vào ngón tay cái của mình hết sức tự nhiên, nhưng nó rộng hơn một số. Tôi lại bỏ ra, nhờ ánh trăng nên đọc được hai chữ khắc bên trong thân nhẫn: Úy Bân. Bên trên còn có một dãy số: “1995”. “Úy Bân! Úy Bân! Em đi đâu rồi?”, tất cả ký ức quay trở lại, tôi gào lên trong không khí. Tôi bắt đầu tìm kiếm ở nơi Úy Bân xuất hiện, song ngoài những bóng cây cỏ và bụi hoa u ám, không thể tìm thấy bất cứ thứ gì. Đột nhiên nhớ ra Úy Bân đã chết, tôi liền ngồi thụp xuống đất, khóc thất thanh. “Tiểu Ảnh, cậu làm sao thế? Đừng khóc!”. Tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy Thanh Lâm đang đứng cạnh mình. Cô ấy cũng ngồi xuống, sau đó khẽ khàng ôm lấy tôi như hồi còn đi học. Tóc Thanh Lâm tỏa ra mùi hương quen thuộc của dầu gội đầu Sasson. “Thanh Lâm, Thanh Lâm!”. Tôi gọi cô ấy, nắm tay cô ấy đứng lên. Thanh Lâm lái xe đưa tôi đến trường đại học ngày trước của chúng tôi, trong lóp học khi xưa, chúng tôi lại cùng hát cùng cười, chúng tôi cùng song ca bài “Hẹn ước 1998″ của Vương Phi và Na Anh vốn đã không còn thịnh hành nữa, hát tới khi lạc điệu, cổ họng trở nên khàn đặc, chúng tôi vẫn cùng nhau hát, cười không ngừng, cười đến khi nước mắt đã ướt đẫm trên má. Cuối cùng, chúng tôi kề vai nhau lặng yên nhìn mặt trời mọc, trong ánh triêu dương, khuôn mặt Thanh Lâm sáng bừng lên từng chút một, cô ấy quay đầu lại nói với tôi: “Tiểu Ảnh, hãy tha thứ cho mình được không? Thật đấy! Chúng mình mãi mãi là bạn tốt của nhau. Mình cũng thích Vân Phong, vẫn luôn thích anh ấy. Nhưng mà Tiểu Ảnh, mình cũng thích cậu như vậy. Cậu là người bạn tốt nhất của mình, hãy tha thứ vì mình đã giấu cậu, vì từ trước đến nay mình không hề muốn làm cậu bị tổn thương. Tiểu Ảnh, mình không muốn trở thành tình địch của cậu, chúng ta mãi mãi là bạn, suốt đời này chỉ là bạn tốt của nhau thôi.” Trong mắt Thanh Lâm tràn ngập sự chân thành, tôi thu nụ cười trên môi lại. Lúc trước tôi quên mất còn có Vân Phong đứng chen giữa chúng tôi, người đàn ông mà chúng tôi đều yêu đó. Lòng đột nhiên thắt lại, tôi muốn hận người con gái đứng trước mặt mình biết bao nhiêu. Chúng tôi đã từng là bạn tốt nhất của nhau, chúng tôi từng biết tất cả về nhau, nheng giờ đây lại trở nên xa lạ thế này. Song khi muốn làm gì đó với Thanh Lâm, tôi lại không sao căm hận được. Đối mặt với sự thành khẩn ấy, tôi chỉ muốn trốn đi. Thanh Lâm nhìn tôi, nước mắt bắt đầu chảy xuống má, cuối cùng trào ra dữ dội. Tôi không biết nói gì nữa. Lúc ấy trên loa truyền thanh của nhà trường vang lên một khúc nhạc, tiếng nhạc nghe chậm rãi vui tai, chính là bài “Hẹn ước 1998″ mà chúng tôi vừa hát đến khản cả giọng. Tôi không sao kìm được, cũng không thể nhẫn tâm đứng khoanh tay nhìn Thanh Lâm như vậy, bèn tiến đến ôm cô ấy, ôm thật chặt một lúc rồi mới nói: “Thanh Lâm, mình tha thứ cho cậu!”