nói: – Mà kể cũng lạ thật, tại sao mỗi lần hai người mình bước lên xe thì máy lại không nổ nữa. Hễ mình bước xuống thì máy lại nổ? Họ đã thử đến hơn chục lần chứ bộ… Anh có thấy kỳ không anh Tuấn? – Ờ thì cũng kỳ… nhưng mình không tin chuyện dị đoan bậy bạ đó. Phú cười như mếu: – Nhưng cánh tài xế họ tin và cả các hành khách họ cũng nghĩ như vậy mới chết mình! Tuấn nhìn đồng hồ tay và càng lo thêm: – Đã hơn năm giờ rồi, làm sao về Đà Lạt đây? Thái chờ trên đó chắc là lo lắm đây, mình đã hẹn Thái chắc chắn là bọn mình sẽ cùng gặp ở nhà Thủy Tạ mà… Nghe nhắc đến Thái. Phú hỏi: – Mình chưa biết mặt Thái, nhưng nghe anh Tuấn nói thì Thái tội Iắm phải không? Tuấn thở dài: – Kề từ khi Thiên Hương mất tích cùng với Vân Hạnh và Thu Hà, thì Thái gần như điên như dại, bỏ cả học hành, cứ đi lang thang khắp chốn để tìm. Mình và cậu tuy cũng đau khổ nhưng vẫn còn bình tĩnh hơn nó… Phú nghe nhói trong tim khi nghe Tuấn nhắc lại chuyện đau lòng. Anh cúi gầm mặt không nói gì… mãi hồi lâu anh mới bảo Tuấn: – Cám ơn anh Tuấn đã lặn lội lên tận vườn trà cho em hay chuyện Vân Hạnh. Nếu không chắc là còn lâu lắm, em vẫn đinh ninh Hạnh vẫn còn ở nhà. Tuy cơn mưa vừa ngớt nhưng gió vẫn thổi mạnh và lạnh hơn. Phú có kinh nghiệm sống ở vùng này hơn, nên bảo: – Trời này sẽ còn mưa nữa đây, mà mưa lớn nữa. Mình liệu mà tìm chỗ trú mưa, kẻo… Chợt Phú kêu lên: – Ở trên kia có cái gì giống như nhà! Tuấn nhìn theo thì cũng nhận ra lờ mờ một ngôi miếu, anh chán nản: – Chỉ là một ngôi miếu hoang, mình từng nhìn thấy mỗi lần đi qua đây. Nhưng Phú vẫn tỏ ra quan tâm: – Một ngôi miếu lúc này có vẫn hơn không. Mình lên đó trú mưa đi. Tuấn không hề muốn, nhưng lúc này chẳng còn cách nào hơn nên sau vài giây do dự, anh gật đầu: – Được rồi, mình cứ lên trên đó khi nào nhìn thấy có ánh đèn xe đi lên thì mình chạy xuống chặn họ lại quá giang. Trời không còn sáng nữa, nên việc leo lên dốc có hơi vất vả. Phải hơn năm phút sau họ mới lên tới gần ngôi miếu, Tuấn đi trước, chợt anh khựng lại nhìn thấy có vật gì đó trước cửa miếu, anh kêu lên: – Có người kìa! Rõ ràng có người nằm sóng soài trước cửa miếu. Phú nhanh chân hơn, bước tới cúi xuống và reo lên: – Anh ta còn thở anh Tuấn ơi! Tuấn bước đến sát hơn và lần này đến lượt anh kêu lên: – Thái đây mà! Họ đỡ Thái vô trong miếu. Bật diêm sáng lên, soi rõ mọi vật. Tuấn không kiềm chế được xúc động khi nhìn thấy chiếc túi xách màu đỏ: – Đây là… Anh lao tới mở vội túi xách ra và nhận từng món trong đó. Tất cả là của Thu Hà. Đúng là của Thu Hà rồi! Phú cũng lấy chiếc túi xách màu đen còn lại, vừa mở ra thì chính Tuấn hét lên: – Cái đó là của Vân Hạnh! Vừa lúc đó Thái cũng vừa tỉnh