Hai hàng hoa trên đồi đẹp như một bức tranh. Em ấy đẹp như một bức tranh. Những bức tranh mang lời nguyền.
***
Chiếc xe bắt đầu lao xuống dốc. Qua khỏi con dốc nầy sẽ đến thị trấn, độ chừng dăm phút nữa. Cô cầm chắc tay lái, hơi cố gượng. Hai bên đường chợt hiện ra hai hàng hoa màu vàng chạy dài mà cô không rõ là hoa gì. Cái màu vàng ấy đậm và chói nhưng lại không làm cho cô cảm thấy oi bức, khó chịu. "Lạ, sao lúc nãy khi lên đồi mình không thấy những hàng hoa nầy?". Miệng lẩm bẩm, hai mắt cô vẫn ngó về hai hàng hoa.
Bất chợt, trời đổ mưa. Trên nền trời mỏi, những đám mây đang lừ đừ nhìn nhau, kéo nhau chùng chình lại, rồi gieo xuống đất những hạt li ti, nhỏ nhưng lạnh, quất vào mặt cô đau rát. Gió thốc từng cơn, từ dưới thổi xồng xộc lên đồi, làm cho những hạt mưa cứ quất vào người nhiều hơn.
Mưa càng lúc càng lớn, cô buộc phải dừng xe trước một căn nhà nhỏ bên đường. Căn nhà lợp lá, vách dừng cũng bằng lá, nền đất. Cạnh đấy có vài ngôi nhà cũng nhỏ và lụp xụp giống như nơi cô đang ghé lại. "Chắc có lẽ là một xóm", cô nhủ thầm.
Dắt xe vào mái hiên của căn nhà ọp ẹp, cô mệt mỏi đặt balô xuống chiếc ghế tre dài trước nhà rồi thong thả ngồi xuống. Bên chiếc ghế là bộ tách trà và gói thuốc rê. Bình trà đã đóng cáu vàng nhưng còn nóng, gói thuốc thì nhìn đã cũ mèm, mềm nhũng. Cô nghĩ có lẽ chủ nhà là người nghiện trà nhưng lại ít hút thuốc! Người cô mệt lữ. Đôi mắt lờ đờ cứ nhìn vào những giọt mưa long lanh đang đổ xuống trước mái hiên. Từ phía trong, một người đàn ông trung niên bước ra, ước chừng hơn cô khoảng vài mươi tuổi, cô đoán thế. Người đàn ông hơi bất ngờ trước vị khách lạ, nhận ra vẻ mặt ấy, cô vội đứng dậy gật đầu chào ông ta, ý như muốn xin được cho trú mưa nhờ. Ông ấy cười nhạt.
"Cô định đi đâu?".
Hơi bất ngờ trước thái độ tự nhiên của ông ta, cô im lặng một chút rồi trả lời, giọng dịu dàng:
"Dạ, cháu đến đây du lịch đã hai hôm rồi, thuê phòng trọ ở dưới thị trấn, hôm nay tự dưng lại muốn lên đồi hóng mát, đang định trở về thì trời đổ mưa."
"À, ra vậy".
Người đàn ông bắt chuyện trước, nhưng lại tỏ ra vẻ không quan tâm lắm, sau vài câu trò chuyện, cái im lặng lại tràn về. Cô cảm thấy thật ngột ngạt. Người đàn ông vẫn không nói gì nữa, một người vô cảm - ít ra là trong suy nghĩ của cô. Ngoài trời, mưa vẫn lớn.
"À, tự dưng quên mất, mời cô uống trà".
Cô đang căng đôi mắt tròn xoe nhìn trời thì người chủ nhà ấy rót vội ly trà, tỏ ý như mình sơ xuất, quên mất việc mời khách. Cô đón ly trà từ tay ông và tự nhiên đánh ực, ấm lắm! Cả hai người vẫn nhìn mưa, không nói với nhau lời nào.
Lúc sau, một thằng con trai nhỏ hơn cô chừng dăm ba tuổi, người ngợm ướt sũng, chạy thẳng vào nhà như đang bị ma đuổi. Như gặp được người quen, ông ta nhấc chiếc ghế đặt xuống cho hắn ngồi. Hắn không ngồi, cứ chỉ tay về phía ấm trà, miệng ú ớ cộc lốc:
"Uống trà!".
