Cô Hén không may mắn chút nào. Ba ngày tết, chủ cô đi tắm biển, cho cô về quê ăn Tết như mọi năm. Nhưng hôm chiều hăm bảy, cô vừa „đổ bộ“ thì tối hăm chín, nhà cậu của cô bị ma ném đá. Mồ côi cha mẹ, và chịu không nổi mợ dâu, cô Hén trôi nổi lên Sài gòn, đi ở mướn. Bốn năm sau, nhớ xứ quá, và hận cũ đã nguôi, cô mò về làng. Thấy cháu chồng đã khá, đeo vàng đỏ tay, quần là áo lụa, người mợ dâu cũng nể nên quên cái tội nó đã cuốn gói ra đi, tiếp đãi nó như là một đứa cháu thân yêu. Vả mỗi lần về nó không quên mua quà Sài gòn về biếu cậu mợ bộn bàng, nào là cam Tàu, hồng khô, hàng ny-lông màu sắc sặc sỡ cho con của mợ, nên mợ phải xem nó là thượng khách vậy. Cô Hén khỏi làm gì động tới móng tay sơn đỏ của cô, ăn no rồi đi dạo xóm, tới bữa ăn lại về ních một bụng rồi lại đi nữa, đôi bữa không về vì cô ta rất được hoan nghênh ở mọi nơi, ai cũng cầm cô lại ăn cơm hết. Đi xa về tha hồ nói khoác. Mà cô Hén không nói khoác họ cũng mê tít đi. Nội cái vụ đèn xanh, đèn đỏ, nội cái vụ vòi nước phun lên trời, nội cái vụ thang lầu rạp chiếu bóng mình đứng trên ấy, tự nhiên nó bò lên, mình khỏi phải leo bước nào cả, toàn là chuyện thật, thật đúng trăm phần dầu, nội những thứ huyền hoặc ấy cũng đủ làm cho người làng say sưa như nghe chuyện cổ tích, chuyện thần tiên. Tối hăm chín, Hén ở nhà để phụ giúp với mợ Tư nấu bánh tét, chớ không lẽ năm cùn tháng tận rồi, nhà ai cũng bận rộn mà cứ ngồi lê mãi. Hồi bảy giờ rưỡi, thình lình một tiếng đá rơi lên ngói kêu lên chát chúa. Mợ của Hén rủa: „Quân dịch vật, ban đêm mà cũng bắn giàn thun cho bể ngói của người ta hết“. Cậu của Hén cũng có mặt ở dưới nhà bếp, chỉ làm thinh thôi, nhưng châu mày suy nghĩ. Trẻ con bắn giàn thun bằng sỏi nhỏ cỡ bằng ngón tay cái. Sỏi ấy rơi xuống ngói rồi thì lăn đi, kêu rổn rổn, nghe như cả mái ngói đều bể hết, nhưng không sao cả. Trong trường hợp nầy, tiếng chạm rất ngắn, nghe thì đoán biết ngói bể nhưng chỉ bể một vài tấm thôi rồi cái vật rơi ấy nằm yên nơi chớ không lăn xuống dốc mái nhà, chứng tỏ rằng nó nặng lắm. Không biết bao lâu sau – vì không ai chờ đợi một tiếng đá rớt thứ nhì nữa nên không ai phỏng độ thời gian – bỗng cái tiếng đá thứ nhì ấy lại kêu lên, chát chúa. Mợ của Hén đã thả xong mười lăm đòn bánh tét vào nồi. Lúc bấy giờ đang có mặt hai bà hàng xóm, tới đó để gởi bánh tét vào nồi nhà nầy, theo tục lệ ở thôn quê, người nghèo chỉ gói một, hai đòn, nấu tốn công, tốn củi nên đem gởi vào nồi của các gia đình khá giả. Mợ Tư vội bước ra cửa sau chưởi: „Mẹ tiên nhơn cha, dòng họ cha nó! Đẻ con hổng biết dạy thì đóng trang mà thờ, chớ sao lại để đêm hôm lại còn bắn giàn thun lên nhà người ta!