ường to dẫn vào nông trường. Năm Vông lên năm tuổi, tức là khi Nhình đang mang thai đứa thứ tư trong bụng, thì đột nhiên Khìn xuất hiện. Khìn dắt theo hai đứa trẻ gái đến tìm Vược. Vược ngạc nhiên lắm, hỏi vì sao Khìn biết chỗ Vược ở thì Khìn bảo rằng dù Vược ở đâu, Khìn cũng tìm tới được. Khìn chỉ đùa thế thôi, cố tình đưa mắt chọc tức Nhình một tí, rồi nói thật là cái anh bộ đội bị Vược bắn thủng mông lại là bạn học của chồng Khìn, chuyện qua chuyện lại vài lần thì Khìn biết nơi Vược ở. Vược nhìn hai đứa bé sem sém nhau, chột dạ. Khìn nói, Khìn đưa hai đứa con đến trả Vược. Vược như nghe không rõ, hỏi lại xem chúng nó con ai. Khìn chỉ tay vào đứa lớn hơn chút xíu, bảo nó là con gái của Khìn và Vược, đứa nhỏ hơn một chút là con gái của Vược với chị bạn của Khìn. Chị bạn Khìn bị chết bom năm bảy ba, khi ấy đứa bé mới được hai tháng tuổi. Định bảo Khìn đưa đứa bé về nuôi, coi như báo đáp ân tình của Vược. Khìn nghĩ mà thấy tức cười, chẳng phải Định đang nuôi đứa con rơi của Vược mà cứ nghĩ là con gái mình đó sao?
Khìn để hai đứa trẻ lại cho Vược, nói rằng bây giờ Định đã biết hết mọi chuyện, Khìn không thể nuôi hai đứa trẻ này được nữa. Vược không chối được, mà chối làm sao khi hai đứa con gái na ná nhau và lại giống hệt như Vông và hai em gái của Vông? Mà cũng thật lạ là, Nhình không từ chối hai đứa trẻ, chỉ bảo Khìn hãy đi đi, đây không phải là nơi Khìn có thể ở. Khìn đi thật, nhưng hai hôm sau người ta kêu Vược đến bên con đập hồi trước Vược bảo vệ. Xác Khìn nổi lên trên mặt nước, mái tóc bồng bềnh xõa rối, người trương phình hết cả lên, duy chỉ có gương mặt là vẫn hồng hào mơn mởn như ngày nào.
Nhình bảo, âu cũng là cái mệnh. Khi Khìn dẫn hai đứa trẻ đi tìm Vược, chắc Khìn cũng đã dự tính sẵn kết quả này, nên khó trách ai được. Nhình cũng nói thẳng, hai đứa trẻ là chuyện quá khứ của Vược, nên Nhình không truy cứu nhiều. Tuy nhiên, kể từ bây giờ, khi mà Nhình nuôi dạy hai con riêng của Vược tử tế, thì Vược cũng nên biết điều mà đừng có léng phéng nữa. Từ đó, Vược mới kể lại câu chuyện của mình, tất nhiên là không quên thêm vào chuyện lăng nhăng với Khìn và chị bạn của Khìn.Khi đứa con thứ năm của Nhình và Vược được tuổi rưỡi, thì Nhình nhận được tin báo đã tìm được gia đình thất lạc của mình ở Vũng Tàu. Vui mừng khỏi nói, Nhình ngay lập tức thu xếp vào Vũng Tàu để gặp lại gia đình. Thế nhưng, đứa út còn nhỏ quá, đi không tiện, mà Vược cũng vừa mới qua cơn sốt rét, đi lại càng mệt hơn. Nhình quyết định để Vược và đứa nhỏ ở lại, cũng là nhân dịp cai sữa cho nó. Nhình nhờ Toan chăm sóc bố con Vược mấy tháng, còn Nhình dẫn Vông và năm đứa con gái vào Vũng Tàu.
