Bài này hơi dài. Nghe đồn chèn một hai tấm hình vào sẽ làm bài đọc đỡ ngán hơn.
***
Từ nhỏ tới giờ, cũng như các bạn, tôi được học rất nhiều thầy cô. Có những thầy cô từ hồi học lớp 1, lớp 2 vẫn nhớ tên. Có những thầy cô thì quên tuốt luốt, không phải vô ơn gì mà thi thoảng bị... quên. Mà rõ ràng là làm sao mà kiểm soát được chuyện nhớ quên.
Hôm nay 20/11, có bạn hỏi muốn kể gì về ngày này không, ngồi nghĩ mãi thấy ủa sao giống hồi đi học viết báo tường quá. Cứ lôi thơ ra chép, rồi cắt báo, rồi viết mấy bài như "Công ơn to lớn của những người đưa đò ấy làm sao chúng em quên được...", mà thiệt ra thì cũng quên tuốt luốt.Tự nhiên giờ không muốn kể mấy chuyện đó nữa. Mà giờ thì những bữa ghé về trường cũ cũng thưa thớt dần, bạn bè cũ cũng giờ đứa này đứa khác, mỗi đứa một nơi. Những bữa hẹn nhau đợi ở trước cổng trường cũ để chạy vào thăm lớp chào cô chào thầy rồi ghé nhà cô chủ nhiệm chơi đã là chuyện của hơn mười năm trước.
Không phải mình không nhớ, mà mình cất lại đâu đó một chỗ nho nhỏ trong lòng, để dành đó vậy thôi. Mình lớn hơn, mình lười đi, mình ngại cái này cái nọ. Biện bạch vậy đi. Dù sao, không phải mọi nỗi nhớ, mọi thứ tình cảm đều có thể rõ ràng hết được.
Vậy nên sẽ kể về hai người thầy khác. Hai người thầy này chắc bạn nào cũng có, cũng học qua.
Bài này hơi dài. Nghe đồn chèn một hai tấm hình vào sẽ làm bài đọc đỡ ngán hơn.
Người thầy đầu tiên là mẹ tôi. Mẹ tôi là người đầu tiên dạy tôi tập đếm, tập viết trước khi vào lớp 1. Hồi đó ba đi làm xa, những buổi chiều chiều mẹ và hai thằng nhóc anh em tôi nằm đung đưa trên võng chơi trò đố vui. Năm đó tôi mới hơn bốn tuổi. Những câu đố của mẹ chỉ là hai cộng hai bằng mấy, năm với ba là bao nhiêu, đố con đếm được tới một trăm rồi đếm ngược lại...
Rồi mẹ đọc thơ cho tôi nghe, chỉ cho học thuộc lòng những câu thơ nho nhỏ như "chú bé loắt choắt / cái xắc xinh xinh / cái chân thoăn thoắt / cái đầu nghênh nghênh...". Mấy câu thơ nhỏ, mấy chục năm rồi vẫn chưa quên. Rồi mẹ dạy tôi cách làm quyển "sổ tay văn học" đầu tiên trong đời. Cuốn đó tôi chép nắn nón, vẽ bông vẽ hoa được mười trang rồi quăng xó. Mấy cuốn sau khá hơn, được những năm, bảy trang. Mẹ là người thầy đầu tiên dạy cho tôi biết yêu văn học và ham thích đọc sách. Mà toàn sách dạng kinh điển như Không Gia Đình, Ba người lính Ngự Lâm,... (Sau này thì tôi học theo ba đọc toàn kiếm hiệp, lớn hơn chút nữa thì manga, comic tùm lum).
Người thầy thứ hai là ba tôi.
Thật ra, tôi và ông không hợp lắm, nhất là những năm tháng khi thằng con trai trong tôi lớn hơn một tẹo.
Những năm tôi mười sáu bười bảy hai mươi, hầu như tôi không nói chuyện được với ông. mặc dù tính cách tôi bị ảnh hưởng của ông rất nhiều, cách cư xử với những người chung quanh, tình thương của ông với gia đình và với con cái (tôi và thằng em thua tôi hai tuổi), nhưng tôi lại không "giống" ông lắm. Tôi thấy vậy. Tôi không có được cái phóng khoáng vời vợi của ông, không có được sự vị tha, bao dung của ông. không có được sự can đảm và tình yêu lớn lao của ông. tôi thấy mình chỉ ngưỡng mộ và mô phỏng theo ông ở một chừng mực nào đó.
Những ngày sôi nổi trẻ trung bắt đầu lớn một chút và tự cho là mình khôn ngoan nhất trần gian, thằng con giai chưa phải là đàn ông thường nhìn mọi thứ khắc nghiệt và cực đoan áp đặt, hay trách ba mình là thế này thế kia, nhất là những lúc ông say.
