NHỮNG CÁI CHẾT TRÙNG TANG . . . BÓNG MA TRÊN CÂY GẠO - Rầm! Đừng lo, không phải động đất đâu, đó là gia đình chiến thôi. - Ông đừng mê tín nữa! Con đã nói bao nhiêu lần rồi. – Bố tôi hét lên, gân xanh nổi lên cuồn cuộn hai bên thái dương. - Vâng, tôi cổ hủ, tôi lạc hậu. Tôi dọn đi đây, không làm chướng mắt anh nữa. – Khuôn mặt già nua của ông nội đỏ bừng lên giận dữ hét trả lại. - Con không có ý đó. – Bố tôi mặc dù cáu tiết nhưng vẫn cố dịu giọng. - Tôi biết, tôi sẽ ra đi im lặng, không để anh bị mất thể diện đâu. Ông nội bắt đầu gom đồ dùng cá nhân. Nhìn phía sau, trong ông nhỏ bé gầy gò đến tội nghiệp. Chuyện nguy hiểm rồi đây. - Ông đi thật à? Hôm nay cháu nấu món canh nấm ông thích nhất đấy. Tiếc quá! Haz..zz.. – Tiếng xào nấu trong bếp cùng mùi thức ăn thơm lừng tạo nên hiệu ứng tuyệt vời khiến ông nội ngừng tay ra chiều ngẫm nghĩ. - Canh nấm à? Thế thì ta ăn xong bữa cơm tối rồi sẽ đi. Ông nội quay lại phòng khách, ngồi vắt chân trên ghế, đọc báo. Sau bữa ăn, mọi người sẽ cùng xem tivi và không ai nhắc đến chuyện chuyển đi nữa. Tôi đoán vậy bởi nó đã được diễn đi, diễn lại không biết bao nhiêu lần. Sau bữa ăn, ông nội về phòng, đóng cửa cái rầm. Bố tôi day day trán rồi cũng cầm áo khoác đi ra ngoài. nhung-cai-chet-trung-tang Xem ra, lần này có vẻ căng thẳng thật đây. Tôi bật tivi xem bản tin thời sự địa phương một mình. “Nhiều người dân địa phương cho biết: Gần đây, cây gạo trong ký túc xá Vùng Hồ xuất hiện nhiều hiện tượng ma quái. Sự kiện đang gây sự hoảng loạn lớn cho học sinh nội trú trường quốc tế này. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra”. Đây rồi, chủ đề chính của vụ tranh cãi giữa hai người đàn ông trong gia đình tôi. Có nhiều dị bản khác nhau, nhưng đầy đủ và chi tiết nhất vẫn là phiên bản Rybak đã kể trong căntin trưa nay: - Bọn mày biết không? Cây gạo ký túc xá trường mình có ma đấy! Tối qua, một đôi khóa trên đang hẹn hò bỗng xuất hiện một bóng trắng mờ mờ đung đưa trên cành cây như bị treo cổ ấy. Ali Khan chen vào: - Mà cái cây gạo ấy cũng kỳ lạ lắm nha, chưa ai thấy nó ra hoa, ra lá lần nào, tháng trước, trường mình định dời đi để xây thêm thư viện, Minh – cáu – kỉnh… Tôi lừ mắt nhìn. Cậu ta liền gãi đầu: - À, ý mình là thầy giám thị xung phong cầm rìu chặt, mới nhát đầu tiên đã lăn ra bất tỉnh. Từ vết chém, chảy ra dòng nhựa đỏ như máu. Không ai dám đụng đến nó nữa. - Thật sao? Cả bọn phấn khích cùng tò mò. - Tốt rồi, thầy giám thị sẽ không phải thức đêm rọi đèn đuổi người nữa. Tôi vơ vội sách vở rồi chạy đến lớp Toán năng khiếu. - Ê, còn vụ cầu cơ tối nay, tham gia không? – Kyomi nói với theo. - Không! Ông nội thường nói: Qủy không đụng vào người thì cũng đừng trêu ngươi quỷ. Tôi không hoàn toàn theo chủ nghĩa duy vật, cũng không ủng hộ thuyết duy tâm. Nhưng tôi nghĩ, cũng đúng với quan niệm của tôi, người không đụng ta, ta không đụng