. “Thật không? Thật không?”, Thanh Lâm ngẩng đầu nhìn tôi, mắt sáng long lanh vì ngấn lệ, tràn ngập niềm vui. Mặt trời từ từ dâng lên ở đằng đông, dù nỗi đau vẫn còn ngấm ngầm lưu lại nơi đáy lòng, nhưng coi như tất cả đã qua đi. Tôi nói với ánh nắng sớm mai như vậy. Mở mắt ra, thấy trên mặt mình ướt đẫm, đưa tay lên liền chạm ngay vào nước mắt. Buổi trưa Thanh Lâm gọi điện cho tôi, nói là tối hôm nay nhà cô ấy tổ chức một buổi họp mặt, bảo tôi nhất định phải đến. Tôi vẫn thấy khúc mắc trong lòng, vừa muốn lấy lại chiếc xường xám đó, lại hơi không cam tâm. Vì sao vậy, tôi hỏi mình, vì sao vẫn không thể độ lượng như trong giấc mộng? Tôi đến nhà Thanh Lâm từ buổi chiều, bà ngoại Thanh Lâm liền kéo ngay tôi đến bảo giảng về trà đạo cho bà. Mùi hương trà thoang thoảng, tôi nhìn bàn tay gầy guộc của bà nâng chén trà lên, lại nhớ đến bà nội mình, trong lòng đầy những cảm xúc rối rắm đan xen. So với vẻ buồn bã triền miên của bà nội tôi, trên khuôn mặt bà ngoại Thanh Lâm luôn nở nụ cười hiền hòa vui vẻ. Chúng tôi cùng trò chuyện, nói cả đến những chuyện buồn rồi an ủi nhau mấy câu kịp thời. Có lần bà từng nói chúng tôi giống như hai người bạn vong niên. Hôm nay tinh thần của bà ngoại Thanh Lâm rất tốt, cuối cùng bà kể những chuyện khi sống ở nước ngoài với tôi. “Hồi sống ở Anh, thực ra ngoài việc cô đơn thì tất cả đều rất ổn. Không có người thân ở bên cạnh mình, bà luôn cảm thấy hết sức tự ti, cảm thấy như mình bị gia đình vứt bỏ. Thế nên tính cách của bà từ nhỏ hơi khép kín”, bà cầm chén trà lên rồi hồi tưởng lại, trên khóe miệng vẫn là nụ cười nhàn nhạt. “Khi đó chắc bà nhớ nhà lắm phải không? Hoặc là hận cha mẹ mình?”. “Không, còn nhớ khi đó bà có một người giúp việc theo Kitô giáo đến từ Philippines, nên bà thường đi nhà thờ với chị ấy, nhờ vậy mà trong lòng cũng cảm thấy yên ổn hơn rất nhiều”. “Bà ơi, cháu có thể hỏi bà mấy chuyện được không?”, tôi ướm hỏi một cách hết sức thận trọng , đối với chuyện Tần Tịnh, có rất nhiều điều tôi không sao lý giải nổi. “Cháu hỏi đi!”, bà nở nụ cười đầy khoan dung độ lượng với tôi. Tôi cố gắng tìm mọi cách để câu chuyện mình nghe thật uyển chuyển, song khi nói ra vẫn cứ đi thẳng vào vấn đề: “Chính là chuyện liên quan đến bà mợ Tần Tịnh, cháu từng nghe người ta kể chuyện, nói rằng bà mợ ấy là một người phụ nữ không thủ tiết. Bà nghĩ thế nào?”. “Cháu nghe chuyện đó ở đâu ra?”, bà ngoại Thanh Lâm hơi ngạc nhiên hỏi lại. “Bà nội cháu. Trong gia đình cháu có một người giữ một vai trò khác nhau trong câu chuyện đó”. Bà ngoại Thanh Lâm là người nhìn xa trông rộng, tuy không nói nhưng cũng không tỏ ra là mình không biết tí gì. Chắc chắn bà có biết toàn bộ câu chuyện này. Vẻ mặt bà cho thấy bà đã hiểu ra mọi việc, bà đặt chén trà xuống bàn rồi nhè nhẹ vỗ lên tay tôi như an ủi: “Bà lại cảm thấy có lẽ chị ấy là một người mệnh bạc thì đúng hơn. Nhân vật chính kia cũng vậy, chỉ có điều từ trước đến nay bà không nghĩ tới là cháu có mối quan hệ mật thiết đến vậy với ông ta. Dù là gây tổn thương cho người khác hay bị tổn thương thì họ cũng vẫn cứ là hai người mệnh khổ. Chữ Tình vốn không ai là tránh được. Nếu như chuyện tình yêu chỉ là của hai người thì đã không có nhiều phiền toái đến vậy”. “Vậy thì bà ơi, nếu bà gặp chuyện như thế thì bà sẽ làm gì?”