g mấy đứa trẻ nít phía góc sân đàng kia chưa đến tuổi để biết giữ trật tự nhưng cũng được cha mẹ chúng ra dấu bắt phải ngoan. Vị linh mục dang hai tay cất tiếng mở đầu lời cầu nguyện thì bỗng nhiên cái giá mang bức chân dung ông chồng bà Đào chao nghiêng rồi đổ ụp xuống sàn deck gây nên một tiếng động lớn giữa không khí yên tĩnh của buổi lễ. Mọi người giật bắn mình nhìn những mảnh thủy tinh văng tung toé trên sàn deck. Hầu hết mọi người có mặt đều không kịp trông thấy khi tấm hình rơi xuống và không ai biết tại sao chiếc giá vững vàng kia lại đổ xuống mặc dù cả ba chân đều còn nguyên vẹn không có vết gẫy. Trời thì không hề có một ngọn gió nào để có thể làm đổ bức hình. Bà Đào, mặt hiện rõ nét hoang mang, cùng mấy đứa con nhặt lên chiếc khung hình với tấm kính bể nham nhở đóng khung lấy khuôn mặt của người quá cố, cặp mắt đăm đăm nhìn người đối diện với nét ma quái dị thường. Bà Đào sai con quét những mảnh vỡ và mang tấm hình về nhà. Buổi lễ bị gián đoạn một lúc và vị linh mục lại tiếp tục hành lễ không có sự hiện diện của bức hình. Kể từ phút đó, người ta thấy bà Đào không còn vẻ lăng xăng, chào người này, mời người kia như trước đó nữa. Nét vui gượng gạo không che lấp được nét đăm chiêu trên khuôn mặt bà. Hai vợ chồng Vân có lẽ là hai người duy nhất trong buổi lễ – không, có lẽ là hai trong ba người duy nhất trong buổi lễ – hiểu được ý nghĩa của sự kiện bức hình đổ ụp xuống; cái người thứ ba kia có lẽ không ai khác hơn là bà Đào. Vân và Thanh trao đổi với nhau cái nhìn hiểu biết. Qua sự việc vừa xảy ra, sự bực tức của người quá cố dường như đã trở thành cơn thịnh nộ vọng về từ thế giới bên kia, ngay trong buổi lễ mà đáng lẽ phải mang về sự an bình cho linh hồn ông. Sau hôm đó sự yên ổn thường lệ trở về với gia đình Vân. Ngày rồi tháng trôi qua, dường như ông ta đã hài lòng vì đã bày tỏ những gì cần bày tỏ và hơn thế nữa, có thể nói, ông ta đã chia xẻ được với vợ chồng Vân những gì cần chia xẻ và ông ta không muốn làm phiền gia đình Vân nữa làm gì. Ông đã làm cho vợ chồng Vân hiểu một cách rõ ràng ông không bằng lòng việc hai người tiếp xúc với bà Đào vợ ông dù việc đó không do hai người chủ động. Nhưng vì lý do gì thì hai vợ chồng Vân vẫn chưa biết và có lẽ không cần biết. Có đến nửa năm vợ chồng Vân không còn chứng kiến những hiện tượng lạ và gần như không còn nghĩ đến những gì xảy ra trước đây khi mới dọn vô căn nhà. Một chiều cuối tuần êm ả, Vân đang tưới các khóm hoa sau nhà thì bà Đào đến bên cánh cổng sắt vui vẻ chào hỏi. Đã từ lâu Vân vẫn dùng cổng sau làm lối ra vào thường xuyên; nàng rất ít khi mở cửa chính mặt tiền của căn nhà. Mỗi khi đi đâu về, nàng đậu xe trong driveway rồi mở cánh cổng sắt bên hông nhà và vô nhà bằng cửa patio. Gia đình nàng, bố mẹ anh em và các khách quen đều dùng cửa này vì vậy Vân không ngạc nhiên khi bà Đào cũng đến bằng lối này. Đã lâu lắm Vân không có dịp nói chuyện với bà Đào; những giao dịch hiếm hoi chỉ cần nói qua điện thoại; việc trả tiền thuê nhà Vân chỉ cần bỏ phong bì vào thùng thơ nhà bà. Đôi khi bà ta cũng có ghé sang nhưng Vân đều tìm lý do để khỏi phải nói chuyện lâu và không bao giờ tỏ ý mời ba ta vô nhà. Vào thời gian đó nàng cũng đã biết rằng các con của bà Đào không dọn vô ở chung với bà, như bà đã nói. Việc con bà dọn vào ở chung là cái lý do mà bà đã đưa ra lúc ban đầu để không cho Vân thuê căn nhà ba phòng ngủ phía trước. Những tháng sau đó Vân càng thấy những nhận xét của mình về con người bà Đào càng đúng. Có một lần đi chợ Việt Nam, tình cờ đi ngang cửa tiệm chụp hình do bà và con bà làm chủ, Vân mục kích thái độ hống hách, coi rẻ người thua kém mình của bà và con trai bà trong cách đối xử với một người đàn bà đồng hương giúp việc cho họ. Vân nhận thấy rằng bà ta là hạng nhà giàu mới, đến từ một gia đình thiếu căn bản giáo dục. Vì vậy, Vân càng có thêm lý do để không ưa và lạnh nhạt với bà ta dù bà ta chưa làm gì bất nhã đối với Vân ngoài việc lật lọng lúc ban đầu. Bẵng đi nhiều tháng bây giờ là lần đầu tiên nàng và bà ta mới đích thân nói chuyện. Nàng đáp lại câu chào của bà bằng một câu xã giao. Không để Vân đợi lâu, bà Đào nói lý do sang nhà Vân: - Em đang trồng hoa trong khoảnh vườn phía trước và muốn sang hỏi chị về một số loại hoa chị đã trồng mà em thấy rất đẹp. Nếu bà Đào đến hỏi nàng vào sáu tháng trước có lẽ nàng sẽ tìm cách thoái thác để khỏi phải tiếp bà nhưng thời gian qua đi, sự thiếu cảm tình với bà Đào cũng nhạt đi và những lúc sau này các hiện tượng lạ kia không xảy ra nữa; nàng cảm thấy yên tâm hơn và cho rằng buổi lễ trăm ngày nửa năm trước có lẽ đã đem lại sự yên ổn lâu nay. Vân mở cửa hàng rào: - Chị vào chơi; tôi đưa chị lại xem bồn hoa rồi nói chuyện luôn thể. Nói chuyện về trồng hoa xong, Vân mời bà Đào ngồi xuống nơi chiếc bàn patio vừa uống café vừa nói chuyện. Khung cảnh mát mẻ dễ chịu của buổi chiều và thái độ bớt lạnh nhạt của Vân càng như khuyến khích bà cởi mở tâm sự cùng Vân nhiều hơn nữa so với những lần trao đổi miễn cưỡng trước đây. Vân hơi mỉm cười nhớ đến cái mỹ danh “Sống Vì Kỷ Niệm” nàng đặt cho bà Đào khi bà ta mở đầu: - Em là người sống vì kỷ niệm chị ạ. Anh ấy rất thương vợ thương con, chỉ lo làm ăn gây dựng sự nghiệp cho gia đình, không quan tâm nhiều đến việc giải trí, tuy rằng trong những năm anh ấy còn khoẻ, gia đình không phải là không đi chơi đây đó. Em quí những kỷ niệm đó lắm. Đến khi anh ấy bị bệnh, việc đi du lịch gần như không có. Căn bệnh của anh ấy là bệnh kinh niên về thận, phải dùng máy lọc thường xuyên nhưng cả trong thời gian đó, anh ấy cũng không lo nhiều cho bản thân mà chỉ chú tâm lo cho gia đình. Lúc anh ấy còn sống, chúng tôi cũng có mấy căn áp-pạc cho thuê, đâu đến nỗi phải vất vả lo toan việc làm ăn nhưng hiếm khi nào anh ấy chịu nghe lời tôi nghỉ ngơi dưỡng sức hoặc điều trị bệnh của mình