“ Mợ Tư chưởi thật to, vì mợ đoán thằng bé bắn giàn thun có thể ở xa, cách năm bảy nhà gì lận, chớ không chưởi đủ cho người khít rào nghe như những lần mợ mất gà. „… tiên tằng cố tổ bà nội cha bây, ăn no rồi ở không phá làng phá xóm! Mai nầy bây rước ông bà bây về, tao còn chưởi nữa, tao chưởi cho ông bà bây ngồi không yên trên bàn thờ…“ – Thôi! Cậu Tư nạt vợ rồi nói tiếp để giải thích: – Không phải con nít bắn giàn thun đâu. Tiếng kêu của ngói bể, là tiếng đặc biệt của đá chọi vô nhà. Cậu Tư nói như vậy và nghĩ rằng có kẻ chọi nhà cậu, vì lý do gì chưa biết. Nhưng cả nhà đều nghĩ ngay đến ma và ai cũng kinh sợ đến cực độ. Hai bà gởi bánh tét, không nói không rằng gì, vụt chạy bay đi. Mợ Tư, Hén và bốn đứa con nhỏ của cậu mợ, không ai bảo ai, lật đật đóng các cửa lại rầm rầm, làm như ma sẽ bị cửa đóng vào nhà không được, như loài người vậy, rồi họ xúm xít nhau quanh bếp lửa nấu bánh tét là nơi sáng sủa nhứt nhà bếp. Cô Hén đã rời thôn xóm từ lâu, quen sống trong ánh sáng nên sợ hãi hơn hết, sợ còn hơn mấy đứa bé nhứt, con của cậu mợ cô. Cậu Tư làm thinh, đoạn mở cửa nhè nhẹ, rồi thoát ra ngoài. Mợ Tư gọi cậu một tiếng, không nghe cậu đáp, mợ càng sợ thêm, chạy vội đi đóng cửa, phó mặc cho ma quỉ nó ăn tươi nuốt sống cậu mặc cậu. Ai bảo cậu bướng! Thình lình đá lại rơi trên ngói. Cả nhà ôm nhau rồi ngã lăn cù. Bấy giờ nghe tiếng xôn xao quanh nhà, khiến mấy đứa bé khủng khiếp khóc ré lên. Nhưng mợ Tư thì yên dạ. Đó là tiếng của người trong xóm, có lẽ do hai mụ gởi bánh tét báo động, họ tụ lại để xem cho rõ thật hư. Đá lại rơi trên ngói, lần nầy đến hai viên một lượt. – Đó, nó đó! – Chắc chắn là ma! – Ừ, chú Tư hiền khô, ai mà oán thù chú! – Giỏi chọi nữa thử coi! Tức thì một cục đá rơi xuống ngói. Bấy giờ cả làng đều có mặt, đèn đuốc sáng trưng. Đàn bà họ sợ ma lắm, nhưng cũng rất ham coi ma. Nhưng để cho chắc khỏi bị ma ăn thịt, họ đốt đuốc lên và đi coi ma đông từng đoàn năm bảy người. Cậu Tư không thể rình được nữa vì cậu đứng nơi sân, ai cũng thấy cậu hết. Tức mình, cậu vô nhà lấy áo để đi mời ủy viên cảnh sát. Nhưng cậu vừa ra tới cửa ngõ thì gặp ủy viên cảnh sát cũng vừa tới nơi. – Gì đó chú Tư? – Có ai chọi đá. Cậu Tư vừa nói vừa mở cổng và thiên hạ nối gót ủy viên cảnh sát, tràn vào sân. Mợ Tư đã mở cửa nhà trên, thắp đèn sáng lên, ông ủy viên cảnh sát chưa kịp ngồi thì một viên đá lại rơi xuống ngói và ngoài kia thiên hạ lại la rần rần. – Nó chọi đã bao lâu rồi? – Độ trên nửa tiếng đồng hồ, non một tiếng. – Mấy cục hết thảy? – Gần mười lăm cục. – Chú có nghi cho ai không? – Không! Ông ủy viên cảnh sát bóp trán rồi vụt hỏi: – Còn con Hén đâu? Nghe nói nó mới về phải không? Mợ Tư đáp hớt: – Dạ, nó mới về, đang ở ngoài sau. Dạ, ông cảnh sát, tôi nhớ ra rồi. – Nhớ gì? Ông ủy viên cảnh sát mừng rỡ hỏi. – Nó tuổi dần. Hồi nó còn nhỏ, thầy coi nó có số quến ma. Ông ủy viên cảnh sát và cậu Tư bật cười, trong khi đó thì mợ Tư gọi Hén giựt giọng, giọng hằn học lắm. Ngày tư ngày Tết mà con nhỏ mắc dịch nầy về đây báo hại mợ ăn Tết không yên! Mợ hận nó lắm, quên mất mớ quà nó biếu, mớ quà đã giúp mợ tử tế với nó. Hén lấp ló nơi cửa buồng, ông ủy viên cảnh sát hét: – Hén, ra đây tao biểu. Hén ríu ríu vâng lời, mặt cắt không lấy được giọt máu. – Dạ! – Hai bữa rày có thằng nào chọc ghẹo mầy và mầy cự hay không? – Dạ không! – Nói thật tao nghe, hễ nói láo là tao bắt giam liền. Có hay không? – Dạ, chắc chắn