Tiếng nói kháp kháp, quá khó nghe. Cô cảm thấy hơi khó chịu. Đồ vô phép. Vậy mà người đàn ông vẫn bình thản rót trà đưa cho hắn, không tỏ chút gì khó chịu. Đón ly trà từ tay ông ta, hắn mới chịu ngồi xuống. Uống một ngụm trà, nóng quá, hắn khà khà hơi trong miệng ra, lấy bàn tay quạt quạt cái miệng cho đỡ nóng. Cô cười, hắn làm vậy có ích gì không chứ?
Từ lúc đầu cô đã để ý hắn. Có vẻ gì là lạ. Gương mặt hắn ngây ngô, mặc dầu không đến nỗi xấu xí lắm, đôi mắt với cái nhìn lơ láo của hắn không bao giờ nhắm thẳng vào một đối tượng nào, cứ mơ hồ, bâng quơ. Sự ngơ ngác đó làm cô khó hiểu. Giọng nói của hắn run run như bị tắc nghẹn, rất khó nghe. Đôi vai hắn thường hay run run rất khẽ (cô đã chú ý kỹ và phát hiện điều nầy). Hắn mặc chiếc áo đã thâm kim và bạc màu nhơ nhớp, có vài chỗ rách, mùi mồ hôi bốc lên chua lét.
"Ông Sáu ơi bữa nay con bắt được một con chuột".
Cho đến lúc nầy, khi nghe hắn gọi ông Sáu, cô mới biết cách xưng hô với ông. Đã có đôi lần cô len len thấy ánh mắt người đàn ông ấy lướt qua mình, vẻ dò xét. Cô không dám nhìn thẳng vào ông ta, nhưng ít ra cũng ngấm ngầm để ý mọi cử chỉ của ông ấy. Người đàn ông điềm đạm cố tỏ ra vui vẻ trước mặt hắn:
"Ô, bắt được một con chuột hả? Giỏi quá ta!".
"Một chút con đem qua con với ông nướng ăn nghe!".
"Ừ! Hai ông cháu mình nướng ăn".
Ôi, lũ chuột phát ghét! Nghĩ đến những con chuột đen thui chạy lăng xăng, cô đã thấy rợn óc. Đồ dơ dấy, bẩn thỉu! Lũ chuột ấy mà cũng ăn à? Cô nhún vai: "Những người quái gỡ!". Ngoài trời, mưa đã ngớt dần, cô nhanh chân bước ra khỏi ngôi nhà như muốn tránh những người kỳ dị ấy càng nhanh càng tốt, trước khi bước ra không quên một tiếng cám ơn, rồi leo lên xe phóng thật nhanh.
****
Sau một ngày tắm biển và một ngày hóng mát trên đồi, sự mệt mỏi khiến cô quyết định hôm nay không đi xa nữa, chỉ dạo phố. Thị trấn nằm gần bờ biển nhỏ xíu, buôn bán ít ỏi không có gì đặc sắc. Nhưng điều mà cô cảm thấy thú vị là chỗ khác. Xung quanh thị trấn, những ngôi nhà mọc san sát với nhau như muốn tranh giành từng khoảng đất một. Chính vì thế mà đã chia thị trấn ra thành nhiều ngõ ngách, mỗi con đường, mỗi cái hẻm đều có sự đặc biệt khác nhau, nhưng ngõ nào cũng hẹp và ồn ào. Cô lại thích đi hết những ngõ ngách đó. Vậy là cô cứ đi vòng vèo chỗ nầy sang chỗ kia, có khi lại quay về điểm ban đầu. Thú vị. Cô thích thế. những ngôi nhà có niên đại lâu đời ở thị trấn nầy cũng rất nhiều. Chú ý kỹ thì thấy trước mỗi ngôi nhà đều có đắp nổi những con số ghi lại năm xây cất. Những con số 1963, 1967, 1974, 1979... thường xuyên lặp đi lặp lại trong chuyến đi của cô.
Bên cạnh thị trấn là ngã ba, một ra quốc lộ, một xuống bãi biển và một lên đồi. Như vậy có nghĩa là cũng không xa ngôi nhà của người đàn ông ngày hôm qua. Cô nghĩ mà thấy lạ, sao gần thị trấn lại có cái xóm nghèo nàn đến vậy? "Nhưng sao tự dưng mình lại nghĩ đến những con người đó?". Cô cố xua tan những hình ảnh về mái nhà tranh, người đàn ông vô cảm và thằng con trai không bình thường ấy ra khỏi suy nghĩ của mình. Nhưng dường như cô không quên được. Cô nghe cái mùi hôi chua, khét lẹt của thằng con trai ấy bám víu đâu đây quanh mình.