lại. Anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy hai người. – Sao lại… Tuấn mừng lắm: – Cậu đã tìm gặp họ rồi phải không? Thái ngơ ngác: – Gặp ai? – Thiên Hương, Vân Hạnh, Thu Hà. Thái nhìn sang những chiếc túi xách và bất giác kêu to: – Thiên Hương! Niềm hy vọng vừa lóe lên trong Tuấn và Phú đã tắt lịm sau khi Thái kể chuyện đã chạy tìm khắp nơi mà chẳng có tăm hơi gì. Tuấn nhìn bụi bặm bám bên ngoài các túi xách, anh càng thất vọng hơn: – Họ đã ở đây khá lâu rồi,cứ nhìn bụi bặm thì biết. Phú lục lọi túi thức ăn và xác nhận điều đó: – Thức ăn đã hư thối từ lâu rồi, chứng tỏ họ chưa ăn đã… Thái không dám tin vào sự thật: – Nhưng họ để đồ đạc ở đây rồi đi đâu? Họ là con gái thì đi đâu xa được. Tuấn cũng nói: – Khi đi Vân Hạnh lái xe. Vậy để xe ở đâu mà lại lên đây? Hay là… Mấy lời nói của Tuấn đã làm cho Thái và Phú sững sờ. Họ nhìn nhau không nói gì nhưng hình như đều có chung một ý nghĩ… Tuấn kéo tay hai bạn: – Đi! Ta xuống dưới kia! Họ lao xuống đường rất nhanh. Tuấn vẫn là người dẫn đường, anh giục: – Hồi nãy trước khi lên đây tôi nhìn thấy một chiếc xe bỏ nằm bên vách núi, ta tới đó xem. Đường đèo dốc quanh co, lại tối thăm thẳm, vậy mà ba chàng trai vẫn băng băng lao đi. Khoảng hai mươi phút sau thì tới chỗ chiếc xe. Họ thất vọng ngay, bởi đó là một chiếc xe tải nhẹ cũ. Quá thất vọng, họ đều ngồi bệt xuống cạnh chiếc xe. Lát sau có ánh đèn pha từ dưới dốc quét lên. Rồi một chiếc xe tải nặng chạy lên khá chậm. Khi nhận ra có người bên cạnh chiếc xe chết máy, tài xế hỏi với xuống: – Xe “ban” hả? Có cần giúp đỡ gì không? Tuấn nhanh miệng: – Không phải xe của chúng tôi. Tôi muốn hỏi, gần đây anh có thấy chiếc xe du lịch nào bỏ lại đây không? Một chị đi buôn ngồi bên cạnh tài xế vọt miệng nói: – Không có xe nào bỏ lại, chỉ có một chiếc lọt xuống vực này mà thôi. Nhưng lâu lắm rồi… Cả ba chàng đều lao ra bám cửa xe, hỏi dồn: – Chị nói rõ hơn được không. Tai nạn thế nào? Chị kia giục tài xế: – Tới chỗ bằng phẳng kia dừng lại một chút. Chị ta thuộc loại người lắm điều thích huyên thuyên chuyện thiên hạ, nên đây là dịp để trổ tài: – Tui đi buôn bán qua lại con đường này thường ngày nên chyện gì xảy ra tôi cũng biết. Chuyện chiếc xe lao xuống vực đó ít người biết lắm, chỉ có tôi đã vô tình nghe được một người dân thiểu số dưới thung lũng bên dưới đèo kể lại. Họ thấy chiếc xe lao xuống và nhiều người rơi ra. Thấy ba chàng trai đang lo lắng tội nghiệp, nên bác tài xế đề nghị: – Các cậu leo lên xe, tui đưa giúp về Đà Lạt rồi tính sau. Chuyện của bà này kể đâu đã xác thực gì. Cả ba đều buông tay cùng lúc không bám cửa xe nửa. Phú khoát tay: – Cám ơn, anh đi đi, tụi tui ở lại có chút việc. Bác tài cảnh giác: – Trời này mà ở lại trên đèo