ôi. Người này khoảng hơn hai mươi tuổi, thân hình to lớn vạm vỡ, cao hơn người bình thường đến nửa cái đầu, là một chàng thanh niên thật thà chất phác, được Nhị lão đạo nhận làm đồ đệ. Hai người họ đang tìm người dẫn đường vào Lão Câu đào mộ tìm bảo vật. Ở cái nơi núi thì cao, Hoàng đế thì ở xa này, gặp đâu ăn đó, cái trò đào vàng quật mả đều không thể công khai, mặc dù chẳng hay ho gì, nhưng trước mặt người dân địa phương thì cũng không cần giấu giếm. Nhị lão đạo giơ ngón tay cái lên nói với tôi và Sách Ni Nhi: “Lão huynh đệ, đại cô nương! Lão đạo tôi đều nói thật hết với cô cậu rồi tuyệt đối không để cô cậu phải thiệt, nếu dẫn đường cho tôi tới được Lão Câu, sự việc thành công thì cô cậu cứ việc ra giá, một lời chấp thuận luôn, hai bên đều thoải mái. Được chứ?” Sách Ni Nhi vốn là một cô gái có chủ kiến, nghe Nhị lão đạo hứa sẽ trả cho một khoản lớn, cô ngẫm nghĩ một lúc rồi nhận lời. Giờ vừa mới hết mùa mưa, lúc này đi vào cái nơi ăn thịt người không thèm nhả xương đó thì chín phần chết chắc, thế nên cần chuẩn bị kỹ càng trước khi đi. Cô giao cho Nhị lão đạo và Trương Cự Oa chuẩn bị lương thực và ngải cứu, ngày 16 tháng 7 âm lịch gặp nhau tại khúc cong thứ ba của sông Nuomin. Sách Ni Nhi đợi hai người kia đi khuất liền dặn tôi không được nói chuyện này với Thổ địa gia. Mỏ vàng giờ đây ngày càng khó tìm, cô muốn kiếm thêm ít tiền để sau này ông nội cô không phải đi đào vàng nữa. Tôi nói: “Những việc khác thì anh không lo. Có điều anh thấy Nhị lão đạo cũng chỉ là dân nửa vời, cùng lắm thì đào được mấy cái mộ cũ kiếm được chút tiền. Ông ta mà tìm được mộ cổ mới lạ. Vùng Lão Câu đến thú giữ còn khó vào làm gì có mộ cổ đời nào cơ chứ. Anh cũng chưa nghe thấy ai nói trong Lão Câu có mộ cổ bao giờ, chỉ nghe nói trong đó có ma đất ăn thịt người thôi.” 5 Chuyện trong Lão Câu có ma đất ăn thịt người cũng là do dân đào vàng truyền nhau, có mới mới biết thực hư thế nào. Đi Lão Câu chắc phải mất sáu ngày cả đi lẫn về, chúng tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hiểm, đầu tiên đó là sự thay đổi thất thường của thời tiết, nếu đi vào mùa mưa mà không biết địa hình thì đúng là tự tìm đường chết. Thực ra các mùa khác cũng chẳng khá hơn gì, mùa đông dễ lạc đường vì tứ bề tuyết phủ, dễ gặp phải bầy sói, mùa thu và mùa xuân nước trong đầm đóng băng không chắc, không biết được chỗ nào có thể đi qua. 16 âm lịch, tôi và Sách Ni Nhi mang theo khẩu súng săn một nòng, đến bờ sông gặp hai thầy trò nhà Nhị lão đạo, họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, Trương Cự Oa còn vác trên lưng một chiếc nồi sắt rất to. Nhị lão đạo hỏi chúng tôi: “Cô cậu không đem theo vài con chó à? Lỡ gặp thú dữ thì sao?” Sách Ni Nhi nói: “Mùa này trong đầm trạch không có thú dữ, chỉ có chim và rắn thôi, đem theo súng săn phòng thân là được rồi. Mà hai người mang theo chiếc nồi sắt to thế kia làm gì? Không nặng à?” Nhị lão đạo nói: “Lần này