"Má, má của tao... Má của tao...".
Những tiếng la không biết phát ra từ một xó nào làm cô giựt mình. Một cái giọng như quen quen.
"A! Hông, tao hông chịu... Má của tao! Đừng...".
Cái giọng nói kháp kháp, như bị tắc nghẹn. Hắn! Đúng là hắn rồi, cái thằng con trai ở ngôi nhà ngày hôm qua. Như một phản xạ tự nhiên, cô chạy đến nơi phát ra tiếng la ấy. Những ý nghĩ đang dằn vặt nhau, một bên muốn đến xem có chuyện gì, một đằng lại bảo nên tránh xa những người mạc hạng ấy. Chúng giành giựt từng diện tích nhỏ trong đầu cô. Vẫn suy nghĩ. Vẫn nghe sự tranh giành của trí não. Nhưng đôi chân cô vẫn chạy.
"Đúng là hắn!" - cô thốt lên. Cô quét một tia nhìn sắc lẻm thật nhanh về phía đó. Hoang mang và bối rối. Thằng con trai ấy hiện ra trước mặt cô, xung quanh là một đám thanh niên. Chúng đang chọc ghẹo hắn, xé quần áo hắn, nói những lời khinh miệt "thằng đần", "thằng con của đĩ", "cái thứ nghèo hèn kiết xác". Hắn vẫn khóc và cất lên những tiếng la như lúc nãy, nhưng bây giờ không còn nghe rõ ràng, chỉ ú ớ rất nhỏ "á... ừng... au...". Cô nghe hai tai lùng bùng như sắp vỡ. Hắn nằm sóng xoài, nước vãi, nước mũi trào ra cùng với nước mắt. Một bàn tay của hắn bị chân một thằng nhà giàu giẫm lên rồi xoay xoay đế giày và đè thật mạnh vào mu bàn của tay hắn. Hắn đau điếng, la ré lên, bàn tay như ứa máu. Tay còn lại đang đập đập xuống mặt đường như muốn kêu cứu thì nhanh chóng bị cục gạch từ trên tay một thằng khác gieo xuống. Hắn lại la thất thanh. Cái áo khoác màu xám tro của hắn bị lột ra, chuyền từ bàn chân thằng nầy sang bàn chân thằng khác. Cứ mỗi khi cái áo dừng lại trước bàn chân nào thì bị bàn cái chân ấy chà chà xuống mặt đường rồi hất nhanh sang chân thằng kế bên. Hắn cứ ngó trân vào cái áo, la "má của tao, má của tao...". Dường như chỉ có hắn đang nói chuyện với cái áo và chỉ có cái áo hiểu hắn. Nhưng giữa những lời nói của hắn và cái áo lại nổi lên những tràng cười nặc mùi ngai ngái bẩn thỉu. Tiếng la của hắn trở nên lạc lõng.
Cô cảm thấy bất lực, ít ra là trong lúc nầy. Tại sao cô không thể đến giúp hắn? Tại sao cô không thể la lên rằng tụi bây buông hắn ra? Tại sao? Và nhiều cái tại sao khác... Cô đứng chết trân, nếu không có giọt nước mắt rơi đánh độp xuống mặt đường, có thể cô đã nghĩ mình chỉ là một cái bóng. Cô nghe rõ giọt nước ấy đã lăn thế nào, rơi thế nào. Cô mường tượng lòng mình đang trống hoác trống huơ.
Chỉ đến khi lũ con trai bỏ đi, cô mới nhấc từng bước nặng trĩu đến bên hắn. Hắn bật dậy, làm cô hơi sợ. Bằng hai bàn tay đã đỏ hoe rướm máu và hai đầu gối trầy trụa, thân thể nặng nề ấy uể oải ấy bò về phía cái áo khoác màu xám tro đang nằm trơ bên mé đường. Hắn kéo chiếc áo về phía mình rồi ôm nó vào lòng, rên hư hử. Tự dưng cô hình dung ra có cái gì mạnh lắm, rõ ràng lắm, nó sắp sửa lồng lộn lên, thốc những suy nghĩ của cô lên. Cô đến bên hắn thật nhanh, nắm bàn tay hắn lôi ngồi dậy rồi kéo xồng xộc trên con hẻm chật đi về hướng nhà trọ. Cô không hiểu tại sao mình lại quan tâm hắn, nắm tay hắn kéo đi ngoài đường mà lại không sợ người ta dòm ngó? Không hiểu. Con người là sự kết hợp của tỷ tỷ duyên cớ mà không ai có thể hiểu nổi, kể cả chính mình.
