Vào những ngày trước hôm tổ chức bữa tiệc tối, Chris hết sức quan tâm lo cho Regan dùng đủ liều lượng Ritalin. Tuy nhiên, vào buổi tối thết tiệc, nàng không thấy có chút cải thiện đáng kể nào. Thực vậy, đã manh nha xuất hiện những dấu hiệu suy thoái tiệm tiến, tật hay quên gia tăng, thói bừa bộn và một lần cô bé than phiền là buồn nôn. Về những mánh khóe tạo chú ý, dù những trò quen thuộc không còn diễn ra, nhưng có vẻ đã xuất hiện một ngôn ngữ mới, cô bé than phiền về một “mùi” hôi thối, khó chịu trong phòng ngủ của nó. Trước sự khẳng định nằng nặc của Regan, một ngày kia Chris đã hít hà đánh hơi, nhưng nàng không ngửi thấy gì cả. “Mẹ không ngửi thấy sao?” “Con định nói là con ngửi thấy mùi đó ngay lúc này ấy à?” Chris hỏi con. “Vâng, chắc chắn như vậy”. “Cái mùi đó ra sao?” Cô bé nhăn mũi. “Giống như một cái gì cháy khét”. “Ra thế?” Chris khịt mũi. “Mẹ không ngửi thấy sao?” “Ồ có thấy, cưng ạ”, nàng nói dối. “chỉ chút đỉnh thôi. Ta hãy mở cửa sổ ra một lát, cho không khí lùa vào”. Sự thật thì nàng không ngửi thấy gì cả, nhưng nàng đã quyết định đánh một nước cờ “hoãn binh chi kế”, chí ít cũng cho đến ngày hẹn với bác sĩ. Nàng cũng còn phải ưu tư về những mối quan tâm khác. Một là những sắp xếp cho buổi dạ tiệc. Hai là công việc liên quan đến kịch bản. Dù nàng rất tha thiết với cái viễn ảnh được đạo diễn phim, nhưng sự cẩn trọng tự nhiên đã không cho phép nàng quyết định ngay được. Lâm thời, người đại diện của nàng cứ gọi điện cho nàng hàng ngày. Nàng đã cho anh ta biết là nàng đã trao kịch bản ấy cho Dennings, để xin ý kiến, hy vọng ông ta đang đọc và không đốt nó đi. Điều quan trọng thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất, chính là sự bất thành trong hai toan tính về tài chính của nàng: việc mua những trái phiếu có thể hoán chuyển ra đô la bằng cách sử dụng số tiền lãi được trả trước. Việc đầu tư vào một dự án khoan dầu tại Nam Lybie. Cả hai dự tính đều nằm trong kế hoạch bảo đảm cho số lợi tức khỏi phải bị đánh thuế nặng nề. Nhưng một điều còn tồi tệ hơn nữa đã bộc phát: các giếng dầu bị khô kiệt và lãi suất tăng phi mã đã thúc đẩy việc bán tống bán tháo các trái phiếu. Đây chính là những vấn đề mà viên giám đốc kinh doanh của nàng đã bay đến thủ đô để thảo luận. Ông ta đến hôm thứ năm. Chris yêu cầu ông thuyết trình và giải thích qua đến thứ sáu. Cuối cùng, nàng đã quyết định một cung cách hành động mà viên giám đốc cho là khôn ngoan. Ông gật đầu tán thành. Nhưng ông cau mày lúc nàng nêu ý kiến muốn mua một chiếc Ferrari. “Cô muốn nói một chiếc xe mới ư?” “Tại sao không? Ông biết đấy, có lần tôi đã lái một chiếc xe hiệu đó trong một cuốn phim. Có lẽ nếu ta viết thư cho hãng chế tạo nhắc họ về vụ đó, có thể họ sẽ cho chúng ta một cái giá phải chăng. Ông có nghĩ thế không?” Ông ta không hề. Và ông ta còn cảnh cáo rằng sắm một chiếc xe mới là chuyện tiêu hoang, không biết tiên liệu. “Ben à, năm ngoái tôi kiếm được tám trăm thiên, vậy mà ông bảo là tôi không thể tậu một chiếc xe bảnh! Ông không cho đó là nực cười sao? Vậy chớ tiền đi đâu cả rồi?” Ông nhắc cho nàng nhớ rằng hầu hết tiền bạc của nàng đều được ký thác. Xong, ông liệt kê nhiều món phải tiêu vào tổng lợi tức của nàng, thuế lợi tức liên bang, thuế lợi tức liên bang dự toán, thuế