ch Hisho. Asakawa bỗng có cảm giác xúc động lạ thường. Vì đây là lần đầu tiên gã được chiêm ngưỡng dung nhan của Yamamura Sadako. Mặc dù chỉ kéo dài ít phút, nhưng những cảm giác của gã và cô ta đã hoà vào làm một, gã đã nhìn thấy những cảnh tượng trong cuốn băng với cùng một ánh mắt với cô ta… Tựa như dung mạo của một người con gái đáng yêu tuy không hề biết mặt nhưng đã làm tình với gã và cùng đạt tới cực khoái trong bóng tối đang dần hiện ra dưới ánh nắng nhạt… Thật lạ là gã không hề cảm thấy ghê sợ. Hẳn nhiên rồi, vì bức ảnh gửi bằng fax tuy có hơi mờ nhưng vẫn chuyển tải được đầy đủ những đường nét và vẻ quyến rũ trên khuôn mặt xinh xắn của Yamamura Sadako. – Trông cũng khá đấy chứ! – Ryuji nói. Asakawa bất giác nghĩ đến Takano Mai. Nếu chỉ đơn thuần so sánh hai khuôn mặt sẽ nhận thấy Yamamura Sadako đẹp hơn Takano Mai nhiều lần. Tuy nhiên, trong khi ở Takano Mai toả ra một thứ mùi đàn bà, thậm chí là ngửi thấy được, thì Yamamura Sadako lại bị gọi làđáng sợ. Nhưng bức ảnh không hề cho thấy sự đáng sợ nào như thế. Chắc chắn là sức mạnh không người thường nào có được của Yamamura Sadako đã gây ra cảm giác đó ở những người xung quanh. Tờ fax thứ hai là thông tin tóm tắt về Shizuko, mẹ của Yamamura Sadako. Đó vừa vặn là câu chuyện tiếp theo những gì ông lão Genji vừa kể. Năm 1947, bỏ lại Sashikichi để lên Tokyo, Shizuko bị ngã quỵ bởi một cơn đau đầu đột ngột và được đưa đến bệnh viện, ở đó người ta giới thiệu cô với Ikuma Heihachiro, phó giáo sư Khoa Thần kinh học Đại học T. Ikuma Heihachiro đang cố gắng đi tìm một lời giải khoa học cho hiện tượng thôi miên nên khi phát hiện ra khả năng thấu thị ở Shizuko, anh ta đã tỏ ra vô cùng hứng thú. Sự kiện này đã làm thay đổi cả đề tài nghiên cứu của Ikuma. Kể từ đấy, Ikuma Heihachiro lao đầu vào những khảo cứu liên quan đến siêu năng lực mà Shizuko chính là đối tượng thí nghiệm. Tuy nhiên, hai người đã vượt qua mối quan hệ đơn thuần và, mặc dù đã có vợ con, Ikuma vẫn đem lòng yêu Shizuko. Cuối năm ấy, mang trong mình đứa con của Ikuma, Shizuko trở về Sashikichi để trốn chạy ánh mắt người đời và sinh ra Yamamura Sadako. Shizuko gửi lại Sadako ở Sashikichi rồi lập tức lên Tokyo, nhưng ba năm sau đó cô lại trở về để đem đứa bé đi. Nghe đâu, suốt từ đó cho đến khi nhảy xuống miệng núi lửa Mihara tự vẫn, Shizuko luôn để con gái bên mình mà không rời nửa bước. Thế rồi vào những năm năm mươi, sự kết đôi giữa Ikuma Heihachiro và Yamamura Sadako đã gây xôn xao lớn trên các tờ báo và tạp chí. Lý do là vì những căn cứ khoa học về siêu năng lực của họ bỗng nhiên trở thành tiêu điểm của xã hội. Ban đầu, có lẽ do bị huyễn hoặc bởi vị trí phó giáo sư đại học T. của Ikuma Heihachiro mà hầu hết dư luận đều tin vào năng lực siêu nhiên của Shizuko. Lựa chiều gió, giới truyền thông cũng tuôn ra những lời lẽ đầy thiện chí. