. Tay đàn ông được gọi là mông-xừ Lý tuy có ké né một chút với Năm Hòa, nhưng thấy Nguyệt Ánh bất cần như vậy, cho nên ông ta cũng mạnh dạn hơn, bước theo vào phòng khách. Nguyệt Ánh gọi lớn vào nhà sau: - Có khách mà sao không ra lo nước nôi gì hết vậy? Tụi bay đâu? Năm Hòa vẫn nhẹ giọng: - Tụi nó đã đi công việc hết rồi, bữa nay phải huy động hết người trong nhà lo cho lô hàng xuất cảng kịp chuyến tàu. - Thì anh lấy giùm mấy ly nước uống không được sao! Năm Hòa nhìn khách cười gượng: - Mời anh ngồi nghỉ, tôi sẽ lo nước nôi cho. Nhà quê, lại làm công việc lu bu nên như vậy đó, anh thông cảm… Lý cũng thấy ái ngại: - Không phải bận tâm đâu, thưa anh… Lúc này Nguyệt Ánh mới quay sang giới thiệu: - Đây là Năm Hòa, ba sắp nhỏ. Còn đây là luật sư Lý, người đang lo công việc cho tôi! Lý bắt tay Hòa, lịch sự: - Bông-rua mông-xừ Hòa. Rất hân hạnh được biết ông. Tôi được cô Ánh… Nguyệt Ánh chặn lại không để khách nói hết: - Tôi có việc phải làm, cần tới luật sư nên nhờ mông-xừ Lý đây về lo giúp. - Nhưng mà… nhà mình đâu có việc gì nhờ tới luật sư? Năm Hòa thật thà hỏi, không ngờ Nguyệt Ánh lại sừng sộ: - Có tôi mới nhờ chứ! Đừng có nói lôi thôi nữa, cứ đi lo nước mời khách đi! Năm Hòa vốn quen nhịn vợ từ lâu, nhưng trước sự quá quắt của cô ả trước mặt khách lạ, thêm nữa là việc cô ả nói nhờ luật sư về làm gì đó khiến Hòa hơi bất bình. Anh vẫn đi lấy nước mời khách, nhưng khi trở ra thì không thể im lặng được nữa: - Mình nói nhờ luật sư đây làm chuyện gì? Nguyệt Ánh không trả lời mà đứng dậy đi thẳng vào phòng ngủ, lát sau mang ra một xấp giấy tờ đưa cho Lý: - Anh xem những thứ này đủ chưa? Vừa nhìn thấy xấp giấy tờ, Năm Hòa đã kêu lên: - Giấy tờ nhà và điền sản, mình đưa luật sư làm gì? Lúc này Nguyệt Ánh mới hét toáng lên: - Lại xía vào chuyện làm ăn của tôi nữa sao! Ừ, nhà của tôi, tôi đem bán đó, ai làm gì tôi? Trước thái độ quá quắt của vợ, dẫu là thánh cũng không nhịn được, nên Năm Hòa quay sang luật sư Lý nói thẳng: - Cái gì thì được chứ ba cái giấy tờ này thì không! Anh đưa lại cho tôi. Anh ta vừa đưa tay định lấy lại thì Nguyệt Ánh đã chụp giữ và xỉa xói: - Anh có quyền gì mà cản tôi? Anh có biết đây là số tài sản cha mẹ tôi, cha mẹ anh cho riêng tôi để anh cưới được tôi không? Đã là của tôi thì tôi có quyền muốn làm gì thì làm! - Nhưng không có nghĩa là mình đem đi cầm cố! Có phải cầm cố không luật sư? Luật sư Lý không chuẩn bị trước tình huống này, nên lúng túng: - Dạ, cái này do cô nhà… tôi chỉ… Nguyệt Ánh vẫn đanh đá: - Không việc gì anh nói chuyện với anh ta! Đấy là nhà do tôi đứng tên, tôi có quyền. Rồi ả kéo tay luật sư Lý đi thẳng vào căn phòng dành cho khách bên trái ngôi nhà, vừa nói trống không: - Tôi làm việc bên này với luật sư, cứ ngủ một mình với thằng Thông đi! Năm Hòa đành nhìn theo bóng vợ sóng đôi với tay luật sư khuất vào phòng kia… Chán nản, Năm