đi cũng phải mất đến mấy ngày, vùng đó lại không có dân sinh, trong đầm cỏ vừa lạnh vừa ẩm, tôi nghĩ mang nồi đi nấu món gì đó nóng nóng ăn nên mới bảo đồ đệ mang theo cái nồi này. Không sao, cậu ta không thấy nặng đâu, thanh niên đang sung sức mà.” Tôi nói: “Đạo trưởng, đồ đệ của ông không thấy nặng, vấn đề là chúng ta đi vào vùng đầm lầy, cậu ta to cao thế kia vốn đã nặng rồi, giờ vác thêm bao nhiêu đồ, ông định để cậu ta rơi vào hố sình à? Chúng tôi phải nói trước với ông, cậu ta to cao như vậy, nếu sa chân vào hố sình chúng tôi không kéo nổi cậu ta lên đâu.” Nhị lão đạo nói: “Ờ nhỉ! Lão huynh đệ nói chí phải, thế mà tôi không nghĩ ra. Không mang nồi sắt nữa, hành lý càng nhẹ càng tốt.” Sách Ni Nhi nói: “Muốn đun nước thì đã có nồi quân dụng, ngoài những đồ vật thiết yếu ra thì cố gắng mang thêm ngải cứu.” Chúng tôi đều biết Sách Ni Nhi rât thông thạo vùng thảo nguyên hoang vu và rừng sâu núi thẳm, cô ấy nói mang theo vật gì tất có lý do của nó. Chúng tôi sửa soạn lại hành trang, cái nào cần mang thì mang, cái nào không cần thiết thì bỏ lại, bốn người lên đường, thẳng tiến đến hướng nam vùng đồng cỏ mênh mông ngút ngàn tới tận chân trời. Thực vật chủ yếu của vùng này là cây chịu lạnh tốt như họ nhà cói, chúng mọc thành từng cụm nối nhau, phía bên dưới chính là những hố sình, cả nhóm bước thấp bước cao, tưởng chừng như không bao giờ đi tới được điểm dừng. Mùa thu ở đây đến sớm, chớm thu cây cỏ đã úa vàng, phóng tầm mắt nhìn ra xa, xung quanh chỉ thấy một màu vàng xanh xen lẫn, một biển cỏ trải dài, trước không thấy núi, sau không thấy rừng, không có đường đi, chỉ có một vùng đầm lầy nước đọng, bốc lên mùi hôi thối của cây cỏ bị phân hủy, mỗi bước đi đều phải dùng gậy thăm dò trước, chỉ cần một chút sơ ý sẽ bị chôn thây lại nơi đây. Mây mù trên bầu trời thay đổi liên hồi, trong một ngày thời tiết biến đổi bảy tám lần là chuyện bình thường, có lúc sương mù dày đặc, giăng mắc một màu trắng đục, không phân biệt được đông tây nam bắc, có lúc trời nắng như đổ lửa, muốn trốn cũng không có chỗ trốn, rồi mây đen lại đột nhieên kéo đến bay là là trên đầu, có lúc mưa đổ như trút nước, sấm rung chớp giật, khi thì mưa đá rơi tối tăm mặt mũi, khi lại mưa phùn nhẹ bay hoặc mưa quấn gió lạnh đổ từng cơn lúc khoan lúc nhặt. Chỉ mưa một lúc là nước đã dâng lên, khắp nơi lênh láng màu trắng xóa, kỵ nhất là phải lội bì bõm trong nước, những lúc như vậy cần tìm nơi cao một chút, đứng chờ nước rút rồi mới đi tiếp được. Cứ như vậy, lúc mưa lúc nắng, lúc nóng, lúc lạnh, bữa đói bữa no, bước thấp bước cao, cả hội trải qua không biết bao nhiêu gian nan, vất vả. Nhị lão đạo vì muốn phát tài, nên lão không màng tới những nỗi vất vả đó, suốt dọc đường chỉ trời nói đất, bốc phét với chúng tôi về những kinh nghiệm của lão trong quá khứ, còn hứa với Trương Cự Oa: “Đợi chuyến này kiếm được món lớn, thầy sẽ xây nhà lấy vợ cho con”. Trương Cự Oa cảm ơn