cứ về. Cô đưa chú ra bến đò, đi qua gốc tre kia, cô lại lạnh người, cảm giác bao nhiêu ánh mắt nhìn theo giống hệt khi xưa. Cô nhìn chú lên đò rồi mới về nhà. Đêm ấy cô như ngồi trên đống lửa, chỉ muốn sáng cho mau để sang gặp chú. Đêm đấy có người ngã sông. Lúc đò ra giữa dòng, cái xà lan chở cát đi gần đến nơi mới rú còi. Người lái đò bẻ vội cái bánh lái tránh đường cho xà lan đi nhưng vẫn có va chạm. Hôm đó chỉ có một người khách trên đò. Do đứng phía trên mũi đò nên cả người cả xe sau va chạm bị hất văng xuống nước. Cái nghề sông nước bạc lắm, đã gắn với nó rồi thì không dứt ra được. Thấy người chết đuối không được cứu là cái luật nghiệt ngã nhất của người sống trên sông. Hôm đấy lại chỉ có một mình người kia đi đò, thành ra trong dòng nước đục ngàu ấy người ta chỉ biết bất lực nhìn xuống mà không thể làm gì. Đêm ấy trời nổi gió to, mưa lớn. Sáng hôm sau người ta mới đi tìm xác của người bị nạn. Cô V hay tin khóc ngất lên ngất xuống, ra bến đò gào khóc như một người điên. Ai cũng thương cho cô.Chiều hôm đấy người ta tìm thấy chú kẹt trong bụi lau bên sông. Chú vẫn còn đang thoi thóp. Cô V hay tin chạy đến đầu tiên. Cả nhà đưa chú đi cấp cứu. Phải 3 hôm sau chú mới tỉnh được về nhà, nhưng bác sĩ bảo mấy cái chấm đỏ trên người chú thì họ không sao chữa lành được. Lâu sau chú mới kể, lúc va chạm chú bị hất văng xuống, cũng chẳng đáng sao đâu vì chú được rèn luyện trong quân đội, tâm lí cũng vững vàng. Đang định ngoi lên thì hình như chú thấy có cái gì đó đang giữ chặt lấy chân mình lôi xuống dưới. Giữa sông kiểu này lấy đâu ra rong rêu mà bám. Chú giật, quẫy chân tay loạn lên, thì càng quẫy càng chìm xuống. Chú nghĩ lần này chết chắc rồi. Nhìn xuống đáy sông chú thấy trong dòng nước đục ngàu ấy có đôi mắt đỏ đang nhìn thẳng vào chú. Mặc dù nước sông nặng phù sa, lại đêm tối nhưng chú vẫn có cảm giác như đang đối mặt với một đôi mắt rất đáng sợ vậy. Nghĩ tới chuyện cô dặn chú lần tay lấy ra chuỗi hạt bình an đeo tay cô đưa trước lúc lên đò, miệng lẩm bẩm khấn. Rồi chú thấy chân mình cử động được, vội vàng lao lên trên, bám lấy khúc gỗ trôi sông rồi ngất lịm. Chú không hiểu sao trôi dạt được vào đến bờ, nhưng chú nói trong cơn mê, chú thấy đôi mắt đỏ kia vẫn nhìn chú, nó như điên cuồng, hậm hực mãi tới gần sáng chú lịm hẳn nó mới biến mất. Ông nói : “ Nó không giết được thằng bé, nên giấu vào đây cho chết đói rồi bắt đi” Cô chú lấy nhau, cô chuyển sang bên sông ở. Sau ngày lấy chồng phải có việc lắm cô mới về nhà. Cô sợ đi đò. Gần đây có cây cầu nối hai bên,lại thêm nhà nhiều việc xảy ra cô mới hay chạy sang. Phần chú, sau cái lần chết hụt đấy, chú mang về nhà theo mấy cái chấm đỏ trên người không