một cách nghiêm chỉnh. Vẫn lối xưng hô khi “em” khi “tôi” thường thấy nơi một người dễ trở mặt, bà Đào tiếp: - Như người ta thường nói, làm giàu thật nhiều mà không biết hưởng, khi chết có mang theo được đâu; của cải để lại cho con cháu sau này đã để riêng ra rồi, bây giờ la lúc phải lo cho thân mình; ky cóp thêm ít tiền lẻ để lại cho chúng nó chưa chắc chúng nó đã cần; đời cua cua máy, đời cáy cáy đào mà chị. Cuối cùng thì như thế đó; anh ấy nằm xuống, tuy vợ con được hưởng hết của cải nhưng nếu anh ấy không tận lực xả thân làm việc vào những năm cuối đời, vợ con cũng có nghèo đi tí nào đâu? Vân hỏi: - Vậy chứ ông xã chị bị bệnh ra sao? Bà Đào đáp: - Hôm đó hai vợ chồng em đến thăm gia đình ông bà thân sinh ra em. Anh ấy kêu chóng mặt và muốn ngồi nghỉ trong lúc em chạy ra ngoài mua vài thứ lặt vặt. Trong lúc em vắng mặt thì ở nhà anh ấy đột nhiên ngã xỉu, phải chở vô nhà thương ngay. Khi hay tin khẩn cấp, em tất tả vô bệnh viện thì anh ấy đã hôn mê và sau đó qua đời. Rồi bà ta nói tiếp: - Em cũng sắp bán mấy dãy áp-pạc đi vì cho thuê cũng mệt lắm. Không tháng nào mà em không phải ra toà, tranh cãi kiện tụng với mấy người thuê nhà. Kiện tụng thì em chẳng ngại nhưng mãi rồi cũng chán chị à. Vân lắng nghe câu chuyện của người đàn bà và cũng là lời bộc bạch về cá tính của chính đương sự. Bà ta chuyển sang giọng tâm sự: - Em sống vì kỷ niệm nên bây giờ chẳng muốn đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà, dù mấy đứa con em vẫn rủ. Đi đến đâu cũng làm em nhớ đến anh ấy. Buổi chiều h ôm đó là lần đầu tiên Vân và bà Đào có một cuộc nói chuyện dài và tương đối thân thiện như hai người hàng xóm. Trời ngả dần sang hoàng hôn, đến giờ Vân phải sửa soạn bữa cơm tối; nàng chia tay với bà Đào đứng lên đi vào nhà. Trong nhà bếp Vân mang nồi chảo ra sửa soạn nấu ăn. Nàng mở tủ lạnh lấy các thứ cần thiết để làm món phở áp chảo mà cả nhà ưa thích, mang ra quầỵ Nàng vừa hát nho nhỏ vừa làm món ăn. Đứng cắt thịt sau quầy bếp, hướng ra phía patio, từ khoé mắt trái, Vân thấy bóng Thanh từ trên lầu đi xuống. Nàng ngưng hát cất tiếng hỏi: - Anh đó hả? Chiều nay ăn phở xào nhé? Yên lặng. Hoàn toàn yên lặng. Nghĩ rằng Thanh chưa nghe mình hỏi, Vân vẫn không quay đầu, cất tiếng lần nữa: - Anh? Vẫn yên lặng. Rồi Vân chợt nhận ra, hồi nãy khi Thanh đi xuống lầu, nàng không hề nghe tiếng chân bước của Thanh như mọi khi. Sống lưng lạnh toát, Vân quay đầu lại. Phía phòng khách mà Vân thấy bóng Thanh đi xuống vẫn trống trơn và bắt đầu ngả sang bóng tối. Lần đầu tiên kể từ khi biết căn nhà có những sự việc không bình thường, Vân thực sự sợ đến lạnh toát châu thân. Cái cảm giác kinh dị, tê tái như điện chạy qua gáy và sống lưng, không thể so sánh được với bất cứ cảm giác nào. Vừa lúc đó, nàng nghe tiếng động trên lầu, ngước nhìn lên thì thấy Thanh vừa từ phía phòng ngủ bước đến, nét mặt ngơ ngác. Sự hiện diện của chồng khiến Vân