Đứa nhỏ đột ngột bị tách khỏi mẹ, khóc suốt ngày suốt đêm. Vược mới ốm dậy, nghe tiếng trẻ con khóc thì muốn phát sốt trở lại, nên cứ giờ trước giờ sau lại gọi Toan sang cầu cứu. Toan dỗ không nổi, phải vạch áo mình lên cho đứa nhỏ ngậm ti mình, nhưng không có sữa nên nó vẫn khóc toáng lên. Riết rồi cũng quen, đứa nhỏ bớt khóc hơn, thỉnh thoảng lại ngậm ti dì Toan cho đỡ thèm, rồi ăn no lăn ra ngủ. Có hôm, Vược đi từ đồi xuống, thấy Toan ôm đứa nhỏ trong lòng nằm ngủ trưa, chiếc áo bật cúc hớ hênh mà đứa nhỏ đang thò tay vào sờ ti dì ngủ ngon lành. Lòng Vược chợn rợn xốn xang. Vược khẽ nuốt nước bọt, đứng nhìn Toan hồi lâu cho đến khi Toan trở mình thì Vược mới bỏ chạy ra ngoài. Toan nghe tiếng bước chân, giật mình nhìn theo, kịp trông thấy dáng Vược. Toan vội ngồi dậy khép hai cánh áo, mặt đỏ bừng lên xấu hổ. Kể từ lúc ấy, Vược và Toan cứ ngường ngượng mỗi khi nhìn thấy nhau.
Một đêm, đứa trẻ nhì nhằng đòi dì Toan ở lại ngủ với nó. Toan nhìn trộm Vược, bắt gặp Vược đang nhìn mình thì cúi mặt xuống, lảng tránh. Tối hôm đó, khi đứa nhỏ ngủ say, Vược mò vào giường, nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh Toan. Toan không hề giật mình, cũng không lấy làm lạ, chỉ hơi toát mồ hôi nhè nhẹ. Vược dắt tay Toan ra ngoài nương sắn, rồi ghì Toan trên đám lá non xanh tía. Mãi cho đến khi tiếng khóc của đứa nhỏ ngằn ngặt vang lên, hai người mới chịu buông nhau ra, quay trở về giường. Từ hôm ấy, Vược và Toan cùng đứa nhỏ ngủ chung một giường, không phải né tránh gì cả. Đêm hôm, chiếc giường rung lên, đến cả người đi đường cũng nghe thấy tiếng rên rỉ vật vã từ ngôi nhà vọng ra tới bên ngoài. Người ta kháo nhau, rồi xì xào, nhưng tuyệt nhiên Toan và Vược không hề lấy làm áy náy.
Bốn tháng sau, Nhình dẫn em trai mình và các con quay trở lại. Làng trong xóm ngoài đã rỉ tai nhau khiến Nhình cảm thấy bất an. Về đến nhà, cái bụng ba tháng của Toan bắt đầu nhô nhô sau làn áo đập vào mắt Nhình. Nhình chết điếng. Em trai Nhình nhảy vào đánh Vược hai bạt tai, chửi ông anh rể là đồ khốn nạn. Vược nói chú mới gặp anh lần đầu, đã biết gì mà sao dám chửi anh. Em trai Nhình bảo anh còn tư cách hỏi câu đó, anh quả thật khốn nạn, rồi giáng thêm cú đấm vào mũi khiến Vược bị chảy máu. Đám trẻ sợ hãi nép sau chân Nhình, khóc ré lên. Em trai Nhình túm lấy cổ tay Toan, lôi đi xềnh xệch. Chợt Nhình bình tĩnh gọi lại, bảo em trai buông tay Toan ra. Nhình hỏi Toan, chúng ta coi nhau là chị em, bao nhiêu năm nay tôi chăm cô như chăm em gái, tại sao cô lại cướp chồng của tôi. Toan không nói gì, nhưng ánh mắt nhìn Nhình như kiêu hãnh, như thách thức. Nhình cười nhạt. Nhình vốn là con người thẳng thắn, nên cư xử rất nhanh. Nhìn bảo, thôi được, nếu đã thế thì hai người cứ việc sống với nhau, tôi cũng không ham hố loại người trâng tráo đến vậy. Thế rồi Nhình và Vược bỏ nhau. Nhình bán tất cả nhà cửa, vào với gia đình mình ở Vũng Tàu. Hai đứa con riêng của Vược quấn lấy Nhình không rời, nhất nhất chỉ gọi Nhình là mẹ, Nhình đành phải mang theo. Vông phải ở lại với bố, vì Vông là thằng con trai duy nhất. Đứa út bị tách khỏi dì Toan, khóc lên khóc xuống, cuối cùng cũng bị mẹ dắt đi. Vậy là Nhình cùng đoàn con gái và em trai mình lục đục kéo nhau vào Nam, từ đó không hề một lần quay trở lại.