đau, không ngứa nhưng nhìn rất sợ. Chữa sao cũng chẳng khỏi, mấy vết đó giống như của người ăn xin trước kia ông gặp. Cho tới một ngày, ông em làm cho nó biến mất. Chuyện 8 +9: Chuyện gốc tre cuối làng Sau khi cô V đi lấy chồng thì tới lượt cô N cũng lấy chồng nốt. Cô N lấy chú Đ ở ngay trong làng. Gần đám cưới cô N thì xã có chủ trương làm mới toàn bộ đường đi trong xã. Trước đây không chỉ xã em mà nhà thím nào ở nông thôn cũng biết đấy, đa số toàn là đường đất. Mà đường như vậy nắng đi thì không sao chứ mưa thì vừa bẩn vừa lầy lội. Việc làm đường này ai cũng hưởng ứng. Xã sẽ chi tiền nguyên vật liệu một phần. Dân thì góp công và phần còn lại. Nhà ông bà em gần cuối làng, được tin này thì vui lắm. Nhất là nhà bác cả, bác bảo đi làm xa hai vợ chồng đi xe đạp mà mưa gió thì tới trường không khác gì đi làm ngoài đồng về. Vậy nên bác cả đóng tiền làm đường cho cả 3 nhà luôn. Còn bảo bác ra làm công thì bác bảo bác chịu. Các cô biết chuyện cứ cười bác ngặt nghẽo. Bác T hơn bố em 2 tuổi. Thấy bảo hồi bé bác với bố là hay chân lắm. Sáng đi chơi chưa đã, trưa về ăn xong cũng trốn đi chơi luôn rồi chơi tới tối mịt mới về. Bà đánh cho bao nhiêu trận mà hai anh em cũng chẳng chừa. Trẻ con thời đấy không phải đi học nhiều. Đất nước vẫn đang có chiến tranh. Người ta lo làm ăn là chính chứ không quan tâm tới bọn trẻ con nhiều. Cứ thả ra cho thích chơi gì thì chơi. Ông bà cũng đi làm suốt ngày, thành ra nhà ông bà em thành nơi tụ tập ăn chơi của cả đám trẻ con quanh đấy. Trưa thì đi tắm sông, chiều thì về đánh khăng, đánh đáo. Trưa hôm đấy chơi ở vườn nhà chán thì kéo nhau đi tắm sông. Chơi cũng mệt mệt nên bác cả quyết định về nhà làm con ngoan của bà. Bố em thì theo lũ bạn đi bắt chim chọc ong tiếp. Tối đến giờ chuẩn bị phải về nhà ăn cơm, bố quyết định học theo bác cả về làm con ngoan của bà. Về đến nhà chẳng thấy bác cả đâu. Bố em thì cứ nghĩ đơn giản là bác chơi ở đâu chưa về rồi. Vậy nên lúc bà đưa cô V về ( cô V đi học nhà trẻ với bà) chỉ có bố em là con ngoan. Bà nấu cơm, bố trông em. Bà bảo bác về thì đánh cho mấy roi. Rồi ông cũng về, ông cũng bảo cho bác mấy roi. Đến giờ ăn cơm vẫn chưa thấy bác về thì bà bực lắm. Bà sai bố đi tìm bác về, bố đi tìm khắp xóm chẳng thấy bác đâu chạy về báo bà thì bà lại đâm lo. Ông cũng lo nên chạy sang bên nhà ngoại xem bác có sang đấy chơi rồi ở lại không. Bà bế cô V đi quanh xóm hỏi nhưng chẳng ai nói thấy bác. Bố tới nhà mấy đứa chơi cùng hỏi thì đứa nào cũng bảo thấy bác về từ trưa rồi. Ông sang bên ngoại tìm cũng không thấy bác. Ai cũng sốt ruột. Mấy người quanh xóm hay tin cũng sang hỏi thăm rồi chạy đi phụ tìm bác. Bà thì lo quá phát khóc lên, giờ chỉ mong bác về thôi