. “Có lẽ bà cũng sẽ hơi oán hận, nhưng bà nghĩ cuối cùng cũng nên vứt bỏ mọi vướng bận trong lòng. Bởi vì dù cháu có làm bất cứ điều gì đi chăng nữa, thì kết quả cuối cùng cũng chỉ hoài công. Chuyện xảy ra cũng đã xảy ra rồi, căm hận tìm cách trả thù cũng chẳng bằng mỉm cười mà chúc phúc. Thực ra để làm được việc đó cũng khó vô cùng, nhất định phải có dũng khí cực kỳ lớn. Nhưng nếu làm được như vậy thì tốt hơn tất cả những phương cách khác, sự kích động nhất thời có thể khiến cho ta phải mang gánh nặng cả đời. Thù hận trong một phút sẽ tước đoạt niềm vui của cả một đời”. Tôi nắm chặt lấy chén trà trong tay, nhìn khuôn mặt an nhiên của bà ngoại Thanh Lâm, lại nghĩ đến bà nội mình, còn cả mẹ Thanh Lâm và mẹ tôi, những người phụ nữ trong hai gia đình chúng tôi đều cố tránh một thứ có tên gọi là số phận nhưng đều không tránh được, tất cả chúng tôi đèu cô đơn đến vậy. “Bà ơi, bà có tin vào số mệnh không? Cháu hỏi câu này hơi thất lễ và đường đột, nhưng vẫn không thể không hỏi được, hy vọng rằng bà sẽ không giận cháu. Giống như bà nội và mẹ cháu, còn cả…”. Đang định nói ra thì tôi lại nghĩ hay là giấu đi, nên ngập ngừng một chút rồi nói tiếp: “Bọn họ đều không tránnh được số phận bị người mình yêu phản bội. Còn gia đình nhà bà, cũng đã mấy đời rồi không thể tránh nổi số phận không có con trai nối dõi. Bà có tin đó đều là số mệnh không?”. “Thực ra rất khó mà nói rõ điều này. Hồi đầu bà cũng không tin , bà coi tất cả những chuyện đó đều là trùng hợp mà thôi. Nhưng sự trùng hợp xảy ra suốt mấy thế hệ khiến tất cả mọi người trong nhà họ Hà đều hoảng sợ, dần dần cũng tin vào số mệnh. Khi còn trẻ bà không tin, không bao giờ tin, thậm chí đến khi nó xảy ra với chính bản thân mình, bà cũng vẫn không tin. Đến đời mẹ Thanh Lâm, nhìn thấy nó luôn buồn bã, ngẫm lại tất cả những chuyện xảy ra với nó, bà mới tin. Bà đã mong nó được vui vẻ hạnh phúc biết bao nhiêu, vì sao lại tới nỗi này kia chứ”. Bà ngoại Thanh Lâm quay mặt ra phía cửa sổ, nhìn theo ánh mắt bà, tôi thấy mẹ Thanh Lâm đang tỉa cành cắt lá cho một đóa hoa hồng ở trong vườn, trông dáng đứng hơi cuối xuống của cô ấy thật mong manh cô đơn giữa những đóa hoa. Nghe nói cô ấy từng rất yêu, rất yêu một người nhưng cuối cùng chỉ vì lời đồn về số mệnh đó nên không thể sống cùng người ấy, sau này mỗi ngày chỉ đành vùi tuổi xuân trong tiếc nhớ mà thôi. “Bà ơi, bà đã giúp cháu hiểu ra được nhiều điều”, lòng tôi đột nhiên sáng bừng, hóa ra trả thù không hề là một việc khiến người ta vui vẻ. Tôi ngầm quyết định sẽ ngăn chặn tất cả lại. Hóa ra hôm qua tôi mơ thấy Úy Bân là vì bọn họ muốn cảnh báo tôi không nên đi đến chỗ sai lầm. Cũng