ân đức của thầy, thấy Nhị lão đạo mệt không đi nổi liền cõng lão lên đi tiếp, bước thấp bước cao lội bì bõm, mặc dù to khỏe nhưng cậu ta vẫn mệt thở phì phò. Ngày đầu tiên qua đi, mặt trời đã xế về Tây, nhiệt độ trên đồng cỏ giảm xuống, gió cũng ngừng thổi, một vùng hoang dã ngút ngàn chân mây. Nhị lão đạo nói nếu mà được như thế này mãi thì đi mấy ngày mấy đêm trong đồng cỏ cũng được. Còn chưa nói hết câu thì từng đụn mây đen trong đám bụi rậm không ngừng đùn lên, Trương Cự Oa hét lên kinh hãi: “Đạo trưởng, cái gì thế kia?”. Nhị lão đạo nói: “Ối mẹ ơi, yêu khí ngút trời!” 6 Người đông bắc có thói quen gọi người nhỏ tuổi lão, như vậy mới thân thiết, ví dụ gọi người nhỏ nhất trong nhà là lão út. Nhị lão đạo gọi tôi là lão huynh đệ, gọi Trương Cự Oa là lão đồ đệ, nhìn thấy từng đụn mây đen đùn lên từ trong những bụi cỏ, ông ta liền hô to: “Lão đồ dệ, mau lấy thanh kiếm chém yêu của thầy ra đây!” Trương Cự Oa đần mặt hỏi: “Con chưa thấy bao giờ, nó là cái gì hả thầy?” Nhị lão đạo tức điên lên: “Cái đồ bị thịt, lên giường biết ôm đúng vợ, xuống đất biết xỏ đúng dép, thế mà không biết thanh kiếm chém yêu gia truyền của thầy mình, cái roi gỗ đào ta vẫn gác trên xà cửa ấy, rõ chửa…” Sách Ni Nhi nói: “Quẳng mấy thứ vô dụng của ông đi, đây là đinh tử ngưu ở vùng đầm lầy, mau đốt ngải cứu đuổi nó.” Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những đám mây to đen như thế này, chúng túm tụm thành một khối, phát ra tiếng kêu ong gong nghe rất lạ, tôi không khỏi giật mình kinh sợ. Nghe Sách Ni Nhi nhắc tới “đinh tử ngưu” thì mới hiểu đây là bọn ruồi trâu, tôi đã từng thấy ruồi trâu ở Hưng An nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nhiều như lần này. Người vùng đông bắc còn gọi ruồi trâu là muỗi đen, chúng như những chiếc phi cơ chiến đấu được trang bị kỹ càng, bay đến tối tăm mặt mũi, trong chớp mắt có thể hút sạch máu một con trâu mộng. Ban ngày mưa lớn nắng to không thấy chúng đâu, đêm đến chúng mới rời tổ đi kiếm ăn, ruồi trâu mang trên mình virus viêm não, nếu bị chúng cắn có thể tử vong. Tôi vội làm theo lời Sách Ni Nhi, lấy ra bốn chiếc ống làm bằng vỏ cây, phát cho mỗi người một cái, nhét đầy ngải cứu vào rồi đốt lên, dùng khói ngải cứu để đuổi bọn ruồi trâu đi. Vậy là từ chập tối cho tới khi trời sáng, nếu trời có mưa thì không sao, chỉ cần tạnh mưa là lại phải đốt ngải cứu lên, nếu ngừng đốt ngải là lũ ruồi trâu lại lao vào chực đốt người. Trương Cự Oa giờ mới hiểu ra: “Ối, thì ra là ruồi trâu, thế mà đạo trưởng lại nói là yêu khí.” Nhị lão đạo phân bua: “Cái bọn này cũng ăn thịt người mà, không khéo lại là oan hồn hóa thành. Yêu khí quá nặng, đáng tiếc thanh kiếm chém yêu của ta không có ở đây, nếu không chỉ cần đưa vài đường thì bọn ruồi trâu này phải tan biến hết, cần gì hun khói như thế này.” Trương Cự Oa tâm phục khẩu phục: “Phải nói là trình của đạo trưởng cao siêu thật đấy.” Nhị lão đạo mặt dày tự