Sáng sớm ngày 11 tháng Tư, Chris gọi điện thoại cho bác sĩ riêng của nàng ở Los Angeles để nhờ ông giới thiệu đến một bác sĩ tâm thần ở địa phương, hầu chạy chữa cho Regan. “Ủa, có việc gì vậy?” Chris giải thích. Mọi sự bắt đầu vào hôm sau ngày sinh nhật của Regan – sau vụ Howard quên gọi điện thoại chúc mừng con – nàng nhận thấy có sự biến đổi đột ngột và mãnh liệt trong hành vi và tính nết của con gái. Mất ngủ. Hay cãi cọ. Dễ bẳn gắt. Hay đá vào đồ đạc. Ném vất mọi thứ. La hét. Không chịu ăn. Ngoài ra sức lực của con bé có vẻ mạnh mẽ dị thường. Nó cử động không ngừng, sờ soạng, vặn vẹo, khỏ gỏ, chạy nhảy lung tung. Học hành sa sút hẳn. Chơi với những bạn bè tưởng tượng. Giở những mánh khóe gây chú ý thật quái dị. “Chẳng hạn như thế nào?” người thầy thuốc hỏi. Nàng bắt đầu từ vụ những tiếng gõ. Từ cái đêm nàng lên thanh sát căn rầm thượng, nàng còn nghe những tiếng gõ ấy thêm hai lần nữa. Trong cả hai lần đó, nàng nhận xét, Regan đều có mặt trong phòng, và những tiếng gõ đó im bặt lúc Chris bước vào. Hai nữa, nàng thuật cho bác sĩ nghe, Regan thường “làm mất” đồ đạc ở trong phòng; một chiếc áo, chiếc bàn chải đánh răng, sách vở, giày dép. Con bé cứ than phiền về “một người nào đó cứ di chuyển” đồ đạc, bàn ghế trong phòng nó. Điểm cuối cùng, vào buổi sáng sau buổi tiệc tối tại Tòa Bạch Ốc, Chris gặp Karl trong phòng ngủ của Regan đang đẩy chiếc tủ ngăn kéo trở lại chỗ cũ từ một vị trì mãi giữa phòng. Lúc Chris hỏi anh ta đang làm gì, anh ta nhắc lại câu nói lần trước “Có kẻ nào kỳ lạ thật” và không chịu nói rõ thêm, nhưng liền sau đó, Chris bắt gặp Regan trong bếp than phiền rằng một người nào đó đã di chuyển tất cả đồ đạc trong phòng nó từ lúc ban đêm khi nó ngủ. Chính biến cố này, Chris giải thích, rốt cuộc đã khẳng định những mối nghi ngờ của nàng. Rõ rệt chính con gái nàng đã làm tất cả mọi điều đó. “Chị muốn nói đến chứng mộng du à? Con bé làm điều đó lúc nó đang ngủ à?” “Không phải vậy đâu, Marc, nó làm điều đó ngay lúc nó thức. Để bắt người ta chú ý đến nó”. Chris đề cập đến việc chiếc giường bị lắc, việc đó còn xảy ra hai lần nữa, và lần nào cũng kéo theo màn Regan đòi ngủ lại với mẹ. “Có thể đó là một hiện tượng vật lý được lắm chứ”, người bác sĩ nội trú đánh bạo. “Không đâu, Marc, tôi không hề nói là chiếc giường lắc. Tôi chỉ nói rằng con bé bảo là nó lắc thôi”. “Chị có biết là nó không lắc không?” “Không”. “Chà, có lẽ lắm là chứng động kinh rồi”, ông thầm thì. “Ai cơ ạ?” “Có sốt không?” “Không. Này theo ý anh”, nàng hỏi. “Tôi có nên đưa nó đến một bác sĩ tâm thần hay ai khác không?” “Chris ạ, chị có nhắc đến việc học hành của cháu. Về môn toán, cháu nó học ra sao?” “Sao anh hỏi thế?” “Nó học môn toán ra sao?” người thầy thuốc khăng khăng. “Thật tồi tệ. Tôi muốn nói là bỗng dưng tồi tệ”. Người thầy thuốc lầu bầu điều gì đó. “Tại sao anh lại hỏi thế?” nàng lập lại. “Đó là một phần của hội chứng”. “Của cái gì cơ?” “Không có gì nghiêm trọng