iên đó là một cái duyên thật sự.
"Thằng Phảo ác với mẹ con tao lắm, làm trái ý nó là nó đánh, tao nói lại câu nào là nó lại đánh. Nó không cho con Thỷ đi học vì sợ sau này nó biết hơn bố, nó sẽ khinh bố. Lúc nào nó cũng bảo tao khinh nó vì tao học gần đến lớp chín mà nó học có lớp sáu, ông bà nội cái Thỷ cũng khinh nó vì tao không có con trai... tao khổ lắm mày ạ. Nó bảo để cái Thỷ đi học cũng chẳng được gì, cứ để nó ở nhà làm nương, tao cũng chẳng biết nói gì, nói nó lại đánh... Nhưng từ hôm qua gặp lại mày, tao quyết tâm dù chết cũng để con tao đi học Ngần ạ, mày cố gắng giúp cháu, con gái tao phải trở thành cô giáo như mày".
"Sao thằng Phảo lại như vậy nghe nói nó hiền lắm mà hồi mới lấy mày nó còn là bí thư chi Đoàn Thanh niên bản Phiềng Lay cơ mà?"
"Ừ, nhưng từ khi tao sắp đẻ đứa thứ ba thì bó bỏ làm rồi, bọn tao không có con trai nên ông bà nội cái Thỷ không cho ở cùng, ra ở riêng khổ quá, rồi thằng Phảo nó càng ngày càng lười làm. Tức nó, nên tao cũng mặc kệ rồi hai vợ chồng cứ cãi nhau suốt, đánh tao không được nó đánh cả con Thỷ, hôm qua nó lại đánh tao rồi bỏ nhà đi rồi..."
Sau bao nhiêu năm không gặp nhau chúng tôi nói nhiều chuyện lắm, tôi biết Mỉ Thiên ốm mà không có thuốc men gì nên đã mang theo ít thuốc hạ sốt, cảm, thuốc bôi vết thương lấy ở tủ y tế của nhà trường. Uống thuốc xong Mỉ Thiên cũng đỡ hẳn, tôi giúp nó bôi thuốc lên các vết thương, khắp người nó toàn là vết bầm tím, chầy xước. Bị ngã có, bị chồng đánh có... chắc cũng chỉ vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng nó mới vậy chứ không phải là do cạn tình cạn nghĩa. Hôm đó tôi ở lại ăn cơm trưa nhà nó, bữa cơm Thỷ lúi húi làm cả tiếng đồng hồ chỉ có cơm độn với sắn, một nồi rau rừng canh với gói mì tôm bóp vụn. Nhìn mấy chị em Thỷ ăn ngon lành, nhìn ánh mắt đờ đẫn của Mỉ Thiên khi nhìn các con nó ăn mà tôi thấy thương quá. Tôi định chờ Phảo để thuyết phục Phảo cho cái Thỷ đi học, nhưng gần cuối chiều vẫn chẳng thấy Phảo về. Chẳng ai biết là Phảo đã đi đâu, từ hôm đấy chẳng thấy anh ta về nhà nữa, Mỉ Thiên kể cũng có lần cãi nhau Phảo bỏ đi cả tháng trời. Tôi khuyên Mỉ Thiên cố gắng làm đụng, những người như Phảo không thể tị nạnh được, nó liền nắm chặt tay tôi hứa chắc chắn là nó sẽ làm như thế. Sau khi khỏi ốm Mỉ Thiên lên Piềng Đông xin thóc nhà bố mẹ đẻ nó, xin cả rau cỏ, hạt giống về trồng. Nó còn mang theo nắm rau rừng mới hái sang biếu cha mẹ tôi, nó bảo cha mẹ tôi thật giỏi vì đã nuôi dưỡng tôi trở thành một cô giáo, nó phục cha mẹ tôi lắm. Mỉ Thiên bảo từ đây nó sẽ coi đời nó như không có Phảo, nó sẽ cố gắng cho các con nó học để trở thành cô giáo như tôi. Mỉ Thiên nói chưa bao giờ nó dám tin là tôi sẽ trở thành cô