đắc: “Đương nhiên rồi.” Đi qua vùng ruồi trâu, bóng đêm bắt đầu ập tới, bao phủ thảo nguyên, nhiệt độ xuống thấp, không thể đi tiếp trong bóng đêm, nên cả hội đành phải tìm chỗ dựng trại đốt lửa sưởi ấm. Chúng tôi bắt được vài con cá tại đầm nước bên cạnh, trời mưa to nước dâng cao, có khá nhiều cá bơi vào trong đầm và bị mắc kẹt lại bên trong, còn có cả cá taimen hoặc cá tầm đen, có con dài tới hơn năm mươi centimet, bắt bọn cá này không khó. Dọc đường đi, Sách Ni Nhi để ý hái một ít cây lá chua và ớt dại, dùng que xiên dọc theo thân cá nướng trên lửa cho tới khi thịt cá trắng đều, xé cá thành từng miếng nhỏ, chấm cùng ớt dại và lá chua ăn, hương vị rất nguyên thủy, ngon không thể tả được. Nhị lão đạo uống vài ngụm rượu, bắt đầu kể chuyện rông dài. Tôi hỏi: “Đạo trưởng, nghe nói người Chính nhất giáo các ông thường không mặc áo đạo sỹ nhưng cũng biết đạo pháp, ví dụ ngậm một ngụm rượu có thể phun ra thành hình mũi tên. Nếu không luyện tập sẽ phun tung tóe ra khắp nơi, đúng vậy không?” Nhị lão đạo nói: “Chà, lão huynh đệ không hổ danh là người từ thành phố lớn đến, biết nhiều hiểu rộng, đến món này mà cậu cũng biết. Cậu nói đúng đấy, để tôi phun thử cho cậu xem nhé…”. Nói rồi, lão hớp một ngụm rượu ngậm trong mồm rồi phun ra, lão còn bấm đốt ngón tay niệm một câu trong miệng, cũng ra dáng gớm, đáng tiếc là không thành công, rượu phun ra tung tóe giống như tiên nữ rắc hoa vậy. Ba người chúng tôi vội vàng né tránh, may không thì bị Nhị lão đạo phun cho đầy mặt. Nhị lão đạo hơi ngượng, lau miệng nói: “Cậu xem, chẳng hiểu sao nữa, chắc tại lâu ngày không tập, chủ yếu là bây giờ chẳng ai xem mấy món này nữa, nên không có đất dụng võ, các cụ nói sao nhỉ — Miệng đói đầu gối cũng phải bò. Nếu không thì lão đạo ta không đến nỗi phải đi theo con đường đào mộ quật mả này.” Tôi hỏi Nhị lão đạo: “Đạo trưởng chưa đi Lão Câu bao giờ, sao lại biết ở đây có mộ cổ?” Vầng trăng tròn nhô lên từ phía chân trời, lúc ẩn lúc hiện sau biển mây bồng bềnh, mặt trăng to lạ kỳ giữa đồng cỏ mênh mông, tựa hồ chỉ cần giơ tay ra là có thể chạm tới. Đêm trên đồng cỏ hoang huyền ảo như mơ, khó tin như câu truyện mà Nhị lão đạo sắp kể cho chúng tôi nghe. CHƯƠNG 2 – BỨC BÌ HỌA ĂN THỊT NGƯỜI 1 Nhị lão đạo nói trong Lão Câu có mộ cổ của một cô gái người Khiết Đan, dân đào trộm mộ ở Quan Nội, Quan Ngoại đều không biết bí mật này, chỉ có môn đồ của Chính nhất đạo biết mà thôi. Khoảng bảy tám trăm năm trước, nước Liêu chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai triều đại Đường Tống, nên người Khiết Đan cũng rất chú trọng tới phong thủy long mạch khi chọn nơi xây lăng mộ. Tương truyền, công chúa Mang Cổ con gái Liêu Thế Tông là nữ thần Saman, sau khi chết nàng được chôn tại Lão Câu. Trong hầm mộ và đường hầm dẫn vào mộ treo đầy bích họa, đó đều là những tuyệt tác, nghe nói còn tùy táng cả người sống. Lúc đó, đầm cỏ đi lại không khó khăn như bây