đâu. Tôi không muốn đoán bệnh trên điện thoại. Có bút chì đó không?” Ông muốn cho nàng tên một bác sĩ nội trú ở Washington. “Marc à, anh không thể đích hân đến chẩn đoán cho cháu được sau?” Trước đây, Janie, con trai nàng, mắc chứng truyền nhiễm kéo dài. Bác sĩ của Chris lúc đó đã kê toa một loại trụ sinh mới, có phạm vi công hiệu rộng. Tại dược phòng địa phương, lúc cấp thuốc theo toa bác sĩ, người dược sĩ đã cảnh cáo. “Tôi không muốn làm bà kinh động, thưa bà, nhưng thứ tân dược này… Cha, nó còn rất mới mẽ trên thị trường. Ở Georgia, người ta đã khám phá ra nó là nguyên nhân gây ra chứng thiếu máu do suy tủy xương trong…” Janie. Jane. Nó đã chết. Kể từ đó, Chris không còn tin tưởng các bác sĩ nữa. Trừ mỗi mình Marc. Mà cũng phải mất đến hàng mấy năm. “Marc à, anh không đến được sao?”. Chris van vỉ. “Vâng, tôi không thể đến được, nhưng chị đừng lo. Người này rất giỏi. Một tay cự phách. Bây giờ chị lấy bút chì đi”. Lưỡng lự một lúc, nàng đáp: “Thôi được”. Nàng ghi lại tên vị bác sĩ. “Bảo ông ta khám cho cô bé rồi dặn ông ấy gọi dây nói cho tôi”, người thầy thuốc khuyên. “Còn bây giờ quên cái vụ bác sĩ tâm thần ấy đi”. “Anh chắc đấy chứ?” Vị bác sĩ tuôn ra một tràng nhận xét phũ phàng về thói dễ dàng chấp nhận các căn bệnh thần kinh của quảng đại quần chúng, trong khi họ lại không công nhận điều ngược lại, đó chính là những bệnh tật của thân thể thường lại là nguyên nhân gây bệnh tâm trí. Để minh giải điều ấy, bác sĩ đề nghị. “Bây giờ chị sẽ nói sao, giá dụ như chị là bác sĩ của tôi, nghe tôi khai là tôi bị đau đầu, hay mơ thấy ác mộng, nôn mửa và thị giác bị mờ, rồi những là tôi hay cảm thấy bị bấn loạn và chán việc đến chết được? Chị có bảo rằng tôi bị loạn thần kinh hay không?” “Hỏi tôi thì chẳng được cái tích sự gì đâu, Marc, tôi biết là anh điên rồi”. “Những triệu chứng tôi vừa kể với chị giống hệt như những triệu chứng khi bị khối u trong não, Chris ạ. Trước tiên, hãy khám xét chính thân thể cái đã. Rồi sau đó hẳn tính”. Chris gọi điện thoại cho người bác sĩ nội trú, xin một cái hẹn chiều hôm ấy. Lúc này, nàng hoàn toàn rảnh rỗi. Việc quay phim đã xong, ít ra cũng là về phần nàng. Burke Dennings vẫn tiếp tục làm việc, ông tà tà chỉ đạo công việc của “đơn vị hai”, thường là một ê kíp ít tốn kém hơn, có nhiệm vụ quay những cảnh không mấy quan trọng, hầu hết là những màn quay từ trực thăng các ngoại cảnh quanh thành phố, cùng những màn nhào lộn nguy hiểm, những cảnh không có mặt diễn viên chính nào. Nhưng nhà đạo diễn muốn mỗi thước phim quay đều phải toàn bích. * * * * * Vị bác sĩ đó ở Arlington, tên là Samuen Klein. Trong khi Regan ngồi chù ụ trong phòng khám, bác sĩ Klein mời mẹ cô bé ngồi trong văn phòng và nghe kể sơ lược tiểu sử bệnh chứng. Bà kể cho ông nghe chuyện trục trặc. Ông lắng nghe, gật đầu, ghi chú không ngừng. Lúc nghe nàng nói đến vụ lắc giường, ông có vẻ cau mày. Nhưng Chris vẫn tiếp tục. “Marc có vẻ cho rằng việc Regan học toán sa sút