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều những ý kiến phê phán, coi đó là trò bịp bợm, và chỉ bằng một lời phát biểu nhận xét rằng “điều này rất đáng ngờ” của một nhóm học giả uy tín hơn thế là phần lớn các báo bắt đầu ngả sang hướng đầy bất lợi cho Ikuma Heihachiro và Yamamura Shizuko. Những thứ mà Shizuko thực hiện được chủ yếu là khả năng ngoại cảm, bao gồm chụp ảnh bằng ý nghĩ, thấu thị, tiên tri; trên thực tế cô chưa bao giờ bộc lộ khả năng viễn khiển, tức là phép di chuyển các vật mà không cần chạm vào chúng. Một số tờ tạp chí thì khẳng định, Shizuko có thể in được những hình vẽ theo đúng yêu cầu lên tấm phim đã niêm phong cẩn mật chỉ bằng cách áp nó lên trán, và cũng như vậy, cô có thể đoán bách phát bách trúng những thứ nằm trong một chiếc phong bì dán kín. Trong khi đó, một số tờ tạp chí khác lại cho rằng, Shizuko chẳng qua chỉ là một kẻ lừa đảo, những nhà ảo thuật dày công luyện tập một chút cũng có thể làm được điều tương tự dễ như trở bàn tay. Cứ như thế, dư luận dần tỏ ra lạnh nhạt với Shizuko và Ikuma Heihachiro. Giữa khi ấy, bất hạnh bỗng đổ ập lên đầu Shizuko. Năm 1954, Shizuko sinh đứa bé thứ hai, đó là một thằng con trai, nhưng sau khi chào đời bốn tháng nó bị bệnh chết. Lúc ấy Sadako lên bảy và nghe đâu cô đã dành cho cậu em mới đẻ của mình một tình yêu đặt biệt. Một năm sau, năm 1955, Ikuma Heihachiro quyết định khiêu chiến với báo chí bằng cách biểu diễn khả năng đặc biệt của Shizuko trước công chúng. Ban đầu Shizuko không bằng lòng. Cô sợ thất bại vì ở giữa đám đông cô không thể tập trung tinh thần theo ý muốn. Nhưng Ikuma không nhượng bộ. Anh ta không thể chịu đựng được chuyện bị báo giới gọi là kẻ lừa đảo mãi và cho rằng cách duy nhất để khiến thiên hạ sáng mắt ra là cho họ thấy những bằng chứng rõ ràng. Ngày hôm đó, mặc dù không thoải mái, Shizuko vẫn bước lên bục thí nghiệm giữa sự chứng kiến của gần một trăm phóng viên và học giả. Một phần cũng bởi sự suy sụp về tinh thần kể từ sau khi mất đi đứa con trai, Shizuko không ở vào trạng thái sung mãn nhất. Phương pháp thí nghiệm dự kiến rất đơn giản. Cô chỉ phải đoán số chấm của hai con xúc xắc trong một vật đựng bằng chì. Nhưng Shizuko đọc thấy trong ý nghĩ của toàn bộ một trăm con người đang vây quanh mình rằng, họ chờ đợi sự thất bại của cô. Shizuko run rẩy, cô quỳ sụp xuống sàn và hét lên đau đớn: “Thôi đi!” Shizuko thanh minh: “Con người, ai cũng có một năng lượng ý nghĩ nhất định. Tôi hơn người chỉ ở năng lượng ấy. Nhưng giữa một trăm ý nghĩ muốn tôi thất bại, dòng năng lượng ấy của tôi sẽ bị cản trở và tôi không thể phát huy được khả năng của mình.” Ikuma Heihachiro nói tiếp: “Không. Không chỉ có một trăm người mà toàn thể dân Nhật đang muốn giày xéo lên thành quả nghiên cứu của tôi. Dư luận sẽ ngả theo những gì báo chí đồn thổi, và khi ấy, báo chí các người sẽ chẳng bao giờ nói ra những gì khác với điều mà dân chúng đang mong đợi. Các người thật đáng xấu hổ!” Rốt cuộc, màn thí nghiệm công