Đến khi sau này, khi lớn hơn rồi lớn hơn một chút, hiểu thế nào là những giá trị gia đình, hiểu thế nào là cách những người đàn ông trong nhà cần phải nói chuyện với nhau, tôi thích những bữa ăn đầy đủ bốn người trong nhà hơn. thích việc thi thoảng buổi sáng pha cho ba tôi ly cà phê, hay chịu khó ngồi nói chuyện với ông mỗi lúc có dịp dù đa phần những câu chuyện đi vào ngõ cụt hoặc rất ngắn gọn. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một sự tiến bộ lớn lao. Tôi hay đưa ông đi đám để chở ông về vì sau hai lần tai nạn giao thông, ông yếu đi nhiều. ông vẫn uống rất dữ, chiều bạn và hết mình với những bữa bạn bè của ông tụ tập. Cho đến khi tôi lớn lên một chút, tôi thường không hiểu tại sao phải vậy.
Rồi thì cũng hiểu, trách móc thì cũng có nhưng ít dần đi khi thời gian đi qua. Thay vào đó là thông cảm và lo lắng. Tôi bắt đầu học được từ ông những điều mà tưởng chừng như tôi sẽ không bao giờ đồng ý và chấp nhận ở ông.
Tôi học được sự bao dung, tính khảng khái và sòng phẳng trong những mối quan hệ quanh mình. Càng lớn lên, càng đi nhiều, va vấp này nọ, càng thấy mình thấm thía những bài học đã học từ ba tự lúc nào. Từ những lần ba con cãi nhau, từ những câu chuyện không đầu không cuối của ông.
Những bữa ông say say thì nói rất nhiều, tỉnh dậy rồi quên. Chở ông ngồi sau hai cha con thường nói này nọ đủ thứ. Thường ông sẽ kể về chuyện ngày xửa ngày xưa, giật cục và đứt quãng thôi. cái giọng hơi say và những ký ức rời rạc về đủ thứ. tôi được nghe những thứ mơ hồ về ông bà, những chuyện mà chính ba tôi cũng không còn nhớ rõ hoặc chỉ nghe kể lại. Được nghe về một khoảng thời gian nào đó của ông những ngày ông hai mươi.
Những câu chuyện của ba tôi, thường thì tôi chỉ hình dung qua một số ít ỏi lời ông kể, qua những gì mẹ tôi nói lại theo kiểu hồi xưa ba mày học giỏi lắm chớ không tao đâu có yêu ổng, hay ba mày bơi rất giỏi, tụi mày lười quá ăn rồi ngủ như heo hồi xưa ba mày thế này ba mày thế kia... he he.
He he là tôi cười, thi thoảng nhớ đến ba mẹ mình, tôi thấy vui vui.
Ba tôi không phải là người biểu thị tình cảm giỏi (cái này ngày xưa tôi rất giống ông, giờ thì đỡ được chút, ít ra biết nói ra). ông thương mẹ tôi, mà nghe đồn là nếu như hồi xửa hồi xưa bạn bè của ba không gán ghép và tạo điều kiện để hai người tới dí nhau thì ông cũng không nói ra. Cái này trong mấy lúc lê la với ông và đồng bọn, tôi hóng hớt nghe chớ cũng không biết và không chắc he he. Nhưng nhìn cách ông đối xử với mẹ, tôi hiểu. trừ những lúc say, ông trở thành rất xấu xí chớ bình thường thì tôi vãn rất ngưỡng mộ. Trong ký ức mơ màng về những ngày tháng nào đó cũ xì, tôi vẫn nhớ giữa hai người có những trục trặc trúc trắc và không hiểu nhau.
Nhưng với cả hai người, đều mà tôi nghĩ mình may mắn được học nhiều nhất là cách họ yêu thương nhau.
Ba tôi thô lỗ mà chân chất xù xì, còn mẹ thì sâu sắc và lãng mạn hơn. Thường trong nhà tất cả mọi việc mang tính quyết định đều rơi vào tay mẹ tôi, còn ba thì chỉ đồng ý và ủng hộ. Ông thường để bà "lo" hết. Hai người thương nhau. Thứ tình cảm đó rất khó diễn tả một cách hoa mỹ nhưng nó bền chặt và sâu đậm. Thảng hoặc nhớ những lúc ba tôi vắng nhà rượu vào say say là gọi về cho mẹ lè nhè nói này nói kia, hỏi ăn cơm chưa hỏi ngủ chưa rồi mẹ quạu quọ cúp máy. Nhớ là ông đi đâu bên ngoài về nhà cũng đòi ăn cơm vợ nấu, dù miệng thì chê này nọ nhưng tôi nhớ là chưa bao giờ thấy ông ăn gì bên ngoài mà có vẻ ngon lành hơn cơm mẹ tôi nấu. Nhớ những buổi sáng hai vợ chồng lụi cụi dậy bắc nước pha cà phê rồi chở nhau đi chợ, đi siêu thị. Những thứ đơn giản đó để làm cùng nhau suốt mấy chục năm trời tôi nghĩ rằng rất đáng quý và hạnh phúc.
Vẫn hay cằn nhằn, trách móc này nọ, nhưng tôi hiểu hai người thương nhau nhiều. Thương nhau bằng một thứ tình cảm không thể diễn đạt bằng những mỹ từ nào đó, nó đơn giản thôi mà gắn bó mà đáng ngưỡng mộ.
Ít ra tôi thấy việc một đứa con ngang ngạnh ngưỡng mộ ba mẹ mình cũng không có gì là quá.