bớt bủn rủn phần nào. Thanh vịn lan can hành lang trên lầu, nhìn xuống hỏi: - Nhà mới cúp điện hả em? - Không, điện nhà bếp vẫn sáng đây. Hồi nãy anh đâu có xuống đây phải không? Vân hỏi nhưng biết câu hỏi của mình thừa vì không thể nào Thanh đi xuống rồi lại đi lên nhanh như vậy được. Thanh đáp: - Không, anh ở trong phòng nãy giờ. Đang ngồi trước computer thi đèn điện tắt phụt rồi sáng trở lại; cả cái computer cũng mất đìện, bây giờ đang reboot. Vân rùng mình. Vậy là đúng vào lúc nàng thấy bóng “Thanh” đi xuống là lúc đèn trong phòng ngủ tắt và điện bị cúp. Và chỉ tắt trong phòng ngủ mà thôi. Vân ra dấu gọi Thanh xuống và kể cho chồng nghe điều vừa xảy ra và nói thêm: - Em nói chuyện với bà Đào khá lâu hồi nãy. Bà ấy đi khỏi, em vào bếp làm cơm thì thấy có người đi xuống, em tưởng là anh. Lâu nay tưởng đã êm nhưng không phải vậy anh à. Chưa bao giờ em sợ như vậy. Vân tự nhủ lần này thì tởn tới già; bằng mọi giá, Vân sẽ tránh không để bà Đào bước vô nhà; nếu cần nàng sẽ nói thẳng với bà lý do tại sao. Sau cái lần thực sự kinh hoàng đó, có đôi lúc ý nghĩ dọn nhà cũng đến với Vân, nhưng rồi nàng bình tĩnh trở lại và cảm thấy việc dọn nhà không cần thiết khi mà dường như có một thông cảm kỳ lạ giữa nàng và người đã khuất, khiến nàng tin rằng mình có thể ngăn được những hiện tượng kia khỏi xảy ra, miễn là đừng làm trái ý “ông ta”. Những ngày yên ổn thực sự đã trở lại trong căn nhà gia đình Vân đang ở. Mấy đứa con nàng, thằng Bình lớn nhất, đang học lớp 10, em gái nó, con An, học lớp 8, thằng út Hoà, lớp 6; cả ba đều khoẻ mạnh, luôn tươi vui, đùa nghịch như các trẻ khác cùng lứa tuổi. Chúng nó học bài, coi truyền hình, chơi với bạn bè đến nhà, khi trong nhà, lúc ở patio và deck, vô tư, hồn nhiên không hề biết những sự việc kinh dị kia trong nhà chúng. Một hôm Vân đi làm về khoảng 7 giờ, trời cuối Thu nhá nhem tối; khi gần về đến nhà, tình cờ nàng quẹo vào một con đường khác với con đường thường ngày nàng vẫn đi. Nàng chợt thấy chiếc xe pickup màu trắng của ngườì handyman đậu bên đường; từ chỗ đó về nhà nàng chỉ một quãng không xa nhưng nếu đứng ở nhà nàng hoặc nhà bà Đào, sẽ không thể thấy được vì chiếc xe đậu khuất sau góc đường. Vân tự hỏi tại sao xe của người handyman đậu ở đây vào giờ này? Theo lời bà Đào, nhà anh ta đâu có ở trong khu này? Nếu đến nhà bà Đào, sao anh ta không đậu ngay trước nhà bà như anh ta thường làm? Vân lái xe vào driveway nhà mình và thấy nhà bà Đào đã chìm trong bóng tối; có vẻ như đã đi ngủ. Hôm sau Vân đi làm sớm, vẫn thấy chiếc xe pickup đậu ở đó. Vân bắt đầu có ý nghĩ là lạ về bà Đào. Phải chăng bà ta có một liên hệ nào đó ngoài liên hệ chủ và người làm công đối với người đàn ông lai Mễ kia? Từ hôm đó, Vân bắt đầu để ý thấy chiếc xe kia, nếu ban ngày thì đậu trước nhà bà Đào còn nếu ban tối thì đậu khuất ở góc đường kia. Vân nói với chồng điều này và Thanh gật gù có vẻ hiểu biết. Một