Một trong những quan ngự y cửa Đức Thành Thái là người đất Quảng Nam. Khi nhà vua bị truất phế vào mùa thu năm 1907, ông cũng từ quan, về quê nhà sống với nghề hốt thuốc. Bà cố tôi, một trong những người hiếm hoi trong dòng họ sống vượt qua cái ngưỡng tuổi một trăm năm vẫn thường kể rằng ông ưa nhắc đến đức tính thương dân, gần dân của nhà vua mà chính ông luôn lấy đó làm gương. Từ ngày trở lại quê nhà, với tài năng thật sự và danh tiếng ngự y, không lúc nào ông được rảnh rỗi. Người bệnh tìm đến với ông đủ mọi thành phần và không chỉ giới hạn trong tỉnh Quảng Nam dù rằng đôi khi họ phải vượt đèo Hải Vân ở phía bắc và đèo Cả ở hướng ngược lại. Đến với ông, đông nhất vẫn là những người nghèo vì không như những danh y khác, ông luôn lấy y đức làm đầu nên thường là ông chữa bệnh gần như miễn phí cho những người khốn khó. Thế nhưng, dù là một danh y, rồi đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp và danh vọng là được vời vào triều, đứng trong hàng ngũ của các vị ngự y trong Thái y viện, nơi đã giúp ông hoàn thiện thêm kiến thức và y thuật của mình, ngài “cựu ngự y” ấy nhiều khi vẫn cảm thấy bất lực trước cái nghiệt ngã của nghề nghiệp. Ngay cả khi trong triều, hay khi đã về cùng những kẻ thứ dân, mỗi lần nhìn thấy tử thần cướp trên tay mình một sinh mệnh là ông đau đớn đến mất ăn, mất ngủ. Thời ấy, ai bất hạnh vướng vào “tứ chứng nan y” thì kể như chỉ còn đợi thần chết đến, thế nhưng ngoài bốn chứng bệnh mà bất cứ thầy thuốc nào cũng phải bó tay ấy, ông còn luôn làm kẻ chiến bại trước một căn bệnh hiểm nghèo khác: bệnh điên! Thoạt tiên, với uy tín cộng với lòng nhân hậu của ông, người nhà vẫn thường đem đến cho ông chữa trước, và chỉ khi ông “chạy” thì họ mới phải tìm đến các pháp sư, các thầy phù thủy, nơi mà tiền chữa trị đôi khi cao bằng cả một đời làm thuê. Tại sao các thầy pháp, thầy mo kia có thể chữa khỏi chứng điên mà ta thì không? Có những kẻ như “thầy” Tám Khủng làng bên, vô học, thời trai trẻ chỉ biết đi ăn trộm rồi bị dân làng đánh đến bể đầu, xấu hổ bỏ làng đi biệt tích hàng mười năm, lại dùng một cái trở về xưng là pháp sư, học nghề tận vùng Thất Sơn huyền bí. Và để chứng minh một cách hùng hồn cho danh xưng ấy, thầy Tám đã lập tức chữa khỏi hàng loạt bệnh điên đã đến thời kỳ mà mọi ông thầy khác đều bó tay! Tại sao lại là như vậy? tại sao? Những câu hỏi ấy dày vò ông. Những câu hỏi làm ông đau xót và có phần nhục nhã. Những câu hỏi đúc dần trong lòng ông một quyết tâm: Phải học để biết cách chữa bệnh điên! Phải học để mà có thể đánh đuổi, trục xuất những con ác quỉ ra khỏi cuộc sống, trả lại linh hồn cho những người lương thiện. Nhưng học ai? Một quan ngự y xuất thân là một nhà nho, một “chơn quân tử” như ông tất nhiên là không thể cầu cạnh những thầy bùa, thầy pháp vô đạo đức, tham lam và chữ nhất cắn đôi còn chưa hiểu kia! Ông quyết tâm đi theo hướng của mình. Cuối những năm ông làm ngự y, triều đình đã xảy ra một biến cố mà mọi sĩ phu đều biết. Lúc ấy, nhằm tạo ra lý do dễ truất phế nhà vua có tư tưởng tiến bộ và chống lại chế độ bảo hộ của người Pháp, viên khâm sứ Lê-vec-cơ đã phao tin Đức Thành Thái bị điên. Vậy là chúng giam nhà vua vào điện Càn Thành, đồng thời để che mắt