ào bà xơ. Bà cười đáp lễ rồi đóng cửa lại. “Anh tiên tri giỏi nhỉ? Giá mà anh cho tôi biết trước…” “Tôi vừa mới nghĩ ra. Thật đấy! Ấn tượng mà Ba Du Sinh, gây cho cô không đúng. Tôi chỉ là người có chỉ số IQ tầm tầm, chỉ số EQ thì thấp…” Anh ta quá khiêm tốn để làm gì nhỉ? Na Lan nghĩ ngợi. “Nhưng, anh gọi điện chắc không chỉ là để tự kiểm điểm?” “Cô đã nghe nói về, ông Ngôn Phụ Đức chưa?” Na Lan lắc đầu, “Ông ta có thể giúp tôi mở cổng nghĩa trang phải không?” “Đúng! Từ năm 1963, ông ấy là linh mục, đứng đầu giáo xứ Giang Kinh, đến năm 1998 thì qua đời, và được an táng, ở nghĩa trang này.” Xem ra, bà xơ nói “ba mươi năm không an táng ai” e là có vấn đề. “Ý anh là, tôi nên sắm vai người nhà của ông Ngôn Phụ Đức?” “Cô nên đoán xem, lần sau gặp Ba Du Sinh tôi sẽ, khen ngợi cô như thế nào.” Hình như Sở Hoài Sơn đang mỉm cười. “Cô nên tự xưng, là cháu họ ngoại của ông ấy. Ông ấy chỉ có, một cô cháu gái sinh cuối thập kỷ 1990, xấp xỉ tuổi cô, đã theo cha mẹ sang Canada định cư.” “Anh cho rằng các bà xơ sẽ tin tôi nói khoác hay sao? Anh có thể cho tôi giấy tờ tùy thân của cô ta chắc?” Na Lan tưởng tượng ra mình ê mặt vì bị từ chối lần thứ hai. “Không! Không phải cô, khoác lác. Tôi nói luôn vậy, bây giờ, cô là Tiêu Hoa Nguyệt, cháu của ông Ngôn Phụ Đức. Cô không cần chìa, giấy tờ gì hết. Chỉ cần để bà xơ, hỏi thử xem, cha xứ đương nhiên là ông Bão Quảng Hữu có nhớ ra, bé Nguyệt Nguyệt, cháu gái của, cha xứ quá cố không? Bé Nguyệt Nguyệt, đã từng ăn quả nhót tây, ở sân sau nhà linh mục Bão Quảng Hữu.” Nghe mấy chữ “bé Nguyệt Nguyệt”, Na Lan lập tức nghĩ đến vụ án xảy ra gần trăm năm trước đang lưu truyền trên mạng, cô hơi lạnh xương sống, “Chuyện cách đây hai chục năm sao anh lại biết được?” “Ai cũng có thể, biết chuyện hai chục năm trước, đọc Tiếng nói giáo dân, đọc trang web của thư viện thành phố, lướt mạng… là biết hết. Ông Ngôn Phụ Đức rất có uy tín, trong giáo hội, đã bồi dưỡng ông Bão Quảng Hữu. Ông Quảng Hữu, thường tổ chức, liên hoan giáo dân. Theo bản tin Tiếng nói giáo dân, cả nhà ông Ngôn Phụ Đức đều từng tham dự, khi đó bé Nguyệt Nguyệt 5 tuổi, đã biết hát Thánh ca… Tôi sẽ gửi cho cô các tư liệu này…” Na Lan lại đến gõ cửa nhà thờ, vẫn bà xơ ấy, với nụ cười hơi giảm bớt sự kiên nhẫn. Cháu mạo muội làm phiền…” Dù chưa chắc ăn nhưng Na Lan cũng đã tự tin hơn. “Vừa nãy xơ nói là… nói chung, không cho phép vào nghĩa trang, nhưng chắc vẫn có ngoại lệ?” “Nếu là người nhà vào viếng mộ thân nhân, có hẹn trước, thì chúng tôi sẽ thu xếp.” “Hẹn trước? Nhưng e không kịp mất! Ngày mai cháu phải ra sân bay, trở về Canada…” “Cô là…” Dưới ánh đèn, thấy cặp long mày thanh mảnh của bà xơ hơi động đậy. “Cháu là Tiêu Hao Nguyệt. Ông ngoại cháu an táng trong đó…” Trời đã muộn, màn chiều đang buông xuống cả khu nghĩa trang. Na Lan đã cố thuyết phục để bà xơ không đi cùng, một mình cô len lỏi giữa các hàng bia mộ. Hơn bốn trăm bia mộ, Na Lan soi đèn pin nhìn từng tấm bia. Sau khi trải qua hai vụ án lớn và vô số đêm hãi hùng, cô đã hình thành thói quen mang theo đèn pin. Đúng như đã lường trước, ở đây không thấy có tên Nghê Phương Anh. Hung thủ của vụ án “ngón tay khăn máu” không thể trắng trợn công khai dựng bia cho nạn nhân mà hắn hãm hại, tự phơi bày tội ác cho thiên hạ biết. Điều này chứng tỏ hắn không phải hạng người quái gở dám thách thức quyền lực, khiêu khích luật pháp xã hội. Mà là một kẻ nhu nhược. Mục đích phạm tội của kẻ nhu nhược dường như không nhằm phô trương khả năng gây án của mình. Cho nên hắn đã che giấu rất kỹ tội ác gây ra rải rác ba mươi năm. Nhưng tại sao hắn lại công khai cái khăn dính máu và ngón tay bị chặt đứt? Xem ra, cũng như nhiều tội phạm sát nhân khác, hắn vẫn muốn thể hiện một điều gì đó. Hắn muốn thể hiện điều gì? Liệu có phải nếu không ai hiểu được ý đồ của hắn thì vụ án “ngón tay khăn máu” vẫn tiếp diễn, như Mễ Trị Văn dự báo không? Lúc này Na Lan hầu như đã phủ định Mễ Trị Văn là hung thủ. Lão giống một diễn viên hạng hai hạng ba, chỉ lo mình không đủ tài diễn kịch. Nếu lão là đạo diễn vở “ngón tay khăn máu” thì rất khó hình dung suốt ba mươi năm nay lão kìm nén được sự thèm khát ra tay. Nhưng tại sao lão lại biết tung tích của Nghê Phượng Ah và chỉ dẫn cô tìm đến nghĩa trang này? Hàng trăm bộ hài cốt nằm ở đây, bộ nào là của Nghê Phượng Anh? Na Lan thất vọng nhìn khắp bốn bề khu mộ, muốn mình phải đào tất cả lên hay sao? Không thượng đế nào đồng ý. Đại sư Mễ Trị Văn cũng không đồng ý. Niềm vui thực sự của đại sư còn ở phía sau. Lão đang sốt ruột chờ cô trở về. Cửa ải thứ nhất này không thể nào lại khó nhằn như thi Olympic Toán. Cách tư duy phải đơn giản. Na Lan quay trở ra cổng sắt của nghĩa trang, dừng lại bên một tấm biển lốm đốm gỉ, rọi đèn pin lên bảng nhựa in sơ đồ các khu vực bên trong. Nghĩa trang hình chữ nhật, gồm bốn khu vực trên dưới trái phải được chia bởi hai con đường hình chữ thập lát gạch, giao nhau. Na Lan chú ý đến điểm giao nhau ấy. Lại nhận ra một chữ “thập” nữa! Cô vội bước đi, đến giữa đường gạch giao nhau. Cô cúi xuống, soi đèn pin vào viên gạch vuông ở chính giữa. Nó chỉ đặc biệt vì ở chính tâm, ngoài ra cũng rạn rịa cũ kỹ như da mặt người già, chẳng có gì khác các viên gạch lát xung quanh. Cô mở túi lấy con dao nhỏ, cũng là thói quen tốt hình thành sau khi trải qua hai vụ án lớn, thọc mũi dao vào kẽ quanh viên gạch, ở đó là đất cát và bùn, rêu cùng cỏ non ứ lên sau mưa, giống như vách ngăn tình cảm giữa người và người. Cô moi hết đất, cỏ và rêu, rồi nậy hẳn viên gạch lên. Đá vụn rải bên dưới đã bị xói đi quá nửa theo dòng thời gian, chỉ còn lại một lớp mỏng. Cô bới hết lớp đá, bên dưới là bùn đất xỉn khá mềm, do thấm nước mưa. Coi con dao như cái xẻng, cô đào sâu xuống khoảng ba phân rồi dừng lại. Thấy một cái túi nhỏ. Ánh đèn rọi vào một cái ví tiền xanh nhạt bằng nhựa, in các ô ca rô vàng, lam