giờ, nó vốn là một thảo nguyên bao la. Lăng mộ hoàng đế thường chọn thế núi hai bên cao, ở giữa thấp để xây lăng tẩm. Ngôi mộ cổ trong Lão Câu chính là ngôi mộ do đích thân sư tổ Nhị lão đạo xem phong thủy, sau đó suýt chút nữa bị Bắc đại vương giết người diệt khẩu. Bí mật về ngôi mộ được truyền từ đời này sang đời khác cho tới ngày nay, chính vì vậy Nhị lão đạo mới nắm rõ về ngôi mộ trong Lão Câu. Mấy năm gần đây, nghề kiếm cơm của Nhị lão đạo gần như không thể trụ được nữa, nhớ lại lời sư tổ truyền lại về một số vị trí long mạch, không kìm được lòng tham, lão đào được vài ngôi mộ cũ, kiếm được chút tiền nhưng không nhiều. Lần này nhắm vào ngôi mộ cổ của công chúa Khiết Đan, lão biết rằng trong đó có nhiều báu vật, nếu thành công thì từ giờ tới cuối đời không cần phải lo lắng gì nữa. Chuyện trong Lão Câu có mộ cổ hiếm người biết đến, nhưng từ cuối đời Thanh tới nay, mọi người đồn nhau trong đó có mỏ vàng nên rất nhiều người tham tiền tới đây tìm vàng, kết quả vàng đâu chẳng thấy, nhưng người mất mạng ở đây quả không ít. Có người cao số không chết trong đầm cỏ thì cũng chết trong khe núi. Nghe đồn trong đó có những bức bích họa nhiều năm tuổi chứa yêu quái ăn thịt người, nếu vào tới bên trong thì kiểu gì cũng bị yêu quái trong bích họa ăn thịt. Cũng có lời đồn trong đó có ma đất hoành hành, nói chung là đủ loại lời đồn. Nhị lão đạo cũng không rõ những lời đồn đại đáng sợ này có liên quan gì tới ngôi mộ cổ Khiết Đan hay không, nhưng thời buổi này đói kém sinh làm liều, nhát gan chỉ có chết, đã dám làm nghề quật táng thì đừng tin tà ma, những người quá tin vào ma quỷ thì không thể kiếm cơm bằng nghề đổ đấu được. Đây là lần đầu tiên tôi và Sách Ni Nhi nghe tới chuyện bích họa ăn thịt người. Năm xưa, số người đi qua được đầm cỏ vào tới trong khe núi không nhiều, phần đa đều chết dọc đường, không rơi vào hố sình lầy thì cũng bị chìm trong đầm trạch, hoặc làm mồi cho đám ruồi trâu. Chúng tôi không thể lý giải nổi, cũng rất hiếu kỳ, bích họa chẳng qua là những bức tranh được vẽ trên tường, sao có thể ăn thịt người được? Nhị lão đạo cũng không hiểu: “Cũng có thể người ta nhìn thấy những bức tranh đó có niên đại đã lâu, hiếm thành ra thấy lạ, cũng có thể những bức tranh đó hình thù kỳ quái đáng sợ, mọi người đồn tới đồn lui thành yêu quái ăn thịt người cũng nên, làm sao mà tin được. Mọi người mà muốn nghe kể chuyện ma thì để lão đạo ta kể cho một chuyện. Thời Tống, bên dòng sông Hoàng Hà có một con hồ ly tu luyện nhiều năm đã thành tinh, thường biến thành hình dạng cô gái và đi vào thành. Có một họa sỹ trông thấy cô gái dung mạo đẹp tuyệt trần thì vẽ lại, bức tranh được vẽ sinh động như người thật. Sau đó, con hồ ly tinh này đã trà trộn vào cung cấm để mê hoặc quân vương, không ngờ sau khi uống rượu đã hiện nguyên hình, lộ ra chiếc đuôi hồ ly, bị ngự lâm quân nhìn thấy bắt lấy chém đầu tại Ngũ Triều môn. Con hồ ly chết nhưng hồn chưa