những người nghi ngờ, Hội Đồng Phụ Chính đã ra lệnh cho Thái Y Viện huy động mọi nguồn nhân sự và tài liệu liên quan đến bệnh điên về, nhằm chữa trị cho nhà vua. Câu chuyện “làm trò” ấy rồi ai cũng biết, nhưng những tài liệu y thuật cổ kim nhằm trị chứng bệnh kia thì vẫn còn được tàng trữ tại Thái Y Viện. Thế là ông lên được trở lại kinh đô, nơi vẫn đang cuồn cuộn những đợt sóng ngầm giữa những âm mưu chính trị. Gạt mọi chuyện ngoài tai và dựa vào sự quen biết cũ, ông lao vào mục đích của mình. Tàng thư của triều đình, tàng thư của các danh y chốn kinh thành, hoặc bất cứ đâu nếu được phép của ông tìm đến ngay xin tham khảo. Tấm lòng và sự bền chí ấy rốt cuộc đã được đền bù, ông đã tìm ra được công thức pha chế thuốc chữa bệnh điên hiệu nghiệm nhất! Thế nhưng thành phần của phương thuốc ấy lại là một thách thức không kém khó khăn. Đó là một hỗn hợp đặc biệt gồm các nguyên liệu lạ lùng và hiếm hoi, mà khó nhất là phải tìm cách kiếm cho được một Thiên Linh Cái (sọ của những con gái đồng trinh bị trời đánh) và những phương thuật luyện đan nghiêm ngặt khác! Nhưng bằng một ý chí đã thành đá, cộng với một sự cố gắng liên tục, bền bỉ, cuối cùng ông cũng vượt qua được mọi cản ngại để luyện xong phương thuốc trên. Người bệnh đầu tiên của ông là một anh lực điền, tuổi ngoài ba mươi. Anh ta bị ma Thần Vòng bắt vì dám dành lấy từ bàn tay của loài ma nổi tiếng hung ác này một sinh mạng, đó là khi anh dứt dây cứu một thiếu phụ hàng xóm giận chồng đi thắt cổ. Gia đình bệnh nhân đã đem anh ta đến nhờ thầy Tám Khủng nhưng đành phải đem về chờ chết vì ông ta đòi công chữa bệnh quá cao mà phải trả trước! Thế nhưng anh lực điền ấy không chết một cách dễ dàng, những cơn điên đã biến anh thành một con quỷ dữ, sẵn sàng bứt dây trói, chạy khắp làng và gặp ai cũng nhào tới đánh đập, cắn xé làm mọi người cực kỳ kinh hãi. Bệnh nhân được khiêng đến nhà quan ngự y – những người dân vẫn cứ gọi một cách kính trọng như vậy dù ông đã thôi việc – trong tình trạng cuồng loạn. Anh ta bị trói chặt bằng những sợi thừng to nhưng miệng thì sùi bọt mép và luôn gầm gừ, rú rít bằng những âm thanh không phải của con người. Vị danh y hồi hộp đem thử nghiệm ngay phương thuốc của mình và điều kỳ diệu đã xảy ra ngay tức khắc. Sau khi được cạy miệng cho uống thứ nước có màu đỏ nhạt, một dung dịch giữa nước giếng khơi và thuốc, người bệnh dần dần ngủ yên. Trong ba ngày tiếp theo, bệnh nhân được cho uống liên tục mỗi ngày một lần và đi đến khỏi hẳn. Vậy là con ma Thần Vòng đã bị trục xuất! Thuốc đã hiệu nghiệm rồi! Tất cả mọi người đều vui mừng khôn tả, mà mừng nhất có lẽ là vị danh y hiền đức. Thế là từ đây ông đã yên tâm. Từ đây những người không may bị quỷ ám sẽ có ông ra tay trừng trị và trục xuất chúng! Bọn thầy pháp, thầy mo kia sẽ chẳng còn dịp để lên mặt coi thường ông và tính giá cắt cổ với người nghèo! Khi được đám đệ tử thuật lại câu chuyện chữa bệnh thần kỳ của vị danh y, thầy Tám Khủng cười khà khà: -Lão ấy đã tự rước họa vào thân rồi! Thật là đáng đời mà cũng thật tội nghiệp! Rồi lão nói tiếp, vẻ đắc ý: -Đối đầu với quỉ thần không phải là chuyện của bọn xuất thân mũ cao áo dài. Ta đây, mười năm lăn lộn chốn sơn thâm cùng cốc để học đạo. Bảo