là nguy hiểm lắm đó nghen. Mặc cho lời cảnh báo, cả ba vẫn thẫn thờ đứng trơ trọi giữa đêm đen với nỗi lòng nặng trĩu… Họ tìm cách xuống thung lũng. Phú là người mở đường bởi anh là người sống ở vùng rừng núi lâu năm. Đầu tiên họ theo hướng phía gần chân đèo đi ngược lên. Đây là con đường xa và nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào hơn, bởi bấy giờ đang là mùa mưa, nước ở các dòng suối dâng cao và luôn gây nguy hiểm cho người vượt qua nó. Cũng may cho họ, vừa rời khỏi chân đèo một quãng hơn cây số họ đã gặp một người dân địa phương. Anh ta là người thiểu số nói được tiếng Kinh nên sau khi nghe Phú hỏi về tung tích những chiếc xe bị rơi, anh ta chỉ tay về phía trước: – Cách đây hơn năm cây số ở đó thường có tai nạn rơi xe. Người ở thung lũng đều tránh xa không dám dựng nhà nơi ấy… Có người dẫn đường nên việc đi đứng của ba người đỡ nguy hiểm hơn. Trong số họ có Thái là tỏ ra suy sụp hơn cả. Từ lúc tỉnh dậy đến giờ lúc nào Thái cũng luôn miệng gọi Thiên Hương và đi đứng cứ như người mộng du. Tuấn phải nhắc nhở: – Cậu như thế thì làm sao đi tìm kiếm cho được. Dù sao cũng đã đến nước này rồi, phải dũng cảm đương đầu với thực tế chứ… Tuy mạnh miệng nói với Thái như vậy nhưng trong lòng Tuấn tan nát, rối bời không hơn gì bạn. Tình yêu đối với Thu Hà đã làm cho Tuấn sống mà như chết suốt gần sáu tháng qua. Anh đã bỏ cả suất đi Pháp du học theo lệnh cha mẹ và bỏ nhà đi tìm Vân Hạnh và Thu Hà ở khắp mọi nơi. Anh đã từng lên Đà Lạt mấy lần và do đó mới gặp được Thái và nảy ra ý nghĩ tìm Phú để cùng đi tìm những người họ yêu thương. Chỉ có Phú là lúc nào cũng im lìm luôn giấu tình cảm của mình, dù trong lòng anh cũng chẳng khác gì hai bạn cùng cảnh ngộ. Nhất là lúc anh bị ông bà Nguyễn Đình làm áp lực buộc anh phải chấp nhận lưu đày lên đồn điền trà, nơi mà sự khắc nghiệt không thua gì thung lũng dưới vực sâu này. Anh đã chịu đựng sự chia lìa với Vân Hạnh đến hơn sáu tháng, nhưng luôn tin tưởng rằng người yêu anh sẽ chờ đợi và cuối cùng sẽ được tái hợp cùng nhau. Người dẫn đường đưa họ vượt qua một thác nước nhỏ, men theo con suối nước chảy siết đưa về phía gần chân đỉnh đèo, anh ta bảo: – Ở đoạn đó xe thường xuyên rơi xuống, có lúc có xác người trôi về phía này, người làng vớt được và đem chôn ở chỗ kia. Anh ta chỉ về một đồi thấp, nơi có hơn chục ngôi mộ cỏ đã mọc xanh rì. Phú sốt ruột hỏi: – Làm cách nào đi về phía đó nhanh hơn? Người dẫn đường xua tay: – Nơi đó không tới được đâu. Xe trên đèo lúc nào cũng có thể rơi xuống đầu các anh. Tuấn cương quyết: – Anh cứ đưa chúng tôi tới gần nơi đó, rồi chúng tôi sẽ tự đi. Khoảng một giờ sau họ tới giữa con suối, ngước nhìn lên trên thăm thẳm, Tuấn bất giác