Hòa lặng lẽ quay về phòng mình. Anh bắt gặp thằng Thông đứng ở cửa phòng, sợ nó hiểu chuyện người lớn, nên Hòa bảo con: - Thôi, mình vào ngủ đi con. Nhưng thằng Thông vùng vằng: - Ba để con coi họ làm gì. Ba thật là… Sao ba lại để vậy? Không ngờ con mình lại để ý chuyện đó, Năm Hòa vội gạt ngang: - Con đừng để ý chuyện người lớn. Má con có khách cần làm việc, nên… Thông ứng xử như người lớn, nó nhìn cha rồi nhẹ lắc đầu buông một câu: - Ba sẽ nhận hậu quả thôi! Nói xong nó bỏ đi ra ngoài, Năm Hòa gọi giật ngược: - Khuya rồi con không vào ngủ còn đi đâu? Nhưng thằng bé đã bỏ đi luôn. Cái tuổi mười một của nó hình như đã hiểu chuyện gì đang xảy ra trong nhà… Đau cho Năm Hòa là gần như suốt đêm đó, Nguyệt Ánh cùng với tay luật sư ở miết trong phòng, không hề ra. Và nếu tinh ý một chút, Năm Hòa sẽ thấy họ làm việc gì mà đèn trong phòng tắt ngóm… Cái tin động trời loan ra làm cả xóm bàng hoàng: - Một người đàn ông chết trong phòng của Nguyệt Ánh. Khi nhà chức trách tới thì thấy một người đàn ông nằm chết trên giường trong tư thế lõa lồ, còn bên cạnh đó thì quần áo của ông ta và cả đồ của chủ nhà Nguyệt Ánh! Năm Hòa thất thần chạy đi tìm vợ thì chẳng thấy đâu mãi về sau chính thằng Thông chỉ cho ba nó: - Má trốn ngoài bụi tre sau nhà! Khi Năm Hòa ra đó thì thấy Nguyệt Ánh cũng trong tình trạng không mảnh vải che thân, ngồi co ro trong bụi vừa run rẩy vừa kêu cứu: - Làm ơn cho tôi ra với! Năm Hòa phải kêu người làm lấy ra cái mền trùm cho vợ và đưa vào nhà. Nhưng vừa vào tới trong thì cô ả đã thét lên: - Cho tôi ra! Đừng để hắn ta trong nhà! Tưởng ý thị nói tay luật sư, Năm Hòa bảo: - Người ta đem xác anh ta về bệnh viện để khám nghiệm tử thi rồi, đâu còn ai nữa! Nhưng Nguyệt Ánh vẫn sợ hãi: - Còn! Anh ta còn kia kìa! Anh ta sẽ giết tôi mất! Nhìn lại chỉ có thằng Thông đứng đó, Năm Hòa bảo: - Con tiếp ba đưa má vào trong đi. Nhưng thằng bé lặng lẽ quay đi vừa lẩm bẩm: - Con đi đây… Từ khi thằng Thông đi rồi thì Nguyệt Ánh không còn sợ nữa, cô ả để cho chồng mặc quần áo vào và ở miết trong phòng riêng. Đến trưa hôm đó, nhà chức trách tới mời cả hai vợ chồng về trụ sở cảnh sát để điều tra vụ án xảy ra trong nhà họ. Bước đầu, người ta đã kết luận sơ bộ: - Nạn nhân tên Lý, làm nghề luật sư, chết do ngạt thở bởi một chất gây nghiện, nghi là thuốc phiện nguyên chất! Sau khi lấy lời khai đầy đủ cả hai vợ chồng Hòa, người ta đã cho Năm Hòa về, còn Nguyệt Ánh thì bị giữ lại. Một trong những điều tra viên sau khi nghe kết luận đã lên tiếng: - Tôi còn nhớ cách đây hơn chục năm, lúc tôi còn ở ty cảnh sát Rạch Giá, tôi đã chứng kiến một vụ chết người cũng giống như trường hợp này! Nạn nhân lúc đó là Út Thông, con trai của nghiệp chủ Thuận Lợi, anh ta cũng chết khi đang hút á phiện rồi bị sặc mà chết, cũng y như vậy. Chỉ khác là Út Thông đang hút thì bị sặc, còn người này thì không hút mà