bối, pháp thuật đủ đầy. Có thể kêu gió, hú mây, dưới tay lại hàng vạn âm binh mà đôi khi còn phải tránh mặt Ma Vương, huống hồ gì lão ấy chỉ biết trông cậy vào chữ nghĩa của bọn hủ nho. Để rồi bây coi. Thật tội nghiệp! Thật tội nghiệp! Tin quan ngự y chữa bệnh điên lan nhanh như chớp. Người dân cảm thấy an tâm hơn vì từ nay bên cạnh họ đã có một vị thánh nhân sẵn sàng cứu giúp. Nhưng rồi tai họa đã đổ ập vào gia đình vị thánh ấy không lâu… Một buổi chiều, sau khi đi thăm bệnh cho một bệnh nhân già yếu, vị danh y ngồi võng trở về (thời ấy ở vùng núi, phương tiện đi lại khó khăn, những người có tiền, có địa vị thường đi võng). Vừa đến đầu làng, ông đã nhận được tin sét đánh. Cô con gái đầu của ông, vừa đến tuổi cập kê, tự dưng đang ngồi trong nhà thì ngã lăn ra chết! Ông về đến nhà thì đã quá muộn và chỉ còn cách an ủi bà vợ đang lăn gào, khóc lóc vì quá đau thương! Tai họa không làm ông nản lòng, trái lại ông còn bỏ nhiều thời gian hơn cho những người bất hạnh. Ông vẫn không từ nan một khó khăn nào, vẫn sẵn sàng ngồi võng đến một làng xa chữa bệnh cho những người già yếu không đi được. Người bệnh điên thứ hai ông chữa là một cô gái trẻ. Một hôm đi tát nước ruộng cô gái trông thấy một bầy vịt. Ngỡ là vịt của ai bị lạc cô liền lùa giúp về làng. Thế nhưng, khi lùa ngang qua miếu cô hồn, nơi người thiếu phụ thắt cổ rồi được cứu sống trước đây, bầy vịt biến mất còn cô gái vừa về đến nhà thì phát bệnh điên. Bệnh nhân không nguy hiểm như anh lực điền nhưng thật đáng thương vì thường trốn khỏi nhà đi lang thang, lúc khóc lúc cười và lại bứt xé hết quần áo phơi bày tấm thân trinh nữ trước mắt mọi người. Cũng chỉ với ba liều thuốc uống trong ba ngày, vị danh y đã trục xuất được ngay con qủy trong những cô gái và từ chối không nhận lễ vật, tiền bạc của gia đình nạn nhân, một gia đình cũng rất nghèo, đem đến. Ông vẫn bình thản trước danh tiếng ngày càng vang dội của bản thân và tiếp tục sống giản dị, hết lòng với những người nghèo như vẫn từng đã sống. Nhưng tai họa thứ hai lại tới. Lần này là nhắm vào cậu con trai thứ của ông. Cũng từ một lần ông đi chữa bệnh xa. Cũng là một cái chết bất đắc kỳ tử bí ẩn! Ông già đi nhanh ***ng. Đôi vai gầy sụp xuống và đôi mắt u buồn hẳn nhưng vẫn lao vào công việc của mình như thể ông muốn mượn công việc để quên đi bao bất hạnh vừa rồi! Người dân đã yêu quí ông giờ càng yêu quí hơn vì nỗi đau mất mát của ông cũng gần như của họ. Trả tiền bạc, lễ vật hậu quá ông không nhận thì họ lén lút đến cửa sau năn nỉ vợ ông nhận giùm. Còn mỗi khi cần nhờ vả hay gặp ông ngoài đường, mọi người dân đều lễ phép vái chào “quan” với lòng kính trọng. Mấy tháng lại trôi qua. Nỗi đau dường như đã vơi bớt phần nào. Rồi ông lại nhận chữa cho một người điên khác. Lần này là một phụ nữ đã có chồng và ba đứa con. Căn bệnh tự nhiên bộc phát không rõ lý do nhưng triệu trứng điên thì rõ rệt. Gào thét, chửi bới, khóc cười… và mang một sức mạnh khác thường. Chị ta có thể ném một cái cối đá xa hàng thước, điều mà ngay cả người đàn ông mạnh nhất làng cũng không làm nổi. Người chồng phải tự tay đóng một chiếc cũi nhốt vợ vào đó và nhờ đến bốn người khiêng đến nhà quan ngự y. Dân chúng đến xem chật cả cái sân rộng