than: – Như thế này mà xe rơi xuống làm sao sống nổi! Cả ba người đều không ai bảo ai, đã lặng người mấy mươi giây. Thái, người yếu đuối hơn cả, nắm lấy tay Tuấn giọng run run hỏi: – Làm sao bây giờ anh Tuấn? Tuấn chưa biết tìm lời gì để an ủi, chỉ nghe Phú kêu lên: – Có một chiếc xe trong hốc đá đằng kia! Theo hướng tay của Phú, Tuấn nhìn theo và hốt hoảng: – Xe đó là xe của Vân Hạnh! Chiếc Simca 9 sơn hai màu xanh và đen nổi bật giữa hốc đá, cả bảng số xe nữa, đứng cách hơn năm mươi thước vẫn nhìn rõ. Tuấn chẳng ngại chướng ngại phía trước, vạch cỏ gai bước nhanh về phía chiếc xe. Lại gần mới nhận ra phần đầu xe đã bị giập nát, các cửa xe đều bung ra, nhưng phần đuôi xe thì vẫn nguyên vẹn. Cả ba người trong trạng thái lo sợ, bước từng bước đến bên xe đưa mắt nhìn vào trong… Trong xe chẳng hề có ai, dù là một bộ xương người. Thái đã khóc ngất từ nãy, anh vịn vào vai Tuấn như nhờ sự tiếp sức, miệng thì lẩm bẩm: – Thiên Hương có thể còn sống không, anh Tuấn? Phú tỏ ra rành hơn: – Thường những người ngồi trong xe rơi xuống vực đều bị bắn tung ra ngoài. Ta hãy tìm chung quanh đây… Một cuộc lùng sục cật lực cho đến lúc trời xế trưa vẫn chưa thấy gì. Hơi nản lòng, Tuấn đề nghị: – Chúng ta vào trong bản kia nghỉ trưa, chiều tìm tiếp. Thái chưa muốn đi khiến Tuấn phải nhắc lại lần nữa: – Họ đã rơi xuống đây sáu tháng rồi, có tìm gặp cũng chỉ là… Tuấn bỏ lửng câu nói, cả ba cùng đi về phía làng. Người dẫn đường còn chờ họ trên đồi, anh ta chỉ về phía một trang trại lớn: – Muốn nghỉ ngơi thì vô trang trại bỏ hoang kia kìa. – Trang trại sao lại bỏ hoang? Phú hỏi. Anh dẫn đường nói rõ: – Đây là trang trại của một ông từ Sài Gòn lên lập cho ba người con trai. Nhưng họ chỉ ở được ba bốn tháng thì suýt bỏ mạng… Tuấn ngạc nhiên: – Sao vậy? – Họ bị ma bắt hồn! Cả ba bị cuốn hút vào câu chuyện ma. Khi anh ta kể đến việc có ba con ma nữ thì Thái là người nhạy cảm hơn cả, đã kêu lên: – Thiên Hương không thể là ma được! – Nhưng có ai bảo Thiên Hương là ma bao giờ? – Tuấn bảo. Tuy nhiên càng nghe người dẫn đường kể thì chính Tuấn cũng thấy giống những người yêu của họ. Cho đến khi được đưa lên ngôi nhà sàn thì chính Thái đã reo lên khi nhìn thấy chiếc lược cài tóc nằm trên giường: – Cái này là của Thiên Hương! Chính Thái đã mua tặng Hương chiếc lược màu tím có hình con bướm vàng với hai chữ TH lồng vào nhau. Đúng là Thiên Hương từng sống ở đây? Cô ấy còn ở đây! Thái chạy khắp trong ngoài nhà lùng sục, vừa kêu to: – Thiên Hương! Hương ơi. Anh chàng dẫn đường lắc đầu: – Anh ta điên rồi! Chính cô gái ma từng vào căn nhà sàn này và làm cho con trai út ông chủ trang trại gần mất mạng, sao lại là người yêu của anh chàng này! Ở những căn