chứ không muốn đánh đòn nữa. Mọi người bắt đầu nghĩ quẩn, sợ bác có chuyện chẳng lành. Đúng lúc này thì mọi người nghe thấy tiếng khóc rõ to ở bụi tre cuối làng. Mọi người chạy ra xem xung quanh đấy chẳng có ai, nhưng tiếng khóc thì vẫn vọng từ trên xuống. Ai cũng lạnh người. Ông tỉnh táo nhất, soi đuốc lên thì thấy trên ngọn tre, bác cả em đang ngồi khóc ngon lành – Con ơi, mày leo lên đấy làm gì hả con? Bà em vừa khóc vừa nói Bác cả thì chẳng nói gì, cứ khóc hu hu, hai tay ôm chặt lấy ngọn tre. Mà cũng lạ, bác em năm đấy 10 tuổi, đói ăn lắm thì cũng phải suýt soát 30 cân. Vậy mà bác ngồi trên ngọn tre ngon lành, cây tre cứ thẳng đứng như chẳng có gì ở trên. Biết bác bị ma trêu rồi nên bà chạy về nhà, mang mấy nén hương ra, thắp rồi cắm xuống đất nói: _ Mày tha cho thằng bé, để nó về ăn cơm rồi ngày rằm hàng tháng tao thắp cho nén nhang. Bà nói xong thì ngọn tre bắt đầu đung đưa, bác cả lúc này mới hét toáng lên: “ Thầy ơi, U ơi cứu con” . Ai cũng buồn cười. Ngọn tre lúc này không chịu được sức nặng của bác nên cong vút lại. Mọi người lấy rơm trải ra đỡ cho bác rơi xuống. Bác vẫn nguyên vẹn, cả người không có một vết thương nào mặc dù bụi tre này, dưới gốc toàn mây với gai. Bác kể, đang buồn ngủ về qua đây thì thấy có đứa trẻ con rủ vào đây chơi. Không hiểu sao bác lại đồng ý, rồi nó đưa bác vào bụi tre, bảo bác là có ngủ thì cứ ngủ đi. Tỉnh dậy thấy đã thấy ở ngọn tre rồi. Trên đấy bác nhìn thấy bố chạy đi tìm nhưng không sao mở mồm ra được. Mãi sau này vừa đói vừa sợ khóc toáng lên mọi người mới hay. Bác cả sau vụ đấy ngoan hẳn, không còn đi chơi nữa. Rủ đi chơi mà qua bụi tre là bác chối ngay. Vậy nên sau này bác mới học lên cao. Bố em đùa là không được ngủ trên ngọn tre giống bác cả nên vẫn ham chơi như thường. Quay lại chuyện làm đường của xã. Tới đoạn đường nhà ông em làm, ông kêu hết con cháu ra phụ giúp. Xã thì cho một đội thợ ba người xuống phụ trách xây, dọn đường và phụ là người nhà của mấy nhà trên đoạn đó. Xây qua nhà ông em, đến cuối làng. Nhìn bụi tre ở đó ăn ra gần nửa đường, mấy người thợ quyết định cho chặt hết để còn làm. Đang tính nhà sắp có việc, lại có nhiều người nên ông xin mấy cây để mang về mấy hôm nữa còn dùng cho đám cưới cô. Chú Đ chồng sắp cưới của cô N hôm đấy cũng sang phụ. Chú vác dao vào chặt luôn. Cây đầu tiên thì không sao, đến cây thứ hai thì chặt mãi không được. Chặt tới mức lưỡi dao mẻ cả ra cũng không ăn thua. Không biết mọi người có ai biết con dao gọi là dao mác không. Ở quê nhà em loại dao này là dao lưỡi dày, chuyên dùng để chặt, không sắc như dao thái nhưng chặt cây hay bổ củi thì ok. Chú còn bảo chặt gốc tre mà tê cả tay , như chặt vào tảng đá vậy. Tới trưa