Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sỹ, nhạc sỹ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý. Với Sa mạc Tartari (1940), tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, ông đã trở thành một trong những tên tuổi lớn của thế kỷ 20. Nhiều truyện dài của ông đã được chuyển thành kịch bản sân khấu, phát thanh và truyền hình. Truyện Con chó gặp Chuá, đã được trình diễn trên đài truyền hình Pháp. Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng hình như thể loại yêu thích của ông là truyện ngắn. Chủ đề quen thuộc của Buzzati là những ám ảnh và nỗi bất an của kiếp người, sự chạy trốn thời gian, định mệnh, sợ hãi đối với hư vô, thất bại của sự sống, mong manh của tình yêu, bí ẩn của nỗi đau và cái ác…” Bằng bút pháp độc đáo ông dắt người đọc ra khỏi cuộc sống thường ngày để bước vào một thế giới khác, rồi đẩy họ vào những sự kiện nghịch lý, ly kỳ và đầy bí ẩn. Bí ẩn vì nằm ngoài cánh cửa của đời sống thường nhật nhưng cũng có thể đồng hiện hữu với diễn biến thường ngày mà chúng ta đã vô tình không nhận thấy để cuối cùng phải kinh ngạc, suy nghĩ… trong một niềm xúc động sâu xa.” Với nụ cười dễ mến trên môi, ông bác sĩ ra hiệu cho vợ bệnh nhân rồi tiến ra phía cửa. Người đàn bà hiểu ý. Ra đến hành lang, ông nghiêm mặt và nói bằng giọng thông cảm : ” Thưa bà, đây thực là một bổn phận không thể thoái thoát. Chao ôi, tôi phải trình bày sự thật với bà..ông nhà….” “Nguy lắm sao?” Bà vợ hỏi. “Thưa bà ” Ông ta nói: “Rất tiếc là….tình trạng đã đến lúc…cần phải nhìn thẳng vào sự việc…” “Chúa ơi, bộ bác sĩ muốn nói là …” “Không phải đâu, chưa cần phải cuống lên như thế…nhưng có thể nói là …có thể nói là trong vòng ba tháng. Phải, chừng ba tháng nữa…” “Không còn cách gì sao?” “Thưa bà, Bà cũng biết là không có bất kỳ một giới hạn nào đối với Chúa ; nhưng, với những gì mà nền khoa học nghèo nàn của chúng ta cho phép đánh giá thì…Tôi xin nhắc lại tối đa là ba tháng. Phải, ba tháng “ Trái tim của người đàn bà như thắt lại. Bà gập người quằn quại. Bà đưa hai tay lên che mặt và khóc rống lên “Chúa ơi, Chúa ơi ! Tội nghiệp anh quá, Giulio ơi!” Khi vị khoa trưởng đứng bên giường ra dấu mời vợ người bệnh bước ra ngoài, bà liền bước theo. Vừa ra khỏi phòng, người thầy thuốc nhẹ nhàng khép cửa lại. Sau đó ông cố lấy giọng đã chuẩn bị cho những tình huống đặc biệt : “Thưa bà ” Ông ta nói ” Ðối với một thầy thuốc thì đây là công việc khó khăn nhất. Tuy nhiên tôi buộc phải nói thật…chồng bà…” ” Nguy lắm hã bác sĩ ? “ “Thưa bà ” vị trưởng khoa hạ thấp giọng ” Ðó là lý do mà tôi khó trình bày “. Nhưng điều thiết yếu là bà hãy…” “Vậy là… Vậy là…hình như ông muốn nói…” “Bà nên hiểu là không nên nói trước những gì sẽ xảy ra. Nhưng ….tôi có thể giả sử là…một năm nữa…phải, ít nhất là một năm.” “Như vậy là không thể chữa được ?” “Thưa bà, không có điều gì là không thể, ngay cả phép lạ cũng có thể xảy ra. Nhưng đối với những gì mà khoa học cho phép tôi hiểu ..thì có thể nói chừng một năm.” Người đàn bà khốn khổ run lẩy bẩy, bà cúi đầu đưa hai tay phủ mặt và bật khóc, tuyệt vọng “Tội nghiệp mình quá, mình ơi! “ Rồi có lúc tia nhìn của vị bác sĩ chuyên khoa và vợ của người bệnh giao nhau. Bà ngầm hiểu là ông đang mời mình ra ngoài. Họ bỏ bệnh nhân ở lại. Ra đến hành lang, sau khi đóng cửa phòng, vị giáo sư cố lấy giọng nhỏ nhẹ và đầy thông cãm : “Tôi thật khó xử khi phải thi hành một bổn phận hoàn toàn ngoài ý muốn. Thưa bà, tôi buộc lòng phải báo cho bà hay… chồng bà…” “Nguy ngập lắm sao, thưa bác sĩ “ Người thầy thuốc khả kính trả lời: “Thưa bà, nói dối trong những trường hợp như thế này là một hành động không đứng đắn. Bỡi thế tôi không thể dấu bà là…” “Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cứ nói tất cả sự thật.” “Xin bà nhớ là không nên đặt