là không! Cậu Tư có một người con gái thứ ba đã đi lấy chồng. Thằng con trưởng nam của cậu đã chết lúc sắp cưới vợ. Còn lại ở nhà chỉ có mấy đứa bé xấu như ma. Ông ủy viên cảnh sát lại hỏi cậu Tư: – Không ai oán thù vợ chồng chú chớ? – Quả thật không, ông à. – Có bao giờ có ai hỏi mua cái nhà nầy hay không? – Dạ cũng không. – Kỳ lạ, kỳ lạ ! Hai người đàn ông, không ai tin rằng có ma cả. Nhưng một cậu con trai xồng xộc chạy vào nhà, tay cầm viên đá. Hắn xin bà chủ nhà một miếng vôi ăn trầu. Đó là trò chơi cổ điển mà ai cũng biết cả nên không ai ngạc nhiên và hắn được thỏa mãn. Hắn bôi vôi trên cục đá rồi trở ra sân, hắn quát lên thật to: – Nè, ma có giỏi thì vụt trở vào sân cục đá bôi vôi này thử coi! Nói đoạn hắn tung đá ra thật mạnh. Bao nhiêu người trong sân đều hoảng, chạy đi tìm chỗ núp, mái hiên, tàng cây, v.v… Ai quen thân với chủ nhà thì chạy vô nhà, lúc ấy đã đông nghẹt. Không đầy hai phút đồng hồ thì một hòn đá rơi đánh phịch trên sân đất. Thiên hạ lại đổ ra sân, đèn đuốc sáng trưng trở lại nơi đó. Và kinh dị thay! Người ta lượm được một cục đá bôi vôi mới, vôi còn ướt mèm. Ông ủy viên cảnh sát có học tới lớp nhứt hồi Pháp thuộc, có đọc báo, đọc sách, và từ đầu chí cuối câu chuyện, không bao giờ nghĩ đến ma, thế mà ông cũng bắt đầu nao núng. Bận nầy ma vụt đá vào vách bổ kho, chớ không ném lên mái nhà nữa. Tung đá chạm vào vách kêu ầm dễ sợ hơn nhiều lắm. Ông ủy viên cảnh sát gục gặt đầu rồi lặng lẽ mỉm cười. Ông suy luận như thế này: muốn vụt đá vào vách, phải vụt ngang. Mà đá nặng, vụt ngang phải đứng gần. Kẻ ném đá thừa dịp thiên hạ vào hết bên trong sân, mới xáp lại gần hàng rào mà làm như vậy được. Trước hắn còn nhát nên đứng xa, và chỉ có thể tung lên cao cho đá rơi xuống ngói thôi. Ông ta bước ra sân và hô lớn như công khai tuyên bố: – Rõ ràng là ma! Như vậy vụ nầy không thuộc quyền hạn của tôi nữa. Thôi, tôi đi về đây! Lời công bố của đại diện chính quyền địa phương nặng cân lắm, nên thiên hạ càng tin rằng đó là ma. Ma cứ tiếp tục vụt đá vào vách bổ kho rầm rầm, hết vách bên tả đến vách bên hữu. Mỗi lần một cục đá bay vào nhà là người hiếu kỳ bu lại giành nhau để đem về làm kỷ niệm, đợi vài hôm coi đá còn hay không, hay cũng là đá ma nữa ? Nếu ma ném đá thâu đêm thì bọn tò mò nầy cũng dám thức suốt một đêm lắm để coi chơi và bàn tán, mặc dầu họ đã mệt mỏi lắm rồi vì bấy giờ cũng gần sang canh hai, tức là trên mười giờ đêm. Từ lúc ông ủy viên cảnh sát ra đi tới giờ, đã non một tiếng đồng hồ và ma làm xôm tụ hơn nhiều, đá bay vào vách tới tấp khiến khách hiếu kỳ đông là thế mà người nào cũng giữ được một cục, không còn giành giựt nhau nữa. Thình lình nghe ai la lớn ngoài hàng rào: – Nó đây rồi. Mầy chạy đàng trời không khỏi tao. Tức thì hàng chục tia đèn bin ngoài kia chỉa thẳng vào nơi phát lên tiếng la ấy. Người ta nhận ra đó là giọng của một anh dân vệ trong làng. Thiên hạ lại đổ xô nhau ra khỏi sân, giành nhau để đi qua cửa ngõ hẹp té. Cậu Tư nhảy rào đi tới nơi trước thiên hạ, vì cậu tức ấm ách, muốn biết mặt