“Ma khóc dưới hồ Tiên Đôn” là tập đầu tiên trong series “Ma câm” của tác giả Thiên Hạ Bá Xướng, đây là tác phẩm mới nhất được ấp ủ trong suốt 5 năm kể từ sau sự ra đời của tác phẩm bán chạy – “Ma thổi đèn”. Với “Ma câm”, tác giả đã khởi động lại mật mã trộm mộ, mở ra những cuộc phiêu lưu mạo hiểm giống như truyền kỳ về những trải nghiệm quái dị gắn liền với một nền văn hóa cổ xưa và thần bí của Trung Quốc – văn hóa Na giáo. Ma Câm đưa bạn xuyên qua mọi ngóc ngách thần bí nhất của mảnh đất Hoa Hạ rộng lớn, để kiếm tìm hư thực ảo diệu phía sau một truyền thuyết xa xưa. CHƯƠNG 1 – CHUYỆN KỂ VỀ CHỢ ÂM PHỦ Trước đây, khái niệm “Chợ âm phủ” mà người Bắc Kinh xưa hay gọi còn có tên “Chợ ma” hoặc chợ đêm. Những loại chợ như thế này thường được họp ở một số nơi nhất định. Vào canh tư, khi trời còn tối đen chưa có chút ánh nắng, hàng hóa được bày ra bán và toàn hàng không rõ nguồn gốc. Mỗi lần đến chợ âm phủ, người ta thường thấy những bóng hình dật dờ qua lại không rõ là người hay là ma, khiến những ai yếu bóng vía đều không dám tiến lại gần. ma-cam-ma-khoc-full Nhắc đến chợ âm phủ, tôi muốn nói đến một người tên là Nghĩa, người dân quanh đây vẫn gọi là lão Nghĩa mù. Ngày trước, phía ngoài cổng Nam có rất nhiều người sinh sống bằng nghề khiêng kiệu. Khiêng kiệu cũng có nhiều loại, loại kiệu bên trong có chiếc hòm màu đen, khiêng thẳng ra nghĩa trang để chôn cất đó là khiêng người chết, còn khiêng người sống thì dân gian gọi là phu khiêng kiệu. Người ta gọi nơi các phu khiêng kiệu ở là hẻm Giang phòng, cái tên này được dùng đến tận ngày nay. Gia đình lão Nghĩa mù sống ở khu phố đó. Trước giải phóng, lão sống qua ngày bằng việc đi đào trộm mồ mả, giới trong nghề gọi đây là “đổ đấu”, lão cũng không phải mù thật, chỉ do tuổi tác cao, nhìn mọi thứ không còn được tinh tường, nhiều lúc nhầm lẫn đến dở khóc dở cười, dần dần bà con lối xóm gọi luôn lão là Nghĩa mù. Mắt lão kém tới mức, có lần giữa ban ngày ban mặt, đang đi trên đường, bỗng lão nhìn thấy vật gì đen đen của ai đánh rơi, lão nghĩ bụng: “Ai làm rơi món hàng da thế này nhỉ?”, rồi nhân lúc không có người định cúi xuống nhặt mang về, nào ngờ, lão vừa mới thò tay ra, thì nghe tiếng sủa gâu gâu, rồi thấy bóng một con chó vàng vụt chạy qua bên kia đường. Một lần khác, lão Nghĩa mù mua hai chiếc bánh mì nướng, bên trên còn rắc một ít vừng đen, bánh vừa mới ra lò còn nóng hổi, phải ăn lúc còn nóng mới ngon. Hôm đó gió to trời lạnh, lão chọn một bức tường khuất gió đừng ăn cho đỡ rét mà không biết trên bức tường có dán tờ cáo thị, trên tờ cáo thị đóng dấu đỏ tròn. Trước kia thường dùng dấu vuông, sau này mới đổi thành dấu tròn, thời đó nào có mấy người biết chữ. Lúc này, có người đi ngang qua ghé vào xem cáo thị, người qua đường này cũng chưa nhìn thấy dấu tròn bao giờ, cứ ngỡ lão Nghĩa mù đã đọc cáo thị rồi lên tiếng hỏi cái tròn tròn kia là gì, lão Nghĩa mù trả lời: “Là bánh mì chứ là