vào người. Những trò cầu cơ, ma lon hay khiêng xác, tôi không muốn thử. Ông nội đối với sự việc lần này thì nhất quyết cho rằng đây là linh hồn chưa được siêu thoát nên đang tìm cách báo oán. Còn bố tôi đứng trên quan điểm khoa học nói rằng: trong không trung có rất nhiều phân tử, các phân tử này cũng có khả năng lưu giữ hình ảnh, nhưng chúng luôn vận động, hợp rồi phân tán rất nhanh. Lúc nào sự sắp xếp của chúng trùng hợp với thời điểm trước đây sẽ tái hiện lại hình ảnh đã xảy ra vào thời gian đó. … *** Sáng hôm sau, tôi vừa vứt cái cặp to oành vào tủ gửi đồ đã thấy bọn Rybak rệu rạo mò tới trông chả khác gì lũ Zoombie trong game hoa quả nổi giận: - Hi. Sao? - Forever and one. Sợ thật! – Ali Khan chẳng để ý hình tượng ngồi phịch xuống đất. - Sao, hỏi được danh tính của ma nữ rồi à?- Tôi giúp cậu ta cất đồ. - Bọn này cố gắng chong mắt thức đến nửa đêm, lén lút mãi mới thoát khởi tầm mắt của Minh – cáu – kỉnh, thành công tiếp cận cây gạo bày bàn cơ, thắp nhang. Đọc xong bài vè hồn xong thì… - Tiếp đi Rybak, đang gay cấn mà. – Tôi tò mò. Rybak đưa mắt nhìn Kyomi đầy ý nhị rồi im bặt. Kyomi đóng tủ đồ cái rầm, rồi cáu kỉnh: - Vâng, là tôi, tự nhiên ngất xỉu, hại hai ông phải vác về phòng. Nói xong, hất lọn tóc xoăn ra sau vai rồi quay lưng đi thẳng về phía lớp học. Rybak và Ali Khan giương đôi mắt giăng đầy tơ máu do mất ngủ đầy nhìn tôi: - Đâu chỉ vậy, còn được mời ghé thăm phòng giám thị viết bản kiểm điểm và chép 100 lần nội quy. Một đêm kinh hoàng. … *** BỐN CÁI CHẾT Hầu hết học sinh trong trường quốc tế không thích thầy Minh bởi thầy rất nghiêm khắc. Nghe tin thầy nghỉ phép một ngày, không cần biết lý do gì, lũ học sinh nhốn nháo muốn nổi loạn lâu nay mừng ra mặt, hứa hẹn một bữa Pạc – ty ra trò. Kyomi vừa phết sơn móng tay vừa cằn nhằn với tôi về việc móng tay, móng chân nhanh dài ra. Mới cắt tối trước, sáng hôm sau đã dài ra rồi. Tôi cũng háo hức vụ Party lắm, nhưng hơi chạnh lòng bởi tôi biết lý do thầy phải nghỉ. Bác Vỹ – anh trai thầy đột nhiên bị tai nạn đường sắt mà qua đời. Trước đó một tuần, chú Điệp – em họ thầy cũng mất do điện giật. Mọi người trong làng tôi nói, bà Vức – mẹ thầy chết vào giờ trùng tang nên nhà còn nhiều người nữa phải đi theo. Mới được hai tuần, mộ bà còn chưa xanh cỏ, trong nhà đã thêm hai lần giăng trắng màu khăn tang. nhung-cai-chet-trung-tang-1 Xong Party ở trường, tôi về nhà, vừa kịp chứng kiến cảnh ông nội đóng sầm cửa phòng đầy tức tối. Bố tôi đang ngồi ở phòng khách, có vẻ mệt mỏi. - Con chào bố! Lại chuyện gì vậy ạ? - Trong khi bố đang cố gắng giải thích với dân làng rằng cái chết của bác Vỹ và chú Điệp là do tai nạn thì ông nội con lại đứng về phía họ nghĩ do trùng tang, phải đào mồ, yểm bùa vào quan tài – Bố tỏ rõ vẻ bất lực – Con rửa tay rồi ăn cơm đi, ông và bố đã ăn rồi. - Dạ, vâng! Tôi cất cặp rồi gõ cửa phòng ông. Không thấy