Toan sinh con gái đầu lòng đặt tên là Bản, hai năm sau sinh tiếp thằng cu nữa đặt tên là Phóng, rồi nghỉ hẳn. Chuyện Toan cướp chồng chị kết nghĩa và chuyện Vược lăng nhăng cũng được lan truyền từ đó. Vược vẫn khỏe mạnh, da dẻ vẫn đặm đà, bước đi thoăn thoắt như chưa từng có cơn sốt rét rừng hành hạ. Chuyện cũng nguôi dần, người ta cũng công nhận Toan nuôi Vược mát tay. Vược làm khỏe như trâu, không biết mệt. Trong nông trường thỉnh thoảng có đàn bà con gái lỡ thì lại đến tìm Vược, ra nương sắn xin đứa con. Vược thì chỉ trả lời mỗi một câu: "Em xin anh đứa con, anh sẵn sàng, nhưng anh không nuôi em được". Cũng vì thế, hầu như đứa trẻ nào không cha được sinh ra trên mảnh đất này, người ta đều quy chúng nó là con của Vược. Toan biết nhưng không nói gì, cứ kệ. Toan cũng nuôi Vông chu đáo hệt như các con đẻ của mình, không có phân biệt đối xử bao giờ. Duy chỉ có điều, những đứa trẻ hầu như không học hành gì, có học thì cùng lắm cũng chỉ đến lớp hai là bỏ học. Hồi ấy, ăn còn chưa đủ, trẻ con đi học là chuyện quá xa xỉ. Chúng nó rủ nhau bỏ học tập thể là chuyện bình thường, Vông và Miền cũng thế.
Miền là con gái của Mỵ, một phụ nữ không chồng nhưng đã có hai con gái với hai người đàn ông khác nhau. Mỵ đậm người, thậm chí là hơi béo, cái mặt to bản với ánh mắt đĩ thõa lúc nào cũng cười cười. Trộm vía, hai đứa con gái Mỵ sinh ra đều trắng trẻo, xinh xắn, nhất là Miền. Nghe đâu Miền là con của một bộ đội từng đóng quân tại nông trường. Miền nhỏ nhắn, nước da trắng nõn, khác hẳn những đứa con gái cùng trang lứa. Có vẻ như rừng thiêng nước độc không đốt cháy được vẻ đẹp như hoa của Miền. Em gái cùng mẹ khác cha của Miền tên là Hưởng, ít hơn Miền tận sáu tuổi, bụ bẫm hơn chị, lại tinh ranh, khôn ngoan. Nhìn hai con gái của Mỵ, người ta thường nói kháy câu cửa miệng: "canh tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn". Kể ra, trong cái nông trường đầy rẫy những bà cô quá lứa lỡ thì này, không chỉ có con gái Mỵ mới là "con tập tàng". Điều khác biệt nhất, ấy là con của Mỵ, mỗi đứa một ông bố khác nhau. Mỵ cũng thường liếc xéo những chị em gái may mắn hơn mình, có chồng tử tế, xiên đằng nọ, chọc đằng kia cốt để cho gia đình họ cãi nhau. Nếu có vợ chồng nào đó bỏ nhau, ắt Mỵ vui mừng lắm.
