Bà bác sĩ tên Xinh từ phòng cấp cứu bước ra, tiến đến gần anh: Xin chia buồn cùng anh. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng không thể. Chị đã mất. Anh nghẹn ngào, nói: - Các anh chị có chậm trễ, chủ quan từ ngày đầu điều trị vợ tôi không? Anh biết mình muốn gì qua câu hỏi này – đây là câu hỏi sẽ mở đầu cho những suy nghĩ của anh về người đàn bà bác sĩ này, một con người ác tâm, thiếu y đức như anh linh cảm từ lần gặp mặt đầu tiên với một va chạm nhỏ. Bà Xinh lắc đầu, lạnh lùng: - Không đâu anh! - Thôi, dù sao tôi cũng cám ơn các anh, các chị. Vợ anh nằm đó. Không còn thở hào hển, mệt nhọc nữa. Mắt nhắm nghiền, không cái ánh nhìn quyến luyến thiết tha hiền từ khi chầm chậm lướt qua những người thân, và nhất là khi lướt qua anh và con trai. Phương đã chết! Một đạo binh kinh hoàng đang trùng trùng kéo tới xâm chiếm cõi lòng trống vắng của anh. Vợ anh nằm đó, vĩnh viễn thoát khỏi mọi ưu tư, lo lắng về bệnh tật, chết chóc. Anh chưa kịp biết rằng cái mất mát đường đột này sẽ gieo rắc hậu quả lên đời sống anh ghê gớm như thế nào trong những ngày tháng về sau. Anh chắc chắn rằng trong đầu óc đơn giản của vợ anh, chưa bao giờ xuất hiện một mảy may suy tư về sự chết, về siêu hình, về hư vô, về thế giới bên kia, về sự xa cách vĩnh viễn những người thân. Trái lại, một tuần trước khi mất, những dự định về cuộc sống vẫn còn đầy ắp trong nàng. Dự định sống gần gũi hơn với chồng con; dự định sống với một công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe đã suy yếu; dự định sống với những bữa ăn ngon, những đêm nghe nhạc; dự định mua một căn hộ mới sau khi bán căn hộ cũ; dự định một cuộc ra đi lớn, bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn để theo chồng… Gần hơn cả là dự định sống với một bài hát hay nàng hứa sẽ hát tặng ông bác sĩ trưởng khoa… “Lúc nào lành bệnh, em sẽ hát tặng bác sĩ một bài hát.” “Ồ, hay quá! Cô là ca sĩ à?” Tóm lại, cái chết không len lỏi vào đâu được trong tinh thần nàng; nó chỉ xâm chiếm cơ thể nàng lần hồi mà thôi. Khác hẳn với cái chết của những người già yếu, bộ máy tinh thần đã sụp đổ, chết đối với họ chỉ là sự bốc hơi, là dấu chấm hết đặt sau dòng chữ cuối cùng – cái chết của vợ anh đậm đặc quá. Làm sao chấp nhận những phút giây sống động, lạc quan mới đó của nàng giờ đã thành kỷ niệm? Anh cảm thấy mình bị ai lừa một vố nặng – đổi trắng thay đen. Lại cảm thấy như bị vét sạch một cú trắng tay, không còn gì nữa trên đời. Một sự trống rỗng hoàn toàn. Cái năng lực tâm thức dồi dào trong anh luôn ban cho thế giới khách quan (những mối quan hệ, những món nợ đời, những toan tính…) ý nghĩa chủ thể-khách thể giờ đột nhiên ngưng họat động. Và cái thế giới khách quan muôn vẻ, muôn sự đó biến mất! *** Hưởng dương 42 tuổi, vợ anh được hầu hết mọi người đến viếng tiễn cho là “chết