mở, tôi bèn lên tiếng: - Là cháu đây, ông mở cửa đi. Cửa liền mở. Tôi đi vào, ngồi xuống cạnh ông. - Ông à, trùng tang là cái gì vậy ạ? - “Trùng tang” là cách nói người chết phạm phải năm hoặc tháng, giờ xấu do đó linh hồn không thể siêu thoát nên cứ quanh quẩn trên dương thế, bị “Trùng khảo” tra hỏi rồi “trùng” sẽ lần lượt “bắt” theo từng người thân trong tộc. - Ông đã bao giờ thấy “trùng khảo” chưa ạ? - Rồi, nó giống quạ, nhưng to hơn quạ rất nhiều. Trước đây, vùng này còn là đất hoang, mỗi khi có người chết phạm giờ “trùng tang” mà không được yểm bùa, nửa đêm “trùng khảo” sẽ đậu trước mộ người đó, mỗi khi nó “Quạ” một tiếng, ở dưới mộ phát ra một tiếng “Óe” trả lời. Ấy là nó đang tra khảo người ở dưới mộ kia về dòng tộc mình. - Vậy nếu không tránh khỏi chết vào giờ “trùng tang” thì phải làm sao ạ? - Ngày xưa, nếu phạm vào “trùng tang”, người ta sẽ dán lá bùa kỵ vào đầu quan tài để “trùng khảo” sợ mà không dám quấy nhiễu. Nhưng nay, chả còn ai tin vào, cũng rất khó tìm được người biết làm bùa. Ông nội thở dài. … Tôi cầm một tô đầy ăm ắp cơm và thức ăn ra phòng khách, vẫn thấy bố ở đó. - Bố ăn cơm với con! - Bố ăn rồi. Ông đi ngủ chưa? Ông có nói gì với con không? - Dạ, rồi ạ! Ông kể cho con nghe về “trùng tang” và “trùng khảo”. Trán bố tôi hơi nhăn lại. Tội nghiệp bố, tôi sắp đề cập đến vấn đề khá mệt mỏi. - Bố này, giả sử, con chỉ giả sử thôi nhá, nếu có thêm vài vụ như thế này nữa, bố có tin vào “trùng tang” và “trùng khảo” không ạ? - Bố tin. Tôi mở to mắt hết cỡ nhìn, không tin vào tai mình. Bố xoa đầu tôi nói tiếp: - Bố sẽ tin nhưng theo cách của khoa học. Theo lý thuyết sóng điện từ và trường năng lượng: “Trong mối quan hệ giữa người chết bị “trùng tang” và người bị “trùng bắt” không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Do tần số khác nhau nhiều nên theo lý thuyết về nhạc, loại cộng hưởng này mang tên cộng hưởng Harmonic. Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống”. - Còn lý thuyết nào phổ thông hơn không ạ? – Tôi gãi đầu. - “Trùng tang” là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Trong đó, bản chất của sự trùng hợp là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này đơn giản có thể hiểu là: “Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra”. - Vậy tại sao đúng vào giờ “trùng tang” lại hay diễn ra những vụ ấy, còn “trùng khảo” nữa? - Còn một cách hiểu khác, “trùng khảo” là một loại trùng sinh ra trên xác người chết trong một điều kiện không khí, nhiệt độ đặc biệt và nó sẽ ký sinh và phát triển trên những vật chủ có cùng huyết thống. Bằng cách nào đó, dân gian biết và lưu truyền cách tính thời gian xuất hiện điều kiện đặc biệt ấy, gọi là “trùng tang”. Cách hiểu này cũng có thể giải thích được tại sao những người trong dòng tộc bị chết sau đó. Sao vậy? – Bố hỏi khi thấy mắt tôi sáng long lanh ngưỡng mộ. - Bố giỏi quá!