và lục, trông giống mẫu thiết kế của thương hiệu Burberry. Na Lan nhớ đến ví tiền nhựa mẹ dùng thời con gái, hồi nhỏ cô từng trông thấy khi vào gian chứa đồ của gia đình chơi trò tìm “báu vật”. Và cũng thấy có ảnh cài trong ví, như lúc này. Nghê Phượng Anh trang nhã xinh đẹp, đứng trước cây cầu bắc qua sông Thanh An mỉm cười, tràn trề sức xuân. Trong các “bài học” mà Ba Du Sinh đưa cho Na Lan có bản photo ảnh này. Dưới ánh đèn pin, nụ cười của Nghê Phượng Anh hiện lên nhợt nhạt, mắt cũng phảng phất ưu tư. Nét ưu tư này trông quen quen? Na Lan sực nhớ đến bức tranh vẽ bà mẹ Sở Hoài Sơn. Chắc tại ngồi xổm quá lâu, cô bỗng thấy chóng mặt. Có phải tại mưa bụi ngày xuân không, mà mắt cô nhòe ướt? Nghê Phượng Anh rời xa thế gian này đã lâu. Không phải bây giờ Na Lan mới biết điều đó, nhưng vẫn cảm thấy thật khó chấp nhận sự thật này, nhất là cô có cảm giác người thiếu nữ quá cố ấy rất gần gũi với mình. Cô hít vào một hơi thật sâu. Miệng ngậm đèn pin, dùng cả dao lẫn tay tiếp tục bới sâu xuống chừng nửa mét. Bấy giờ cô thấy đằng xa có tiếng bước chân, thậm chí nghe được cả giọng thất thanh của bà xơ, “Cháu đang làm gì thế?” Na Lan dừng tay. Không phải vì câu nói của bà xơ. Dưới ánh đèn pin, giữa đám đất nhão, hiện ra mấy mẩu xương trắng. Là xương ngón tay. Na Lan dường như nhìn thấy một bàn tay tuyệt vọng đang cố sức thò lên mặt đất, cầu cứu lúc sắp chết. Mặc kệ tay đang dính đầy bùn, cô lấy do động ra gọi thẳng cho Ba Du Sinh. Khi xẻng đất đầu tiên hắt xuống, cô biết đây chỉ là một chặng trong cả hành trình tra tấn dài dằng dặc. Là một chặng, nhưng không phải chặng thứ nhất. Chặng thứ nhất đã hú còi đi qua. Cơn đau buốt tim thình lình ập đến vẫn còn hành hạ cô, sau khi ngất lịm rồi tỉnh lại, cô đã mất một ngón tay. Chẳng biết thời gian trôi qua lâu hay chóng, chỉ biết vết đứt đã nhiễm trùng mưng mủ. “Xin ông hãy tha cho, cho tôi ra khỏi đây…” Dù cố mở mắt thật to, cô cũng chỉ trông thấy nước mắt hòa lẫn đất cát đang rào rào rơi xuống, và kẻ đứng bên trên chỉ là một bóng đen nhòe nhoẹt. “Hãy thả tôi ra! Rồi muốn làm gì tôi cũng được.” “Sẽ mãi mãi nghe lời ta chứ?” “Vâng, mãi mãi…” Đất cát không rơi xuống nữa, bóng đen đang định chôn sống cô bỗng dừng tay. Đây là dấu hiệu tốt. Vẫn còn hy vọng sinh tồn. Nhưng khi giọng kẻ kia lại vang lên thì hy vọng biến thành tuyệt vọng. “Ta biết người chỉ leo lẻo khéo nói để ta tha cho ngươi. Nhưng ta có một cách hay hơn, bảo đảm ngươi sẽ mãi mãi nghe lời, không bao giờ kêu ca nữa.” Cái xẻng lại hoạt động, đất rơi xuống nhiều hơn. “Tôi van ông…” Lần này cô cố gạt sạch những thứ đang che mắt. Dưới ánh trăng, cô nhìn thấy kẻ ấy nhếch mép cười. Cô biết lần này là chặng cuối cùng của hành trình man rợ. Cô không van xin nữa, cô gắng sức nhoài lên trên. Nhưng cái hố quá sâu. Đất ướt đang hắt xuống hết xẻng này đến xẻng khác. Bàn tay cô tuyệt vọng giơ lên phía trên… Na Lan kinh hãi bừng tỉnh, mồ hôi ướt đẫm áo ngủ. Đầu vẫn nhưng nhức. Cô ngồi dậy, xuống giường đi vào gian vệ sinh chật chội, rửa mặt bằng nước lạnh. Người cô run run, có cảm giác như đất bùn ẩm ướt đang hắt vào mặt. Đây là đêm thứ ba cô gặp cơn ác mộng gần như giống hệt nhau. Cô không nhìn rõ mặt cô gái trong mơ. Là Nghê Phượng Anh? Mã Vân? Hay Tiết Hồng Yến? Na Lan nhìn cô gái trong gương. Có phải là mình không? Trong tiềm thức, cô đã thay vai cho người bị hại. Đây là tín hiệu nguy hiểm khi con người lún quá sâu vào một chuyện. Vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ còn tiếp diễn! Cơn đau đầu càng dữ dội. Cô trở vào ngồi lên giường, lắng nghe tiếng ngáy khe khẽ đều đều của Đào Tử. Ngoài cửa sổ, mưa phùn vẫn lất phất bay, tiếng mưa rì rào gõ nhịp cho đêm dài tĩnh mịch. Vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ còn tiếp diễn. Chỉ có cô mới có thể tìm ra bí mật này. Nửa giờ sau, Na Lan mở cửa buồng bệnh nhân nặng. Y tá trực ban hốt hoảng kêu với theo, “Cô là ai?! Đêm khuya, bệnh nhân đang ngủ…” Na Lan bước thẳng đến bên giường Mễ Trị Văn, hỏi cái “bộ xương khô” đang nằm bất động bằng giọng hung hãn, cứ như không phải giọng của cô nữa,, “Ai đã giết Nghê Phượng Anh? Là ông phải không? Tại sao ông lại căm thù sự sống? Sao ông lại giày xéo tôn nghiêm cơ bản nhất của con người? Sao ông lại làm thế? Động cơ của ông là gì…” “Để cô có thể ngon giấc, phải không?” Rõ ràng là Mễ Trị Văn chưa ngủ say, lão mở to mắt trong bóng tối, đôi mắt hơi đỏ. “Tôi biết cô sẽ lại đến nữa.” Na Lan tức tối gắt gỏng khiến một người nhà của bệnh nhân giường bên tỉnh giấc, ngơ ngác. Na Lan nhìn chằm chằm vào mắt Mễ Trị Văn. “Biết gì thì nói đi, coi như vẫn chưa muộn. Biết đâu ông sẽ không phải trở lại nhà tù nữa.” Anh người nhà kia sực hiểu, “Thì ra người này là phạm nhân? Sao lại xếp ông ta nằm cùng buồng với cha tôi?” Y tá ban nãy đã vào tới nơi, “Cô là ai hả? Ra đi, nếu không tôi sẽ gọi bảo vệ!” Một người đàn ông xuất hiện sau lưng y tá, thì thầm mấy câu, y tá nhìn Na Lan rồi ngạc nhiên gật đầu, bước đến giường Mễ Trị Văn bật đèn đầu giường lên. Na Lan đoán rằng anh kia là cảnh sát do Ba Du Sinh bố trí giám sát Mễ Trị Văn. Mễ Trị Văn cười nhạt, “Nhà tù thì có gì không tốt? Nếu thiếu giám thị, thì tôi đâu có thành tích về văn tự như hôm nay? Và xã hội sẽ có thêm một ác ma…” “Thực ra, ai đã…” “Cảnh sát thẩm vấn tôi ba ngày không lấy được câu trả lời, cô tưởng chỉ dùng một buổi tối là thành công chắc? Tôi đây không có thỏa thuận ngầm nào hết.” Có vẻ tự cho là mình rất hài hước, Mễ Trị Văn mỉm cười, để lộ mấy cái răng xiêu vẹo sứt mẻ. “Cô tưởng ba hôm nay Ba Du Sinh không hứa hẹn sẽ cho tôi tương lai sáng sủa gì đó hay sao?” “Tôi không tin rằng ông không thèm quan tâm về chuyện được trả lại tự do.” Lão thở dài. “Cô xem, tình trạng tôi như thế này thì được tự do hay không có gì khác nhau? Cho nên cảnh sát hứa trả lại tự do cho tôi, vì cho rằng tôi dù nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì cũng chẳng thể làm hại nổi ai nữa! Hà hà hà…” Lão gượng cười, còn Na Lan thì thấy sợ. “Vậy là ông nhất quyết không nói? Ông sợ hung thủ sẽ trả thù chứ gì? Xem ra, ông chỉ là kẻ nhu nhược, còm cõi chẳng có gì đáng kể.” “Dùng phép khích tướng à?” Mễ Trị Văn từ từ ngồi dậy, ra hiệu cho Na Lan chèn cái gối vào sau lưng lão. Na Lan không nhúc nhích. “Thực ra có phải tôi gây tội hay không, thì hài cốt của Nghê Phượng Anh sẽ anh mối, DNA sẽ nói lên tất cả. Còn tôi, có phải kẻ nhu nhược không…” Lão lại nhe hàm răng lởm chởm. “Cô có thể hỏi Bội Luân.” “Hỏi Bội Luân?” Na Lan hơi kinh ngạc, “…người mà ông làm hại?” “Là người mà tôi luôn nhớ nhung.” Na Lan biết, nếu còn nán lại đây thì còn điên tiết không sao chịu nổi. Cô quay người bước đi. “Cô đến hơi sớm đấy!” Lão nói với theo. “Tôi lại có một chữ nữa tặng cô, nhưng tôi nghĩ chưa thật hoàn chỉnh. Chờ ngày mai cô lại vào thì…” Nhức đầu kinh khủng. Tại mình mất ngủ hay tại mùi đặc trưng của buồng bệnh? “Cảm ơn! Ông cứ đưa thẳng cho anh Ba Du Sinh.” “Kiếm báu dâng tráng sĩ, hoa tươi tặng giai nhân! Ai đã giải được con chữ lần trước nhỉ?” “Nói thật luôn, phát hiện thêm các bộ xương, tôi chẳng hứng thú gì!” “Nhưng tôi có cảm giác chỉ có cô mới giải được chữ này. Rất có thể sẽ tiến thêm một bước để tìm ra hung thủ.” Na Lan khẽ nói với y tá “Xin lỗi”, rồi đi ra khỏi buồng bệnh. “Cô đừng quên, vụ ‘ngón tay khăn máu’ sẽ còn tiếp diễn… và chỉ cô mới có thể chấm dứt cơn ác mộng ấy! Coi chừng, kẻo không kịp mất!” Giữa căn buồng bệnh trong đêm, giọng lão không vang nhưng cứ như kim châm vào màng nhĩ của Na Lan. Trở về ký túc xá, Na Lan cứ để nguyên quần áo nằm vật ra giường hai tiếng đồng hồ, không mộng mị gì, rồi dậy rửa mặt chải đầu qua loa. Cô nhìn mình trong gương, ngao ngán lắc đầu, cố thoa chút phấn son để che đi những dấu vết của một đêm bực mình mệt nhọc. Tàu điện ngầm chạy vào trung tâm thành phố, đi qua đường hầm dưới đáy sông thì đến khu khoa học kỹ thuật cao Thanh Giang. Toa tàu chật như nêm, đang là giờ cao điểm điển hình, Na Lan nhận thấy khách đi tàu đều là thanh niên như cô. Đầu vẫn ngâm ngẩm đau, nhắc cô một điều, trong đám người trẻ tuổi này có khi tâm tư cô già nhất? Đào Tử “đáng ghét” đã bình luận, sau khi trải qua hai vụ án lớn, ngoại hình Na Lan vẫn thế nhưng tâm tư thì già đi mười tuổi rồi! Cùng đám đông hành khách đi ra khỏi ga tàu điện ngầm, Na Lan nhận ra ngay tòa nhà văn phòng của Công ty Khoa học Kỹ thuật Vũ Cung ở đầu đường bên kia. Tòa cao ốc vươn tận trời xanh, phòng làm việc của giám đốc Đổng Bội Luân đặt ở tầng trên cùng, từ trên này có thể nhìn toàn cảnh sông Thanh An. Na Lan đứng ở phòng chờ, nhìn thành phố Giang Kinh đang chuyển mình vận động sau giấc ngủ đêm, sực nhớ mình không gọi điện hẹn trước với Đổng Bội Luân. Cô gái chui ra từ tháp ngà, đã mắc một sai lầm lớn trong giao tiếp. Na Lan đành tự an