Những người có mặt ngày hôm đó không ai có thể quên được cái cảnh tượng nhìn thấy hồn ma bay ra từ chiếc quan tài đó. Tất cả mọi người đều cảm thấy sợ hãi. Giọt champagne cuối cùng vừa rời khỏi chai trên tay cô dâu chú rể, cũng là lúc Thu Nguyệt nhận ra một điều lạ cô thì thầm bên tai Tuấn: – Anh… xem kìa! Tuấn cũng đã nhận ra màu đỏ khác thường của những giọt rượu cưới: Thay vì là màu hồng nhạt tươi sáng, lóng lánh, thì tự dưng nó trở thành đỏ sậm như máu! Trời! Đó là tiếng kêu của cả cô dâu và chú rể. Và tiếp theo là một tiếng rơi vỡ vang lên, khiến cho cả hai họ nhà trai và nhà gái ngồi bên dưới đều giật mình hướng lên sàn lễ đài. Nhất là song thân hai bên, họ chẳng hiểu chuyện gì nhưng vì thấy chai rượu rơi vỡ, họ tái mặt. Trong ngày cưới mà như thế này là một điềm gở! Bà mẹ Tuấn giọng run run: – Chuyện gì vậy ông? Ông Ninh cố bình tĩnh: – Chắc là tụi nó run tay. Rồi ông bước gần đến con trai: – Có gì không con? Tuấn hơi mất tự nhiên: – Dạ… không. Không có gì… Thu Nguyệt cũng được bà mẹ cô đến hỏi nhỏ: – Có việc gì hả? Tuấn đáp thay vợ: – Dạ, chúng con lỡ tay. Buổi lễ sau đó cũng diễn ra như không có việc gì xảy ra. Khi đến phần đi chào khách, Thu Nguyệt hầu như không còn đứng vững. Cô phải vịn vào chồng mà vẫn lảo đảo. Tuấn hốt hoảng dìu vợ vào phòng thay đồ. Lúc đó thì hầu như Nguyệt đã ngất lịm… Về đến nhà đã gần mười hai giờ đêm, tuy mệt, nhưng bà Ninh vẫn thở phào nhẹ nhõm: – Cứ tưởng là có chuyện lôi thôi. Ông Ninh cũng trút được gánh nặng: – Lúc tụi nó làm rơi chai rượu tôi muốn đứng tim luôn. Cũng may là rồi mọi việc cũng đâu vào đó. Hú vía! Lúc này bà Ninh mới nêu thắc mắc: – Mà ông có thấy gì là lạ ở con Thu Nguyệt không? Sao nó đi chào khách mà lại che “voan” ở mặt, làm chính tôi cũng nhìn không rõ mặt nó. Tôi thấy lúc làm rớt chai rượu mặt nó tái lắm… Ông Ninh cũng bảo: – Tôi cũng thấy lạ. Nhưng có lẽ nó sợ người ta thấy nét hốc hác nên làm thế. Mà cũng đẹp, thời buổi này người ta cũng cho cô dâu che mạng như vậy. Nhìn đồng hồ tường bà Ninh hơi lo: – Không biết giờ này tụi nó đã khỏe lại chưa, đã ngủ nghỉ gì chưa? Ông trấn an: – Bọn nó được tặng cho một đêm động phòng ở khách sạn thì đảm bảo là đầy đủ tiện nghi, nên chắc chắn là sẽ nghỉ ngơi tốt, bà lo gì. Thôi, ta cũng đi nghỉ, tôi oải quá, suốt sáng tới giờ toàn uống bia chứ có ăn được gì đâu. Trong lúc ông thay đồ đi tắm thì bà Ninh nhận một cú điện thoại. Ở đầu dây bên kia một giọng hơi lạ: – Chào bà chủ đại gian Ninh, nhà doanh nghiệp giàu nhất cũng là người đàn bà tàn ác nhất! – Chị là… cô là? – Bà gọi tôi là chị thì hơi tổn thọ cho tôi. Cô thì hơi xa lạ, tuy nhiên còn có thể nghe được… Vậy bà cố nhớ xem, tôi là ai mà biết bà khá rõ vậy? – Cô là ai? Giọng bà Ninh đã bắt đầu mất bình tĩnh, thì trái lại người bên kia lại cố tình trêu chọc: – Bà có giọng điệu như vậy với người vừa giúp cho đám cưới con trai bà được trót lọt, tốt đẹp hay sao? Bà Ninh gắt lên: – Cô nói năng bậy bạ, linh