nhà ông. Tự tin và bình thản, vị danh y lại đem thuốc quí ra mài và sai người múc nước giếng khơi hòa vào. Một lần nữa chất nước màu đỏ nhạt lại linh nghiệm trước sự thán phục của mọi người. Người phụ nữ lại được trả về với chồng, với con như chính con người chị trước kia. Nhưng cũng một lần nữa gia đình lãnh tai họa thứ ba. Cũng như lần trước, cô con gái thứ ba mới mười hai tuổi, trong khi rửa chén ngoài cầu ao đã rơi xuống và bị chết đuối. Khi gia đình phát hiện thì cô con gái bất hạnh chỉ còn là cái xác không hồn! Tang tóc bao trùm lên cả làng. Mắt mọi người đều rơm rớm lệ. Không một cuộc vui nào được tổ chức trong giới người nghèo suốt những tháng sau đó. Thậm chí người ta không dám cười lớn với nhau vì sợ như thế là xúc phạm đến nỗi đau thương quá lớn của gia đình ông. Lần này, ông nằm liệt suốt cả tuần mới gượng lên được và cả tháng trời gần như mất ngủ. Tại sao những đứa con ta lại chết sau khi ta vừa chữa khỏi cho một người điên? Tại sao đó đều là những cái chết bất đắc kỳ tử và nằm ngoài sự kiểm soát của ta? Những câu hỏi ấy hiện lên ám ảnh ông dữ dội. Không phải câu nói của pháp sư Tám Khủng không đến tai ông. Nó cũng đang làm ông suy nghĩ. Vợ ông, người đàn bà suốt đời tuân phục chồng giờ cũng năn nỉ ông thôi chữa bệnh điên. “Ông mà còn động đến quỉ thần thì gia đình mình còn nhận bao nhiêu là khốc hại!” – Bà nói vậy nhưng ông gạt đi. Ông cho rằng những bất hạnh kia chỉ là ngẫu nhiên dù chính ông cũng đang phân vân, không biết đâu là lời giải đáp! Lại nhiều tháng trôi qua, nhưng nỗi đau đã không nguôi ngoai trong tâm hồn bắt đầu rời rã của ông. Ông vẫn hốt thuốc, chữa bệnh bằng tất cả lương tâm của một lương người nhưng đã bắt đầu thấy mệt mỏi. Rồi một hôm, có cả một gia đình từ một làng xa vượt đèp tìm đến ông. Con trai họ, cháu đích tôn của một dòng tộc lớn, đang chờ chết vì bệnh điên. Họ đã cho rước mọi thầy phù thủy, pháp sư trong vùng nhưng các vị này đều bó tay vì không đủ sức để đuổi con quỷ kia. Nghe danh quan cựu ngự y, lại biết quan là người nhân đức, họ kéo cả gia đình gồm cha, mẹ, chị và cả ông bà người bệnh, vượt đường xa khẩn khoản đến xin ông ra tay tế độ! Vị danh y do dự. Đường khá xa. Hay là ta viện cớ này mà từ chối? Nhưng rồi trước những giọt nước mắt, trước sự năn nỉ lạy lục của họ suốt một đêm dài, lòng ông chùng lại. Gia đình bệnh nhân mừng rỡ như vừa sống lại. Họ vội mướn ngay một chiếc võng điều và hai người phu lực lưỡng. -Ông! Bà vợ già nghẹn ngào khi thấy chồng lại soạn đồ đạc – Nhà mình chỉ còn mỗi một thằng Út. Lỡ mà… Bà không dám nói hết câu, chỉ òa lên khóc. Ông nhìn vợ, cảm thấy thương bà hơn, nhưng ông cũng gắng nói cứng: -Tất cả là do số trời. Tôi không tin chuyện chữa bệnh của tôi dính líu gì đến sinh mạng của mấy đứa con mình. Bà an tâm, thằng Út là cả cuộc đời tôi. Tôi sẽ bảo vệ nó. Ở nhà bà nhớ coi chừng con cẩn thận. Nhớ chỉ cho phép nó rời khỏi nhà khi tôi đã về! Rất đông người làng tiễn ông như một chuyến đi xa và lòng ông ấm lại. Chiếc võng khuất dần ở một đường rẽ trước khi lên đèo. Nghe tin quan ngự y đến tận nơi chữa bệnh, những người trong làng bệnh nhân cũng xúm đen, xúm đỏ ngóng chờ. Sáng sớm ra đi thì gần trưa mới đến. Người ta lễ phép tránh