giáo thật bởi vì nó phải sống trong đau khổ nhiều quá nên dù có mơ ước nhưng cũng chưa bao giờ dám tin là nó sẽ trở thành hiện thực. Khi thấy tôi đã làm được nó cũng tin là con gái nó sẽ làm được vì thế nó bảo cảm giác như muốn được sống trở lại. Cha tôi biết Mỉ Thiên rất khó khăn nên khi nó về còn bắt cho nó đôi gà rừng mà ông đã nuôi được hơn tháng nay bảo nó đem về nuôi, Mỉ Thiên từ chối mãi nhưng cha tôi bảo đó là quà ông tặng cho các con của nó, nó mới chịu nhận... Mới đầu các học sinh và phụ huynh cứ nghĩ tôi là giáo viên bán trú tại nhà dân trong bản Piềng Đông. Hằng ngày tôi vẫn về đi về nhà tôi nhưng mọi người nghĩ là tôi chỉ đến ở thuê trong nhà cha mẹ tôi thôi nhưng khi họ biết tôi chính là Ngần người cùng bản thì họ vui lắm. Cha tôi cũng vui hình như ông nhận ra rằng khi con gái ông trở thành cô giáo của bản, khoảng cách của ông với mọi người cũng chẳng bao giờ xa thêm. Ông luôn dặn tôi phải cố gắng dạy thật tốt để làm tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo, cũng từ hôm ấy sau mỗi giờ tan trường tôi có thể về bản cùng các em mà không lo ngại gì nữa.
Vài tháng sau đó vẫn không thấy Phảo trở về nhà, người ta nói rằng anh ta đã bỏ đi cùng phường buôn sang tận bên biên giới rồi, Mỉ Thiên nghe vậy cũng chẳng buồn lo gì, nó cứ lặng lẽ làm đụng, giờ nó chỉ nghĩ đến các con nó. Học kỳ một năm học ấy Thỷ đạt học sinh giỏi xuất sắc toàn trường, hôm đến họp phụ huynh cho con, đó là lần đầu tiên Mỉ Thiên đi họp phụ huynh cho con mình, nó tìm gặp tôi, nắm lấy tay tôi cảm ơn rối rít và khóc nghẹn.
"Cảm ơn cô giáo vì đã dạy cháu, cho cháu không chỉ là cái chữ".
Tôi cũng bật khóc, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má không sao ngăn được, niềm hạnh phúc của tôi khi làm một cô giáo ở Piềng Đông có lẽ là lúc được nghe dân bản gọi mình là "cô giáo"... Vậy là một học kỳ đầu tiên trong đời giáo viên của tôi đã kết thúc trong những kỉ niệm không thể nào quên được như thế. Những niềm vui khó tả ấy cứ đi theo tôi cả ngày, đi vào cả trong giấc ngủ, tôi đã quyết định ngủ một giấc thật dài sau ngày tổng kết học kỳ một. Một kì học, một kỳ dạy vất vả nhưng đầy niềm vui của tôi, những giấc mơ lung linh xuất hiện nhưng đến gần sáng bỗng chợt tắt vì tiếng gà rừng gáy vang trên những cánh rừng xa, bình minh đã đến, mẹ lại gọi tôi dậy sớm lên nương cùng mẹ cứ như những kỳ nghỉ ngày xưa vậy. Tôi bước cùng mẹ đi trong sương sớm và nhìn thấy các em học sinh của tôi cũng theo mẹ lên nương, từ xa xa chúng vẫy tay chào và gọi "cô giáo ơi!", tiếng gọi ấy nghe thân thương làm sao, niềm hạnh phúc trong tôi lại vỡ òa, tôi vẫn là cô giáo khi ở trên nương, mẹ tôi bảo vì tôi là cô giáo của Piềng Đông.
Hoa Thược Dược