Đem nắng ra hong


Chẳng có một đứa con nào đủ lớn trong mắt cha mẹ cả. Nhất là những đứa con trai trong mắt người cha. Rồi một ngày cậu sẽ thấy cậu nhỏ bé thế nào trước ba.


***


3 giờ sáng tôi tỉnh giấc, lồm cồm bò dậy vơ lấy cái điện thoại đang ở góc giường. Vẫn chẳng thấy một tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ nào. Tôi đang bị bỏ lại đằng sau cái thế giới này à? Cả ngày không một ai nhớ đến sự tồn tại của tôi. Tôi bắt đầu thấy nản cái cuộc sống này. "Có lẽ ngày mai tôi sẽ đi cầm cái điện thoại này-ở một tiệm cầm đồ nào gần nhất!" cái ý nghĩ khôi hài đó chợt nảy ra trong đầu tôi- một thằng con trai lúc nào cũng kè kè cái điện thoại trong tay còn hơn cả ý thức về một mối quan hệ nghiêm túc với cô bạn gái của mình. Tôi đang tự kỷ sao? Việc thức giấc bất chợt như thế làm tôi không tài nào nhắm mắt lại ngay được. Sáng mai tôi có một môn thi hết môn và lúc này thì tâm trí tôi đang chạy lòng vòng quanh mấy ý nghĩ vớ vẩn chẳng liên quan gì tới môn thi. Bên ngoài tời đang mưa nhưng cái nóng hậm hực được hun cả ngày vẫn chưa chịu buông tha thành phố. Sài Gòn tháng Sáu, mưa và nóng. Tiếng mưa cứ rả rích bên hiên, trong phòng tiếng quạt máy vẫn chạy ù ù, tôi lười biếng kéo tấm mền mỏng chùm lên đầu, cố dìm mình vào giấc ngủ...


6giờ sáng tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông của cái điện thoại. Nó làm tôi phát cáu. "Sao lại chọn cái nhạc báo thức rẻ tiền đấy chứ"- tôi làu bàu nhưng cũng hậm hực tung chăn nhấc cái thân hình mệt mỏi khỏi giường. Tôi đã chào nó như thế, một ngày mới.


Đem nắng ra hong


Những gói mì ăn liền, với một tên con trai như thế là quá đủ cho một chế độ ăn gộp những tiêu chí: nhanh, gọn, nhẹ và rẻ. Đó gần như là nguồn dinh dưỡng chính của tôi- kể từ ngày quyết định ra ở riêng để thỏa mãn lòng hiếu thắng và cái tính ngang ngạnh của mình. Hai tháng- kể cho đến lúc này, tôi vẫn thấy mình ổn. Nhưng rồi chợt nhận ra mình thèm canh chua cá lóc của mẹ và nhớ vị đắng chát món nước chè của ba. Nhưng tôi chưa thật sự muốn về nhà, ngay lúc này. Rồi ý nghĩ về môn thi sáng nay làm tôi bật ra khỏi những suy nghĩ đó. Tôi vội vã cho xong bữa sáng và dắt con xe lao vút đến trường. Việc mất ngủ những ngày qua vì học cho phần kết thúc môn làm mắt tôi đỏ lên... nhưng tôi cũng đang nhớ nhà... tôi gạt phăng đi mọi ý nghĩ và tôi nhắc lại cho chính mình, để nhớ "mày là một thằng con trai! Nghĩ khác đi nào."


Sáng sớm mà đường đông nghẹt người. Lúc này, mọi suy nghĩ tan đâu hết, mục tiêu lúc này-6h25' sáng, là làm sao để vượt qua biển người và những cái cột đèn đỏ kia để đến trường đúng 7h. Tôi phát cáu khi phải đi rồi dừng rồi lại đi rồi lại dừng để ngóng lên cái cột đèn đỏ. Tôi thấy mình sắp chết nghẹt giữa mấy con đường này và những chiếc xe to nhỏ thi nhau nhả khói. Tôi sắp muộn buổi thi cuối học kỳ vì tắc đường! Ở Sài Gòn bao nhiêu năm rồi mà sao tôi lại quên đi cái điều ngớ ngẩn này nhỉ?