cuối tuần sau đó không lâu, nhân dịp sinh nhật, thằng Bình xin phép mẹ mời bạn bè về nhà. Một đứa bạn của Bình là thằng Trực được bà mẹ chở đến. Vân gặp bà Đoan, mẹ Trực, ở cửa, hai người tự giới thiệu rồi Vân mời bà vô nhà. Bà Đoan cho biết bà và bà Đào cũng là chỗ quen biết rồi bà chép miệng nói như thể bà nghĩ Vân là họ hàng của bà Đào: - Nghĩ cũng tội cho ông ấy chị nhỉ? Tuổi mới ngoài 50, không ngờ qua đời sớm quá. Vân đáp: - Vâng, tôi cũng có nghe bà Đào nói từ khi mới thuê nhà. Bà Đoan hỏi: - Chị không phải bà con của bà Đào hay sao? - Không, tôi chỉ là người thuê nhà. - À ra thế. Tôi thì biết khá rõ về gia đình bà ấy. Rồi bà hạ giọng nói như sợ người khác nghe: - Hồi còn sống, nghe đâu ông ấy cũng khổ sở vì bà ấy lắm. Vân hỏi: - Bà ấy làm điều gì hả chị? Bà Đoan tiếp tục với giọng thì thầm: - Nghe đâu trong lúc ông ấy bệnh tật, bà ấy thậm thụt với cái người làm công cho ông bà ấy. Chẳng là ông bà ấy có mấy dẫy nhà cho thuê nên mướn một người handyman để làm việc sửa chữa lặt vặt. Dĩ nhiên người ngoài có ai bắt được quả tang bao giờ; người ta chỉ thấy hai người chở nhau đi mua đồ ở Home Depot. Ông ấy biết, nhưng bệnh tật có làm gì được đâu. Thật tội nghiệp. Rồi một thời gian sau, Vân cũng không còn thấy chiếc xe pickup màu trắng đậu ở góc đường ban đêm và trước nhà bà Đào ban ngày nữa. Người đẹp Sống Vì Kỷ Niệm chia tay với người tình Handyman. Có lẽ không hẳn vì bà đã bán những dãy nhà cho thuê nên sự phục vụ của anh ta không cần thiết nữa mà vì bà đã có những quan hệ mới. Thay chỗ cho chiếc xe pickup của người tình Handyman là những chiếc xe của những người đàn ông sồn sồn, lần lượt đến đậu trước cửa nhà bà, mỗi ông một vài tháng. Họ đàng hoàng đậu ngay trước cửa chứ không cần đậu nơi khuất như người tình Handyman nữa. Đầu tiên là một ông Nam kỳ răng vàng mà có lần Vân chạm mặt khi ra khỏi nhà một buổi sáng. Ông đang đứng cầm ống nước tưới cây trong khoảnh vườn trước nhà bà Đào, nhe răng vàng cười chào nàng. Nàng chào đáp lại rồi đi làm. Chiếc xe màu xanh đen của ông này lui tới đậu ngoài đường trước cửa nhà bà Đào ngày đêm một thời gian khoảng hai tháng thì Vân không thấy nữa. Kế đến là sự xuất hiện của chiếc xe màu đỏ mà chủ nhân là một ông Bắc kỳ răng hô. Một ngày thứ Bảy Vân đi shopping về thấy các chậu hoa nàng vẫn treo dưới mái patio bây giờ nằm lỏng chỏng, cái này ngả đè lên cái kia một cách cẩu thả. Vân rất ngạc nhiên và bực bội vì những chậu hoa này nàng chăm sóc cẩn thận, vẫn treo trên cao, hoa lá xum xuê buông xuống, giao tiếp với các chậu hoa khác bầy dưới đất, tạo nên một bức mành xanh mát quanh patio. Lời giải đáp cho sự ngạc nhiên của Vân hiện nguyên hình dưới dạng ông Bắc kỳ răng hô. Ông này đang đứng trên cái thang nhôm, với tay sơn cái đà ngang, nhe răng cười chào Vân rồi giải thích bà Đào nhờ ông sơn cái patio. Vân rất bực mình về việc làm tự tiện này và nói cho ông ta biết nàng không