khai khả năng thấu thị đã khép lại bằng những lời mạt sát báo giới của Ikuma Heihachiro. Giới truyền thông nhìn nhận những lời thịnh nộ của Ikuma Heihachiro như một cách mà anh ta muốn dựng lên để đổ tội cho kẻ thù của mình là báo chí về thất bại của cuộc thí nghiệm. Và ngày hôm sau, họ đồng loạt đăng những dòng sau trên tất cả các mặt báo: “Đúng là đồ bịp bợm!”, “Kẻ giả mạo đã bị lột mặt nạ!”, “Phó giáo sư đại học T., một tên lừa đảo!”, “Chấm hết ột cuộc tranh cãi kéo dài năm năm!”, “Thắng lợi của khoa học hiện đại!”. Không có bất cứ bài báo nào ủng hộ Shizuko và Ikuma Heihachiro. Cuối năm ấy, Ikuma Heihachiro ly dị vợ, thôi việc ở đại học T. Shizuko ngày càng bị chứng hoang tưởng hành hạ. Ít lâu sau, với quyết tâm có được siêu năng lực, Ikuma Heihachiro giam mình trên núi và tu luyện dưới thác nước nhưng việc tập luyện quá sức đã khiến anh ta mắc bệnh lao phổi và phải vào trại điều dưỡng Hakone. Trạng thái tinh thần của Shizuko mỗi lúc một thêm tồi tệ. Sadako, khi ấy lên tám, đã thuyết phục mẹ trở về Sashikichi để trốn chạy sự nhòm ngó của báo chí và những lời đàm tiếu của thế gian, nhưng chỉ trong một phút sao nhãng, mẹ cô đã nhảy xuống miệng núi lửa Mihara.Asakawa và Ryuji đọc xong hai tờ fax cùng một lúc. – Oán niệm đây mà. – Ryuji lẩm bẩm. – Oán niệm? – Theo cậu thì Sadako nghĩ gì khi mẹ cô ta nhảy xuống núi lửa Mihara?- Oán giận giới truyền thông? – Không chỉ giới truyền thông. Mà oán giận tất cả dư luận, những kẻ ban đầu thì tâng bốc nhưng khi tình thế thay đổi lại quay sang chế nhạo và đẩy gia đình cô ta đến cảnh tan vỡ. Yamamura Sadako ở bên bố mẹ từ lúc lên ba đến khi lên năm, đúng không nào? Thế thì chắc chắn cô ta hiểu rất rõ cái sự tráo trở ấy của người đời. – Nhưng không có nghĩa là như thế thì cần phải trả thù tất cả. Asakawa bắt đầu biện bạch, tất nhiên rồi, vì gã ý thức được rằng gã chính là một bộ phận của cái giới truyền thông kia. Trong bụng mình, gã đang biện bạch, mà không, gã đang van xin. Cô biết đấy, tôi cũng lên án bản chất của giới truyền thông giống như cô vậy. – Cậu lảm nhảm cái gì thế? – Hả?Asakawa không nhận ra là mình đang lẩm bẩm thành tiếng như niệm Phật. – Cậu thấy chưa, chúng ta đã giải mã được một phần những hình ảnh đó rồi. Mihara là nơi mẹ Sadako trẫm mình và là ngọn núi lửa mà cô ta tiên đoán sự phun trào của nó, vì vậy ý niệm của cô ta đối với ngọn núi này rất mạnh. Tiếp theo là cảnh chữ “Yama” hiện lên mờ tỏ, chắc hẳn đó là con chữ đầu tiên Sadako thực hiện thành công khả năng chụp ảnh bằng ý nghĩ hồi còn nhỏ. – Hồi còn nhỏ? Asakawa vẫn chưa hiểu tại sao lại nhất thiết phải là bức ảnh được chụp bằng ý nghĩ hồi còn nhỏ? – À, là hồi cô ta lên bốn hoặc lên năm. Và sau đó là cảnh hai quân xúc xắc. Sadako hẳn là đã có mặt trong cuộc trình diễn công khai đó và lo lắng quan sát khi mẹ cô ta đoán mặt quân xúc xắc. – Khoan đã! Yamamura Sadako nhìn thấy rõ những quân xúc xắc lăn