mũi “con ma” ấy ra sao và nhứt là muốn biết lý do đã xui khiến nó phá nhà cậu. Dân vệ do ông ủy viên cảnh sát bí mật điều động và cho đi rình, đã tóm được thằng Ngọt với một cục đá trong tay. Đó là đá xanh trải đường, đường quê lâu đời, nước mưa chảy xiết, gặm mòn đất, để lòi ra hàng trăm, hàng ngàn cục, muốn bao nhiêu, có bấy nhiêu. Cả làng đều kinh ngạc: Thằng Ngọt vẫn được tiếng là một công dân tốt trong đám công dân tốt trong làng, nó siêng năng, giỏi giắn, con nhà tử tế và tương đối khá giả. Nhà nó với nhà cậu Tư lại rất thân nhau. Nó cũng sắp đi hỏi vợ và rất mê con Họn xinh đẹp mà nó sắp hỏi thì không thể bảo rằng nó “muốn” con Hén không được rồi làm xằng. Vả con Hén năm nay đã hăm ba tuổi, lớn hơn nó đến bốn tuổi lận? Ông ủy viên cảnh sát truyền lịnh giải tán bọn hiếu kỳ, kể cả dân vệ nữa, vì ông muốn điều tra mật, chỉ cho cậu Tư theo ông về công sở thôi. Thằng Ngọt không sợ hãi, không hối hận, tỉnh khô như thường, có vẻ lương tâm an ổn lắm. Vả ông ủy viên cảnh sát không có hành hung nó mà, trái lại, khi nãy còn ngăn dân vệ toan làm dữ với nó là khác. Lời lẽ ôn tồn, ông hỏi: – Cháu nè, muốn nhẹ tội, cháu nên khai thật, tất cả sự thật. Nếu thấy rõ thiện chí của cháu, bác có thế làm êm, tha luôn cháu nữa. Bằng như mà cháu còn dối trá thì bác giải tòa vụ nầy. Ngọt do dự lâu lắm trong sự im lặng, đoạn trịch thượng hỏi lại: – Thưa bác ủy viên cảnh sát, cháu không biết bác chú ý tới điều nầy hay không, là từ mấy năm nay, mỗi lần chị Hén về làng, là làng ta mất đi ít lắm là một cô gái? Ông ủy viên cảnh sát và cậu Tư giựt nẩy mình. Quả đúng như vậy ! Tiếng gọi của thị thành réo rắt lắm, và gái quê, những cô gái nghèo khổ, cực nhọc, cô nào cũng có mộng ra thành cho sung sướng tấm thân. Hén là tượng trưng của xa hoa, của đời sống dễ dàng ở các châu thành lộng lẫy, hơn thế, nó lại quyến rũ gái làng ra đi. Và họ dám đi là nhờ có nó dìu dắt. Những thôn nữ bỏ làng ấy, đôi cô không bỏ hẳn, những cô còn cha mẹ, bà con trong thôn ổ, thỉnh thoảng lại về, nhưng không cô nào còn can đảm lấy những anh nông dân trong làng mà họ đã thấy là cùi đày, lam lũ quá. – Thưa bác và chú, mấy hôm nay, chị Hén qua lại với con Họn rất thường và cháu cảm nghe như Họn đã đổi thái độ đối với cháu. Cháu phải tự vệ, cho dẫu rồi phải vào tù. Cháu quyết làm cho chị Hén sợ ma, ra đi ngay, trước khi kịp dụ dỗ con Họn, hoặc bị mợ Tư sợ cái tuổi quến ma của chị ấy mà tống cổ chỉ đi ngay. Chỉ có thế thôi. – Nhưng còn cục đá bôi vôi? Cậu Tư hỏi. – Thưa chú, đó là việc thách đố ma cổ điển, cháu biết họ sẽ thách như vậy, nên mang vôi theo sẵn trong mình. Họ quên coi hình thù cục đá ném ra, để mà so sánh với cục đá ném vô. Cả hai người lớn đều nghĩ nhiều về sự hao hớt dân làng và nhìn cậu con trai nầy, thương xót không biết bao nhiêu. Lâu lắm, ông ủy viên cảnh sát hỏi chủ nhà: – Chú tính sao? Bãi nại được không? – Được, miễn cha mẹ nó bồi thường thiệt hại cho tôi. Hằng trăm tấm ngói bể chớ ít sao? – Còn con Hén? – Xin cho nó ăn Tết. Nhưng tôi sẽ cấm nó ra khỏi nhà. Hết.