hài lòng khi ông ta không cẩn thận đối với các chậu hoa của nàng. Một lát sau, khi đã làm xong công việc sơn phết, ông ta sửa soạn nhắc các chậu hoa lên để treo lên chỗ cũ. Không muốn ông ta treo sai ý mình Vân nói: - Ông hãy để đó cho tôi; tôi tự tay treo lên được rồi. Người đàn ông vẫn sốt sắng nhất định không muốn để Vân làm một mình. Ông ta nói: - Cô cứ để tôi làm! Tôi lấy xuống thì tôi phải treo lên chứ ai lại để cô làm. Miệng nói, tay ông ta cầm lên một chậu hoa dù Vân phản đối. Rốt cuộc ông ta treo được bốn chậu lên xà ngang của patio rồi mang đồ nghề và cái thang ra về. Một sự kiện lạ lùng xảy ra những ngày sau đó là bốn chậu cây mà ông Bắc kỳ răng hô đích thân mó tay treo lên, tự nhiên héo dần đi rồi chết. Vân không tài nào cứu vãn được bốn chậu hoa đó trong lúc các chậu khác, dù treo trên cao hay để dưới đất, đều xanh tươi như trước. Vân rất bực bội vì nghĩ rằng nếu ông răng hô không đụng đến chúng thì chúng đâu có chết. ° Rồi các con Vân lớn lên, lần lượt đi học xa; đầu tiên là thằng Bình, rồi đến con An, thằng Hoà. Bà Đào vài lần dạm bán căn nhà hoặc khu đất trống phía bên phải cho vợ chồng Vân, nhưng vợ chồng nàng không muốn. Ngay cả sau khi các con đã sống xa nhà, vợ chồng Vân cũng chưa nghĩ đến việc dọn nhà cũng như không nghĩ đến việc mua nhà nữa. Bà Đào không hề tăng tiền nhà trong suốt tám năm trời và đối với tình trạng tài chánh của gia đình Vân lúc đó, nếu mua nhà, tiền lời trả cho ngân hàng còn cao hơn tiền thuê thì đó không phải là lựa chọn thuận lợi nhất, ít nhất là trong lúc này. Sang năm thứ chín, vì sự thay đổi trong công việc, căn nhà trở nên bất tiện cho cả hai vợ chồng đi làm và lúc ấy hai người mới quyết định dọn nhà. Vân có ý định sẽ giới thiệu người thuê mới nhưng bà Đào nói: - Em sẽ để cho vợ chồng thằng con em đến ở chị ạ. Chúng nó ở kế bên, mẹ con chạy qua chạy lại cho vui. Lúc hai vợ chồng Vân trả lại nhà cho bà Đào, bà ta than thở về chỗ rách và vài vết dơ của thảm do con bé An gây ra trong phòng nó. Vân không muốn đôi co nên không nói cho bà ta biết rằng trong suốt tám năm trời bà không hề sửa chữa, sơn phết hoặc ngay cả thay thảm mới. Những chủ nhà khác thường coi đó là bổn phận đối với người thuê dài hạn như gia đình Vân huống chi việc thảm dơ hoặc rách đáng lẽ phải coi là những hao mòn bình thường. Vân cũng không muốn nhắc cho bà ta biết trong suốt thời gian tám năm đó, mỗi khi có việc cần sửa chữa lặt vặt trong nhà, Thanh thường tự mình làm lấy vì bà ta luôn luôn trì hoãn không làm, ngay cả lúc bà ta còn người handyman. Khi bà ta không còn người handyman thì câu nói quen thuộc của bà là: - Em chỉ có một mình; em sẽ phải tìm người đến sửa. Đợi bà tìm ra người thì thà làm lấy cho xong vì vậy Thanh thường tự mình làm những sửa chữa đó, lâu dần thành tiền lệ. Bây giờ khi trả lại nhà, thay vì dằng co mấy trăm bạc tiền deposit, Vân nói: - Chị cứ kêu người lau chùi, dọn