may là tất cả vẫn còn kịp. “Nói chuyện với cháu bà cũng cảm thấy mình chưa thực sự già nua như tuổi tác của mình. Cháu à, bà nghĩ chắc chắn cháu đã gặp phải chuyện gì đó. Nhưng nếu như cháu có thể vững tin, thì tất cả đều sẽ qua đi thôi”, bà ngoại Thanh Lâm vỗ vỗ lên tay tôi, nói đầy ẩn ý. “Vâng bà ạ, tất cả rồi sẽ qua đi”. Tôi cầm lấy bàn tay già nua của bà, trả lời một cách chắc nịch, cũng là để bà bớt lo phiền. Bà là một người thông tuệ như vậy, chắc chắn là hiểu được. Tối hôm đó, bạn bè cũ gần như đều đến đông đủ cả, Thanh Lâm về đến nhà là đã bận túi bụi, khiến tôi không có cơ hội để nhắc đến tấm kỳ bào. Trước giờ tụ hội, nó đóng kín cửa phòng ngồi trong trang điểm, sống chết không cho bất kỳ ai được vào, nói là muốn mang đến cho mọi người một bất ngờ thú vị. Tám giờ tối, cuối cùng Thanh Lâm cũng xuống nhà. Mái tóc dài hơi quăn thành lọn được quấn lên, tai đeo khuyên bằng ngọc trai, trên cổ còn có thêm một chiếc vòng ngọc trai cùng bộ, còn trên người là tấm “Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào” mà tôi đã tặng. Thanh Lâm mặc rất vừa, trông trái ngược hẳn với phong cách thường ngày, dường như đã biến thành một người khác, một quý bà thanh cao nhã nhặn. Tất cả mọi người đều nhìn chăm chú vào cô ấy, nhìn cô ấy bám vào tay vịn cầu thang đi từng bước xuống. Thanh Lâm cười một cách thận trọng, sợ sẽ phá hỏng phong cách mà mình đã cố gắng tạo ra. “Thanh Lâm. Cậu đã trở thành một tiểu thư đầy nữ tính rồi”, Tiểu Bạch là người đầu tiên vỗ tay, sau đó tất cả mọi người đều cùng vỗ tay lên. Thanh Lâm thấy tôi đứng đờ ra ở đó, bèn đi đến khẽ đẩy đẩy tôi: “Này, Tiểu Ảnh, sao cậu lại ngẩn ra như vậy? Trông mình rực rỡ quá phải không?”. “Thanh Lâm, cậu có thể trả lại mình tấm xường xám này được không?”. Thanh Lâm mặc nó rất đẹp, nhưng vẻ đẹp đó mang lại cho tôi một nỗi sợ hãi không biết vì sao. Không đợi được đến khi bữa tiệc kết thúc, tôi đã vội vàng muốn lấy lại chiếc áo này. “Sao cơ? Vì sao lại thế?”, Thanh Lâm nhìn tôi chẳng hiểu ra làm sao cả, trông vẻ không vui hiện rõ trên khuôn mặt. “Mình muốn mang về làm mẫu may thêm một chiếc thế này, trông cậu mặc đẹp như vậy nên muốn làm thêm mấy chiếc nữa để đó. Đợi đến khi nào mình mở lại cửa hàng, sẽ có hàng mẫu để trưng bày, còn cậu sẽ làm người mẫu sống của mình”. “Được, không vấn đề gì, đợi sau buổi tối hôm nay rồi nói tiếp. Mình đi chào mọi người một chút. Thấy bà ngoại mình bảo hôm nay đã nói chuyện với cậu rất nhiều, lại nói hình như tâm trạng của cậu không được ổn lắm, bảo mình phải chuyện trò với cậu nhiều hơn. Bà ngoại mình ấy à, còn quan tâm đến cậu hơn cả mình ấy, quả thực khiến mình phát ghen”. Thanh Lâm cầm lấy hai ly Chivas, đưa một ly cho tôi, vừa nói vừa phồng mang trợn mắt với tôi. “Chú ý đến hình tượng thục nữ của cậu ấy! Chắc chắn bà ngoại cậu không bảo cậu nói những điều này với mình rồi, chỉ bảo cậu ở bên mình nhiều hơn đúng không? Cậu nói