hôm đấy, ông làm cơm cho mọi người và cả mấy ông thợ. Trong lúc ăn cơm, có một người đứng lên nói ra ngoài đi vệ sinh. Rồi cả tiếng sau cũng chẳng thấy vào. Ai cũng nghĩ chắc ông này rượu vào nên kiếm chỗ ngủ rồi, cũng chẳng đi tìm. Đến giờ làm mọi người đi ra đường làm tiếp thì thấy ông ấy cứ đứng quay mặt vào gốc tre. Ai gọi gì cũng chẳng thưa. Chú Đ em vui tính nghĩ ông ấy đang đi vệ sinh đi ra trêu. Gần tới nơi, chú vỗ vai ông ấy một cái. Quay lại nhìn chú là một đôi mắt đỏ lòm, cái miệng cười ngoác ra, trời hè nắng nóng thế nhưng ngươi ông ta lạnh toát mặt mũi xám xịt, đầu tóc rũ rượi. Rồi chẳng nói chẳng rằng gì người kia cầm con dao xây, chém ngay vào chân chú Đ một cái. Chú Đ bất ngờ bị đánh mới lăn ra đất. Đánh xong chú Đ, ông kia quay ra cười the thé, chi mặt chú Đ nói: – Sao mày chặt chân tao? Sao mày chặt chân tao Rồi lại the thé cười như điên dại. Chú Đ nhà em hãi quá, quên cả cái chân đau. Lồm cồm bò dậy chạy bán sống bán chết. Mọi người thấy thế ùa tới đứng quây quanh nó. Nó vẫn cười the thé. Ai cũng rùng mình. Ông thợ xây này người trong làng, bình thường hiền khô, không hiểu cơ sự ra sao lại ra đây đứng rồi thành thế này. Ông bà biết chyện chạy ra, bà nói ông ấy bị ma nhập rồi. Ông thấy vậy chỉ thẳng mặt nó quát: – Mày là đứa nào, sao lại đứng ở đây ? Nó nhìn ông bằng đôi mắt đỏ lòm, rồi lại cười, tiếng cười như man dại. Nó chỉ cười thôi chứ chẳng nói gì. Ông lại quát: – Mày là đứa ngày xưa ở đây trêu con V phải không ? Nó thích chí càng cười to. Trời hè nắng chang chang mà nó hành ông kia cứ đứng giữa trời. Vậy mà một giọt mồ hôi cũng không chảy xuống. Ông bảo bà lên chùa mời sư thầy qua để ông xử thằng này. Nó nghe thấy xong mặt hơi cau lại nhưng vẫn cười. Người làng nghe chuyện kéo tới càng đông. Nó thì vẫn đứng đấy, quay về phía gốc tre, thỉnh thoảng lại rú lên cười man dại. Bà đưa sư thầy tới. Ông ấy chẳng nói chẳng rằng, cầm bát nước pha sẵn tàn hương trên chùa hắt thẳng vào mặt nó. Nó rú lên hằn học nhìn sư thầy, lao đến. Mấy người thấy nó dữ vậy cầm gậy ghì chặt xuống đất. Sư thầy lẩm bẩm đọc kinh. Nó bắt đầu quằn quoại, gào thét rồi nó xin tha mạng. Sư thầy hỏi nó từ đâu đến, sao bắt người ta đứng đây thì nó thưa ngày xưa nó ở mạn Nam Định, đói quá đi sang đất này ăn xin rồi chết đói ở đây. Nó bị chôn dưới gốc tre kia. Tự nhiên nay có người phá nhà nó thì nó ra nó vật. Ông hỏi nó có bao nhiêu đứa ở đây thì nó bảo có mấy người nữa. Toàn người chết rồi chôn vội ở đây, không hương khói, chẳng biết đi đâu về đâu, hàng năm ăn nhờ hương nhờ hoa thổ công đất này. Ông còn hỏi nó sao ngày xưa trêu cô V, thì nó bảo, bà ngày xưa hứa hương hoa ngày rằm cho chúng nó mà mãi không làm. Nó