trong chiếc bát bằng chì đó! Cả Asakawa và Ryuji đều nhìn thấy cảnh tượng ấy bằng chính mắt mình. Không thể nào nhầm được. – Thế thì sao? – Trong khi đó thì mẹ cô ta, Shizuko, lại không thể thấu thị được. – Con làm được điều mà mẹ không làm được thì có gì là lạ? Cậu nghe này, tuy lúc ấy Sadako mới lên bảy tuổi, nhưng cô ta có một khả năng gấp bội mẹ mình. Năng lượng ý nghĩ của một trăm người cộng lại cũng không phải là đối thủ của cô ta. Cậu thử nghĩ xem. Cô ta có thể đưa được cả hình ảnh vào trong bóng đèn hình cơ mà. Ti vi phát ra hình ảnh bằng một phương pháp hoàn toàn khác so với nguyên lý cảm quan của phim. Nó tạo ra hình ảnh bằng cách quét lên màn hình 525 dòng tia điện tử. Sadako làm được điều đó. Cô ta có một năng lượng khủng khiếp. Asakawa vẫn không làm sao hiểu nổi.- Nếu cô ta có một khả năng ghê gớm đến vậy thì tại sao lại không in lên tấm phim mà tiến sỹ Miura gửi đến một hình ảnh phức tạp hơn? – Ngốc ơi là ngốc. Cậu nên nhớ rằng mẹ cô ta, Shizuko, đã phải chịu đựng một cuộc đời bất hạnh chỉ vì bị người khác biết được khả năng đặc biệt của mình. Liệu bà ta có muốn để con gái giẫm lên vết xe đổ đó không? Chắc chắn là bà ta đã bắt con gái phải giấu đi khả năng của mình và sống như một người bình thường. Vì thế, Sadako đã điều chỉnh lại cường độ năng lượng để tạo ra một bức hình chẳng có gì đặc biệt. Hoá ra Yamamura ở lại một mình trong phòng tập sau khi các diễn viên khác đã về hết và ngồi trước chiếc máy thu hình, thứ rất có giá vào thời ấy, là nhằm kiểm tra khả năng của mình. Tất nhiên, cô ta đã rất cảnh giác để người khác không biết được điều này. – Thế còn bà lão xuất hiện ở cảnh kế tiếp là ai? – Asakawa hỏi. – Chịu thôi. Có thể bà già ấy đã xuất hiện trong một giấc mơ của Sadako và thì thầm với cô ta điều gì đó giống như một lời tiên tri. Bà ta dùng một thứ thổ ngữ cổ xưa. Chắc cậu cũng để ý, người dân ở đây hầu hết đều nói tiếng phổ thông. Bà ấy đã khá già lão rồi. Có khi sống vào thời Kamakura cũng nên. Mà chẳng biết chừng, bà ta còn có quan hệ gì đó với En-no-Ozunu ấy chứ. …. Sang năm, cháu sẽ sinh con. – Lời tiên đoán ấy có đúng không nhỉ? – À, cái đó hả. Tiếp theo là cảnh thằng bé sơ sinh đúng không nào? Ban đầu tớ cứ tưởng nó là con của Sadako, nhưng khi xem bản fax thì có vẻ như tớ nhầm. – Cậu cho rằng đó là đứa em trai bị chết sau khi sinh bốn tháng của Sadako? – Tớ nghĩ là vậy. – Thế còn lời tiên tri của bà già? Rõ ràng là bà ta đang nói với Sadako. Hay là Sadako có con? – Không biết. Nếu tin lời bà ta thì cũng có thể là vậy. – Con ai nhỉ? – Ai mà biết được? Này, cậu đừng nghĩ rằng cái gì tớ cũng biết. Tớ chỉ nói những điều tớ suy đoán thôi. Nếu Yamamura Sadako có con thì đứa con đó là con ai và hiện đang làm gì? Ryuji đột nhiên đứng bật dậy khiến đầu gối đập mạnh vào gầm bàn. – Tớ thấy đói quá, chắc là sang ngày rồi. Aakawa, đi ăn thôi. Nói rồi Ryuji vừa lấy tay xoa đầu gối vừa nhanh nhẹn đi