"Em ở đây chờ chị!". Nói một câu cụt ngủn, cô bỏ hắn trước cổng nhà trọ rối tất tả chạy vào trong, một lát sau dắt ra chiếc xe máy của mình. Hắn vẫn đứng đó, cắm chân ở đó, mắt lơ láo luôn nhìn vào chiếc áo lạnh đã nát nhừ. Hắn nhìn, rồi cười, rồi lại khóc. Cô không hiểu một chút xíu gì từ những việc làm của hắn.
"Chị chở em về nhà nhe?".
Hắn lắc đầu.
"Nhà em ở đâu?".
Lại lắc đầu nguầy nguậy.
Biết không thể nào giúp gì hắn được, cô dìu hắn lên xe. Chiếc xe rù ga thật mạnh, lao đi để lại trước cửa nhà trọ một đám khói mờ mờ. Phía trước là ngọn đồi có hai hàng hoa màu vàng.
***
Ông Sáu lấy khăn lau mặt, lau tay cho hắn, hơi rướm máu nhưng không sao, chỉ trầy xước ngoài da. Hắn vẫn khóc, khóc từng đợt từng đợt một, trong tay vẫn ôm ghì cái áo. Ông Sáu hỏi:
"Sao con khóc hoài vậy? Con còn đau chỗ nào hả?".
Hắn nhìn ông. Lơ láo. Hồi lâu mới khẽ trả lời:
"Cái áo...".
"Cái áo bị làm sao?".
"Cái áo của má cho con... cái áo rách rồi...".
Rồi hắn lại khóc hư hư.
Đến bây giờ cô mới hiểu câu "Má của tao..." lúc nầy hắn la lên là ý muốn nói cái áo ấy của má hắn cho. Ông Sáu cầm chiếc áo lên xem, nó đã nhàu nát, rách rất nhiều chỗ, cứ như vừa bị bào mòn. Ông nhìn nó tội nghiệp, hốc mắt sâu của ông ư ứ nước.
"Thôi được rồi, để lát nữa ông Sáu vá lại cho con nghe!".
"Vá lại có đẹp như hồi trước không?".
"Đẹp, y chang vậy đó!".
Nói rồi ông quay mặt ra sau, mắt đã đỏ hơn, ướt hơn. Ông lẩm bẩm như không muốn cho hắn nghe: "Tội nghiệp thằng nhỏ, chắc đây là thứ duy nhứt được má nó cho". Từ ông Sáu, cô biết thêm nhiều về hắn...
Hắn là một đứa con mà người mẹ không muốn cho có mặt trên cõi đời nầy. Đúng hơn, hắn là một ngôi sao chổi, một nghiệp chướng, một cục nợ đời. Má không thương hắn, hàng xóm cũng chẳng ai ưa. Nhà hắn còn người bà ngoại đã già. Dường như trên đời nầy chỉ có bà ngoại và ông Sáu thương yêu hắn. (Nhưng bây giờ cô phát hiện ra có lẽ còn có thêm một người nữa). Xung quanh hắn luôn là những lời khinh miệt, chửi rủa của mọi người, hắn đi đến đâu cũng bị người ta chọc ghẹo. Đại loại như chuyện hồi sáng mà cô đã thấy. Có lẽ, cuộc đời hắn đúng là nghiệp chướng!
Chẳng ai biết cha hắn là ai, hắn được thành hình trong bụng mẹ từ lúc nào. Người ta chỉ thấy má hắn và một người đàn ông khá giả từng đi lại với nhau thường xuyên trong một thời gian dài. Có người thắc mắc hỏi: "Con nhỏ với thằng cha đó là vợ chồng hả? Hồi nào vậy?". Không ai biết điều đó, ngay cả bà ngoại hắn. Ít lâu sau đó, má hắn trở về thị trấn với cái bụng bầu to tướng, còn người đàn kia thì không còn gặp lại nữa. Có lẽ ông sẽ tìm một cô gái khác, đẹp và dại dột như má hắn vậy. Người đàn bà ấy nghĩ thế nên sự oán hờn, căm tức cứ lớn dần theo độ lớn của bào thai trong bụng mình. Có lúc bà đã định bỏ cái thai nầy, nhưng không nỡ.