là một điều có ý nghĩa. Tại sao lại thế?” “Bà muốn nói đến việc học hành?” “Vâng, việc học hành, nhưng đặc biệt là môn toán. Điều đó có ý nghĩa gì?” “Được, cứ đợi cho tôi khám xong cô bé đã, thưa bà Mac Neil”. Sau đó, ông cáo lỗi rồi khám tổng quát cho Regan kể cả thử nước tiểu và xét nghiệm máu. Thử nước tiểu để trắc nghiệm các chức năng của thận và gan, thử máu để xem xét một số việc, bệnh đái đường, chức năng tuyến giáp trạng, đếm hồng cầu để dò xem có bị thiếu máu không, đếm bạch cầu để tìm xem có bị những chứng bệnh máu ngoại lai không. Sau khi khám xong, ông ngồi nói chuyện một lúc với Regan, quan sát cử chỉ của cô bé, rồi trở lại với Chris, bắt đầu kê toa. “Hình như cô bé bị rối loạn chức năng tăng vận động”. “Cái gì ạ?” “Một sự rối loạn thần kinh. Ít ra thì đó cũng là điều chúng tôi nghĩ. Chúng tôi không biết chính xác được tác động của nó, nhưng có điều ta thường gặp nó nơi đám thiếu niên mới lớn. Cô bé cho thấy có tất cả mọi triệu chứng: sự tăng vận động, tâm tình nóng nảy, thành tích trong môn toán”. “Vâng, môn toán. Tại sao lại môn toán?” “Nó ảnh hưởng đến sự tập trung”. Ông xé toa thuốc khỏi tập giấy nhỏ màu xanh dương, trao cho Chris. “Toa này để bà mua Ritalin”. “Cái gì?” “Methylphenidate”. “Ồ”. “Mười miligam, ngày hai lần. Tôi đề nghị uống một lần vào lúc tám giờ sáng, lần thứ hai vào lúc hai giờ chiều”. Nàng nhìn toa thuốc. “Cái gì thế này? Một loại an thần hả?” “Một loại thuốc kích thích”. “Thuốc kích thích? Con bé bây giờ đã bay cao hơn diều rồi”. “Tình trạng của cô bé không hoàn toàn giống như hiện tượng bên ngoài”. Klein giải thích. “Đó là một hình thức đền bù quá độ. Một phản ứng thái quá với chứng trầm cảm”. “Trầm cảm?” Klein gật đầu. “Trầm cảm…” Chris thì thầm. Nàng tư lự. “Chà, bà có đề cập đến bố của cô bé”, Klein nói. Chris ngước lên. “Bác sĩ có cho rằng tôi nên đưa cháu đến khám một bác sĩ tâm thần không?” “Ồ không. Tôi còn chờ xem phản ứng đối với Ritalin ra sao đã. Tôi nghĩ đó là đáp số. Hãy đợi hai ba tuần nữa”. “Vậy bác sĩ cho đây chỉ là trạng thái thần kinh”. “Tôi nghĩ là như thế”. “Và những lời nói dối mà con bé vẫn nói? Thuốc này sẽ chấm dứt việc đó chứ?” Câu trả lời của bác sĩ khiến nàng chưng hửng. Ông hỏi nàng có biết Regan từng chửi thề hay nói tục tĩu không. “Không bao giờ”. “Vâng, bà thấy đó, điều đó hoàn toàn giống như những điều đại loại như thể sự nói dối của cô bé. Theo như chỗ bà kể với tôi thì điều đó ngược hẳn với cá tính của cô bé, nhưng trong những trạng thái rối loạn thần kinh nào đó, vẫn có thể”. “Xin chờ một chút”. Chris ngắt lời, đầy bối rối. “Do đâu bác sĩ lại cho rằng con bé nói năng thô tục? Tôi muốn nói là có phải bác sĩ quả đã nói như thế, hay là tôi nghe lầm?” Trong một thoáng, ông nhìn nàng, hơi tò mò, cân nhắc, rồi đánh bạo: “Vâng, quả tôi có nói rằng cô bé đã nói tục tĩu. Há bà không nhận thức được điều đó hay sao?” “Tôi vẫn chưa ý thức được điều ấy! Bác sĩ đang nói gì vậy?” “Vâng, cô bé đã