gì nữa, cậu thích ăn thì tự đi mà mua”. Người qua đường không hiểu lão đang nói gì, chỉ lên chỗ cáo thị hỏi lại lần nữa: “Không phải bánh mì, tôi hỏi cái bên trên kia cơ?” Lão Nghĩa mù trả lời: “Bên trên là vừng”, đúng là ông nói gà bà nói vịt, hai người lời qua tiếng lại một lúc suýt chút nữa thì xảy ra ẩu đả. Những câu chuyện này chưa hẳn đã là thật, có thể mọi người cố tình bịa ra nhưng chung quy là cả khu phố đều biết đến lão Nghĩa mù. Còn nghe nói có lần lão đang đi bộ, thấy một chiếc đinh mũ nằm giữa đường, ánh lên những tia sáng lóng lánh dưới trời nắng. Cứ tưởng rằng đó là viên ngọc trai do ai đánh rơi, lão liền nhặt vội cầm chặt trong tay. Lão bị chiếc đinh đâm cho chảy máu, liền vứt đi. Nhưng lão cũng không nghĩ rằng mình mắt kém nhìn nhầm mà tự lẩm bẩm: “Xời, hóa ra là con sâu, bóp nát chảy cả máu.” Chung quy là mắt của lão Nghĩa mù rất kém, nếu trời nổi gió cuốn bay những cọng lông gà, lão ta lại tưởng là một đàn chim sẻ bay qua. Mặc dù mắt lão chưa phải là mù hẳn nhưng không thể tiếp tục kiếm cơm bằng nghề đổ đấu được nữa. Vậy là, lão đành chuyển sang buôn bán nhỏ tại chợ âm phủ. Kiểu buôn bán của lão cũng khác người, chỉ là bày bán vài bao “thắp đèn” trên một tấm bạt trải dưới đất, bao thắp đèn chính là bao diêm, bao thắp đèn là cách gọi xưa. Ở chợ âm phủ nếu đến mua diêm, người ta gọi lóng là “đổi trống mềm”, thắp đèn gợi liên tưởng đến ánh sáng, nghĩa là “minh”, mà “minh” còn có nghĩa khác nữa là “âm phủ”. Lão bán diêm là muốn ngầm bảo mọi người rằng mình chuyên thu những đồ móc lên từ mộ cũ. Lão Nghĩa mù ngồi đó, chẳng thèm hỏi han ai, càng không buồn đoái hoài đến những người lạ. Lão Nghĩa mù kể lại, chuyện mắt của lão bị mù cũng rất ly kỳ. Từ lúc lão vẫn làm nghề đổ đấu, có lần đi đào mả ở tỉnh khác, nghe một người đồng hương kể rằng tại một ngọn núi ở vùng này thường xuyên xảy ra một hiện tượng lạ. Cứ mỗi đêm trăng rằm, trên ngọn núi đó lại xuất hiện một đốm sáng, không rõ là vật gì, nhìn từ xa trông cứ như có hai vầng trăng sáng. Lão Nghĩa mù nghe kể, chắc mẩm trên núi có mộ cổ chôn nhiều báu vật, liền hỏi thăm đường lên núi. Đến chập tối thì tới được chân núi, trời bỗng nổi mây đen, loáng thoáng nghe thấy tiếng sấm xa. Sợ trời đổ mưa sẽ khó lên núi, lão dừng chân quan sát xung quanh, thấy một ngôi chùa nhỏ bỏ hoang bên đường liền quyết định nghỉ đêm tại đây. Vì đã bị bỏ hoang lâu ngày nên trong chùa không còn tăng ni sư sãi, lão cũng không phải người tin tà ma, bèn thắp đèn lên rồi đi vào bên trong Phật điện, phía sau bức tượng Phật có một gian phòng nhỏ, hai cánh cửa sập sệ, hỏng nát, mở ra là không đóng lại được nữa. Lão gom mớ rơm trên sàn lại một góc làm chỗ nằm, một mình ngồi trong phòng mở lương khô ra ăn cho đỡ đói, không để ý tiếng gió bên ngoài mỗi lúc một gấp hơn, trời đất tối sầm, chưa có mưa nhưng tiếng sấm xa thì nổi lên không ngớt. Đang định đi nằm, bỗng nghe phía bên ngoài có tiếng động, sợ gặp phải bọn cướp, lão vội ra ngoài, nấp sau bức tượng Phật nghe ngóng tình hình. Lúc này, cửa chùa bật mở, một người con gái mặc chiếc váy màu xanh từ bên ngoài bước vào, lão Nghĩa mù bất chợt giật mình, bao nhiêu năm làm nghề đào mả trộm khiến nhãn lực của lão cũng trở nên khác thường, cơ thể cô gái này tỏa ra một luồng âm khí, cứ như cô ta vừa mới bò ra từ một ngôi mộ nào vậy. Cô gái vội vàng đi vào trong, quỳ xuống trước tượng Phật vái lạy liên hồi. Bên ngoài, chớp giật ngoằn nghèo, sáng chói trên bầu trời, rồi đánh thẳng vào trong chùa, ngôi chùa bốc cháy, lão Nghĩa mù hồn bay phách lạc, không rõ lai lịch của người con gái này thế nào mà phải tới ngôi chùa hoang này tránh thiên lôi? Cô gái dường như cũng phát hiện ra phía sau bức tượng có người, bất chợt ngẩng đầu lên, lão Nghĩa mù kinh hoàng, trên mặt cô gái có tới sáu con mắt, lão vội cắm đầu bỏ chạy, cô gái đuổi theo phía sau lưng, bất chợt một tia sét nổi lên đánh trúng ngay giữa đỉnh đầu cô gái, lão Nghĩa mù cũng lăn ra bất tỉnh, đôi mắt của lão bị lửa sét thiêu đốt, chưa đến nỗi mù nhưng không nhìn rõ được nữa. Ngày hôm sau, người dân đi ngang qua ngôi chùa hoang đã cứu lão, họ còn thấy một con nhện rất to bị sét đánh chết nằm trên nền nhà, trong bụng con nhện đó toàn là những viên đá thoạt trông như những viên ngọc bích, tựa ngọc mà lại không phải là ngọc, đến tối những viên đá này phát ra ánh sáng lấp lánh, trông như ánh trăng. Đây chính là nguyên nhân mà người dân nhìn thấy hai vầng mặt trăng vào những đêm trăng sáng. 2 Lời của lão Nghĩa mù có đúng hay không, không có cơ sở để xác minh, nhưng tôi không mấy tin vào câu chuyện ly kỳ này. Nghe nói, lão Nghĩa mù đã từng cứu mạng tôi. Tôi tuổi rắn, theo lời các cụ, rắn là rồng nhỏ. Hồi tôi khoảng ba bốn tuổi, một lần bố tôi tan ca đêm, một mình đạp xe trở về nhà, khi rẽ vào con đường đất bỗng thấy chiếc xe nảy lên như vừa đằn qua một vật gì đó, bố tôi dừng lại xem thì thấy ông vừa cán chết một con rắn, cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, ông lên xe chuẩn bị đi tiếp, bỗng phía trước xuất hiện một cậu bé chắn ngang đường giận dữ nói: “Ông đâm chết tôi cũng không sao, nhưng tôi sẽ bắt người tuổi rắn trong nhà ông phải đền mạng”, nói xong cậu bé biến mất. Về nhà, bố thấy tôi đang sốt cao, miệng nói mê sảng, chữa chạy khắp nơi mà không khỏi. Hàng xóm đều nói rằng tôi bị trúng tà. Lão Nghĩa mù có quan hệ rất đặc biệt với gia đình tôi, lão là anh em kết nghĩa với ông nội tôi, bố tôi biết lão rất rành về lĩnh vực này, liền đem chuyện đêm hôm nọ cán chết con rắn dọc đường kể cho lão nghe và nhờ lão nghĩ cách giúp đỡ. Lão Nghĩa mù bày cách: “Đúng là con rắn kia về đòi mạng rồi. Bây giờ gia đình phải đưa cháu về quê ở đúng bảy bảy bốn chín ngày, phải thay tên đổi họ cho cháu, về quê phải đi ban ngày, gặp các ngã ba ngã tư thì phải rải hùng hoàng[1'>, có như vậy mới tránh được tai họa lần này”. Gia đình