Ngày hắn ra đời, im ắng, không một tiếng khóc. Má hắn như ngộp thở, cứ sợ con không sống. Nào ngờ, hắn vẫn sống. Nhưng bác sỹ nói hắn bị kém trí bẩm sinh. Người đàn bà ấy đau đớn lần thứ hai. Đứa con của bà mãi mãi sẽ không biết gì, chẳng làm được gì trong cuộc đời nầy nữa, cứ sống ngoan hiền như một con mèo, chỉ biết nằm đó rồi bò đi loanh quanh kêu vài tiếng. Có lúc má hắn định bóp mũi hắn cho chết hay cứ đem bỏ ngoài đường, sẽ có người nhặt về. Đôi lần người đàn bà bà đã đến cô nhi viện, chỉ cần buông cái tay nặng nề đang ẵm khối thịt đỏ hỏn ấy xuống thì sẽ xong mọi chuyện. Nhưng, bà không thể!
Vậy mà không như bà ấy nghĩ. Hắn không nằm một chỗ như con mèo ngoan mà nói nhiều, đi khắp nơi, làm tất mọi việc. Nhưng lúc nào cũng bị người ta ghét bỏ. Hắn nói ồm oàm khó nghe, đi lung tung khắp nơi mà chẳng mục đích gì cả, những thứ hắn làm đều không ra trò trống gì. Nấu cơm cơm sống, rửa chén chén bể, cầm vật gì đưa cho người khác cũng rớt hai ba lần, mặc áo trái, mang dép ngược, trên mình lúc nào cũng dính đầy bụi đất, bùn sình... Đến chuyện tắm rửa của hắn đôi khi cũng còn dính lại trên người vài vệt bọt xà bông. Mỗi lần như vậy má hắn nắm cả cái đầu tóc ngắn ngủn xác xơ ấy lôi sền sệt ra nhà tắm tắm lại. Vừa xối nước bà vừa kỳ cọ thật mạnh như muốn xé da xé thịt con mình. Trong mắt bà, hắn là thứ ô uế lắm, nhơ nhớp lắm. Má mạnh tay đau quá làm hắn khóc ré lên. Bực dọc, bà tán vào mặt hắn một cái nghe chan chát. Hắn bù lu bù loa chạy đến bên bà ngoại, chỗ dựa duy nhứt còn sót lại trong cuộc đời đen tối của hắn lúc nầy.
"Có lẽ má thấy em ấy dơ vì em là dòng máu của người đàn ông bẩn thỉu đó", cô nói điều mình suy nghĩ với ông Sáu, ông không trả lời.
Tướng đi của hắn, việc làm của hắn làm má ghét. Ngay cả giọng nói kham kháp khó nghe cũng đủ để má hắn bực dọc một cách vô lý. Mà hễ bực thì bà ấy sẵn sàng chửi bới, rủa xả, đánh đập. Hầu như ngày nào hắn cũng bị má chửi, toàn những câu tục tĩu, khó nghe. Không biết từ đâu mà người đàn bà ấy có cả một kho một lố từ ngữ sặc mùi chợ búa, hôi tanh. Cứ mỗi lần hắn bị người ta chọc, bị đánh, vác cái mặt mếu máo về nhà thì má lại càng ghét hắn hơn. Và sau đó đến lượt bà đánh hắn. Cứ sau mỗi tiếng chửi thề người mẹ ấy lại lấy cây roi quất vào mông, vào chân, vào lưng và cả vào mặt con mình, sưng phù.
"Má hắn nghĩ rằng tại sao mình lại sinh ra một thằng con bịnh hoạn để cho người ta mặc sức mà chọc, mặc sức mà đánh, mặc sức mà đem ra làm trò đùa. Bà ấy đánh là vì tủi nhục hay vì bà đau?". Cứ mỗi khi ông Sáu ngừng kể là trong đầu cô lại hiện ra hàng tá câu hỏi. Không có lời đáp.