trẻ” và vì thế “tội nghiệp quá”, “tiếc quá”. Một bà cụ già hàng xóm trên sáu mươi vừa thắp nhang vừa rấm rức khóc: “Sao con lại chết trẻ vậy hả con, Phương?” Anh đứng bên cạnh bàn thờ, nghe câu hỏi nhói lòng ấy, đầu óc chợt căng thẳng suy nghĩ, cảm thấy như câu hỏi ấy đặt ra cho anh, buộc anh phải trả lời. Người đàn bà già yếu tốt lành kia từng trải một cuộc đời cô đơn túng quẫn – nghĩ gì mà thốt lên câu nói xót thương ấy? Phải chăng bà tiếc cho vợ anh chưa nếm đủ mùi vị cuộc đời? Phải chăng như Herman Hesse từng nói: “Dù cho khổ đau quằn quại mấy, ta vẫn yêu thương trần gian này tha thiết”? Ngược lại, một đồng nghiệp viết văn của anh, vốn ưa triết lý, thì lại nói: “Cuộc đời này chỉ là một giai đoạn trong nhiều giai đoạn khác nhau của kiếp làm người. Bà ấy khôn, chết trước để được chồng con thờ phượng một cách tuyệt đối.” Rõ một giọng bi quan! Anh nhìn người bạn. Hắn bình thản, tự tại quá. Không lộ vẻ gì bi quan qua câu nói đượm màu yếm thế, tiêu cực. Hắn từng nói hắn là tông đồ của Lão Trang, nhưng không như những kẻ hiểu sai hoặc hiểu chưa tới Lão Trang; hắn nói người theo Lão Trang không khinh chê cuộc sống trần gian này, họ luôn luôn sống hòa điệu tinh thần lẫn thể chất mình với sự tuần hoàn của vũ trụ để được sống lâu dài và mạnh khỏe, nhưng nếu như cái chết ập tới hoặc từ từ tiến tới, họ vui vẻ đón chờ, vui vẻ bắt tay, “thần chết ơi, chào mi!”. Hèn gì mà thần thái, phong độ của hắn trông đẹp quá – năm mươi tuổi mà cứ như trai tráng ba mươi. Anh nhìn lên ảnh vợ, cố tìm trong đôi mắt ấy một lời xác nhận: “Vâng, em sung sướng được chết. Anh đừng tiếc thương em nữa, đừng ân hận dày vò làm gì”. Nhưng sự lạnh lẽo càng lúc càng lan rộng trong hồn anh. Không có một âm thanh thần bí nào vang lên. Nhưng đột nhiên một dòng chữ rõ ràng chạy trong đầu anh: “Thượng đế đã ban ơn cho chúng tôi được chết”. Anh nhớ rồi, đây là lời nói sau cùng của Edmund Husserl. Bộ óc Đức vĩ đại này đã tiết ra những ý tưởng đó trong phút lâm chung. Làm sao anh len lỏi được vào trong tâm tư của Edmund Husserl phút giây ông tự tin bộc lộ niềm hoan vui được chết? Cái chết là gì mà quyến rũ vậy? A, hình như một đôi lần, trong thoáng chốc, anh cảm thấy nhẹ nhõm và gần như được giải thoát với ý nghĩ rồi mình cũng sẽ được chết; rồi tất cả những bất hạnh, khổ đau, bất toàn, thất bại của cuộc đời mình rồi sẽ chấm dứt cùng với cái chết. Không có cái chết, con người sẽ đi về đâu? Chẳng lẽ cứ loay hoay với bệnh tật, kéo lê thân xác, cứ mỗi ngày một suy sụp, mỗi lúc một rã rời… làm cho bẩn nhục những ban mai, những trăng sao mặt trời mọc lên thức dậy? Anh muốn nhận mặt, gọi tên thần chết: nó là một cứu cánh tối hậu! Vợ anh, thân xác đã tàn héo, hư hao; nàng cần phải rũ bỏ cái vỏ thể chất đó đi, để cho phần hồn, phần tinh thần của mình được thoát ra, trú