siêu thoát được, nó đã chốn trong bức tranh mỹ nhân. Về sau, bức tranh đó lưu lạc trong dân gian, người dân nhầm tưởng rằng đó là bức tranh tiên nữ, chỉ cần nửa đêm thắp hương cầu khấn thì tiên nữ trong tranh sẽ bước ra. Có một lão nhà giàu trong vùng đã bỏ khoản tiền lớn để mua bức tranh về thờ trong nhà chờ thời cơ gặp tiên nữ trong tranh. Kể từ đó gia đình ông ta bị yêu tinh trong tranh hại chết từng người từng người một. Đúng lúc này sư tổ của ta đi qua, thấy yêu khí từ trong nhà bốc ra mù mịt khiến người không mở mắt nổi, sư tổ liền đeo kiếm bước vào nhà, dùng tam vị chân hỏa đốt bức tranh, giải cứu cho dân chúng trong vùng.” Tôi thấy câu chuyện của Nhị lão đạo chỉ là chuyện bịa, nhưng vùng Đông Bắc lại lưu truyền rất nhiều những câu chuyện ma mãnh như vậy, vì nơi đây nhiều rừng rậm, thường xuyên bắt gặp cáo và hồ ly, nên không tin không được. Sách Ni Nhi và Trương Cự Oa tròn mắt lắng nghe, vừa sợ vừa muốn nghe tiếp, nghe xong còn thỏa sức tưởng tượng. Đêm đó ngủ lại trên đầm cỏ, tôi cứ có cảm giác như bên cạnh mình có thêm một người nữa khiến toàn thân gai lạnh, chẳng biết có phải do nghĩ ngợi nhiều quá hay không mà suốt đêm mộng mị liên miên, mơ màng thấy có người đi đi lại lại suốt đêm, làm tôi không thể ngủ yên. Tôi cứ tưởng đó chỉ là ảo giác, nhưng khi trời sáng thức dậy thấy bên cạnh đúng là thừa ra một người, có điều không phải là người còn sống. 2 Trước giải phóng có lời đồn đại rằng, không ít người mạo hiểm đi vào Lão Câu tìm vàng, nhưng rất nhiều người không nắm rõ tình hình, mới đi được nửa đường đã làm mồi cho lũ ruồi trâu, bị hút cạn máu thành những xác chết khô đét, khắp người chi chít chấm đen, bộ dạng hết sức kinh khủng. Những xác chết này nằm rải rác trong các bụi cỏ, năm này qua năm khác chịu gió dập mưa vùi. Có những xác chết đến bây giờ vẫn còn nằm đó và trở thành ký hiệu dẫn đường tới Lão Câu. Tối qua, chúng tôi dừng chân dựng trại, vì quá mệt nên sau khi nghe Nhị lão đạo huyên thuyên xong, tôi vào lều lăn ra ngủ ngay, đến khi trời sáng mới biết có một xác chết đang nằm cạnh mình, kinh sợ đến nỗi cả ngày hôm đó không muốn ăn bất cứ thứ gì. Ngày thứ hai rồi ngày thứ ba, thời tiết vẫn lúc đẹp lúc xấu, lúc nắng cháy khi mưa rào, luôn khiến người ta cảm thấy khó chịu, có những chỗ không thể đi vòng đành phải lội nước, những lúc như vậy cần quấn xà cạp tránh bị đỉa cắn. Cứ như vậy, chúng tôi lần mò đi trong đầm cỏ, đi qua những vũng lầy. Trên trời mây trắng, dưới đất là cỏ vàng, ngút ngàn tầm mắt như không có điểm tận cùng. Đi đến ngày thứ tư, mây đen đầy trời, gió dữ nổi lên, phía chân trời phía nam xuất hiện hai vệt màu đen, tựa như hai con cá quả khổng lồ chui lên từ trong những bụi cỏ. Sách Ni Nhi nói: “Đó là núi Kháng Diên Tử, phía dưới có một khe núi gọi là Lão Câu, cũng không đến nỗi sâu lắm.” Nhị lão đạo xem xét một lúc, mừng rỡ nói: “Núi Kháng Diên Tử hai bên cao chính giữa thấp, hình dạng