tôi làm theo đúng lời của lão Nghĩa mù, cả tên khai sinh lẫn tên gọi ở nhà đều không dùng nữa mà đổi hết thành tên mới cho tôi, tôi về quê sống một thời gian, cuối cùng cũng khỏi bệnh, may là đã giữ lại được cái mạng. [1'> Hùng Hoàng: là loại bột màu vàng cam hoặc lẫn lộn giữa bột màu vàng và đỏ, thành phần chủ yếu là Asen sunfua. Đây là loại thuốc kỵ (đuổi) rắn rất công hiệu. Hùng hoàng có tác dụng giải độc, sát trùng, hóa ứ, tiêu đờm, lợi đại tiểu tiện, triệt ngược định kinh. Chuyện bố tôi đi xe đạp cán chết rắn cũng là nghe lão Nghĩa mù kể lại, tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, các gia đình đều khó khăn cả, đó là thời tem phiếu, chỉ có năm hết Tết đến mới dám mua tí thịt để ăn Tết, nhưng lão Nghĩa mù tháng nào cũng có hai bữa thịt dê, mà cách ăn của lão cũng chẳng giống ai, một tấm sắt được đặt trên bếp lò đốt bằng củi thông, phía trước đặt chiếc ghê băng, nhưng không phải là để ngồi mà là để lão gác chân, một chân lão gác lên ghế, tay trái cầm bát nước chấm đầy đủ xì dầu, tương, tỏi, ớt, rau mùi v.v… tay phải gắp từng miếng thịt dê nướng chín chấm nước chấm hoặc kẹp với tỏi tây, bánh mì nướng. Lão Nghĩa mù giải thích đây là cách ăn của người dân tộc Kỳ ở Quan Ngoại. Hồi trẻ, lão từng đi tìm mỏ vàng trong rừng xanh núi thẳm ở vùng đó, nên đã quen với cách ăn hoang dã này. Vì lão mắt kém, lại ở một mình nên từ khi biết cầm đũa thì tôi cũng là người nướng thịt cho lão Nghĩa mù và cũng là để được ăn ké, lần nào tôi cũng được ăn thoải mái. Mỗi lần ăn thịt nướng, lão Nghĩa mù đều có thói quen uống rượu, vừa uống vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện năm xưa lão đi đã đi tìm long mạch như thế nào, làm sao để đào vật báu trong mộ cổ, còn giải thích “nhện qua sông” là mộ gì, “rắn vào bụi cỏ” là mộ gì, toàn những chuyện xưa như quả đất nhưng không kém phần ly kỳ hấp dẫn, tôi cứ nghe mê mẩn, đến sau này lớn lên mới biết, mỗi lần lão Nghĩa mù ăn thịt dê nướng chính là lúc lão vừa được món hời nào đó ở dưới mộ. Không thể coi thường khu phố mà lão Nghĩa mù sinh sống, trông tồi tàn vậy nhưng có rất nhiều nhân tài, ví dụ như Hàn sư phụ, sống bằng nghề làm ngói nhưng lại cực kỳ giỏi võ, không phải loại võ thuật nổi tiếng ở Bắc Kinh như Thái Cực Quyền, mà chỉ là loại quyền cước vô danh ở quê hương của ông, nhưng ở vùng quê đó ai ai cũng biết múa loại võ này.Tôi cũng đã từng theo học Hàn sư phụ vài năm. Lão Nghĩa mù cứ can tôi đừng theo Hàn sư phụ, vì học võ vào rồi thường hay rước vạ vào thân. Tôi vốn không tin, chẳng ngờ đúng là xảy ra chuyện thật. Số là chớm đông năm đó, tôi đi ngang qua công viên Địa Đàn, gặp một thằng khùng cùng bọn du côn đang chặn đường trêu chọc hai cô gái, nghe kể bố mẹ thằng này là cán bộ cấp cao. Thời Cách mạng đại văn hóa, nó bị kích động mạnh nên giờ đầu óc không được bình thường, dựa vào tấm giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện, nó huênh hoang rằng