ngụ trong anh, trong con và những người thân một cách khác, thiêng liêng. *** Vài ngày sau khi nàng nhập viện, bà bác sĩ Xinh gọi anh ra, nói giọng nghiêm trọng: - Chị bị Lupus ban đỏ! Anh biết bệnh này không? - Không, – anh trả lời trong hoang mang. - Đây là bệnh nan y! Bệnh của chị đang ở giai đoạn bùng phát. - Không thể cứu vãn được? - Trên lý thuyết, bệnh này đối với người này chỉ là bệnh nhẹ, nhưng đối với người khác lại là bệnh chết người. Chị là trường hợp sau. - Nguyên nhân của căn bệnh là gì? Chị biết không? - Tôi không biết. Và y văn thế giới nói là không biết. Người ta chỉ suy đoán có thể là do gen. Vậy là anh sắp mất một người thương yêu anh nhất trên đời này, người bạn đời của anh. Lý trí anh nói vậy, nhưng lòng anh lại không tin vào một biến cố như thế, hay nói đúng hơn anh không cảm nhận được một sự thực bạo liệt như thế. Người ta đã quen hình dung ra hơi ấm của một thân thể, một giọng nói, một tiếng cười hay những lời trách móc, chì chiết, những biểu hiện hờn giận lạnh nhạt của bạn đời mình; người ta không sao tưởng tượng được tất cả những chi tiết thân quen đó rồi sẽ có lúc vĩnh viễn không xảy ra nữa. Bằng lý trí, anh nhìn lên hai vành tai nàng – nhỏ quá; sách tướng nói như thế là yểu mệnh. Anh lén nhìn đôi lông mày nàng – thưa quá; sách tướng nói đó cũng là dấu hiệu yểu mệnh, nhưng niềm tin trong anh mách bảo rồi nàng sẽ lành bệnh, sẽ ra viện, sẽ trở lại đời sống vợ chồng bình thường với anh. Anh nôn nóng mong cái ngày ấy đến. Anh sẽ không quỵ lụy nhờ vả ai nữa, kể cả cái bệnh viện hiện đại vào bậc nhất Việt Nam này. Hai mươi năm trước đây, mẹ anh cũng vào đây, và không bao giờ về với gia đình nữa. (Anh sợ một sự trùng hợp tai ương.) Người ta chụp thuốc mê để mổ thận cho mẹ anh; ca mổ không phức tạp gì lắm, nhưng mẹ anh không tỉnh dậy được vì… thuốc mê quá liều. Bà ngoại anh ***g lộn, đòi kiện tụng. Nhưng cha anh và anh khuyên bà thôi đi, vì nhiêu khê và tốn tiền, tốn thời gian lắm. Cái bệnh viện này hiện đại thật đấy. Những trang thiết bị, phương tiện, giường bệnh, phòng bệnh tối tân; những hành lang sạch đẹp, mát lạnh; những thang máy êm nhanh… Nhưng cái phần hồn của một bệnh viện là y đức và trình độ chữa bệnh, cứu người thì không tương ứng với “phần xác” của nó. Với riêng anh, từ chỗ là nhà thương nó đã trở thành nhà thù oán. Anh cay đắng và cảm thấy đầy ứ trong cuống họng mỗi khi lầm bầm, nhai nghiến cái ý nghĩ đó. Mỗi ngày bà bác sĩ Xinh lại vô tình hoặc cố ý “bổ sung“ thêm một đoạn trong bản án tử hình dành cho vợ anh. Chắc là để tra tấn anh. Hoặc là để trừng phạt anh vì cái tội bất tuân… Hôm ấy, bà Xinh đề nghị vợ anh làm một việc nhỏ (?) – trả lời trước ống kính của đài truyền hình thành phố một vài ý kiến được chuẩn bị trước về vấn đề bảo hiểm y tế. Anh biết chuyện, gạt phắt. Lúc ấy, vợ anh nhìn anh gần như van lơn, như muốn nói: “Hãy cứ nhận lời đi anh. Em như con cá nằm trên thớt của bà ấy mà!”