giống như hai con quỷ đang đứng gác cổng, y như lời Sư tổ tôi truyền lại. Đúng là chỗ này rồi! Trông thì gần vậy, nhưng đi tới nơi cũng còn xa lắm, ít nhất thì chiều mới tới, giờ vẫn còn sớm, chúng ta nghỉ chân ăn trưa đã rồi đi tiếp.” Chúng tôi tìm một chỗ đất bằng để nghỉ chân, gặm tạm miếng bánh mì khô cùng rau vuốt mèo[1'>. Đi vào đầm trạch không mang được nhiều lương khô, dọc đường đều phải ăn tạm rau dại cho đỡ đói. Nhị lão đạo đã hứa, chỉ cần tới nơi là đưa trước nửa tiền, lúc ra sẽ trả nốt phần còn lại. Ông ta y lời lấy tiền đưa cho Sách Ni Nhi, còn nói: “Tôi và đồ đệ xuống Lão Câu đào mộ, e hơi ít người, nếu hai cô cậu đồng ý ở lại giúp một tay thì hai người có thể chọn bất cứ thứ gì trong cỗ quan tài cổ đó, mỗi người chọn lấy một món tùy thích.” [1'> Là một loại rau dại có hình dạng giống vuốt mèo. Sách Ni Nhi lắc đầu nói: “Tôi cứ nghĩ trong Lão Câu chẳng có gì, mới đồng ý dẫn đường cho ông, nhưng dọc đường nghe đạo sỹ kể chuyện, hóa ra có mộ cổ thật, giờ tôi hối hận lắm rồi, trở về thể nào cũng bị ông nội tôi mắng chết.” Nhị lão đạo nói: “Chỉ cần chúng ta không nói ra thì làm sao có người biết được. Cô xem, giờ đã tới đây rồi, sao còn hối hận nữa?”. Ông ta lại hỏi tôi: “Lão huynh đệ, thế còn cậu? Tiền đến tận tay rồi mà không có gan lấy à?” Tôi cũng không kìm nén được nỗi tò mò, muốn theo Nhị lão đạo vào bên trong xem chuyện bích họa trong ngôi mộ cổ thực hư thế nào, vả lại nghe lão đạo kể thì ngôi mộ này quy mô không nhỏ, cơ hội tốt như vậy thật hiếm có. Mặc dù trước đây nghe lão Nghĩa mù nói không thể kiếm cơm bằng nghề đổ đấu, trò đào mộ trộm báu vật không tránh khỏi chữ “tham”, khi lòng tham đã nổi lên thì không có nghĩa khí gì nữa, gan ăn trộm cũng ngày một to hơn, lấy mạng để đổi tiền khác gì xẻo thịt ở chân để lấp đầy bụng đói, sớm muộn gì thì mình cũng chết dưới tay mình. Nhưng sợ hãi không dám đi chẳng phải để Nhị lão đạo và đồ đệ của ông ta chê cười tôi nhát gan sao? Người ta đã nói tới nước này rồi tôi cũng không thể để mất mặt được. Kéo Sách Ni Nhi sang một góc bàn bạc, cuối cùng chúng tôi cũng nhận lời Nhị lão đạo. Nhị lão đạo nói: “Lão huynh đệ không hổ là người tới từ thành phố lớn, biết nhiều hiểu rộng, cái khác thì tôi không dám chắc, còn hôm nay cậu cứ đợi sẽ được mở mang tầm mắt. Mấy ngày nay chúng ta lăn lộn trên đồng cỏ, hít gió trời ăn cỏ dại, đợi sự việc thành công, tôi sẽ mời mọi người ăn một bữa no nê, tay gấu hầm hạt thông, nấm thông nhung kho mũi chó rừng, môi cá tầm hầm gân hươu, cứ món ngon mà gọi, được không?” Trương Cự Oa nghe vậy, nước miếng đã chảy ròng ròng: “Đạo trưởng, thế thì còn nói gì được nữa, thầy bảo sao con làm vậy.” Nhị lão đạo nói: “Tốt! Lần này thì lão đạo ta điều hành đại cục, mọi người phải nghe theo lời tôi, lát nữa nghỉ chân xong thì chúng ta tới chỗ khe núi xem tình hình ra sao rồi tính kế sách.” Lúc này mây đen che kín bầu trời, một con chim nhạn cô đơn vỗ cánh