9h sáng, tôi có thể thở phào vì đã hoàn thành bài thi cuối, không tệ. Năm hai, tạm biệt nhé!- tôi thầm cười đắc thắng, đứng trên lầu ba nhìn xuống sân trường, nhiều hoa phượng đã tàn, tôi nheo mắt tìm một bóng dáng quen... chắc là về mất rồi- tôi tự nhủ. Lấy tay móc cái điện thoại trong túi quần ra xem, 9h còn sớm chán. Tôi chưa muốn về phòng dù trước đó, đây là điều tôi mong ước nhất nếu tôi có ba điều ước... và thật tức cười là tôi sẵn sàng đổi cả ba điều ước đó chỉ để được về nhà và ngủ bù một giấc, thật ngon. Nhưng giờ, khi cơn buồn ngủ qua đi tôi lại thấy mình thật ngớ ngẩn và trẻ con khi mà đem cả ba điều ước đi đổi lấy một giấc ngủ vô nghĩa- với lúc này! Tôi muốn về nhà, muốn thả mình xuống cái đệm êm ái. Muốn nhìn ba bận rộn với mấy ông bạn cờ. Muốn làm nũng mẹ để ngày nào cũng được ăn canh chua cá lóc... Tôi, một thằng con trai quyết định bỏ nhà đi "bụi", 21 tuổi, tôi nhớ nhà! Mẹ thỉnh thoảng cũng gọi điện cho tôi, nhưng tuyệt nhiên ba thì không. Và với bản tính cứng đầu và hiếu thắng, tôi cũng không nhắc tới ba. Nhưng tôi vẫn muốn ba gọi cho tôi trước. Đột nhiên tôi thấy ghét cái điện thoại của mình ghê gớm. Tại sao nó lại không hối thúc cái điện thoại của ba gọi cho tôi, chúng là một cặp được ba mua cùng nhau cơ mà... Tôi tự hỏi "đây là một kiểu mất tín hiệu sao?"


2 tháng trước...


- Ba, con sẽ nghỉ học- Tôi rụt rè nói với ba điều mà tôi suy nghĩ từ rất lâu, đã đề cập đôi lần nhưng chưa bao giờ quả quyết như thế này. Đêm qua tôi quyết định sẽ nói với ba. Đó là một quyết định khó khăn. Bữa sáng có vẻ trở nên nặng nề. Không ai nói câu gì, tôi vẫn cúi mặt nhai miếng bánh mì mẹ vừa làm cho tôi.


- Con vẫn cứng đầu không chịu hiểu ra mọi thứ ba đã nói trước đây sao? Giọng ba chậm dãi. Tôi chẳng ngạc nhiên gì về thái độ của ba lúc này. Tôi đã nói với ba cả chục lần trước khi tôi quyết định thi đại học theo ý ba và anh trai, rằng tôi không thích ngành này, rằng tôi muốn làm theo cách của tôi. Công nghệ thông tin không làm tôi hứng thú. Cái tôi đam mê là được rong ruổi khắp các nẻo đường, được đi và đi. Mẹ không nói gì, chỉ lặng lẽ dùng hết bữa sáng và đứng dậy thu dọn mấy cuốn sách đang nằm ngổn ngang trên mặt bàn cho vào chiếc balô của tôi... Tôi biết mình đang hành động ngu ngốc, theo cách của một thằng con trai chưa đủ lớn.


- Nếu con cứ nhất quyết làm theo ý mình thì hãy chứng minh là con đã đủ lớn để đi và sống theo cách của mình. Khi nào cho cha thấy con đã đủ vững để chạy trên đường một mình, con có quyền tự quyết định tương lai của con – Ba nói khi mở cửa cổng cho tôi dắt xe ra khỏi nhà để đi học. Đây là lần đầu tiên ba nói với tôi như vậy. Nghe xong những lời ba nói, tôi như một con ngựa non được thả chạy trên đồng cỏ, thỏa mãn cái sự tự do đã bị đánh cắp từ lâu... Nhưng tôi lại không biết phải chứng minh như thế nào. Cái ý nghĩ đó đeo tôi cả buổi học.