vậy nếu như để bà biết thế nào cũng sẽ bảo cậu không biết giữ mồm giữ miệng cho mà xem”. Nghe nhắc đến bà ngoại, Thanh Lâm lập tức đưa tay bịt miệng: “Ôi, xem cái miệng mình này! Bà ngoại mình mà biết thì thế nào cũng lại mắng cho”. “Cậu thật là! Phải rồi, Vân Phong không đến à?”, tôi cố hỏi với vẻ thoải mái. Mặt Thanh Lâm đỏ bừng lên: “Mình không mời cậu ấy. Gần đây Vân Phong bận quá! Tiểu Ảnh cậu đừng…”. “Thanh Lâm, cậu đừng nói gì có được không? Đừng nói những lời an ủi hay điều gì khác với mình, chúng ta mãi mãi là bạn của nhau!”. Tôi nhìn Thanh Lâm, nói từng từ một, có lẽ cuối cùng cũng phải có người lên tiếng trước. Song vẫn không nỡ nói ra một cách trần trụi, vẫn cứ le lói một tia hy vọng trong lòng. “Tiểu Ảnh, xin lỗi cậu!”, Thanh Lâm ôm lấy tôi. Tim tôi bỗng nhiên đau nhói, trong đầu hiện lên lời bà ngoại Thanh Lâm. Phải! Sự thù hận trong một phút sẽ khiến trái tim tôi phải đeo gồng xiềng nặng trĩu suốt cả một đời. Bây giờ tôi thấy đau, đau tới mức trái tim vỡ tan ra, nhưng tôi tin rằng mình sẽ ổn cả thôi, chắc chắn là như vậy… Tôi ôm ghì lấy Thanh Lâm thật chặt, cũng còn may là nó vẫn sống khi tôi kịp tỉnh ngộ ra. Chúng tôi chơi cuồng nhiệt đến khuya, tôi uống với Thanh Lâm tới mức say mèm, kéo tay nhau khóc khóc cười cười, giống hệt như đã quay lại thời đại học. Hình tượng thục nữ của Thanh Lâm cũng không duy trì được đến phút cuối cùng. Hôm đó Tiểu Bạch đã chụp rất nhiều ảnh cho chúng tôi. Có lẽ tôi đã mất mát rất nhiều, song tôi không còn thấy mình bị giày vò nữa. Tất cả rồi sẽ qua đi. Vết thương có lớn hơn nữa rồi cũng sẽ khép miệng, tôi không ngừng an ủi mình như vậy… Chương 18: Cảnh Mộng Tôi bưng lấy miệng, nước mắt bỗng nhiên trào ra, khiến tầm nhìn trở nên mơ hồ, tôi kéo tay Đường Triêu chầm chậm đi về phía đó. Gần hơn, gần hơn tôi nhìn thấy một xẻng đất bùn đang che phủ lên khuôn mặt già nua. Hình ảnh cuối cùng thoáng qua mắt tôi là mụn ruồi màu đen ngay giữa chân mày. Tôi nức nở thành tiếng, cái người vẫn đứng sau lưng chúng tôi từ từ quay lại. Khoảng cách rất gần, gần tới mức chúng tôi có thể ngửi thấy mùi hương nhàn nhạt trên cơ thể bà, là mùi xạ hương, thân quen biết chừng nào… Đêm hôm đó tôi ngủ rất ngon, có lẽ nguyên nhân là vì quá mệt, hưng cũng có lẽ là bởi trái tim bị giam cầm nhiều ngày qua trong thù hận đã được phóng thích. Ngày hôm sau khi tỉnh dậy đã đến giờ trưa. Tôi lười nhác ngồi tựa trên ghế mây phơi nắng, nếu như không phải là nhận được điện thoại của Đường Triêu thì chắc tôi sẽ cứ ngồi vậy cho tới khi màn đêm buông xuống. Khi tôi đến cửa hàng của Đường Triêu, hai thầy trò bọn họ đang uống trà. Mặt sư phụ Đường Triêu đỏ bừng bừng, còn anh thì tỏ vẻ không mấy tự nhiên. Nhìn thấy tôi, sư phụ của anh dằn mạnh chén trà xuống chiếc bàn gốc cây, chiếc chén nhỏ xinh bằng sứ màu trắng xoay mấy vòng trên mặt bàn nhưng rồi cũng không lăn xuống đất, chỉ có nước trà trong chén chưa uống