dẹp; chị còn giữ tiền đặt cọc của chúng tôi mà phải không? Bà Đào tươi ngay nét mặt nói: - Vâng thế thì em sẽ gọi người lau chùi don dẹp, còn bao nhiêu em sẽ hoàn lại chị. Vân thầm nghĩ một con người tính toán lặt vặt và không biết điều như bà Đào mà không tăng tiền nhà trong suốt thời gian tám năm trời không phải không có lý do chính đáng. Và cái lý do đó chỉ hai vợ chồng nàng và bà Đào biết và cũng có thể người tình Handyman của bà cũng biết. Như những mảnh nhỏ của một bức puzzle lần lượt được đặt đúng vị trí, toàn thể bức tranh hiện ra trọn vẹn trước mắt Vân. Bây giờ nàng thấy mọi việc thật rõ. Những thắc mắc của nàng trước đây đều đã có câu trả lời. Trước nhất, sở dĩ bà Đào không ở căn nhà “dream home” mà lại dọn ra căn nhà mặt tiền có lẽ vì chồng bà đã về cảnh cáo bà. Nếu bà còn ở căn nhà này chắc ông chồng sẽ không để bà yên nếu bà mang các người tình của bà về. Bà đưa ra lý do bà cần nhà nhiều phòng để con bà về ở chung, nên giữ lại căn nhà nhiều phòng ngủ, không cho Vân thuê. Nhưng thật ra, trong suôt thời gian gia đình Vân thuê nhà, các con bà ở cách đó không xa không hề dọn vào ở chung với bà, trừ những lần đến thăm bà rồi lại đi. Bà dọn ra căn nhà mặt tiền để “tránh” ông chồng và để được tự do mà lại cho con bà ở chung nhà thì cũng như không! Điều thắc mắc về việc tại sao ông lục đục trong nhà bếp cũng được giải đáp. Khi bà vợ ông mấy lần hứa với Thanh và Vân sẽ cho người handyman đến sửa cái tủ, ông về gây tiếng động trong bếp để “phản đối” vì ông không muốn kẻ “thậm thụt” với vợ ông đụng chạm đến cái tủ nhà bếp ông làm chưa xong. Khi đã được Thanh hứa đích thân sửa cái tủ, và làm như đã hứa, ông tỏ vẻ hài lòng không bao giờ lục đục trong nhà bếp nữa. Rồi mỗi khi bà vợ ông hiện diện trong nhà nói những câu đầy ân tình “sống vì kỷ niệm”, ngay cả khi bà ta bày tỏ nỗi xúc động hoặc ân hận thực sự, gục xuống sụt sùi, ông cũng gạt đi bày tỏ sự mỉa mai của ông trước sự giả dối của bà bằng cách động bàn động ghế. Rồi đến buổi lễ trăm ngày; đó không phải nghi lễ của người Công Giáo, mà bà Đào vẫn mời linh mục về hành lễ; đó là lúc ông nổi cơn thịnh nộ. Làm một cái lễ không cần thiết với mục đích gì nếu không phải để trừ ma mà con ma chính là ông? Ông hất đổ bức hình của chính ông vừa như muốn nói “tôi không thèm chứng kiến cái trò trình diễn, bịt mắt thiên hạ, giả dối này” vừa như muốn nói “đừng hòng mang Cha về doạ tôi”. Rồi lần sau cùng khi Vân mời bà Đào ngồi nói chuyện ở patio và bà đem hết chuyện nhà ra tâm sự cùng Vân, ông hiện ra ở cầu thang như để nhắc cho vợ chồng Vân biết ông không chấp nhận điều đó, không muốn Vân nghe những lời ân tình giả dối kia của bà vợ ông. Và cuối cùng, ngay sau khi bốn chậu hoa bị làm chết đi bởi một bàn tay vô hình, Vân chưa gán cho điều đó một ý nghĩa nào nhưng sau này khi nhìn toàn diện vấn đề Vân thấy rằng nó rất phù hợp với các sự kiện khác; đó là những gì một trong nh