tiểu bang, thuế sở hữu bất động sản, hoa hồng mười phần trăm cho đại diện của nàng, năm phần trăm cho ông ta, năm phần trăm cho nhà quảng cáo, một phẩy một phần tư phần trăm trích tặng vào Quỹ phúc lợi Điện ảnh, một khoảng tiêu cho tủ quần áo hợp thời trang, lương trả Willie, Karl và Sharon, cùng người coi sóc ngôi nhà tại Los Angeles, phí tổn di chuyển các loại, và cuối cùng là những tiêu pha hàng tháng của nàng. “Cô sẽ đóng thêm một phim khác năm nay chứ?” Ông hỏi nàng. Nàng nhún vai. “Tôi không biết. Có cần phải đóng không?” “Có, tôi nghĩ là cô nên đóng”. Nàng úp mặt vào đôi tay và nhìn ông ảm đạm. “Ta mua một chiếc Honda được chứ?” Ông ta không đáp. Tối hôm đó, Chris cố dẹp qua mọi nổi lo âu, cố bắt mình bận rộn với những chuẩn bị cho bữa tiệc tối hôm sau. “Ta hãy chuẩn bị một bữa tiệc tự phục vụ, ăn đứng với món cà ri, thay vì ngồi bàn”, nàng bảo Willie và Karl. “Ta kê một bàn ở cuối phòng khách, ổn chứ?” “Được lắm, thưa bà”, Karl nhanh nhảu trả lời. “Còn chị nghĩ sao, Willie? Một món hoa quả tươi để ăn tráng miệng?” “Vâng, tuyệt!” Karl đáp. Khách nàng mời là một hỗn hợp lý thú. Ngoài Burke (Mẹ kiếp! Xin ông tỉnh táo mà đến dùm cho). Và người đạo diễn đơn vị hai còn khá trẻ, nàng mong sẽ được đón một thượng nghị sĩ (và vợ), một phi hành gia thuộc chương trình Appolo (và vợ), hai tu sĩ Dòng Tên thuộc trường Đại học Georgetown, mấy người láng giềng, cùng Mary Jo Perrin và Ellen Cleary. May Jo Perrin là một nữ tiên tri người Washington tóc hoa râm, người mũm mĩm mà Chris đã gặp tại bữa tiệc tối ở Tòa Bạch Ốc và nàng rất ưa thích. Nàng cứ ngỡ bà ta phải khe khắt và hãm tài lắm, nhưng “Chị không như thế chút nào cả!”. Nàng đã có thể nói với bà ta như vậy. Ellen Cleary là một phụ nữ trung niên, thư ký tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã từng phục vụ tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Mascova lúc Chris du lịch sang Nga. Bà đã không quản khó nhọc và đã hết sức nỗ lực can thiệp cho Chris thoát khỏi bao nhiêu chuyện khó khăn rắc rối nàng gặp phải trong chuyến du hành mà phần lớn gây ra do tính ăn nói phang ngang bổ củi, huỵch tẹt của người diễn viên tóc đỏ này. Bao năm qua, nàng vẫn hằng nhớ đến bà với tình cảm quý mến, và ngay khi đến thủ đô Washington, nàng đã tìm đến thăm bà. “Ê, Shar”, nàng hỏi. “Các tu sĩ nào sẽ đến vậy?” “Em cũng chưa biết rõ. Em đã đặt giấy mời nhị vị Viện trưởng và Khoa trưởng trường Đại học, nhưng em nghĩ Viện trưởng sẽ cử người đại diện. Bí thư của ông đã gọi điện thoại cho em sáng nay cho biết có lẽ ông ta có việc phải rời thành phố”. “Ông ta sẽ cử ai đại diện?” Chris hỏi với vẻ chú tâm dè dặt. “Để em xem”, Sharon lật qua tập ghi chú. “À, đây rồi, Chris. Phụ tá của ông – Cha Joseph Dyer”. “Cũng ở trường Đại học à?” “Chà, em cũng không chắc lắm”. “Thôi, được rồi”. Nàng có dáng thất vọng. “Nhớ ngó chừng Burke vào tối mai”. Nàng căn dặn. “Vâng”. “Rags đâu?” “Dưới nhà”. “Này, có lẽ cô nên chuyển máy chữ xuống đó đi, cô nghĩ sao? Tôi nói thế là muốn cô vừa đánh máy vừa có thể trông chừng được con bé. Được chứ? Tôi không muốn cháu nó ở một mình thường quá”. “Ý kiến hay đấy”. “Thôi, tạm biệt. Về nhà đi. Tham thiền. Chơi với lũ ngựa”. Việc dự trù và chuẩn bị xong đâu đấy. Chris lại bắt gặp mình trở về với những