Buổi tối sau bữa cơm, tôi quyết định nói với ba:


- Ba, con sẽ chuyển ra ngoài ở một thời gian – tôi ngập ngừng nói với ba.


- Con định làm gì nữa đây? Con nghĩ gì vậy hả Đức? Mẹ sửng sốt trước câu nói của tôi.


- Con muốn chứng minh mình đã lớn bằng cách này à? Ba dời mắt khỏi màn hình TV, nhíu đôi mày lại hỏi tôi. Tôi thấy mình như co rúm lại trước cái nhìn ấy, tôi đang sợ. Nhưng tôi quả quyết:


- Vâng! Con muốn tự lập!


- Đức! con...


- Thôi, mình cứ kệ nó – Ba chặn ngang lời mẹ, rồi quay sang tôi – Được, miễn là đừng bỏ học. Con được mang xe máy của mình cùng với những vật dụng cần thiết. Đừng về nhà với vẻ của một thằng nhóc đi bụi trở về.- Nói rồi ba bỏ ngang chương trình thời sự, đi thẳng lên phòng. Tôi biết ba đang giận.


.....4 ngày sau khi tôi quyết định ra ở trọ bên ngoài, anh Tâm- anh trai tôi, đang công tác ở một thành phố khác biết chuyện. Anh gọi điện nói chuyện với tôi nhưng vì muốn chứng minh cho cả ba và anh thấy tôi đã đủ vững để làm những điều mình muốn. Tôi không về.


Những ngày sau đó...19 giờ chúng tôi mới được trả tự do sau buổi học tăng ca. Tôi mệt và đói lả. Đây là ngày thứ 7 tôi ra ở một mình.


- Đi ăn tối nha Nguyên – tôi khoác balo lên vai, một lời mời có lẽ là hợp lý lúc này.


- Cậu không về nhà ăn tối hay sao mà định đi ăn cơm bụi vậy? Nguyên nhìn tôi ngạc nhiên. À thì ra cô ấy vẫn chưa biết gì về quyết định của tôi – Đức dọn ra ở bên ngoài rồi.


- Sao vậy? Có chuyện gì à? Nguyên thắc mắc. Tôi nói hết mọi chuyện của mình. Nguyên là cô bạn thân trên lớp đại học của tôi. Tôi cũng có tình cảm với cô ấy. Cô là một cô gái tỉnh lẻ lên thành phố học. Nguyên không xinh, với nước da nâu và vẻ bề ngoài bình thường, nhưng mạnh mẽ và hiểu biết đó là những gì tôi nhận thấy ở cô..và tôi thích cô vì sự khác biệt ấy. Nhưng tuyệt nhiên tôi lại không bày tỏ tình cảm của mình với Nguyên. Những điểm chung về tính cách đã biến chúng tôi thành bạn thân hơn là một cặp đôi.


- Ba cậu đã đúng. Chẳng có một đứa con nào đủ lớn trong mắt cha mẹ cả. Nhất là những đứa con trai trong mắt người cha. Rồi một ngày cậu sẽ thấy cậu nhỏ bé thế nào trước ba.- Nguyên ngồi sau xe tôi, giọng lặng lẽ. Tôi chở Nguyên về phòng trọ của cô và chạy về phòng trọ của mình. Hơn 19h, đường vẫn đông đúc, những cột đèn cao áp nhả ánh sáng màu vàng lênh láng trên mặt đường vừa ngớt cơn mưa chiều. Hơi mưa làm tôi thấy lạnh... Cái quần jeans bụi cùng với chiếc áo sơ mi caro bạc màu làm tôi thấy mình nhem nhuốc trong bóng tối- sáng nhập nhòe của con đường dẫn vào khu nhà trọ. Lặng lẽ.


Hiện Tại....