trong miệng, trong phổi lại đầy những thuốc phiện, kỳ lạ thật… Sau khi tạm giam Nguyệt Ánh vào khám rồi, anh chàng này mới nói riêng với các đồng nghiệp: - Theo tôi biết thì Út Thông ngày xưa là bồ của cô Nguyệt Ánh này. Chẳng hiểu hai cái chết có liên quan gì với nhau không mà cả hai có quan hệ cùng một người đàn bà? Tuy vậy, Nguyệt Ánh chỉ bị giam có một đêm, hôm sau thị được thả ra, có lẽ do Năm Hòa chạy tiền. Kể từ khi về nhà, cô ả cứ nhìn ai cũng chỉ tay và la: - Anh ta kìa! Trưa hôm đó thì có một xe hơi từ Sài Gòn đỗ ngay cửa, ba người đàn ông bước xuống xe đi thẳng vào nhà. Năm Hòa ra tiếp, sau khi hỏi thân thế anh, một trong ba người đàn ông trịnh trọng nói: - Tôi là thừa phát lại Lê Văn Tý, chúng tôi thừa án lệnh của tòa sơ thẩm Sài Gòn, được sự phối hợp của lục sự tòa Rạch Giá, cho phép tôi được đọc lệnh tịch biên gia sản của cô Lâm Nguyệt Ánh, nghiệp chủ, chủ nhân gia sản này và bốn cơ ngơi khác có danh sách kèm theo đây. Lý do: Cô Nguyệt Ánh cầm cố tài sản này cho ông Trần Ngươn, người có đi theo đây đây từ trên một năm nay, đã quá hạn trả nợ mà không có khả năng chi trả, nên trong phiên xử ngày… vừa qua, tòa đã tuyên án tịch thu số tài sản này để sung vào công quỹ, sau đó làm thủ tục trả nợ cho ông Trần Ngươn. Yêu cầu ông cho mời bà Nguyệt Ánh ra ký biên bản để chúng tôi tiến hành làm nhiệm vụ. Năm Hòa hốt hoảng: - Vụ này để cho tôi xem lại! Tôi là chồng cô ấy, tôi đâu biết gì? Vị thừa phát lại nghiêm giọng: - Đây là án lệnh của tòa, mong ông chấp hành cho. - Nhưng vợ tôi hiện đang bị bệnh nặng không thể ra đây được. Vậy có cách nào tôi xin hoãn thi hành án lại một thời gian không? Vị thừa phát lại lắc đầu: - Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành. Ông cứ tuân thủ đi, rồi có khiếu nại gì đó thì gửi đơn lên tòa sau. Giữa lúc Năm Hòa còn đang lúng túng chưa biết phải làm sao thì chợt anh nghe giọng của con trai. Thằng Thông bất ngờ xuất hiện và nói lớn: - Má tôi đang nằm liệt giường, còn ba tôi thì chẳng biết gì vụ này, sao các ông nỡ làm như vậy? Thấy thằng bé tuổi thiếu niên mà ãn nói lý sự như vậy, vị thừa phát lại nạt một tiếng: - Con nít biết gì mà chen vào chuyện của pháp luật! Chẳng những không sợ mà thằng Thông còn hất mặt: - Mấy ông nói có án lệnh của tòa, mà án lệnh đâu, cái gì chứng minh là các ông thi hành pháp luật? Thứa phát lại giận run, nhưng cũng đưa cao tờ giấy lên, dõng dạc: - Đây là án lệnh của tòa! Thằng Thông ngửa mặt cười dài: - Ông làm như ở đây mù hết rồi vậy! Cái đó mà là án lệnh sao? Thừa phát lại giật mình nhìn tờ án lệnh mà chính ông giữ từ Sài Gòn xuống đây, xem và… kêu lên: - Sao vậy nè trời? Trên tay ông ta lúc đó chỉ là một tờ giấy trắng, chẳng có chữ nào! - Sao kỳ vậy? Thông cười to: - Có gì đâu mà kỳ! Các ông lợi dụng chức quyền, muốn dọa nạt người lương thiện hả? Mấy ông đưa án lệnh ra đây, bằng không thì