hết là bắn tóe ra xung quanh. Dưới đáy chiếc ấm trong suốt là những lá trà màu trắng bạc, trà đã nhạt màu như nước, trong không gian thoang thoảng mùi hương nhẹ như có như không. Tôi làm bộ không để ý đến sự giận dữ của ông ấy, ngồi xuống rồi thản nhiên rót cho mình một chén trà, khẽ đưa lên nhấp một ngụm rồi khen: “Bạch trà thơm quá”. Thấy ánh mắt Đường Triêu nhìn mình đầy vẻ day dứt, tôi mỉm cười với anh, tỏ ý rằng mình không quan tâm đến thái độ đó của sư phụ. Đường Triêu bèn kéo sư phụ ra bên ngoài, còn tôi vẫn ngồi yên bên trong vờ như nhàn nhã nhấm nháp chén trà. Tiếng cãi nhau của họ từ bên ngoài vọng vào. “Sư phụ, sao sư phụ lại tỏ thái độ như vậy với Tiểu Ảnh? Cô ấy không làm gì sai cả”. “Lần đầu tiên nhìn thấy cô ta sư phụ đã có cảm giác muộn phiền bực bội trong lòng rồi, sao con lại đi lo mấy chuyện này kia chứ?”. “Sư phụ biết tính con rồi đấy, không làm thì thôi, nhưng nếu đã bắt đầu thì con sẽ làm đến cùng mới thôi. Nếu như sư phụ không muốn giúp con thì đành vậy, con nghĩ một mình con cũng sẽ làm rõ được”. “Không phải là ta không muốn giúp. Đường Triêu, ta không thể tìm ra manh mối nào, có biết vì sao hôm đó ta chỉ có thể giúp các con nhìn thấy Tần Tịnh và người đàn ông của cô ta không? Bởi vì những mối hận thù cũ đều đã bị người niêm phong những tấm kỳ bào đó đóng khóa lại rồi, nếu muốn mở thì chúng ta phải đi tìm người đã yểm bùa niêm phong ấy. Chỉ có ông ta mới có thể giúp chúng ta giải được những bí ẩn này”. “Cũng đã mấy chục năm rồi, chúng ta làm sao mà tìm được người ấy?”. “Là lá bùa đó!”. Tôi đứng dậy đi ra cửa, nói tiếp lời Đường Triêu. Cuối cùng tôi đã biết sự thiếu kiên nhẫn của sư phụ Đường Triêu là vì cảm thấy mù mịt và bực bội, còn cả việc không đồng ý cho Đường Triêu dính dáng vào tôi nữa. “Vậy thì chúng ta lại phải đến nhà họ Hà một lần nữa ư?”. Sư phụ của Đường Triêu gật đầu, nói tiếp với vẻ trầm ngâm : “Thực ra người đã đặt bùa niêm phong rất có thể là sư huynh của ta, bởi vì khi đó chỉ ta và huynh ấy có chút tiếng tăm trong giới này. Ta sẽ cho con địa chỉ nhà huynh ấy, con và Lý Ảnh đến nhà họ Hà lấy lá bùa mang đến đó hỏi trực tiếp huynh ấy là được. Hiện giờ anh ấy đã lui về ở ẩn, không thích lo mấy chuyện này nữa, nếu đi người không chắc chắn huynh ấy sẽ không thừa nhận. Song huynh ấy là người rất có trách nhiệm, nên khi trông thấy lá bùa biết là việc mình đã làm trước đó, chắc chắn sẽ lo liệu tiếp”. Vì không muốn làm kinh động đến người nhà họ Hà, tôi và Đường Triêu lặng lẽ trèo tường vào sân sau. Đi qua vườn hoa, chúng tôi đến được linh đường của Tần Tịnh một cách thuận lợi. Ánh nắng mặt trời sáng chói chiếu qua cửa sổ vào bên trong song không mang lại được một chút hơi ấm nào. Trong không gian thỉnh thoảng lại vang lên tiếng lách tách của những ngọn nến đang cháy không ngừng múa may, khiến người ta giật mình run cầm cập. Chúng tôi lần tìm được nắp chiếc hòm, trên đó chỉ còn sót