Snack's 1967

Đọc truyện ma- Một ngày cho một đời

Mùa hè năm 1980, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I tôi về quê ở Kim Thành, Hải Dương chờ quyết định điều động công tác. Nhận thông tin từ một người bạn cùng lớp: “Mày đi Cao Bằng”, động tác đầu tiên của tôi là tìm bản đồ Việt Nam để xác định vị trí của tỉnh Cao Bằng và thấy tít tắp xa! Đến ngày nhận công tác, bà mẹ lo lắng muốn anh trai tôi dẫn đi. Người anh trai là sĩ quan quân đội nói một câu tỉnh queo: “Đường ở mồm”! Thế là khoác chiếc ba lô (người anh cho), trong đó là tư trang cá nhân, tôi lên Hà Nội xếp hàng mua vé đi Cao Bằng. Sáng sớm xuất phát từ Hà Nội, xe chạy đến thị xã Bắc Kạn thì nghỉ để khách ăn cơm trưa rồi mới đi tiếp. Đường ngày ấy ổ gà nhiều, khó đi, lại có trục trặc chút ít về máy móc nên gần 9 giờ tối xe mới tới điểm cuối của chặng đường. Cái háo hức của ngày đầu đi nhận công tác đã dần nhường chỗ cho nỗi lo, xen chút sợ vì đường thì quá dài và nơi đến cũng quá xa lạ. Xe dừng, nơi cần đến tôi cũng đã đến: Thị xã Cao Bằng. Tôi đã từng có ấn tượng rất sâu về một câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều ”Canh khuya, thân gái, dặm trường” và lúc ấy tôi thấy có mình trong câu thơ ấy. Đi đâu, đến đâu trong cái không gian tĩnh lặng, tối trời, và cái tối ấy như đặc hơn ở vùng rừng núi biên cương, nơi mà cuộc chiến tranh biên giới vừa mới đi qua. Quan sát xung quanh, le lói những ánh đèn dầu thắp nơi xa, nơi gần càng làm tăng thêm cái lẻ loi của một thân, một mình. Với bước đi nặng nề, với tâm trạng hoang mang cực độ và thật sự lúc đó nếu có chuyến xe về Hà Nội có lẽ tôi đã bỏ tất cả để quay về. Chưa định hướng được sẽ phải như thế nào tôi chợt nghe thấy tiếng hỏi nhỏ: – Em về đâu? Tiếng hỏi của một người lính cũng đang khoác trên vai chiếc ba lô chiến trận . – Em đi nhận công tác tại Ty Giáo dục (Sở Giáo dục). – Hết giờ làm việc rồi, em có người nhà trên này không? – Em không! – Anh có người quen gần đây, em đến đó nghỉ, sáng mai hãy đến Ty Giáo dục. Một cuộc trao đổi ngắn giữa tôi và người lính. Đương nhiên như “Người chết đuối vớ được cọc”, mừng quá tôi xốc lại ba lô và đi theo người lính với sự tin tưởng tuyệt đối. Trời tối, người lính đi trước, tôi đi liền ngay sau. Con đường đi lòng vòng, men lưng sườn núi vì tôi nhìn thấy mọi ánh đèn sáng đều ở phía dưới. Đoạn đường không phải là xa, nhưng cũng không hẳn là gần nên đi một lúc rồi mà vẫn chưa tới. Cũng vì đi lâu vậy nên từ vui mừng, tin tưởng, tôi lo lắng, nghi ngờ và từ chỗ sợ tối tôi đi liền sau người lính, nhưng giờ thì tôi sợ người nên khoảng cách giữa tôi và người lính cứ xa dần (tôi đi chậm lại!). Cùng với việc giãn khoảng cách với người đi trước, chiếc ba lô tôi đeo ngay ngắn ở sau lưng giờ một bên quai đã rời khỏi vai, chỉ còn một chiếc quai ở bên vai phải để phòng nếu có “Sự cố” thì sằn sàng bỏ của chạy lấy người. Thật may đến lúc lòng kiên nhẫn của tôi không còn bao nhiêu và đang hết sức căng thẳng thì người lính đó nói: Tới rồi! Tôi thở phào nhẹ nhõm, bước vào căn nhà nhỏ ở chân núi. Chủ nhà đã nhanh chóng biết được tình cảnh của tôi qua người lính. Niềm nở và chu đáo tôi được đón nhận cũng ở một