về phía cửa. Asakawa không đói, nhưng gã quyết định đi cùng vì có chuyện cần bàn. Ryuji có yêu cầu gã điều tra một việc, nhưng vì không biết bắt đầu từ đâu nên gã vẫn cứ gác lại đấy. Bây giờ gã mới vừa nhớ ra. Đó là cảnh cuối của cuốn băng. Rất có thể đó là Ikuma Heihachiro, bố của Sadako. Nhưng lại có quá nhiều sự thù địch trong ánh mắt của Sadako đối với con người này. Lúc nhìn thấy khuôn mặt ấy trên màn hình, Asakawa cảm thấy một nỗi đau ê ẩm và nặng nề ở sâu trong cơ thể mình, kèm theo một cảm giác ghê tởm dữ dội. Đó là người đàn ông có khuôn mặt gọn gàng và ánh mắt không đến nỗi độc ác, nhưng thật lạ là tại sao gã lại có ác cảm với anh ta. Rõ ràng đấy không phải là ánh mắt mà Sadako dành cho người ruột thịt. Trong những thông tin Yoshino điều tra được cũng không thấy có chỗ nào chứng tỏ rằng Sadako chống đối cha mình. Ngược lại, gã có cảm giác Sadako là một người con hiếu thảo. Nhưng có vẻ như việc tìm ra tung tích của người đàn ông đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Khoảng thời gian ngót ngét ba mươi năm hẳn phải làm ột khuôn mặt biến đổi đi nhiều. Tuy vậy, tính đến mọi khả năng, có khi gã vẫn nên nhờ Yoshino kiếm lấy một tấm ảnh chân dung của Ikuma Heihachiro, và cần phải biết xem quan điểm của Ryuji ra sao về chi tiết này. Nghĩ như thế, Asakawa bước ra ngoài và đuổi theo sau Ryuji. Tiếng gió thổi ù ù. Ô hoàn toàn không có tác dụng. Asakawa và Ryuji khom người chạy vội về phía quán ăn nhẹ ngay trước cảng Motomachi. – Uống bia chứ? Không đợi Asakawa trả lời, Ryuji gọi với về phía người phục vụ: “Cho hai chai bia!” – Ryuji, mình muốn nói tiếp câu chuyện lúc nãy. Theo cậu, tóm lại thì những hình ảnh trong cuốn băng đó là gì? – Chịu. Chẳng buồn ngẩng mặt lên, Ryuji đáp gọn lỏn vì còn mải chén món cơm suất với thịt nướng. Asakawa lấy dĩa xiên một miếng xúc xích và đưa cốc bia lên miệng. Qua ô cửa sổ, gã nhìn thấy cầu cảng. Không một mống người trước phòng bán vé phà Tokai Kisen. Nơi nào cũng vắng lạnh. Những du khách bị kẹt lại trên đảo chắc hẳn đang lo lắng nhìn trời và biển trong đêm tối từ những ô cửa sổ quán trọ. Ryuji ngẩng mặt lên. – Lúc sắp chết, trong đầu người ta hiện lên những gì cậu có biết không? Asakawa đưa ánh mắt đang hướng ra ngoài cửa sổ về phía đối diện với mình. – Những hình ảnh để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí sẽ vụt tái hiện như một đoạn phim flash-back… Asakawa có lần đã đọc được điều này trong cuốn sách của một nhà văn. Trong lúc đánh xe trên một cung đường núi, tác giả bỗng nhiên mất lái khiến cho cả người và xe đều lăn xuống một vực sâu. Vào khoảnh khắc chiếc xe lao ra khỏi đường và văng lên không trung, nhà văn nọ tin rằng mình sẽ chết, và vào cái khoảnh khắc nghĩ như thế, hàng loạt những hình ảnh về cuộc đời ông ta từ quá khứ rào rào lướt qua trước mắt, rõ ràng tới từng chi tiết. Cuối cùng, giống như một kỳ tích, tác giả thoát chết nhưng cái