cho dù có cầm dao đâm chết người cũng chẳng ai làm gì được, nên thường ngày chỉ chuyên phá phách, thêm vào đấy thằng này lại có bọn choai choai đầu đường xó chợ theo làm đàn em, không việc gì mà bọn chúng không dám làm. Lần này, nó trêu chọc con gái nhà lành, trong đó có một cô lại là ban học của tôi ngày trước, tôi liền tiến đến can ngăn, thằng khùng không nói một lời, rút dao ra nhằm thẳng tôi đâm tới, tôi ra tay không mạnh cũng không nhẹ, rút ngay chiếc khóa xe quất hai phát vào đầu thằng khùng, nó đổ xuống đất không kịp kêu lên một tiếng, máu chảy ào ào như vỡ ống nước, lũ đàn em đần thối mặt, rồi hét lên ầm ĩ “Giết người rồi! Giết người rồi!”, sau đó bỏ chạy toán loạn. Lúc này, tôi biết mình đã gây ra vạ lớn, liền chạy một mạch đến nhà lão Nghĩa mù để lánh nạn vài hôm. Căn nhà của lão vốn ẩm thấp, giữa ban ngày cũng tranh sáng tranh tối, tôi đẩy cửa bước vào, thấy lão Nghĩa mù đang đắp chăn nằm trên giường, phía dưới chăn lòi ra một chiếc đuôi, không rõ là đuôi sói hay đuôi hồ ly, tôi hoảng quá quay đầu chạy bổ ra bên ngoài. 3 Chạy ra đến cổng tôi ngã nhào, va cả đầu vào lu nước sứt miếng da, sau này để lại vết sẹo trên trán. Vừa lúc đó, lão Nghĩa mù từ ngoài đi vào. Lão Nghĩa mù xương khớp không tốt nên rất sợ trời lạnh, mùa đông thường đắp chăn lông thú, vật mà vừa rồi tôi nhìn thấy trong nhà là tấm chăn da thú của lão. Thấy tôi, lão Nghĩa mù hỏi: “Gì mà hoảng hốt thế, lại gây chuyện ở đâu rồi hả?” Tôi kể lại chuyện đánh nhau ở công viên Địa Đàn cho lão nghe, có thể đã xảy ra án mạng rồi cũng nên. Lão Nghĩa mù hốt hoảng: “Mạng người quan trọng, hơn nữa bố mẹ người ta còn làm quan, mày mà rơi vào tay họ chẳng phải như đầu dê đặt trên thớt, mặc cho người ta muốn làm gì thì làm sao.” Tôi nói: “Họ muốn làm gì thì làm, cùng lắm là mất đầu chứ gì, mười tám năm nữa cháu vẫn là cháu.” Lão Nghĩa mù nói: “Không được hành động bốc đồng, mau thu dọn hành lý, lên Nội Mông lánh tạm ít lâu, chỗ bố mày cứ để đấy ông lo.” Lúc đấy, tôi cứ chắc mẩm là đã đánh chết người nên nghe lời lão Nghĩa mù, đi tàu suốt đêm lên Đông Bắc vào nơi rừng xanh núi thẳm. Lão Nghĩa mù có người anh em kết nghĩa, biệt danh là “Thổ địa gia”, làm quản lý lâm trường ở huyện Hưng An, Nội Mông. Hai người là bạn chí cốt với nhau, tấm chăn lông thú của lão Nghĩa mù chính là do Thổ địa gia tặng. Gặp tôi, ông cứ lôi vào hỏi chuyện tới tấp không cho đi đâu. Ít lâu sau, người nhà gửi điện báo gọi tôi quay về, ở nhà không có chuyện gì cả, tên khùng đó chưa chết, chỉ bị thương hai chỗ ở đầu. Hai cô gái kia sau đó đã đi trình báo, công an tiến hành điều tra, thì ra chứng nhận tâm thần của hắn là giả, chuyện bố mẹ hắn là cán bộ cách mạng cũng chỉ do hắn bịa ra. Nhưng tôi đã quen với cuộc sống tang bồng bên ngoài, muốn cùng Thổ địa gia đi đào vàng thêm một thời gian nữa, chờ khi nào phát tài thì sẽ quay về. Tổ tiên Thổ địa gia họ Sách, là Vương gia thời nhà Thanh, sau vì mang tội nên bị triều đình lưu đày xung quân ở biên cương, sinh sống bằng nghề săn bắt. Ông có cô cháu gái tên Sách Ni Nhi, tôi theo hai ông cháu họ đi săn thỏ bắt hồ ly lấy da, men theo sông Hắc Long Giang để tìm mỏ vàng. Nhưng Thổ địa gia tuổi đã cao, sức khỏe không còn dẻo dai như trước đây, trải qua mùa đông dài lạnh lẽo, mùa xuân và mùa hè đến bất chợt, chớp mắt đã sang thu, xem chừng cũng chẳng có thu hoạch gì, Thổ địa gia quay về Hưng An trước, tôi và Sách Ni Nhi mang mấy bộ da thú đánh được trước đó xuống chợ bán. Từ mùa xuân khi sông băng tan cho tới khi tuyết dày bao phủ các dãy núi thì người ta họp ba phiên chợ cạnh dòng sông, đây là phiên chợ cuối cùng trong năm. Nơi này từ xưa vốn đã hoang vu ít người sinh sống, trước giải phóng những người đến chợ phiên thường là dân lâm trường, dân giang hồ, tàn binh bại tướng, ăn mày và một số người dân du mục. Vì nhu cầu mà tự lập ra chợ phiên, hàng giao dịch trong chợ thường là vàng đào được trong núi, nhân sâm, lộc nhung, da thú v.v… phong tục này được lưu lại tới ngày nay. Sau khi bán được mấy tấm da thú cho một người dân du mục Mông Cổ, Sách Ni Nhi nói với tôi: “Anh theo ông cháu em lăn lộn vất vả trong núi một thời gian rồi, hôm nay phải ăn một bữa thật ngon.” Tôi thấy trong chợ cũng có vài quán ăn tương đối tốt, trước cửa còn treo biển hiệu hình đèn lồng. Vùng Đông Bắc rất để ý đến biển đèn lồng. Ngoài cửa tiệm cùng lắm là viết tên mặt hàng, không có giá cả cũng không nói rõ quán bán những món gì, nhưng chỉ cần xem biển đèn lồng là biết tất cả. Nếu phân loại theo màu sắc thì màu vàng là quán chay, màu xanh là quán người Đạo Hồi, nếu treo một đèn lồng là quán bình dân, trên có vẽ vòng tròn là quán bánh bao, có hình hoa là quán bán màn thầu, bánh bao, phía dưới có tua rua là quán bán mì, quán treo hai đèn lồng thì cao cấp hơn, có thể tổ chức tiệc tùng, treo bốn đèn lồng là cao cấp nhất. Chưa thấy ai treo ba biển đèn lồng bao giờ, vì phát âm của nó nghe như lừa đảo khách hàng nên kiêng. Mặc dù những chuyện này tôi đã được nghe lão Nghĩa mù kể nhưng chưa đến ăn bao giờ nên cũng chẳng biết món nào ngon, đành để Sách Ni Nhi tự quyết định. Sách Ni Nhi dẫn tôi vào một cái quán gần đó, quán có bán món cá hầm, loại cá tầm được bắt từ sông Hắc Long Giang lên, dù cách chế biến đơn giản nhưng giữ lại được hương vị thơm và tươi ngon của cá. Lần đầu tiên được ăn món cá ngon như vậy, tôi bỗng thèm uống vài ly, liền gọi nửa cân rượu hoa quả rừng. Đang ăn thì có hai thực khách nữa bước vào quán, họ cũng gọi món cá hầm, vừa ăn vừa hỏi thăm chủ quán đường tới Lão Câu. Chủ quán lộ vẻ kinh ngạc: “Lão Câu[2'>? Hai người tới đó làm gì? Đi đào mộ à?” [2'> Lão Câu: Trong tiếng Hán có nghĩa là khe núi cổ. 4 Chủ quán quen biết Sách Ni Nhi, bèn nói với hai người khách: “Lão Câu à… bao năm nay chẳng có ai tới đó, hai người muốn đi thì hỏi cô gái kia kìa, ông nội cô ấy trước giải phóng từng vào