THẾ NÀO LÀ NHỤC QUỐC THỂ?
***
Câu chuyện thứ nhất:
Ngày tôi còn là sinh viên, tôi thỉnh thoảng đưa các bác giám đốc Hàn Quốc đi tour Hà Nội sau khi kết thúc công việc. Mới đi làm được chưa lâu, lại chỉ là công việc làm thêm, nên tôi ko có nhiều kinh nghiệm lắm. Lúc đưa các bác vào một cửa hàng lưu niệm trên mạn hồ Gươm, tôi được mấy em bán hàng đon đả mời vào xem.
Khi thấy tôi phiên dịch, thì thay đổi thái độ sang mức...siêu niềm nở kèm theo câu "Khách lấy cái nào, em sẽ nói anh giá, còn anh muốn nói bao nhiêu là việc của anh. Mai quay lại, em trả anh chỗ tiền đó"...Tôi gật đầu, nhưng không làm như vậy. Giá của các món đồ là bao nhiêu, tôi nói bấy nhiêu. Lúc về tôi kể cho các bác giám đốc, mấy bác cười "Bác biết. Cái này bác mua là thấy người quen đi du lịch Việt Nam mang về. Hỏi giá, biết giá rồi, bác mới mua. Cậu nói giá cao hơn, thì bác cũng biết ngay, và sẽ chẳng mua làm gì."
Những lần sang Việt Nam sau, các bác đều gọi cho tôi, rủ tôi đi ăn, mặc dù phiên dịch của các bác là người khác.
***
Câu chuyện thứ hai:
Trong chuyến du lịch Hội An năm 2008 hay 2009 gì đó, vì một sự hiểu lầm giữa các bác quản lý trật tự khu phố cổ và một nhóm các bạn trẻ khách du lịch nước ngoài mà dẫn đến một màn giằng co một chiếc xe đạp ngay trên phố vào lúc 10 giờ rưỡi đêm. Lúc ấy chúng tôi đang phóng xe đạp như bay để về trả xe cho chủ nhà trọ không bị đóng cửa. Thấy dân tình bu đông, lại có mấy bạn Tây, chúng tôi quyết định dừng lại, vào xem (hóng vcđ!). Và thành thông dịch viên bất đắc dĩ. Mặc dù lúc ấy, xung quanh có rất nhiều người biết tiếng Anh.
Sự việc vô cùng đơn giản. 9 giờ tối, cả phố phải đi bộ. Nhưng mấy bạn Tây mải mua đồ, nên dựng xe đạp trước cửa shop. Mấy bác BQL đi qua, thấy xe tưởng lấn chiếm vỉa hè, dắt luôn về đồn. Bạn Tây ra không thấy xe đâu, nhoáng nhoàng đi tìm, lại thấy được dựng trong BQL. Bạn hồn nhiên vào dắt ra, bác dân phòng lại tưởng "anh tiên nào hồn nhiên", bèn giữ lại. Thế là cãi nhau, giằng co.
Sau khi sự việc giải quyết xong xuôi, các bạn Tây lấy được xe về, không quên bắt tay chúng tôi cảm ơn. Chúng tôi cũng cười cười nói nói quên mẹ giờ về. May hôm đấy bác chủ nhà trọ ngủ muộn (chắc khi nào bác gái hô mới được ngủ!)
***
Câu chuyện thứ ba:
Vào một ngày chủ nhật, cách đây cũng chục năm rồi, tôi đang đi trên đường, thì nhận được điện thoại của cô bạn thân. Bạn bảo có một ông Hàn Quốc không biết tiếng Anh, bị lạc lên tận hồ Gươm. Hỏi mãi ông ấy mới bảo Cô-Rê-A, nên bạn gọi cho tôi để tôi hướng dẫn cho ông ấy. Tôi đồng ý, mặc dù đã có một cái hẹn khác.
Gặp ông này ở một quán cà phê trên phố Quán Sứ, ông chia sẻ là mình ở Hàn Quốc, sang Việt Nam tìm vợ, từ sân bay về khách sạn bị taxi nó lừa cho đi lòng vòng hết gần triệu, lại thả ở gần hồ Gươm. Song thuê được khách sạn thì cũng bị lừa đủ đường. Mua lon coca bị nó bán cho hơn trăm ngàn (cách đây chục năm nhé!). Ông bảo, may quá, gặp được bạn tôi, khen nó tốt thấy ông ấy lơ ngơ liền vào hỏi giúp. Giờ ông chỉ mong kiếm được vợ Việt Nam rồi mang về nước cho nhanh. Ông nhờ tôi đưa ông đi "mua" vợ, vì người quen bảo, mua con gái Việt Nam rẻ mà dễ.