tinh gì vậy! Đám cưới con trai tôi thì dính gì đến cô hả? Người bên kia cố tình cười châm chọc: – Có dính đến chứ sao không! Theo bà thì chuyện đóng thế vai cô dâu để cho hai họ không mất mặt với bà con là việc làm không đáng được cảm ơn sao? – Hả, cô nói… – Cô dâu che mạng, bộ bà không thấy lạ sao? – Hả? Bà kêu lên một tiếng thì đứng thừ người ra, ống nghe trên tay bà vẫn phát ra tiếng đều đều ở bên kia… Vừa khi ấy ông Ninh từ trong nhà tắm bước ra, ông ngạc nhiên kêu lên: – Bà sao vậy? Ai nói gì vậy? Ông chạy nhanh lại chụp lấy ống nghe: Bên kia vẫn tiếp giọng điệu như từ nãy giờ: – Tôi thấy bà xã ông hơi mau quên. Nhưng chắc ông thì nhớ. Vậy theo ông một người đóng thế vai con dâu ông để đi chào hai họ trong lúc cô Thu Nguyệt không thể tỉnh lại kịp lúc, đó là nghĩa cử gì? Có đáng khen và cảm ơn hay là… Ông Ninh sửng sốt: – Nói vậy là… – Ông tin chưa? Tôi chính là người đã làm việc ấy. Và nếu ông biết điều thì hãy gọi tôi là ân nhân! Tôi tin ông có thể làm được việc ấy, nhưng bà vợ ông thì chắc là không. Bởi chắc ông hiểu vợ mình hơn ai hết, phải không ông Ninh? Bà ta là một người cố chấp, thủ đoạn và độc ác! Ông Ninh linh tính một việc gì đó không hay, nên dịu giọng: – Cô là ai và ý cô là thế nào? Một tiếng cười khẽ và rất sắc từ bên kia: – Ông muốn biết tôi là ai phải không? Điều này không khó, nhưng đúng ra vợ ông mới nên biết và tôi muốn chính tai bà ta nghe để biết tôi là ai. Mà bà ấy đâu rồi, sao lại để ông nói? Vừa lúc đó bà Ninh tỉnh lại, trông thấy ông cầm ống nghe bà đã quát lên: – Đừng nghe! Nhưng bà lại giành điện thoại, áp vào tai. Bên kia chừng như đoán được người đối thoại: – Bà tỉnh rồi sao! Mà cần phải tỉnh để nghe hết câu chuyện chớ, chưa gì đã lăn kềnh ra thì đâu còn khí thế của một người đại gian đại ác có tên là Thu Dung! Bị gọi đúng tên tộc, bà Ninh bối rối thêm: – Cô… cô nói rõ xem, con trai và dâu tôi đâu rồi? – Bà này lạ chưa! Con và dâu bà sao lại hỏi tôi? Chớ chẳng phải họ đang động phòng hoa chúc sao! Chuyện đáng biết bây giờ sao bà không hỏi tôi là ai nào? Giọng điệu đó càng lúc càng lộ rõ ý châm chọc, làm cho người nghe mất bình tĩnh. Bà Ninh không thể không hỏi: – Vậy cô là ai? Sao lại biết và xen vào chuyện đám cưới của con trai tôi? Bên kia rất bình tĩnh, giọng trầm xuống: – Bà nhớ Lan Ngọc? Và chắc bà chưa quên câu chuyện “lâu đài tình ái” năm nào chứ? Chỉ một câu hỏi ngắn đó đã làm cho bà Ninh đổ sụp hoàn toàn! Bà để rơi ống nghe và ngã xuống sàn. Lần này không được chống đỡ nên bà ta bị ngã khá nặng. Ông Ninh hốt hoảng: – Bà làm sao vậy? Nghe trong điện thoại vẫn còn vọng ra tiếng nói, ông Ninh một tay đỡ vợ lên, một tay cầm ống nghe: – Ai nói gì vậy? Giọng kia vẫn đều đều: – Bà ta lại không dám nghe hết sự thật rồi. Tôi chỉ mới nói tới toà “lâu đài tình ái” và người phụ nữ tên Lan Ngọc mà đã làm cho bà ấy xúc động đến thế cơ à? Ông Ninh tưởng mình nghe lầm: – Cô nói… Lan Ngọc nào? Lâu đài tình ái ở Long Hải?