. Anh sẽ không bao giờ quên ánh mắt u buồn, cam chịu ấy của vợ anh. “Chồng mình đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp, nhưng mình không can ngăn anh ấy được, anh ấy nóng tính và cương trực quá”. Đôi mắt nàng lên tiếng. Bà Xinh, sau một thoáng hụt hẫng vì bị từ chối, đã hiện nguyên hình, là đại diện của thần chết, dù bà có làm ra vẻ rất tiếc và thông cảm với những lý do “không” anh đưa ra. Chợt, anh lạnh buốt sống lưng khi bắt gặp cái nhìn đanh ác đầy đe dọa của bà. Và anh trực cảm rằng sinh mạng của vợ anh thực sự đang nằm trong tay bà ta. Cái sinh mạng mong manh dễ vỡ ấy sẽ không được nâng niu; nó sẽ được tự do cuốn theo cơn lốc của sự kết thúc mà không có ai tìm cách giữ gìn níu kéo. Anh không thể nào hiểu nổi, và đã có lúc la lớn lên vì bức xúc, tại sao con người thường có khuynh hướng thích nhìn người khác đi dần vào chỗ chết, thích tìm những bằng chứng, những dấu hiệu cho thấy người kia sắp sửa ra đi khỏi cuộc đời đông vầy này. Tại sao? Phải chăng, một kết thúc hoàn toàn của một người này sẽ để lại thêm đất sống cho hiện hữu thiếu thốn của người kia? Phải chăng, người với người là sói, từ căn tính, nên người này muốn “giết chết” người kia trong thầm lặng, trong vô thức, trong bản năng? Không thể giết người giữa khung cảnh trần thế, người ta tìm cách giết người bằng tư tưởng, để dễ dàng phi tang… Họ nghĩ gì trong đầu khi nói những điều tiên liệu xấu, những linh cảm u tối về sinh mệnh của vợ anh? Phải chăng vì vợ anh đã ngã ngựa giữa đường đời, đã “bệnh hoạn”, tức là, vợ anh đã đánh bạn với cái chết, đã trở thành thù nghịch với sự sống say sưa. Cho nên cần phải thanh toán bệnh hoạn, bằng cách thanh toán cái con người mang bệnh hoạn ấy. Anh từng đọc trong những trang sách của Karl Jaspers câu nói: ‘Bệnh hoạn nói lên cái gì rất nhân thế của con người.” Và anh hiểu, đã là người tất phải mang bệnh, dù sớm hay muộn, dù biểu hiện lên trên cơ thể hay tàng ẩn bên trong cấu trúc của cơ quan nội tạng. Đạo Phật cũng nói “ bệnh” là một trong bốn giai đoạn trong hành trình sinh hoại của con người. Con người sinh ra là để tiến tới cái chết của mình; đó là một suy tư triết lý minh mẫn nhất có thể có cho một con người. Vội vã hay chần chừ, ý thức hay mù lòa thì cũng vậy, tất cả mọi người ai cũng có một sở hữu chung quyết là cái chết, ai cũng được về tới đích cuối cùng của mình. Mỗi ngày trôi qua là một bước dấn thêm về nấm mồ của chính ta, ở cuối đường kia. Mỗi ngày chúng ta chết một ít, để lần hồi tiến đến cái chết toàn phần, toàn triệt. Do vậy, cái hiện hữu tròn đầy của chúng ta đã bị nứt rạn lặng lẽ từng ngày – và sự nứt rạn đó chính là bệnh hoạn. “Tôi bệnh hoạn, vậy tôi là người”; “Tôi bệnh hoạn, vậy