Có một câu chuyện liên quan đến Dương Chu, một triết gia và học giả nổi tiếng, sống tại nước Ngụy trong thời kỳ Chiến Quốc (475 – 221 trước Công nguyên).
***
Một ngày nọ, người hàng xóm của Dương Chu bị mất một con cừu và đã huy động toàn bộ gia đình của ông cũng như nhiều người khác trong làng đi tìm. Ông ta đã đến gặp Dương Chu để nhờ giúp đỡ, Dương Chu đã phái toàn bộ học trò và người hầu của mình đi tìm giúp.
Dương Chu nhận thấy, cùng với người thân và bạn bè, hàng xóm, rất nhiều người đã hợp thành một nhóm lớn để tham gia tìm kiếm.
"Tại sao lại cần rất nhiều người để đi tìm một con cừu bị mất?" Dương Chu hỏi người hàng xóm.
"Bởi vì nhiều con đường chia rất nhiều ngả", người hàng xóm trả lời.
Khi màn đêm buông xuống và mọi người đã quay trở về, Dương Chu hỏi "Đã tìm thấy con cừu chưa?"
Một trong những người hầu của Dương Chu trả lời: "Có rất nhiều con đường chia làm hai hướng và mỗi nhánh đường lại rẽ làm hai. Con không biết phải đi theo hướng nào nên con đã bỏ cuộc."
Những người khác cũng quay về với cùng lý do như vậy.
Dương Chu trở nên trầm tư và im lặng một hồi lâu, trông có vẻ rất nghiêm nghị, khiến các học trò của ông bối rối và không hiểu điều gì đã khiến thầy của mình suy tư như vậy.Sau khi suy nghĩ hồi lâu, ông đã giảng ra thành nguyên lý cho các học trò của mình: "Khi có quá nhiều con đường rẽ, các con sẽ không thể tìm được con cừu bị mất và cũng có thể dễ dàng bị lạc lối.
"Tương tự như vậy, khi một người học trò có quá nhiều điều quan tâm ngoài mục tiêu chính, anh ta có thể dễ dàng phung phí thời gian của mình.
"Chỉ có một chân lý của tất cả các kiến thức, nhưng con đường để đi tới chân lý này thì có rất nhiều. Chỉ bằng cách đi theo con đường đúng đắn để trở về chân lý tối hậu, người ta mới tránh khỏi bị lạc lối."
"Nếu các con không tìm được ra được định hướng đúng đắn, các con sẽ chẳng đạt được điều gì, giống như những người đã thất bại trong việc đi tìm cừu."
Câu chuyện này được tìm thấy trong một cuốn sách cổ của Đạo giáo có tên Liệt Tử [1'>. Thành ngữ "Kỳ dương vong lộ" (Đường rẽ, mất cừu) xuất phát từ câu chuyện này, với nghĩa là "Đường chia nhiều ngả, cừu bị mất".
Câu thành ngữ này để chỉ việc bị lạc đường, mất phương hướng, hoặc trở nên vô vọng, rối bời trong một tình huống phức tạp, khi có quá nhiều đáp án khả thi hay quá nhiều lựa chọn.
Thành ngữ này được sử dụng để truyền đạt ý nghĩa rằng khi đối mặt với nhiều sự lựa chọn và đối với các vấn đề phức tạp, người đi tìm kiếm chân lý có thể lạc lối trừ khi họ quyết tâm đi theo một con đường đúng đắn.
Ghi chú [1'>:Sách Liệt Tử là quyển sách chính của Đạo giáo bao gồm 8 chương, với hầu hết các chương được đặt tên theo tên một nhân vật nổi tiếng trong thần thoại hay trong lịch sử Trung Quốc từ năm 2698 trước Công nguyên tới năm 350 sau Công Nguyên.
Nguyễn Đức Tĩnh biên tập