Khải- thằng bạn thân từ thời cấp II của tôi lúc nào cũng tắt điện thoại. Chẳng thể nào liên lạc nổi với nó. Có lẽ giờ nó đang ở tận Tây nguyên cũng nên. Còn Nguyên thì mải mê với những việc làm thêm hè. Ai cũng bận, có lẽ chỉ tôi rảnh rỗi. Ba vẫn chưa gọi điện cho tôi. Cảm giác ngột ngạt, tù túng và vô dụng khiến tôi muốn xách xe ra và chạy lòng vòng quanh thành phố. Hôm nay tôi chẳng có tiết dạy thêm tiếng anh nào cho lũ nhóc siêu quậy gần xóm trọ. Tâm trạng tôi hỗn mang như một thằng nhóc đang lớn!


Buổi chiều muộn Sài Gòn lại bắt đầu trở mưa. Một trận mưa to. Tôi không tránh mưa trong một quán café hay một tiệm trà sữa nào đó như mọi khi. Tôi quyết định cùng với chiếc xe máy đội mưa về phòng trọ. Những hạt mưa to theo gió ngược chiều phả mạnh vào mặt tôi, đau rát. Chốc chốc tôi lại lấy tay quệt đi dòng nước mưa đang làm mắt tôi đỏ lên. Tôi nhớ ngày bé hai anh em tôi tắm mưa và bị ba đánh đòn, sau này lớn hơn một chút hai đứa vẫn thi thoảng lén ba tắm mưa và kết quả là bị cảm sốt. Lúc này, tôi có cảm giác mình như một thằng nhóc đang lén ba tắm mưa, bất giác tôi mỉm cười.


Tôi bị sốt li bì hai ngày sau đó. Người tôi nóng ran lên, quay cuồng và đau buốt, cổ họng khô rát và miệng thì đắng ngắt. Trong căn phòng nhỏ tối om, chỉ có vài tia sáng len lỏi qua khe cửa sổ bò lên những gì còn ngổn ngang trong phòng. Cái điện thoại thì hết pin, tôi chẳng buồn sạc. Những gói mì trên bàn làm tôi thấy rùng mình. Chiếc laptop trên bàn đang sáng báo có tin nhắn trên facebook. Tôi chỉ lơ mờ nhìn ra đó là tin nhắn từ Nguyên rồi mọi thứ trước mắt tôi tối dần.


Tỉnh dậy tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng lạ hoắc. Bệnh viện! tôi nhận ra thứ mùi thuốc hỗn tạp đặc trưng. Nguyên đang dỡ cái cặp lồng cháo ra đặt lên cái bàn ở đầu giường bệnh. Mặc dù đầu còn đau như muốn nổ ra và miệng thì khô khốc nhưng tôi thấy đói và muốn ăn cháo. Nó làm tôi nhớ tới tô cháo giải cảm của mẹ nấu. Nguyên càm ràm tôi cả buổi sáng về cái tội coi thường sức khỏe, tôi chỉ cười. Thực ra thì trong đầu tôi đang nghĩ liệu ba mẹ có biết tôi đang nằm viện hay không? Tôi không hỏi Nguyên về điều ấy. Tôi sợ tôi đang thất bại trong con mắt của Nguyên như một thằng trẻ ranh hiếu thắng.


- Cảm ơn cậu!- chẳng hiểu sao tôi lại buột ra cậu ấy trong khi một nửa não tôi đang bận nghĩ đến một điều gì khác nữa.


- Đừng vội, ông bạn. Ăn đi để mà trưởng thành.- Lời nói của Nguyên động chạm tới lòng tự ái của tôi, tôi không nói gì thêm. Có lẽ hiểu ra điều gì đó khác lạ từ thái độ của tôi nên Nguyên không châm chọc gì thêm. Cô ấy nói có việc phải về và bảo tôi cứ yên phận, buổi trưa cô sẽ quay lại. Tôi mệt mỏi nằm dài trên giường bệnh. Bên ngoài nắng đã bắt đầu gắt gỏng.