Tội nghiệp bà ngoại hắn. Cứ mỗi lần thấy cháu bị đánh, bà lại la lên, cố muốn một người nào đó tình cờ đi ngang qua nghe thấy sẽ rũ lòng thương và bước vào giúp lấy đứa cháu tội nghiệp của bà. Bà khóc, bà la đến khàn cả giọng. Cả bầu trời vẫn đặc quánh, lặng thinh. Không ai đến giúp bà, dù họ có nghe tiếng la của bà. Bởi vì đơn giản, không ai ưa cháu bà. Càng không ai muốn xen vào chuyện của người mẹ hung tàn, không ai muốn dính dáng tới gia đình gái điếm, hạng mạc - như mọi người vẫn nghĩ.
Dường như cuộc đời của hắn chỉ vòng quanh cái thị trấn nầy. Mà cũng phải thôi, hết lên dốc ghé nhà ông Sáu lại xuống chợ, loanh quanh mấy quán ăn uống, tiệm tạp hóa nhưng chẳng mua gì, chỉ đi ngang rồi dòm dòm ngó ngó. Hắn bị chọc nhiều, bị đánh nhiều, và cũng khóc nhiều. Không biết cơ man nào mà chừng. Chuyện hồi sáng cô thấy hắn bị đánh chỉ là một trong những lần như vậy.
Cô nghe sống mũi cay cay.
Chiều xuống, con dốc bên đồi vắng dần. Cô quày quả lấy chiếc xe vẫn còn mỏi nhừ của mình để chở hắn về nhà. Ông Sáu đã chỉ nhà hắn, cô sẽ dễ dàng tìm thấy và đưa hắn về tận nơi. Chiếc xe bon bon lăn xuống con dốc dài, người lái xe dường như chẳng để ý gì đến xung quanh. Mà cũng không cần phải lo gì với con đường vắng vẻ thế nầy, giờ đây chắc chỉ có duy nhứt chiếc xe của cô trên đường. Trong đầu cô lúc nầy hình như chẳng còn gì cả, trống rỗng. Mà cũng chẳng phải. Hình như nó đã chật kín cả rồi, toàn là những mảnh cắt dán vụn vặt của một bức tranh nhiều màu sắc. Một bức tranh mang lời nguyền!
Bất chợt, hắn la toáng lên: "Má!" làm cô phải ngừng xe lại. Chưa kịp định thần cô đã thấy hắn nhảy tót xuống xe, chạy như bị ma đuổi, những tiếng "má... má..." vẫn không ngớt vang lên. Nhìn về hướng hắn đang chạy đến, cô thấy một người đàn bà ăn mặc sang trọng đang bước lên chiếc xe bốn chỗ cùng với một gã đàn ông trung niên. Nghe tiếng gọi của hắn, bà quay lại nhìn với đôi mắt sắc lạnh, hình như không có một tý xúc cảm nào trong ấy. Bà bước lên xe. Những tiếng kêu của hắn vẫn vang lên đều, hòa với tiếng đôi chân đang chạy và tiếng khóc hu hu như bị ai đánh. Nhưng hắn vẫn chưa kịp đến được chiếc xe thì nó đã lao đi rất nhanh, trượt đến cuối con dốc, luồng sâu vào thị trấn rồi mất hút.
Hắn không còn chạy nổi nữa, quỵ xuống, hai chân vẫn cố bò đi, kéo lê cái thân hình xộc xệch của mình về phía thị trấn. Nước mắt nước mũi lem luốc cả khuôn mặt. Tiếng kêu má, tiếng lê dép, tiếng khóc... bị kéo dãn ra, hòa lẫn vào bao thứ âm thanh ngổn ngang khác xung quanh, nó tan dần, tan dần rồi như biến mất. Phía trên dốc, cô đứng chết trân. Đôi mắt cô không còn cử động nữa, hai bờ môi bị gió phả vào, khô khốc. Hai bên mũi cô, những giọt mằn mặn chảy xuống.
Đằng sau lưng, hai hàng hoa vẫn trải một màu vàng xa tít. Nhưng cô cũng không rõ đó là loài hoa gì. Hai hàng hoa trên đồi đẹp như một bức tranh. Em ấy đẹp như một bức tranh. Những bức tranh mang lời nguyền.
Tự dưng cô nghe văng vẳng đâu đây cái mùi hôi chua khét lẹt và tiếng kêu "Má... má...".
Vĩnh Thông