Thế nên, chuyện bố mẹ Vông bỏ nhau cũng khiến Mỵ sung sướng âm ỉ. Nhà Mỵ ở trong khe, mỗi lần Vông cùng đám bạn vào rừng đều phải qua nhà Mỵ. Mỵ thường gọi Vông vào, hỏi han, nhưng cái chính là để chọc tức Vông đang phải sống với gì ghẻ. Nói cho cùng thì Vông là đứa trẻ ngoan, không cãi ai nửa lời. Vông đẹp trai, mắt sáng, môi đỏ, thích cười hơn thích khóc, nên dù ai nói gì cũng chỉ cười cho qua chuyện. Mỵ nói chán mà không làm Vông tức được thì Mỵ lại tức. Mỵ tống Vông ra ngoài, Vông lại chơi với Miền. Cứ thế, hai đứa trẻ lớn lên lúc nào không hay biết.
Hai mươi tuổi, Vông hỏi cưới Miền. Ai cũng đồng ý đó là một đôi rất đẹp.
Lẽ ra mọi chuyện đều đẹp, nếu không có một chuyến đi rừng cộng chai rượu khiến Vông ngà say. Ấy là một tháng sau ngày ăn hỏi, Vông quyết định làm một chuyến vào rừng kiếm ít gỗ dựng nhà, để cưới vợ về còn có chỗ ở riêng. Vông đi biệt một tháng, khi trở về thì người gầy tong teo, muỗi đốt thành từng nốt trên mặt. Vông buộc bè dưới khe, ghé lên thăm Miền, nhưng Miền đi vắng. Miền và Hưởng đi lấy măng chưa về, chỉ có Mỵ ở nhà. Mỵ thấy con rể tương lai có vẻ mệt mỏi, ốm yếu sau chuyến đi, cũng nhiệt tình nấu cơm cho Vông ăn, mua thêm chai rượu cho Vông nhấm nháp. Thế nào mà cuối cùng, Vông uống sạch cả chai rượu, men say bốc lên tận đỉnh đầu. Mỵ khép cửa. Tiếng cửa gỗ cọt kẹt khiến những nhà hàng xóm cách đó cả vài ba trăm mét cũng nghe thấy, lé mắt nhìn sang, và những tiếng xì xào lại truyền từ tai người này sang tai người khác.
Chẳng biết thực hư thế nào, chỉ biết từ hôm ấy, Vông vĩnh viễn không bước vào nhà Miền nữa, còn cái bụng Mỵ ngày càng lum lủm to dần. Chín tháng sau, Mỵ sinh đứa con gái thứ ba, đặt tên là Lạc. Người ta bảo, đứa trẻ này đúng ra phải gọi Mỵ bằng bà ngoại, nhưng vì nó "đi lạc mẹ" nên đặt tên là Lạc cũng là điều dễ hiểu. Miền khóc sưng cả mắt, còn Vông bỏ vào Nam với mẹ ruột. Vược than thở, coi như mình mất đi một thằng con trai.
Đàn ông con trai không ai bén mảng tới Miền nữa. Nước da trắng trẻo ngày nào giờ héo hon như ánh mắt vàng vọt của Miền, lúc nào cũng trông ngóng Vông quay về. Miền cứ mong thế thôi, chứ Miền biết Vông không quay về nữa. Lạc càng lớn lên càng giống hệt Vông, cũng dong dỏng cao, mắt sáng, da trắng, môi hồng. Và vì vậy, Vông làm sao về với Miền được nữa?