-Ngày mai cậu sẽ được xuất viện. Tiền viện phí tôi cho cậu mượn. Khi nào có trả - Nguyên nhìn chiếc đồng hồ đeo tay rồi nhìn tôi- 11h, ăn trưa thôi. Ở đó tôi đi lấy đồ ăn cho cậu.- Nhìn vẻ vội vã của Nguyên tôi thấy tội tội cô bạn. Trưa nắng nóng mà còn phải đi làm thêm rồi lại lao đến đây để chăm sóc một đứa trẻ to xác như tôi. Tôi thấy mình cần phải rời khỏi cái giường bệnh này chốc lát để xua đi những sự so sánh vớ vẩn đang chuẩn bị tóm gọn cái đầu tôi. Tôi kéo tấm rèm cửa sổ ra, ánh sáng chói chang làm tôi thấy quáng phải dụi mắt một hồi. Ở đây có thể nhìn xuống được phía cổng bệnh viện- nơi hàng tá quán bán đồ ăn, tôi có thể thấy Nguyên từ trên đây.


...Mắt tôi cay xè, tôi nhìn chiếc xe máy cùng dáng dấp thân quen xa dần phía cuối đường giữa cái nóng nung trưa hè , xa nhưng rất rõ...Tôi nhận ra ai đó. Nguyên tất tả mang đồ ăn lên cho tôi, chìa ra cái điện thoại...đầy pin và những thông báo các cuộc gọi nhỡ của ba từ CMA. Nguyên kể chính ba là người đưa tôi tới bệnh viện sau khi cố phá cánh cửa phòng trọ bị tôi khóa trái bên trong. Hôm sau tôi ra viện, việc đầu tiên là tôi thu dọn tất cả đồ dùng và nhét vào chiếc balo du lịch bự trảng, chất lên xe máy và bắt đầu hành trình trở thành người lớn- một thằng con trai thực thụ.


Cánh cổng khép hờ, tôi đẩy cổng bước vào, ba đang ngồi trên bậc thềm lau lau cuốn album chất đầy hình từ hồi còn mặc tã cho tới khi cầm giấy báo đậu đại học của cả hai anh em tôi. Nhìn thấy tôi ba tủm tỉm cười, còn tôi thì đứng trước mặt ba: "ba ơi con muốn bị đánh đòn". Ba giơ cây chổi lông gà lên và bảo "Cái này phải không?". Tôi chợt nhớ ra câu nói của Nguyên "Chẳng có một đứa con nào đủ lớn trong mắt cha mẹ cả. Nhất là những đứa con trai trong mắt người cha. Rồi một ngày cậu sẽ thấy cậu nhỏ bé thế nào trước ba " Tôi cười, nụ cười bằng lòng nhất kể từ ngày tôi cầm giấy báo đậu đại học.


Một tin nhắn từ Nguyên: Đang làm gì? Về tới nhà chưa? Tôi nhìn ba mẹ và những tấm hình đã xưa cũ nhưng còn thơm mùi nắng của ký ức, gửi đi một tin trả lời "Về rồi. Đang đem nắng ra hong." Nguyên chỉ gửi lại tôi một hình mặt cười toe toét J.


 










Game Hay Nhất
Bài viết đề xuất

Một nụ hôn, một cái ôm

Một nụ hôn, một cái ômCô có thể ôm, hôn tôi được không?...

Truyện Ngắn

08:40 - 23/12/2015

Hiện tượng

Hiện tượng Trong giờ học vật lý cô giáo hỏ...

Truyện Cười

23:07 - 26/12/2015

Cầu cứu

Cầu cứu Một người hớt hải chạy đến đồn c...

Truyện Cười

21:35 - 26/12/2015

Chào cô! Bố em

Chào cô! Bố em Một học sinh nghỉ học không có l...

Truyện Cười

22:27 - 26/12/2015

Đọc truyện ma – CÔNG VIÊN CHẾT

Đọc truyện ma – CÔNG VIÊN CHẾT CÔNG VIÊN CHẾT Mi đứng bần thần nhìn vào cái gươ...

Truyện Ma

22:11 - 09/01/2016


pacman, rainbows, and roller s