kinh nghiệm mà ông ta trải qua vào giây phút ấy thì vẫn còn nguyên trong trí nhớ. – Không lẽ cậu định ám chỉ điều đó? – Asakawa hỏi. Ryuji vẫy người phục vụ và gọi thêm một chai bia nữa. – Tớ chỉ liên tưởng thế thôi. Vì các cảnh phim trong cuốn băng là những thời khắc mà dòng năng lượng tư duy và ý nghĩ của Sadako hoạt động mạnh nhất. Có thể coi đó là những hình ảnh sâu đậm với cô ta lắm chứ. – Hiểu rồi, mà này, như thế có nghĩa là… – Phải, khả năng ấy là rất lớn. … Yamamura Sadako không còn tồn tại trên cõi đời này nữa? Và cô ta dùng cách đó để lưu lại trên thế giới này những hình ảnh lẫn lộn lướt qua trong đầu mình vào phút lâm chung?- Tại sao cô ta lại chết? Rồi cả mối quan hệ giữa người đàn ông ở cuối đoạn băng với Sadako nữa chứ? – Cậu đừng có cái gì cũng hỏi tớ. Tớ làm sao mà biết được tất cả mọi chuyện. Asakawa tỏ ra chưa chịu. – Này, động não một chút đi ông bạn! Cậu quá dựa dẫm vào người khác rồi đấy. Cậu sẽ ra sao nếu tớ có chuyện và cậu sẽ phải một mình đi tìm câu thần chú? – Ryuji nói tiếp. Không đời nào lại có chuyện ấy. Có chăng chỉ là trường hợp Asakawa chết đi và Ryuji phải tự tìm câu thần chú một mình, chứ ngược lại thì không. Riêng về việc này thì Asakawa tin chắc. – Lúc nãy có một anh tên là Yoshino gọi điện từ Tokyo đến. Anh ta bảo sẽ gọi lại sau mười phút nữa vì đang ở ngoài. – Hayatsu thông báo khi họ trở về. Asakawa ngồi chầu chực trước máy điện thoại và cầu mong cho đó là một tin tốt lành. Chuông reo. Yoshino gọi. – Ban nãy tớ gọi cho cậu mấy lần… – Giọng Yoshino hơi có vẻ trách móc. – Xin lỗi, em vừa ra ngoài đi ăn. – Thế, fax đã đến chưa? Yoshino khẽ đổi giọng. Vẻ trách cứ biến mất, thay vào đó là sự dịu dàng. Asakawa chợt có linh cảm xấu. – Vâng, thông tin rất đáng giá. – Nói rồi Asakawa chuyển ống nghe từ tay trái sang tay phải. – Sau đấy anh có tìm thấy gì nữa không? Về tung tích của Yamamura Sadako ấy? Asakawa dồn dập hỏi. Nhưng có một khoảng lặng trước câu trả lời của Yoshino. – Không xong. Mất dấu rồi. Nghe thấy vậy, mặt Asakawa méo xệch như sắp khóc. Ryuji thì thích chí quan sát sự biến đổi nhanh chóng từ hy vọng sang tuyệt vọng trên khuôn mặt của một con người. Y ngồi phịch xuống chiếu rồi duỗi thẳng hai chân ra phía khoảng sân trước nhà. – Anh nói mất dấu nghĩa là sao? – Giọng Asakawa lạc đi. – Trong đám diễn viên học nghề vào đoàn kịch cùng đợt với Yamamura Sadako có bốn người là có thể liên hệ được. Tớ gọi cho cả bốn nhưng chẳng ai biết được điều gì. Bọn họ, gọi thế thôi chứ cũng xấp xỉ năm mươi cả rồi, đều nhất loạt nói rằng họ không hề trông thấy Yamamura Sadako kể từ khi giám đốc đoàn kịch Shigemori chết. Ngoài ra, không có thêm thông tin nào nữa về Yamamura Sadako. – Không thể, không thể kết thúc như thế này chứ. – Nói vậy, cậu đã có cách gì chưa…- Em sẽ chết vào mười giờ tối mai. Không chỉ có em, mà vợ và con gái em cũng sẽ chung số phận vào mười một giờ sáng ngày Chủ nhật. Ryuji