cái cày phía trước con trâu.Chưa phải xảy ra liền đâu…Tôi cũng không thể nào nói một cách chính xác được…nhưng ít nhất cũng được ba năm nữa “ “Như vậy là không còn hy vọng ?” “Tôi thật có lỗi nếu cố tạo cho bà những ảo tưởng vô ích..tiếc là tình trạng đã rõ ràng quá rồi..chỉ trong vòng ba năm.” Người đàn bà bất hạnh không kiềm được nữa. Bà quỵ xuống, hét to và nước mắt tuôn trào xuống má: “Ôi , anh ơi! “ Trong phòng người bệnh yên lặng như tờ nhưng dường như nhờ thần giao cách cãm mà bà vợ của bệnh nhân biết được là vị bác sĩ lừng danh muốn bước ra ngoài để thưa chuyện với bà. Họ cùng ra ngoài hành lang và khi chắc rằng bệnh nhân không thể nào nghe được, vị thầy thuốc cúi xuống áp sát tai người vợ và nói vừa đủ nghe : “Thưa bà, đây là phút khó khăn nhất của nghề y nhưng tôi không thể nào làm khác hơn là báo cho bà …chồng bà…” “Không còn cách gì nữa? “ “Thưa bà”, ông ta nói ” Tôi sẽ không thành thật nếu cố dùng lời lẽ quanh co với dụng ý …” “Khổ chưa .Thế mà tôi cứ hy vọng…” “Không, thưa bà.Tôi không muốn dấu bà bất cứ điều gì, nhưng tôi cũng chẳng muốn thấy bà đớn đau thảm thiết khi hãy còn quá sớm. Ðúng là tôi đã thấy ngày định mệnh sẽ đến gần nhưng không thể đến trước hai mươi năm.” “Ðây là một bản án không có khoan hồng? “ “Cũng có thể là như vậy. Tôi không thể che dấu sự thật. Nhiều lắm là hai mươi năm.Tôi không thể bảo đãm hơn thế đâu. “ Người đàn bà rụng rời. Ðể khỏi té, bà phải chống tay vào tường, rồi nghẹn ngào : “Không, không thể nào như thế. Tội nghiệp anh quá Giulio ơi! “ Ông bác sĩ đằng hắng ho rồi nhìn người đàn bà đang đứng trước mặt mình phía bên kia giường bệnh, ngầm ý mời bà bước ra ngoài. Vừa ra đến bên ngoài, bà ta nắm lấy tay vị thầy thuốc và hỏi bằng giọng lo âu: “Thế nào, thưa giáo sư? “ Vị bác sĩ trả lời bằng giọng như đang tuyên bố lời phán quyết : “Thưa bà, cho phép tôi được nói thật. Chồng bà…” ” Chúng ta đành bó tay cam chịu sao? “ Người thầy thuốc hơi lúng túng : “Tôi xin hứa danh dự là nếu có bất kỳ khả năng dù mong manh nào…nhưng thế này thì….” “Chúa ơi, khủng khiếp quá .Chúa ơi “ “Tôi thông cảm với bà. Xin cho phép tôi được chia sẽ nổi đau này nhưng đây không phải là bệnh đột quỵ. Tôi nghĩ là thời gian để nó gây ra sự bất hạnh cũng phải rất dài…ít nhất là năm mươi năm.” “Và sẽ không có cách nào tránh khỏi?” “Thưa bà không.Tôi xin nói với tất cả tấm lòng, bà hãy tin lời tôi. Có thể có một xê xích nào đó, nhưng không thể nào nhiều hơn năm mươi năm.” Sau đó là sự yên lặng. Rồi bỗng nhiên người đàn bà khóc thét, tưởng như có cục than hồng đang đốt cháy tâm can :”Hu…u Hu…u ! Không thể như thế được. Tội nghiệp chồng tôi. Tội nghiệp mình quá, mình ơi ! “ Nhưng bất thình lình bà ta điềm tỉnh lại. Bà nhìn chòng chọc vào mắt người thầy thuốc rồi nắm chặt cổ tay ông : “Giáo sư ơi, thế thì…tôi vừa nghe ông nói một điều kinh khủng. Nhưng tôi nghĩ sau năm mươi năm, nửa thế kỷ, sau năm mươi năm thì tôi, ông cũng thế, như vậy không phải là một bản án cho tất cả hay sao? “ “Thưa bà, đúng vậy. Sau năm mươi năm tất cả chúng ta đều sẽ được vùi sâu dưới ba tất đất, hay có thể là thế. Nhưng có một điều khác biệt đã cứu vớt chúng ta nhưng nó lại là bản án cho chồng bà. Ðối với chúng ta, ít ra cũng chưa có gì được minh định. Chúng ta có thể sống thêm nữa, có lẽ bằng tất cả những niềm vui ngu xuẩn, như khi chúng ta mười, mười hai tuổi. Chúng ta cũng có thể chết sau một giờ, sau mười ngày, sau một tháng…nhưng điều đó không quan trọng. Bởi vì đó là một chuyện khác. Nhưng với chồng bà thì không. Ðối với ông ta thì bản án đã được tuyên xử. Sự chết, tự nó có lẽ cũng chưa phải là một điều kinh khủng. Trước sau gì chúng ta cũng đều chết cả. Nhưng miễn là chúng ta đừng bao giờ biết nó, dù sau một thế kỷ, hai thế kỷ, cái thời gian chính xác mà nó sẽ xảy ra.