tôi tồn tại.” (Để bắt chước cách nói của René Descartes.) Anh giấu nàng những lời nói dữ, những lời nguyền rủa vô tình của mọi người dành cho nàng. Nhưng về sau này, khi nàng đã mất, theo lời kể của cô em gái theo dõi săn sóc nàng trong bệnh viện, thì nàng đã biết tất cả về căn bệnh hiểm nghèo của mình, nhưng nàng không muốn cho anh biết! Và cũng theo lời của cô em gái thì bà bác sĩ đã úp úp mở mở, từng ngày rót “độc dược” vào tai nàng. Nhưng nàng vẫn bình tĩnh, quá bình tĩnh. Đến nỗi bà bác sĩ Xinh đã điên tiết lên. Trong một lần khám cho vợ anh, thấy vợ anh bình thản, bà Xinh hỏi cộc lốc (thật ra là muốn đánh quỵ tinh thần của người bệnh): “Đã biết bệnh gì chưa? Lupus ban đỏ đó. Trời kêu ai nấy dạ thôi!”. Vợ anh nhăn mặt không đáp. Chỉ nắm tay bà Xinh, như để cám ơn đã cho biết sự thật, rồi lặng lẽ khóc. Trời ơi, sao lại có một vị bác sĩ ác độc như thế? Y đức của bà ta ở đâu? Thoạt nghe kể, anh đã bất giác kêu lên như vậy. Nhưng thật ra, anh đã đặt những câu hỏi không đúng luận lý. Vì bà Xinh là một con người độc ác đi làm nghề chữa bệnh chứ bà ta không phải là một bác sĩ đúng nghĩa. Với những con người ác độc bị đưa nhầm vào môi trường đòi hỏi sự nhân ái, vị tha, hiền lành, lương thiện như ở đây, bệnh viện này, thì những ca bệnh đặc biệt hiểm nghèo chính là cơ hội cho cái khối ác trong người họ bộc lộ rõ ràng, đầy đủ nhất. Chiếc áo blouse trắng, những dụng cụ y khoa trong sạch trong tay họ, và đặc biệt sự lạnh lùng chính xác của những quy trình, thao tác điều trị, đã trở thành tấm màn nhung che đậy dã tâm của họ. Không biết tự bao giờ đã ăn sâu trong trí mọi người một ấn tượng rằng, đã là bác sĩ thì không biết xúc động, không nên xúc động, không được xúc động trước tình cảm khổ đau của bệnh nhân. Từ đâu đến một luận điệu vô nhân đạo như vậy? (Sự xúc động thì ảnh hưởng gì ghê gớm đến công việc chuyên môn?) Chắc chắn là luận điệu đó đến từ trong ngành y, và còn chắc chắn hơn nữa là từ một con người ác độc mà tinh thông nghề chữa bệnh, nhưng hắn đã trở thành một cỗ máy, hắn không còn liên hệ với con người bệnh tật trước mặt hắn như liên hệ với một thân phận làm người, mà chỉ như một cỗ máy sinh-vật lý bị thiếu sót, bị hư hỏng, và không được hoàn hảo như hắn. Không xúc động thì không có công cuộc cứu nhân độ thế! Đức Phật Thích Ca, nếu không nhạy cảm xúc động khi thấy những con người bệnh tật, già yếu, khi nghe những tiếng khóc than xót thương người chết, hẳn ngài đã không bỏ cả một giang sơn lộng lẫy của riêng mình để đi tu hòng tìm kiếm cho ra phương thuốc chữa trị cho dứt khổ đau của loài người. Đức Phật là một thầy thuốc vĩ đại! Chỉ có những ai mất hết nhân tính mới không còn xúc động trước khổ đau của tha nhân. Chỉ có những tên đao phủ mới không cần sự xúc động. Vậy mà thật trớ trêu, anh đã gặp giữa khung cảnh dễ gây xúc động nhất này những bộ mặt lạnh lùng, những cử chỉ vô hồn, những lời nói băng giá. Lạ lùng nhất và kinh tởm nhất là khi thấy những cô cậu bác sĩ thực tập, họ còn trẻ nhưng đã kịp khoác lên trên chiếc áo choàng trắng tinh khôi sự khinh bỉ và vô cảm trước bệnh nhân. Những ngày nuôi vợ bệnh, anh còn rút ra một sự thật đau lòng… Cái bệnh viện này đón bệnh nhân như đón những người khách không mời mà đến. Nếu bệnh nhân chết, đó là tất yếu, do bệnh nan y, trầm trọng, do sự ngu dốt, chậm trễ, chủ quan của người bệnh. Còn nếu bệnh nhân đã được lành bệnh, được cứu sống, thì đó là nhờ cái bệnh viện và các quí vị y-bác sĩ kia – họ trở thành những kẻ cứu tinh. Do vậy, sự sợ hãi, quỵ lụy, cầu xin luôn hiện lên trên những khuôn mặt mệt mỏi, buồn lo của các con bệnh. Đây không phải là bệnh viện. Đây chính là tòa phán xét để đưa những con người không may vào địa ngục. Những người bệnh nặng như vợ anh nằm đó để cho bọn họ ngày ngày biểu diễn bộ mặt đạo đức trá ngụy của mình. Anh tưởng như có thể đọc được từng dòng ý nghĩ của bà bác sĩ Xinh: “Tao chưa bao giờ thấy ai chống lại ý kiến bác sĩ như mầy, rồi mầy xem, tao chỉ cần mỗi ngày lơ là với vợ mầy một chút là vợ mầy sẽ nhanh chóng đi chầu diêm vương. Tao sẽ không nói rõ nguyên nhân, diễn biến căn bệnh của vợ mày đâu. Để cho vợ chồng mầy cứ lừa dối nhau, trốn tìm nhau từng giờ từng ngày. Để cho vợ chồng mầy cùng đột ngột kinh hoàng khi cái chết ập đến trên thân xác của vợ mày. Ha ha, tao có dịp trả thù mầy mà vẫn yên ổn lương tâm, vì tao chỉ là kẻ hành quyết, còn bản án tử hình là do vị thần chết mang tên Lupus ban đỏ tuyên quyết.” … Câu nói cuối cùng anh dành cho bà Xinh khi nghe bà báo tin vợ anh đã chết sau hai đợt hô hấp nhân tạo là câu nói không chuẩn bị trước, bật lên từ đáy sâu vô thức. (“Các anh chị có chậm trễ, chủ quan từ khi nhận điều trị vợ tôi không?”) Họ đã cho phép mình có quyền đủng đỉnh chậm trễ, có quyền lạnh lùng chủ quan… Họ cho phép họ tất cả, chỉ trừ trách nhiệm. Họ không giành phần trách nhiệm từ tay của thần bệnh. *** Nàng đã nằm im dưới huyệt mộ. Một tuyệt đối về nàng đã hình thành. Buổi trưa khi từ nghĩa trang trở về nhà, anh kinh hoàng thấy mình bước vào cõi chết do nàng để lại. Anh tìm chiếc chìa khóa để mở ngăn tủ đầu gường ngủ – không thấy! Nàng đã đánh mất nó trong bệnh viện? Ngăn tủ không mở ra được vì không có chìa khóa? Không phải! Chính là vì không còn có nàng nữa. Nên không riêng gì cái ngăn tủ mà tất cả sự vật, đồ đạc, tranh ảnh… trong căn nhà này dường như đã chối từ sự hiện hữu, chối từ sự phơi bày, chối từ sự lên tiếng. Chúng đã chết theo nàng. Cái thế giới đồ vật chung quanh anh đây là thế giới đã bị tước đoạt hết hơi ấm linh hồn nàng thổi vào trong đó. Chúng đang để tang nàng bằng sự câm lặng đáng sợ. Vâng, anh sợ khi phải chạm trán