căn nhà xa lạ. Thao thức mãi rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết. Cũng vì ngủ muộn nên tôi thức dậy trời đã sáng lâu rồi. Người lính cũng đã trở về đơn vị. Không một lời chào, thậm chí đến tên của người lính tôi cũng không biết (ngày đó tôi nhát và luôn e ngại nên không dám hỏi). Hỏi đường, chào chủ nhà tôi đến Ty Giáo dục tỉnh Cao Bằng. Sau ít ngày nằm chờ tại Ty Giáo dục, tôi nhận quyết định về dạy học tại trường cấp 3 Quảng Uyên, Quảng Hoà, Cao Bằng. Hoàn thành nghĩa vụ 4 năm ở Cao Bằng, tôi về quê tiếp tục công việc dạy học. Từ cái ngày đầu tiên ấy đến bây giờ, 30 năm có lẻ đã trôi qua. Làm một giáo viên rồi được bổ nhiệm làm cấp phó của một ngôi trường, câu chuyện năm xưa ấy tôi đã không thể quên. Có những lúc chán nản vì cuộc sống bản thân không được như mong muốn, có những lúc gặp khó khăn, phức tạp trong công việc,…cái ngày xưa ấy trở về với tôi và trong lòng cảm thấy mềm đi, ấm lại! Không phải là đồng nghiệp, không phải là người thân, không phải là bạn bè mà là một người hoàn toàn xa lạ, một người bất chợt gặp trong một cuộc hành trình. Tôi đã nhận được sự quan tâm từ một người như thế. Sự giúp đỡ thật bình dị, giản đơn nhưng lại vô cùng ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã không hỏi tên, địa chỉ, tôi đã không kịp nói lời chào, lời cám ơn. Người lính ấy đã tình cờ đến và lặng lẽ đi khỏi cuộc đời tôi, nhưng những gì tôi có ngày hôm nay cũng một phần từ hành trang vào đời đó. Sắp được nhận cuốn sổ hưu tôi càng hay nhớ đến câu chuyện khởi đầu sự nghiệp đầy ắp tình người. Viết lại câu chuyện này tôi không hi vọng tìm lại người năm xưa (vì đó là điều không thể và có lẽ người lính ấy cũng đã quên ngay từ lúc đi khỏi ngôi nhà nghỉ nhờ), chỉ muốn được giãi bày một nỗi niềm và gửi một lời cám ơn chân thành trên trang giấy nhỏ (cái điều mà ngày xưa tôi chưa làm được). Và có lẽ còn lí do thôi thúc tôi cầm bút là muốn cho từ trong sâu thẳm lòng mình được vơi nhẹ đi một sự tiếc nuối, một nỗi ân hận vì ngày ấy tôi đã không đi, thậm chí không hề nghĩ tới việc tìm lại ngôi nhà xa lạ và người lính không quen! Lắng nghe cuộc sống xung quanh, ta sẽ thấy những gì mình nên làm và những gì mọi người làm. Đừng bỏ đi, đừng ngoảnh mặt, đừng toan tính, cho dù trước mắt ta là những điều bé nhỏ, bình thường nhất bởi đó chính là cuộc đời của một con người và có thể sẽ là cuộc sống của cả cộng đồng.







Game Hay Nhất
Bài viết đề xuất

Hai tư giờ để sống, hai tư giờ để yêu và cả cuộc đời để thất bại

Hai tư giờ để sống, hai tư giờ để yêu và cả cuộc đời để thất bạiVậy, tại sao có những người sau này ra đời rất hạn...

Truyện Ngắn

08:16 - 23/12/2015

Giống như của con ngựa

Giống như của con ngựa Một hôm có một chàng thanh niên ...

Truyện Cười

19:00 - 26/12/2015

Đọc truyện ma- Đuổi quỷ Full

Đọc truyện ma- Đuổi quỷ Full Một trong những quan ngự y cửa Đức Thành Thái là...

Truyện Ma

10:12 - 10/01/2016

Anh và em sinh đôi

Anh và em sinh đôiTừ lúc bé xíu xiu, anh em sinh đôi đánh nhau như c...

Truyện Ngắn

04:57 - 23/12/2015

Bà chị khó tính

Bà chị khó tính"Kẻ mạnh là kẻ làm được những gì mình thích, kẻ yế...

Truyện Ngắn

03:08 - 23/12/2015