Tôi đặt cốc cà phê xuống và bảo rằng nếu như ông còn nói là sang đây mua con gái Việt Nam về làm vợ thì tôi đi về luôn, "vì ông nói thế, là xúc phạm những người phụ nữ tôi biết!" (hồi đấy cứng vcđ!) Ông ấy xin lỗi (sau đó nói lễ phép hơn, dùng cả kính ngữ với tôi – cái này bạn nào học tiếng Hàn và Nhật sẽ hiểu). Nhưng tôi bảo, tôi sẽ giới thiệu cho ông bạn tôi, chứ tôi không đi cùng nữa. Ông ta miễn cưỡng đồng ý (hồi đấy tự trọng cao vcđ!)
***
Câu chuyện thứ tư
Một cậu bạn cũ người Hà Lan, sang Việt Nam chơi, thuê xe máy đi về Hà Tây. Lúc quay về, xe bị hỏng lốp trên đường, cậu phải dắt xe một quãng xa thì thấy một hiệu sửa xe máy nằm trơ trọi bên lề đường (thật kì diệu!).
Lúc tôi nhận được điện thoại của cậu, tôi đang ăn tối với gia đình. Cậu nhờ tôi nói xem ông sửa xe muốn gì. Ông sửa xe nghe điện và bảo tôi rằng xe nó đâm vào đinh, phải vá. Nếu không vá thì về địa phận Hà Nội mới có hàng. Vá ở đây 250 nghìn/miếng. Tôi hỏi sao đắt vô lý thế, ông mắng tôi luôn là cùng người Việt với nhau mà không biết thương nhau. 250 nghìn chỉ là vài đô lẻ của bọn Tây. Tôi hỏi đang ở đâu để tôi đến (hỏi ngu vcđ! Lộ mẹ là chả vờ!) Ông ấy thách tôi luôn (đã bảo mà!)
Cuối cùng, tôi phải nói với thằng bạn là chuyện là như thế, tôi xin lỗi vì mình không làm gì được. Và câu nói của thằng bạn là điều tôi không quên được. "Tao là bạn mày. Điều tao quan tâm là mày đã nói thật với tao. Thằng kia có thể lừa tao. Nhưng mày ko lừa tao là tao yên tâm rồi. Mày không có lỗi".
***
Tại sao tôi lại kể những câu chuyện này...
Bởi câu chuyện về một anh du khách Việt Nam đi du lịch Singapore bị lừa tiền khi mua iPhone6 làm tôi chợt suy nghĩ về tình người giữa người Việt với người Việt. Tôi suy nghĩ về cái mà nhiều người quan niệm là "nhục quốc thể", để rồi vin vào đó và sỉ vả anh du khách tội nghiệp kia.
Nếu chúng ta coi việc quỳ lạy của anh này là nhục quốc thể, là xấu mặt dân Việt Nam, vậy tại sao người Singapore lại ra sức kêu gọi tẩy chay cửa hàng điện thoại kia? Sao họ không tẩy chay hành động quỳ lạy, mà lại tẩy chay hành động ăn cắp trắng trợn?
Nếu như hành động xin lại số tiền mười mấy triệu có được nhờ tích góp trong thời gian dài của anh du khách kia là đáng xấu hổ; thì hành động khóc lóc, cầu cứu người đi đường ở phố Cầu Gỗ của một du khách nước ngoài, nhờ tìm lại hộ chiếu vì bị lấy cắp, có là đáng xấu hổ không?
Nếu như coi thường anh du khách vì những gì anh đã làm, thì hành động của hai bạn du khách Thái Lan ngồi bên vỉa hè trong ảnh trên (cũng xin được nhận lại tư trang) được đánh giá thế nào? Có cần làm một cuộc điều tra xem người Thái có coi đó là sự mất thể diện không?
Hay hành động ăn chặn tiền du khách đến Việt Nam khi mua đồ lưu niệm ở câu chuyện một là nhục quốc thể?
Hay việc để một thằng cha Hàn Quốc coi việc lấy vợ Việt Nam dễ như bỏ tiền mua mớ rau mới là mất mặt dân tộc?
Hay việc lấy tiền vá xăm 250 nghìn kia là xấu hổ người Việt Nam?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, khi mình kể lại chuyện của anh du khách Việt Nam ở Singapore cho một người nước ngoài, mình sẽ kể thế nào không?
"À, có anh du khách nước Việt Nam tao đi Singapore, bị lừa tiền mười mấy triệu. Thế rồi dân tao nhảy vào chê anh í công nhân còn mua iPhone6, nghèo còn đi du lịch nước ngoài, lại còn quỳ lạy để xin lại số tiền mười mấy triệu kia nữa chứ...Bọn nó lúc đầu không trả, nhưng giờ có vẻ sắp đòi lại được chính nghĩa rồi. Mà mày biết ai đòi hộ không? Người Singapore!"...
ĐÓ MỚI LÀ NHỤC QUỐC THỂ!
Nguyễn Thanh Tùng