lại một nửa mảnh bùa cũ kỹ đã không còn phân biệt nổi màu gì. Các mép giấy quăn cả lại, tôi đưa tay ra định dỡ xuống thì bị Đường Triêu ngăn lại: “Không được, lá bùa này lâu năm quá rồi, gỡ kiểu đó chắc chắn sẽ rách ngay”. Anh lấy từ trong túi ra một cuộn băng dính trong, cắt ra một mảnh lớn rồi dán lên trên tấm bùa, sau đó lại dùng con dao nhỏ cắt xung quanh, lá bùa bèn rời ra. Dù rằng cũng không thể không làm rách một chút nào, nhưng đại thể vẫn giữ được nguyên hình dáng cũ. Chúng tôi đẩy chiếc hòm trở về gầm bàn, sau đó lẳng lặng rời khỏi linh đường. Khi chúng tôi lòng vòng tìm được tới nhà sư bá của Đường Triêu , bóng tối cũng đã buông xuống khắp nơi. Căn nhà của ông ta nằm trong một khu căn hộ kiểu cũ chưa bị dỡ bỏ đi, con đường chật hẹp, trước cửa treo lủng lẳng, phất phơ một cây rau, mảnh vỏ trái cây hay xác chuột chết. Một cơn gió thổi qua, khắp con ngõ nhỏ đậm đặc mùi xú uế. Tôi lấy tay bịt mũi, khó khăn lắm mới thở được bình thường. Ở đầu hẻm có vài ba đứa trẻ ở trần đang hò hét ồn ào, nói những từ phương ngữ mà chúng tôi nghe không hiểu. Thỉnh thoảng bọn chúng mới nói mấy câu tiếng phổ thông bằng thứ giọng quê không lẫn vào đâu được. Số nhà đính trên các cánh cửa đã rơi mất cả nên chúng tôi rất khó tìm được địa chỉ mà sư phụ Đường Triêu ghi. Đường Triêu bèn gọi một đứa trẻ trong đám ra hỏi: “Anh bạn nhỏ, các cháu có biết ông họ Lâm ở nhà nào không?”. Một đứa có vẻ lớn tuổi lắc đầu: “Không biết, bọn cháu không biết nhà nào có người họ Lâm cả”. “Vậy số 78 là nhà nào?”. “Không biết…”. “Cháu biết đấy, chủ nhà cháu thuê ở trọ họ Lâm. Bọn cháu vẫn gọi là ông Lâm”, một đứa nhỏ hơn tiếp lời, chỉ tay về phía trước: “Kia, ở đằng kia kìa!”. Thằng bé nhảy chân sáo đưa chúng tôi đến đó, khi tới cửa, nó hét váng lên để gọi: “Ông Lâm ơi, có người đến tìm ông này. Ông Lâm ơi!”. Giọng thằng bé rất to, ngay lập tức có tiếng vọng vang lên cuối ngõ. Không có ai trong nhà trả lời, thằng bé liền quay đầu lại nói với chúng tôi: “Cô chú cứ vào trong đó là được. Ông Lâm bị nặng tai đấy, nhưng mà hễ ai nói xấu thì ông ấy nghe được không sót một lời nào đâu”. Thằng bé vừa nói vừa thè lưỡi ra với chúng tôi, sau đó lặng lẽ đẩy cánh cửa, đặt một ngón tay lên môi: “Suỵt! Khe khẽ thôi, dì Lâm nghe thấy sẽ chửi cho đấy. Dì ấy ghê gớm lắm!”. Thằng bé nhón chân nhẹ nhàng đi đến bên cánh cửa lớn sơn đen, sau đó không đi vào trong nữa mà chỉ vào cánh cửa rồi hạ giọng thì thào: “Cô chú tự đi vào đó đi! Đừng có nói là cháu dẫn cô chú đến đây nhé”. Nói xong nó nhón chân chạy thẳng. Chúng tôi gõ vào cánh cửa một lúc mới nghe thấy có tiếng bước chân. Cửa còn chưa mở ra đã nghe thấy một giọng nữ cao the thé cất lên: “Ai thế hả? Tối rồi còn có việc gì thế? Phiền chết đi được”. Lời chưa dứt cánh cửa đã mở ra, một người phụ nữ chừng bốn mươi tuổi mặc áo ngủ đầu tóc bù xù, tay phải liên tục túm lấy da đầu, đôi mắt híp nửa nhắm nửa mở, đuôi mắt còn