chúng – từ cái chổi nằm ở góc nhà, cái bình nước, những con dao làm bếp, những chai lọ đựng gia vị, cái tivi, cái cassette, cái xe đạp… tất cả đều toát lên sự hờn oán, tất cả đều như muốn lên tiếng nói: “Bà chủ của tôi đâu rồi? Sao không cho “chúng tôi” đi theo bà ấy đến mọi chân trời.” Anh nhớ trong lịch sử Đông Tây kim cổ, các vị vua chúa, các bậc quyền quý khi qua đời đều mong muốn mang theo tất cả những gì thân thiết nhất đời mình. Bởi vì cái thế giới thân thiết mà họ từng là “chủ thể” ấy sẽ không thể nào sống nổi trên cuộc đời này khi không còn họ nữa. “Bà chủ của tôi đâu rồi?” Chiếc xe đạp kêu khóc… Chiếc xe đạp là khách của nàng, không là khách của ai khác, kể cả anh, cho dù anh đã nhiều lần sử dụng nó. Anh tưởng như chiếc xe đạp này không bao giờ di chuyển được nữa! Cái yếu tính của nó là sự-chuyển-động-mang-theo-một-con người-nào-đó đã hoàn tất. Nàng đã mang đi mất rồi cái yếu tính của nó. Và những con dao làm bếp! Anh nhìn chúng đăm đăm, đến mức quên mất đó là vật gì. Ngày trước anh vẫn thường nhìn thấy nàng cầm con dao nhỏ thoăn thoắt gọt trái táo, trái su… và anh hồi hộp sợ lưỡi dao phạm phải bàn tay không cầm dao. Anh vẫn thường thấy nàng cầm một con dao khác, lớn hơn, xẻ bụng một con cá, xắt nhỏ những miếng thịt… Bây giờ không còn nàng cầm lên, những con dao kia đã chết, vì chúng chỉ có thể sống được trong mối tương quan với nàng mỗi trưa, mỗi chiều trong bếp; chúng chỉ thức dậy cái-yếu-tính-cắt-xẻ của chúng trong bàn tay nội trợ của nàng. Anh chưa từng biết thế giới đồ vật dụng sống như thế nào, nhưng hôm nay anh biết thế giới đồ vật dụng cụ chết như thế nào. *** Nhiều tháng đã trôi qua, sự vắng mặt của nàng đã trở thành một thành phần sống động trong đời sống hàng ngày của anh. Anh thấy được sự vắng mặt của nàng trên từng nơi chốn anh đi qua. Chỗ này anh đã ngồi ăn tối với nàng. Con đường kia, anh chở nàng và con đi qua, dừng lại bên hè phố, ăn kem. Nhưng cái quán rượu bình dân anh thường ngồi gần như mỗi ngày, cái quán ấy nàng chưa bao giờ đến với anh, vì vậy sự vắng mặt của nàng ở đó là đậm nét nhất. Và nhiều nơi chốn khác, nhiều không gian khác, nhiều thời đoạn khác. Sự vắng mặt của nàng chiếm hữu trọn vẹn. Sự nhìn ngắm của anh trước những hiện tượng ấy đã bị sự vắng mặt của nàng lũng đoạn. Sự vắng mặt của nàng đã làm héo úa những vẻ mới, vẻ lạ của một ngày, một chiều, một sáng lần đầu xuất hiện với anh. Ngày mai không hứa hẹn gì nữa; một chỗ nào chưa đến không mời mọc gì nữa; vì sự vắng mặt của nàng đã sớm hiện ra ở đấy rồi và làm cho tang tóc tất cả. Bây giờ anh phải sắp đặt làm quen với một thế giới-nơi-nàng-vắng-mặt, một thế giới với những dự phóng không có nàng, những đêm say không có nàng, những đêm không say không có nàng, những trang viết không có nàng, những trang giấy trắng không có nàng…