văng tục ra hàng tràng lúc tôi khám cho cháu, thưa bà MacNeil”. “Bác sĩ cứ đùa! Chẳng hạn nó nói sao?” Ông có vẻ tránh né. “Tôi phải nói là vốn ngữ vựng của cô bé khá phong phú”. “Chẳng hạn là cái gì? Tôi muốn bác sĩ cho một ví dụ”. Ông ta nhún vai. “Có phải bác sĩ muốn nói là ‘cứt’? hay ‘đ…’ không?” Ông nhẹ nhõm trở lại. “Vâng, cô bé đã sử dụng những từ đó”, ông đáp. “Nó còn nói gì nữa không?” “Chính xác thì cô ta bảo tôi là hãy dẹp mấy ngón tay chết tiệt ra khỏi l… cô ấy”. Chris há hốc mồm vì chấn động. “Nó sử dụng những từ đó sao?” “Vâng, điều đó chẳng có gì bất thường cả, thưa bà MacNeil, và thực tâm tôi không phiền lòng chút nào về điều đó cả. Đó là một phần của hội chứng”. Nàng lắc đầu, nhìn xuống giầy. “Thật là khó lòng tin được”. “Kìa, tôi không tin rằng cô bé hiểu được những lời cô ta nói nữa là khác”, ông trấn an. “Vâng, tôi đoán thế”, Chris thì thầm. “Có lẽ nó không hiểu”. “Cứ cho dùng thử Ritalin”, ông khuyên nàng. “Rồi chúng ta sẽ xem diễn biến ra sao. Hai tuần nữa, tôi sẽ tái khám cho cháu”. Ông tham khảo một tập lịch trên bàn. “Ta xem nào, cứ ấn định là thứ tư ngày hai mươi bảy đi nhé! Có tiện không ạ?” ông hỏi, vừa ngước lên. “Vâng, hẳn là được”. Nàng thì thầm, đứng lên khỏi ghế. Nàng nhét toa thuốc vào túi áo khoác. “Ngày hai mươi bảy thì tiện lắm”. “Tôi là một khán giả rất ái mộ bà”, Klein mỉm cười nói, lúc nàng mở cánh cửa dẫn ra hành lang. Nàng dừng lại ở ngưỡng cửa, ưu tư, một ngón tay miết lên môi. Nàng thoáng nhìn bác sĩ. “Bác sĩ không cho rằng phải cần đến một bác sĩ tâm thần đấy chứ?” “Tôi không rõ. Nhưng lời giải thích tốt nhất bao giờ cũng là lời giải thích đơn giản nhất. Ta cứ chờ. Cứ chờ xem”. Ông mỉm cười khích lệ. “Tạm thời, hãy cố đừng lo lắng”. “Sao ạ?” Nàng giã từ ông. * * * * * Trên xe về nhà, Regan hỏi mẹ bác sĩ nói những gì. “Bảo rằng con bị kích động thần kinh”. Chris nhất định không nói gì về chuyện ngôn ngữ của con. Burke rồi. Con bé bắt chước ngôn ngữ của Burke rồi. Nhưng sau đó, nàng có thuật cho Sharon nghe chuyện ấy, và hỏi người thư ký xem có bao giờ nghe Regan nói thứ ngôn ngữ tục tĩu ấy chưa. “Không!” Sharon đáp. “Ý em muốn nói là ngay cả thời gian gần đây cũng không. Nhưng chị biết đó, hình như cô giáo dạy nghệ thuật của cháu có đưa ra một nhận xét”. Đó là một cô giáo đặc biệt đến kèm tại nhà. “Cô định nói là mới đây ấy à?” Chris hỏi. “Vâng, mới tuần trước đây thôi. Nhưng chị cũng biết cô ta rồi đó. Em đoán chắc Regan cũng chỉ nói những từ đại loại như là ‘mẹ kiếp’ hay ‘đồ rác rưởi’ gì đó thôi”. “À này, cô có nói chuyện nhiều về vấn đề tôn giáo với nó không, Shar?” Sharon đỏ mặt. “Có chút đỉnh thôi. Chuyện đó làm sao mà tránh được. Chị thấy đó, cháu nó hỏi em vô số câu hỏi – và rồi…” Cô gái phát một động tác nhún vai bất lực. “Thật là khó. Em muốn nói là làm sao em có thể trả lời mà không bảo cho nó nghe cái điều mà chính em nghĩ là một sự dối trá vĩ đại?” “Cứ cho nó một bài tập có nhiều đáp số để chọn”.