Lão Câu đào vàng. Ngoài Thổ địa gia ra thì chưa ai vào Lão Câu mà có thể sống sót trở về đâu.” Hai người khách sán ngay tới chỗ chúng tôi để hỏi đường vào Lão Câu, còn hứa sẽ trả một khoản tiền lớn nếu Sách Ni Nhi nhận dẫn đường. Lưu vực sông Hailar và sông Nuomin ở Nội Mông là một vùng đầm trạch hoang vu, phía tây bắc là núi cao, phía đông là rừng rậm, phía nam là thảo nguyên, chu vi trăm cây số không có bóng nhà. Hai dòng sông uốn lượn ngoằn nghèo và có nhiều nhánh nhỏ, vì địa hình thấp nên nước sông chảy vào đây hình thành vùng đầm lầy mọc đủ loại thực vật thủy sinh. Giữa vùng đầm cỏ bao la này là những vũng sình lầy sâu hoắm, nếu đi trong đầm cỏ phải dò đường cẩn thận, không may rơi xuống đám sình lầy mà không có người cứu lên sẽ bị lún sâu hơn cho đến khi chìm hẳn và chết. Từ xưa tới nay, vùng này không có dấu tích của người hay động vật sinh sống. Nghe nói phía sâu bên trong vùng đầm lầy này có một khe núi, trong đó có một hang động cổ, thời xưa đã có rất nhiều người mạo hiểm vào đó tìm mỏ vàng, hầu như có đi mà không có về, cho dù cao số không chết trong vùng đầm lầy thì khi xuống tới hang động cũng bị ma đất ăn thịt, những người đào vàng truyền nhau như vậy. Nơi đó gọi là Kim Câu[3'>, hay còn gọi là Lão Câu, chỉ cần nhắc đến tên thôi là mọi người đã thất kinh hồn vía, chẳng ai dám đi. [3'> Kim Câu: Trong tiếng Hán có nghĩa là khe núi vàng. Sách Ni Nhi nhìn hai người khách, trông họ không giống dân đào vàng, hơn nữa mỏ vàng cũng chỉ là truyền thuyết, liền hỏi: “Hai người làm nghề gì? Đến Lão Câu làm gì?” Một trong hai người đó là đạo sĩ, khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Đạo sĩ được chia làm hai phái, một phái chuyên ở trong đạo quán, thường xuyên mặc áo đạo sỹ, tu luyện cầu đắc đạo, đó cũng là phái thường gặp nhất, thường thuộc Toàn Chân giáo, phái còn lại ăn mặc như người dân bình thường, ít khi mặc trang phục đạo sỹ, có thể lấy vợ sinh con nhưng cũng biết các thuật làm bùa, bắt ma trừ yêu, niệm thần chú, xem bói xem tướng, xem phong thủy v.v… Họ thuộc phái Chính nhất giáo. Người Đông bắc thường nôm na gọi họ là Nhị lão đạo. Mới đầu, Nhị lão đạo không chịu nói thật, chỉ kể rằng sư phụ ông ta báo mộng giao cho nhiệm vụ đi bắt cương thi. Cương thi đó đã tồn tại lâu năm, có nhiều phép thuật cần phải tiêu trừ tránh hậu họa về sau. Sau vì Sách Ni Nhi truy hỏi gắt gao, họ đành tìm chỗ vắng người để nói chuyện. Sự thật là những chiêu trò sư phụ ông ta truyền lại không thể lừa người kiếm cơm được nữa, dựa vào chút khả năng xem phong thủy nên ông ta đổi nghề đi đào trộm mộ. Nghe nói ở Lão Câu có bích họa, chắc rằng nơi đó có mộ cổ nên quyết đi một chuyến thu một mẻ to. Người đi cùng ông ta là Trương Cự Oa, vốn là một cậu bé mồ côi trên thảo nguyên, bố mẹ chết trong một nạn đói của vùng Đông Bắc, chỉ còn mình cậu ta sống sót, sau đó được một người lính nhận làm con nuôi rồi lấy họ Trương theo họ của cha nu