phòng khác. Tuấn và Thái đều tìm gặp những vật dụng của Thu Hà và Vân Hạnh. Cầm trên tay chiếc khăn quàng cổ màu hồng nhạt mà khi lên đồn điền. Hạnh đã choàng cũng như đã từng quàng cho Phú lúc Phú bệnh. Ở một góc khăn còn hằn rõ hai chữ VH do chính tay Phú ghi. Tuấn thì nhặt được một chiếc đồng hồ đeo tay để trên bàn viết của một căn phòng. Chiếc đồng hồ đó là quà tặng của anh cho Thu Hà lúc hai người quen nhau được một tháng nhân lần Tuấn đưa người yêu đi chèo ghe ở Phú Định. Người dẫn đường kể đầy đủ chuyện ba con ma nữ hại ba đứa con trai chủ trang trại Hồng Phát. Câu chuyện ông kể làm Tuấn, Phú và Thái nghe lạnh cả người… Cuối cùng thì chính Phú cũng tìm được ba bộ xương người nằm ở một bãi đá phía hạ nguồn dòng suối. Anh nhận ra sợi dây chuyền mặt vàng có lộng hai chữ VH còn đeo ở xương cổ. Họ mang cả ba bộ xương lên và ngay hôm đó họ đặt giữa miếu hoang một mâm nhang đèn trịnh trọng. Lễ cúng chỉ với những nải chuối rừng và cả ba chàng trai đều ngồi ở các góc phòng trên tay ôm ba bộ xương, người thừ ra, mắt nhìn về phía trời xa… Ngày hôm sau và cả tuần sau nữa, họ vẫn như những người hóa đá ngồi lặng yên trong miếu… Rồi đến một hôm bỗng dưng họ biến mất chẳng để lại chút tăm hơi nào… Có tin đồn rằng cả ba do quá đau khổ và chán chường đã mang theo xương cốt người yêu đi sâu vào vùng rừng núi để chôn chặt cuộc đời còn lại… Cũng có tin nói rằng trong một đêm tăm tối, mưa gió bão bùng, vì quá tuyệt vọng cả ba đã lao mình xuống vực… Chẳng ai biết điều nào là đúng. Chỉ có điều là kể từ khi ấy những người chạy xe qua đèo Bảo Lộc đều kháo nhau rằng đêm đêm họ thấy có ánh đèn trên ngôi miếu hoang. Thỉnh thoảng còn có tiếng khóc trên đó vọng xuống… Có người còn quả quyết rằng chính họ đã từng nhìn thấy ở đoạn đèo gần ngôi miếu thỉnh thoảng xuất hiện ba bóng con gái mặc toàn đồ trắng. Họ đứng ủ rũ bên đường gần bờ vực. Có khi lại thấy họ đứng giữa ngã ba như chờ đón xe lên xuống. Nhiều tài xế nói rằng nếu lái xe qua đó mà không thành tâm khấn vái thì rất dễ hoa mắt, xe rất dễ bị rơi xuống vực. Có người còn quả quyết rằng dù gia đình ông Nguyễn Đình và Phát Đạt không biết cụ thể về cái chết của các con họ, nhưng tự dưng họ rất sợ đi qua đường đèo Bảo Lộc. Rồi chẳng biết do ai mà ngôi miếu hoang trên núi đã được trùng tu, có bệ thờ, có bàn hương và có người thường xuyên đến lễ cúng, và ngay cạnh miếu mọc lên ngôi mộ bia, nhưng ai cũng biết để chôn tượng trưng ba cô gái chết oan. Cũng từ đó người ta gọi ngôi miếu ấy là Miếu Ba Cô và mộ ba oan hồn… Gọi riết thành danh. Sự linh ứng cũng ngày càng tăng. Dân đi buôn rất tin tưởng và thường dừng xe lại cúng. Không nghe có sự phá phách nào từ những oan hồn trong miếu… HẾT