ủi, nếu bị từ chối cũng đành, ít ra mình vẫn được ngắm một cảnh tượng rất hoành tráng. Một phụ nữ đứng tuổi mặc đồ công sở ngồi ở bàn thư ký giám đốc ngoài tiền sảnh, nghe Na Lan nói muốn gặp giám đốc, chị cười, “Cô là Na Lan à?” “Vâng.” “Giám đốc mời cô vào.” Na Lan ngạc nhiên, “Phiền chị vào hỏi xem chị ấy có thì giờ không…lẽ ra tôi phải hẹn trước…” “Giám đốc đã dặn trước, nếu cô Na Lan đến thì cứ mời vào. Chỉ cần đang có mặt ở văn phòng, giám đốc sẽ tiếp cô bất cứ lúc nào.” Đổng Bội Luân rất thông minh, đã lường trước là cô sẽ đến. Muốn, thậm chí là mong mỏi, được trao đổi với cô, có phải thế không? Na Lan chợt cảm thấy mình có phần chủ quan. Thư ký gọi điện báo cáo, đoạn dẫn Na Lan đến cửa phòng làm việc của Đổng Bội Luân rồi quay ra pha trà. Trong phòng đang họp thì phải. Na Lan bước đến cửa thì có hai người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi cầm laptop bước ra. Đổng Bội Luân, mái tóc dài buộc đơn gian thả ra sau gáy, sơ mi trắng cài hoa nhỏ màu tím nhạt, nhích xe lăn ra, mỉm cười bắt tay Na Lan, “Hoan nghênh em!” Na Lan bất giác nhớ lại cái vẻ đắc ý huênh hoang của Mễ Trị Văn cách đây không lâu. Cô càng khâm phục nhân cách của Đổng Bội Luân khi không đắc ý nói rằng “Tôi biết thế nào cô cũng đến”. Phòng làm việc rất rộng, không xa hoa cầu kỳ, tường sơn trắng muốt treo vài bức thư pháp với những nét mực đậm nhạt mau thưa. Nếu đây là phòng làm việc của giám đốc nào khác thì rõ là trưởng giả học làm sang! Không hiểu tại sao… có lẽ là vì bản thân chủ nhân vô cùng trang nhã, cho nên người và vật ở đây đều hài hòa. Chỉ hiềm, tổng thể có phần thanh đạm và hơi nhợt nhạt? Phải chăng chủ nhân muốn dùng cách trang trí đơn sơ trong sáng để tẩy mờ những hoen ố do bị xâm hại năm xưa? Ánh mắt Na Lan dừng lại thêm mấy giây ở một bức tranh, Đổng Bội Luân nhận ra ngay, “Em biết về nó à?” Đó là bức tranh thủy mặc, hình chữ nhật, vẽ cảnh cây mai khúc khuỷu gầy guộc, ngạo nghễ trong giá lạnh, hương thầm của nó dường như nhẹ lan ra khỏi bức tranh. “Đây là bức Băng tư sảnh ảnh đồ của Văn Trưng Minh. Hồi đại học em có đi Nam Kinh chơi, đã nhìn thấy bản gốc bày trong bảo tàng.” Đổng Bội Luân khẽ mỉm cười, không nói gì. Na Lan bỗng nghĩ ra, kinh ngạc nói, “Lẽ nào… đây mới là bản gốc?” Cặp mày cong mảnh của Đổng Bội Luân hơi nhích lên. “Tôi không nói thế đâu!” “Chỉ là cảm giác, em chỉ đoán vậy. Cô là người theo đuổi sự hoàn mỹ, khi đã có tiềm lực kinh tế thì sẽ không treo các bức họa sao chép. Em không có ý nói là cô ưa phô trương…” Na Lan tự trách mình nói năng thật là dại dột. “Em thích giả thiết, giả thiết tôi theo đuổi sự hoàn mỹ, giả thiết tôi tinh tế khá giả…” Không rõ ánh mắt của Đổng Bội Luận là khen ngợi hay là trách móc. Na Lan nói, “Suy luận hợp lý cộng với giác quan thứ sáu thứ bảy gì đó… là sở trường hoặc là bệnh nghề nghiệp của những người làm về tâm lý học ạ.” Đổng Bội Luân lại thoáng nét cười, “Trực giác của