Vông bỏ đi được một thời gian thì Vược nhận được tin báo từ Hải Phòng gửi vào, hình như đã tìm được tung tích của anh trai Vược. Vược vội thu xếp đi Hải Phòng, hai tuần sau thì mang về một người đàn ông cũng cao to, cũng nước da bã trầu như Vược, duy khác nhau ở chỗ là người đàn ông này có vẻ ngờ nghệch như người mất trí nhớ. Mà đúng thật, Đước – anh trai Vược được báo tin mất tích kể từ năm sáu chín, không có tin tức gì. Mãi tận năm 2000, người ta mới tìm thấy Đước ở tận một huyện biên giới giáp Camphuchia của tỉnh Tây Ninh. Người ta cũng tìm thấy giấy tờ tùy thân của Đước trong tay gia đình đã nuôi Đước. Họ xác định lại tên tuổi, quê quán rồi đưa Đước về lại Hải Phòng, chứ thực ra Đước không còn nhớ gì cả. Tại Hải Phòng, người ta lại xác định rằng Đước còn một người thân, tên là Vược, hiện sinh sống ở Nghệ An. Thế là người ta đánh tin cho Vược. Vược đón Đước về nuôi, cũng vui mừng vì mình còn sót lại một người thân tưởng đã hi sinh từ thời chiến. Vược dẫn anh trai đi khắp làng, giới thiệu từ người này sang người khác, nhưng Đước lúc nào cũng chỉ cười, thi thoảng lắm mới nói những từ rất ngắn để chào hỏi, xin nước hay trả lời điều gì đó. Thế nhưng, hầu như người làng đều quý Đước. Đước thật thà, ai nhờ gì cũng làm, ai cho gì cũng không lấy, trừ khi khát nước thì tự xin nước uống. Nhà Vược có ba con trâu, Đước hằng ngày cắt cỏ chăn trâu, chăm cho những con trâu béo núc ních.
Lần ấy, Đước dẫn trâu đi bên bờ đập, cho trâu xuống "đằm", còn mình tìm chỗ mát mẻ ngồi ngắm trâu. Chợt có tiếng khóc ri rỉ vong đến khiến Đước tò mò. Đước lần theo tiếng khóc, gặp Miền đang ngồi bên bụi nứa, chân thõng xuống nước, ánh mắt đỏ hoe. Đước chỉ dám đứng im, không động đậy. Chợt Miền lao xuống nước. Đước hoảng hốt giây lát rồi ú ớ lao theo, kéo Miền lên bờ. Miền dùng dằng trong tay Đước, người ướt đẫm, áo dính sát vào da. Miền khóc òa. Đước lo lắng khua tay trước mặt Miền, bảo "đừng chết, đừng chết". Miền nằm nhoài ra đất, rã rời. Đước nhìn bộ ngực con gái phập phồng sau làn áo mỏng dính bết nước, vội quay mặt đi trốn. Đột nhiên Miền ngồi dậy, níu lấy tay Đước, miệng líu ríu bảo "đừng đi, đừng đi". Miền ôm ghì lấy Đước, làn da nhợt nhạt bỗng chốc hồng lên trông thấy. Miền vẫn khóc. Thân thể Miền bấu chặt lấy Đước, khiến Đước càng trở nên lúng túng. Cả đời Đước chưa từng đụng đến đàn bà con gái, sau khi dính bom lại trở nên ngây ngây ngô ngô, đâu thể nghĩ có ngày rơi vào tình huống này. Đước đẩy Miền ra, nhưng tấm thân nóng rực của Miền đã đánh thức thằng đàn ông trong Đước. Đước vội đè Miền xuống, tới tấp vồ vập lên mặt Miền, ngực Miền. Miền khóc rưng rức, cho đến khi Đước cũng bật khóc. Đước rú lên một tiếng rồi sập cả người xuống thân thể Miền, không còn động đậy. Cứ thế một lúc sau, Miền mới bất chợt rùng mình, lay thử vào người Đước. Đước đã chết. Miền hốt hoảng hét lên, tiếng hét vọng từ chân núi này sang ngọn núi khác.