ý nghĩ lo lắng vì Regan. Nàng gắng gượng xem truyền hình, nhưng không sao tập trung được. Nàng cảm thấy bồn chồn. Có một vẻ gì kỳ bí ngự trị trong ngôi nhà. Giống như sự tĩnh lặng đang khu trú. Cát bụi trĩu nặng. Lúc nữa đêm, cả nhà đều say ngủ. Nàng đón khách trong lễ phục màu vỏ chanh với tay áo hình chuông, dài và quần tây. Giày rộng thoải mái. Chúng phản ảnh niềm hy vọng của nàng về buổi tối hôm ấy. Khách đến đầu tiên là Mary Jo Perrin, bà tới với cậu con trai Robert, còn ở lứa tuổi thiếu niên. Người khách cuối cùng là Cha Dyer, khuôn mặt hồng hào. Ông còn trẻ, nhỏ thó, đôi mắt dị kỳ khuất sau mục kính gọng thép. Đứng tại cửa, ông xin lỗi vì đã đến trễ. “Không sao tìm được chiếc ca-vát cho thích hợp”, ông giải thích với Chris, giọng hững hờ. Trong một lúc, nàng cứ nhìn ông trân trối, thế rồi nàng phá lên cười. Nỗi ưu uất đè nặng lấy nàng suốt ngày hôm đó đã bắt đầu nguôi ngoai. Thức uống đã tỏ ra có công hiệu. Vào lúc mười giờ kém mười lăm phút mọi người tản ra từng nhóm nhỏ quanh phòng khách, vừa ăn vừa trò chuyện. Chris múc đầy khay từ chiếc bàn chứa thức ăn bốc hơi nghi ngút, rồi nhìn kỹ khắp phòng tìm cho được Mary Jo Perrin. Kia rồi. Bà ngồi trên một trường kỷ với Wagner linh mục Dòng Tên, Khoa trưởng Đại học. Chris đã có tiếp chuyện vắn tắt với Cha trước đó. Đầu ông hói, đầy vết tàn nhang, cử chỉ dịu dàng, khô khan. Chris lướt tới bên trường kỷ, gập người xuống sàn nhà trước bàn cà phê vừa lúc người nữ tiên tri cười khúc khích vì khoái trá. “Nào, tiếp tục đi, Mary Jo”, vị khoa trưởng nói, vừa mỉm cười lúc ông đưa cả một nĩa găm đầy thịt cà ri lên miệng. “Phải, tiếp tục đi chứ, Mary Jo”, Chris hưởng ứng. “Ồ, xin chào, ca ri tuyệt thật!” Vị khoa trưởng nói. “Không nóng quá chứ ạ?” “Tuyệt không, rất vừa ăn. Mary Josephine đang kể cho tôi nghe câu chuyện một tu sĩ Dòng Tên vốn là một kẻ đồng cốt”. “Và Cha thì lại không chịu tin tôi đó!” Người nữ tiên tri cười rúc rích. “Này, phải phân biệt cho rõ đây nghe”, vị khoa trưởng cải chính. “Tôi chỉ nói rằng chuyện ấy hơi khó tin thôi”. “Có phải chị định nói là ngồi đồng đấy không?” Chris hỏi. “Chứ còn gì nữa, hẳn là vậy rồi”, Mary Jo đáp. “Ông ta lại còn bay bổng lên không nữa ấy chứ”. “Ồ, chuyện ấy thì sáng nào tôi cũng làm”. Vị tu sĩ Dòng Tên lặng lẽ nói. “Vậy ra ông ta còn tổ chức ngồi đồng nữa sao?” Chris hỏi bà Perrin. “Đúng thế”, bà trả lời. “Ông ta rất ư nổi tiếng vào thế kỷ thứ mười chín. Thực tế, có lẽ ông ta là một kẻ đồng cốt duy nhất ở thời đại mình mà chưa hề bị kết án là tà ngụy”. “Tôi đã nói rồi, ông ta không phải là tu sĩ Dòng Tên”. Vị khoa tưởng bình luận. “Trời đất, nhưng ông ta đúng là thế mà!” Bà cười. “Lúc được hai mươi hai tuổi, ông gia nhập Dòng Tên và hứa là sẽ không làm đồng cốt nữa, nhưng rồi người ta tống cổ ông ta ra khỏi nước Pháp” – Bà cười dữ hơn nữa – “ngay sau một buổi ngồi đồng của ông ta tổ chức tại điện Tuilerie. Quý vị có biết ông ta đã làm gì không? Ngay giữa buổi lên đồng, ông ta tâu với hoàng hậu rằng bà ta sắp được đôi tay của một hồn ma trẻ con chạm tới, hồn ma này sắp sửa hiện ra nhãn tiền, và khi người ta bất chợt bật tất cả đèn đuốc lên”, bà cười hô hố. “Người ta bắt gặp ông đang ngồi với đôi chân trần trên cánh tay hoàng hậu! Đấy, các vị có tưởng tượng được không?”