em khá chuẩn. Bức tranh bày trong bảo tàng Nam Kinh là bản sao. Khi có những cuộc triển lãm quan trọng, tôi đương nhiên có thể cho họ mượn.” “Hàn mai vẫn ngạo nghễ trong sương giá, là hình ảnh ẩn dụ quá hay về tinh thần trỗi dậy sau khi bị tổn thương.” Na Lan bình luận dường như rất tự nhiên. Đổng Bội Luân cười, nói, “Em đang phân tích tâm lý giúp tôi đấy à?” “Em không biết ai là chuyên gia tâm lý cho cô, nhưng chắc chắn phải là chuyên gia hàng đầu ở Giang Kinh, em đâu dám mạo muội…” Không phải Na Lan khiêm tốn. Người có thể giúp Đổng Bội Luân vượt qua nỗi đau, nhất định không thể là hạng bình thường. Cô chuyển hướng, “Dù ẩn dụ về hàn mai đã được dùng quá nhiều, nhưng đúng là em đã nghĩ như vậy, cô không muốn mình sẽ héo khô trong những hoàn cảnh chẳng ra gì, bằng mọi cách, cô sẽ vươn lên, cứng cỏi kiên cường.” “Cho nên, nếu em coi bức tranh này là tác phẩm thể hiện hoặc khích lệ ý chí, tôi cũng không có ý kiến gì.” Đổng Bội Luân chấp nhận sự phân tích của Na Lan. Ánh mắt luôn dừng trên khuôn mặt cô. Na Lan cảm thấy hình như Đổng Bội Luân đang quan sát đánh giá một đối thủ, đang ngạc nhiên khi gặp một điều bất ngờ. Thế thì cứ để cho bất ngờ ấy tiếp tục!” Em xin hỏi thẳng một câu, theo ý cô, một người như Mễ Trị Văn có thể gây ra các án mạng liên hoàn như “ngón tay khăn máu” không?” Im lặng. Đổng Bội Luân im lặng. Không phải vì đang cân nhắc từ ngữ, mà là vì đang kìm nén những chuyện xưa như nước lũ bắt đầu dâng lên, như mãnh thú rục rịch đứng dậy. “Vụ án… liên quan đến Mễ Trị Văn và tôi, em đã biết được đến đâu?” Sau hồi im lặng, Đổng Bội Luân hỏi. Na Lan nói, “Chỉ là các tin tức mà truyền thông đã đăng tải.” “Anh Ba Du Sinh không cho em đọc các biên bản ghi chép về vụ đó à?” “Không ạ. Các chi tiết liên quan đều đã bị xóa hết. Em chỉ hiểu về cô qua các tài liệu báo chí.” Đổng Bội Luân gật đầu, “Ba Du Sinh là người rất có nguyên tắc, những người ưu tú như anh ta ngày càng ít… Vì thế, em cũng không hỏi thêm thông tin ở anh ta nữa.” “Nhưng tài liệu của giới truyền thông lại quá ít. Ví dụ…” Ánh mắt Na Lan dừng ở chiếc giá kê nơi góc tường, bên trên là cây đàn tranh. “Ví dụ, em không biết cô lại chơi đàn tranh.” Đổng Bội Luân bỗng rùng mình, “Đã rất lâu… tôi không đụng đến nó nữa rồi.” “Mong cô thứ lỗi… em đã đường đột đến gặp cô.” “Sau lần gặp em ở bệnh viện cách đây mấy ngày, không hiểu sao… có lúc tôi rất mong em sẽ đến đây… Này, lẽ nào em cho rằng tôi sẽ kể cho em biết về cơn ác mộng đó?” “Em muốn giúp đỡ những cô gái mất tích lâu nay.” “Rồi đi đến đâu? Em chẳng qua sẽ tìm ra thêm các thi thể mà thôi.” “Không chỉ là thế ạ! Vì vụ án ‘ngón tay khăn máu’ sẽ còn tiếp diễn.” Na Lan nhắc lại lời Mễ Trị Văn và cảm thấy hoảng sợ, hình như cô đã bị tên ác ma ấy tẩy não, cô đã rơi vào trò chơi của lão! Đổng Bội Luân cười nhạt, “Lão nói thế chứ gì? Và em đã tin? Dù vụ ‘ngón tay khăn máu’ do lão đạo diễn, rồi sao nữa? Em gặp lão rồi