nói vóng lại từ đằng sau. – Cậu quên mất tớ rồi à, rõ chán. Asakawa tiếp tục, không thèm để ý tới câu nói chen ngang của Ryuji. – Chưa hết cách mà anh. Hẳn là còn có ai đó ngoài mấy tay diễn viên học nghề kia biết được tin tức của Yamamura Sadako chứ. Anh Yoshino, tính mạng của cả gia đình em đang bị đe doạ. – Đã chắc gì. – Ý anh là sao? – Biết đâu sau hạn chót cậu vẫn sống. – Anh chưa tin phải không? Asakawa nghĩ tới cảnh tượng mọi thứ trước mắt mình đều trở nên tối mịt. – Cậu không thể bảo tớ phải tin một trăm phần trăm câu chuyện ấy được. – Nghe em đi anh Yoshino. – Nói cách nào để thuyết phục được con người này bây giờ? – Tất nhiên, ngay cả em cũng không tin đến một nửa câu chuyện ấy. Câu thần chú là cái gì cơ chứ, thật là ngu ngốc. Nhưng nghe em này Yoshino, giả sử với xác suất viên đạn bay ra là 1/6, anh có dám kề súng vào thái dương mình và bóp cò không? Anh có dám lôi cả gia đình vào một trò ru-lét Nga nguy hiểm đến thế không? Anh không thể đúng không nào? Và tất nhiên là anh sẽ hạ súng xuống rồi quẳng nó đi càng xa càng tốt, như xuống biển chẳng hạn, phải không? Asakawa nói liền một hơi. Còn Ryuji thì kêu tướng lên ở đằng sau: “Chúng ta ngu quá, ngu quá.” – Cậu im đi! – Asakawa lấy tay bịt ống nghe rồi quay lại nạt Ryuji. – Có chuyện gì thế? – Yoshino hạ thấp giọng.- Không, không có gì. Anh Yoshino, giúp em đi. Em chỉ còn có thể trông cậy vào anh… Ryuji kéo cánh tay Asakawa giữa lúc gã đang nói. Điên tiết, Asakawa hằm hằm quay lại. Nhưng thứ mà gã trông thấy là khuôn mặt nghiêm túc đến bất ngờ của Ryuji. – Bọn mình ngốc quá. Cả cậu và tớ đều mụ mẫm hết rồi. – Ryuji nói nhỏ. – Anh chờ em một chút. – Asakawa hạ ống nghe xuống. – Có chuyện gì thế? – Việc đơn giản thế mà cớ sao chúng ta không nghĩ ra? Cần gì phải lần theo Yamamura Sadako từ quá khứ? Chúng ta có thể làm ngược lại cơ mà. Tớ hỏi cậu: Tại sao lại là ngôi biệt thự B-4? Tại sao lại là Villa Log Cabin? Tại sao lại là Pacific Land Nam Hakone? Asakawa ngớ người, rồi gã ngộ ra một điều gì đấy. Sau đó, gã trở lại bình tĩnh và đưa ống nghe lên. – Anh Yoshino.Yoshino vẫn đang đợi. – Anh Yoshino, anh gác hướng đoàn kịch lại hộ em. Em có một việc khẩn cấp hơn muốn nhờ anh điều tra. Hình như em đã nói với anh về Pacific Land Nam Hakone rồi thì phải… – À, tớ có nghe. Câu lạc bộ resort ấy hả? – Vâng. Theo em nhớ thì mười năm trước người ta xây dựng ở đó một sân golf và gần đây các cơ sở vật chất khác mới được hoàn thiện như là những dịch vụ đi kèm… Em muốn nhờ anh điều tra xem cái gì đã tồn tại ở đó trước khi Pacific Land được xây dựng. Có tiếng cây bút của Yoshino chạy trên giấy. – Có cao nguyên chứ còn cái gì nữa? – Có thể là như thế mà cũng có thể không. Ryuji lại kéo ống tay áo Asakawa. “Cả bản vẽ nữa. Cậu hiểu chứ? Nếu còn có các kiến trúc khác trước khi Pacific Land được xây dựng, cậu nhớ nhờ anh ta xin cho cái bản vẽ ấy.” Asakawa nói lại với Yoshino