Vược xách dao vào nhà Miền, chửi toáng lên, nói Mỵ hại thằng Vông, còn Miền giết chết Đước. Mỵ bước ra đuổi Vược về đi, rằng lẽ ra nhà Vược nên cảm ơn Miền mới phải, bởi dù sao Đước cũng đã được nếm mùi đàn ông trước khi chết. Vược đang hăng máu, lại vấp phải con bé Lạc lon ton chơi trước sân, gương mặt giống hệt Vông. Vược khụy xuống, giơ tay lên trời than hai tiếng "oan nghiệt" rồi xách dao về. Bản và Phóng cũng thôi chơi với lũ bạn, bỏ vào Nam ở cùng mẹ Nhình và các chị trong đó.Miền nằm bẹp trên giường, khóc suốt ba ngày. Đến ngày thứ ba thì Mỵ bảo Miền im đi, việc gì phải khóc. Miền bảo con thấy nhục. Mỵ bảo, đến tau còn không thấy nhục thì mi nhục cái chi, đằng nào cũng thấy rồi, chết được thì ra ăn nắm lá ngón, không chết được thì dậy lên đồi mà hái chè. Miền sụt sùi chống tay ngồi dậy, đi lên đồi. Miền hái lá ngón, chứ còn sống sao được nữa. Cái Hưởng đi theo chị, khóc toáng lên, nói chị đừng chết. Miền ôm em, nước mắt lã chã rơi, rồi bảo em đi về nhà lấy sọt đựng chè. Chín tháng sau, Miền sinh một đứa con trai, giống hệt Lạc, đặt tên là Khổ.
Lại nói một chút về Vông. Sau khi bỏ vào Nam được đâu vài năm, thì Vông lấy vợ. Vợ Vông sinh được hai đứa, con gái tên là Như, con trai tên là Ý. Hai vợ chồng sống với nhau được bảy năm thì ly hôn. Vông đi lấy người khác. Vợ Vông đưa hai con về Nghệ An tìm Vược, gửi cháu cho ông rồi cô sang Đài Loan làm thuê kiếm tiền. Nếu có lúc nào đó Như, Ý, Lạc, Khổ gặp nhau, hẳn người ta nghĩ chúng cùng một bố một mẹ sinh ra, vì chúng giống nhau như đúc, nhưng hình như chúng chưa bao giờ gặp nhau.Năm nay, Vược sáu mươi tuổi, đã trở thành hội trưởng hội cựu chiến binh của xóm. Vược cười khà khà, ngày ngày đưa đón Như và Ý đi học, tự hào vì có hai đứa cháu học hành giỏi giang. Tháng trước, thằng Phóng gọi điện về, nói nó muốn cưới vợ, một cô Vũng Tàu hẳn hoi. Nó kêu bố vào hỏi vợ cho nó. Vược để Toan và hai cháu ở nhà, một mình vào Vũng Tàu. Gặp lại Nhình, Vược trêu Nhình vẫn cười duyên thế. Nhình không thèm trả lời Vược lấy một câu, nhưng tụi con cháu vẫn ghép hai ông bà lại với nhau, chụp chung kiểu ảnh. Chúng nó bảo, bố mẹ bây giờ già cả rồi, ghen tuông giận hờn gì nữa. Thế là Vược đồng ý, Nhình cũng đồng ý. Chuyện đến tai hai đứa cháu, hai đứa cháu lại bi bô với Toan, Toan chỉ thở dài, vẻ hơi buồn. Thế nhưng, Toan mới nghe kể chuyện hôm trước thì hôm sau đã thấy Vược về. Toan ngạc nhiên, làng xóm cũng ngạc nhiên. Vược đét tay sau mông, nói: "Bố khỉ nó chứ, chúng nó mất dạy, ông không thèm hỏi nữa, ông về". Hóa ra, trong lễ ăn hỏi, bố cô dâu có nói câu gì đó đại khái nhắc đến truyền thống lăng nhăng của nhà Vược. Vược tức quả, đỏ mặt tía tai, phủi mông, về thẳng, mà về hẳn Nghệ An luôn. Thằng Phóng chạy theo nhíu bố lại. Vược bảo: "Chúng mày muốn cưới thì tự đi mà cưới, tao không hỏi han gì hết, nhá".
Vân Anh