xa, xì xào bàn tán khi võng ông đi qua. Một bờ tường cao bằng đá chạy dài chứng tỏ chủ nhân là một cự phú. Chiếc võng đã đi đến ngõ và vừa lúc ấy tiếng huyên náo nổi lên. Bệnh nhân, bằng một sức mạnh kì bí, đã vùng dậy, vượt qua cơn ngoắc ngoải của mình, đang vùng chạy ra đón đầu võng. Cả gia đình bệnh nhân cùng về sau ông hốt hoảng, họ níu võng thưa: -Bẩm quan, con trai tôi đó. Không hiểu sao nó lại ra được đến đây? Xin ngài cản lại giùm. Xin ngài rủ lòng thương! Vị danh y bước nhanh ra khỏi võng. Ông chưa từng thấy người điên nào lại tỉnh táo đến vậy. Hắn hoàn toàn mạnh khỏe khi bước đến gần ông. Và trước sự kinh ngạc của hàng trăm con người, hắn vái chào ông thật lễ phép. Rồi hắn nói bằng một giọng mà những người từng biết hắn nhận ra ngay đó là giọng của một người xa lạ: -Bẩm ngài ngự y. Tôi xin được phép hỏi ngài vài điều trước khi ngài bước vào căn nhà này? -Ngươi cứ nói! Vị danh y từ tốn. -Bẩm ngài. Tôi chưa hề quen biết ngài, chúng ta cũng không thù oán gì nhau, vì thế tôi muốn hỏi tại sao từ cả năm nay hễ tôi đi đến đâu là ngài theo đến đó? Tại sao tôi không muốn quấy phá gì ngài mà ngài lại theo đuổi quấy phá mãi tôi? Giọng anh ta thật thống thiết. Vị danh y bàng hoàng. Ông chăm chú nhìn người bệnh. Hắn nói rất tỉnh táo và khôn ngoan. Ngôn ngữ ấy dứt khoát không phải là của chàng trai điên này! -Ta là thầy thuốc. Ta có nhiện vụ chữa bệnh cho bất cứ ai cần đến ta! Ông trả lời cứng rắn. -Nhưng đây là công việc của tôi! Cuộc sống của tôi. Tôi không cần thầy phải nhúng tay vào! Người bệnh gào lên. Tất cả mọi người đều bất động khi chứng kiến cái cảnh có một không hai trong đời họ. Vị danh y vẫn ôn tồn nhưng cương quyết: -Công việc của ta là cứu người. Ma quỷ cũng là một chứng bệnh mà ta thấy cần phải tống khứ cho kỳ hết! Một tiếng cười lạnh vang lên: -Nhưng thầy sẽ không bao giờ làm được điều ấy. Mọi sự đều có nhân quả của nó. Thầy quên rồi sao. Khi thầy trục xuất tôi ra khỏi người đầu tiên tôi đã phải xin thầy cô Cả để bù trừ. Rồi đến cậu Hai, cô Ba, tương ứng với số lần mà thầy đã đánh đuổi tôi. -Ngươi… ngươi… Vị danh y lắp bắp. Ông lạnh toát cả người. Vậy là đã rõ. Những tai họa kia không hề là ngẫu nhiên. -Phải! Giọng nói lạnh lẽo ấy lại tiếp tục – Tất cả đều từ một tay tôi. Và giờ xin nói để thầy hay. Nếu lần này mà thầy cũng vẫn không thương thì… thì nhà thầy vẫn còn cậu Út. Phải, nếu mà thầy vẫn không thương thì tôi xin mạn phép thầy! Vị danh y đứng chết lặng hồi lâu. Người bệnh cũng khoanh tay đứng bên ông. Xung quanh, thân nhân và dân làng cũng bất động… Chợt ông như sực tỉnh. ông quay ngoắt lại, bước về phía gia đình người bệnh. Ông nói mà nước mắt rơi ra: -Hãy thứ lỗi cho tôi. Gia đình nên mời một pháp sư khác có pháp thuật cao cường, vừa có khả năng đuổi quỷ vừa bảo vệ được mình mới mong trục xuất con quỷ dữ này. Còn tôi, tôi đã không thể. Ông leo trở lên võng và bảo hai người phu khiêng ngược ra. Dân làng vãn ra cho ông đi. Họ không nói gì. Họ hiểu ông không đủ sức. Họ biết rằng sự hy sinh nào cũng có giới hạn. Ông đã bước đến cái giới hạn cuối cùng. Về đến làng, vị danh y đem chôn cái gấm đựng thuốc xuống một nơi bí mật. Kể từ ngày ấy, ông chỉ chữa bệnh thường và vài năm sau thì mất.