tức nó ra trêu cô. Ông chép miệng rồi bảo sư thầy tha cho nó. Ông bảo nó tha cho ông kia, làm đường xong ông lập cho cái miếu bé ở đây, nhưng bắt nó trông coi nhà cửa đất cát cho ông. Nó đồng ý rồi đi luôn. Khổ thân ông thợ xây, nó đi rồi thì ốm nằm nhà cả tuần. Sau sợ chẳng dám đi làm ở đấy nữa. Sau đó người ta không thấy bọn nó ra trêu ai. Ông cũng giữ đúng lời hứa, lập cho cái miếu nhỏ ngay gần bụi tre cũ. Nhưng chuyện ma mị ở đây chưa dừng lại, cho tới ngày anh trai cô L về. Chuyện thứ 10 Tiếp chuyện cái ao sau nhà Cô N và chú Đ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là P. Chú Đ là con trưởng, họ lại to nhất nhì làng cho nên cô N sinh được thằng đích tôn ai cũng mừng lắm. Ngày cô sinh ở trạm xá có bà em và mẹ chồng cô ấy ở đó trông nom. Lúc thằng cu ra đời, đưa cho bà nội nó bế đầu tiên. Nhìn thấy thằng đích tôn thì vui lắm, rớt cả nước mắt. Thằng P được một tuần tuổi thì nhà nó phát hiện ra ở bắp chân nó có vết chàm to lắm. Bà nội nó biết chuyện, đâm suy nghĩ. Ngày xưa ông bà nội thằng P đông con, nuôi không nổi, nghe nói có người bệnh ốm mà không có tiền chạy bệnh đành ra chết oan. Đó là chú ruột thằng P. Ngày xưa trẻ con chết trước khi đem chôn người ta thường lấy mực đánh dấu vào người để sau này nhỡ đầu thai lại vào chính nhà mình thì mọi người còn biết. Để em giải thích cụ thể hơn cho các thím hiểu. Các cụ quan niệm rằng, trẻ con tính nết khó chiều lắm, khi chết đi thường đem oán hận theo. Nếu chết bình thường thì không sao, bố mẹ dỗ dành một thời gian là nó cũng nguôi ngoai mà đầu thai kiếp khác. Còn nếu không nó còn đeo đẳng theo người sống mà làm tình làm tội. Chú thằng P lúc chết ông bà lấy mực xanh đánh dấu vào trên đùi. Giờ thằng ku sinh ra lại có đúng cái vết chàm trên đùi nên ông bà nội nhà nó đâm sốt ruột. Về phần ông bà nội nhà nó, chú ruột nó chết nhưng ông bà cũng đem chôn cất qua loa, bao nhiêu năm qua cũng không hương khói gì. Thời còn khó khăn, nuôi không nổi con để nó chết là chuyện rất bình thường, cũng chỉ chôn cất coi như là xong chứ ít người như ông bà nhà em đối với cô H lắm. Thằng P hồi bé nghe nói nó quấy lắm. Mới đẻ mà nó khóc suốt ngày suốt đêm, nó hành mẹ nó rồi đến cả bà nội nó cũng phải thức đêm trông nó. Ai cũng nói thằng bé ngang bướng từ nhỏ. Bà nội nó thì tín lắm. Cứ nghĩ đến việc chú lộn thành cháu ( nghĩa là chú ruột lại đầu thai thành cháu) thì lại lo lên chùa khấn vái rồi đi xem bói nọ kia. Ai bảo làm gì cũng nghe theo vì sợ một ngày nào đó chú nó bắt nó đi. Thằng P sinh cùng năm với vợ em và ông D con thứ 2 của bác cả. Ông bà một năm có ba đứa cháu thì vui lắm. Ông bà cũng biết chuyện thằng P nhưng không tin, ai mà nói với ông là ông gạt phắt đi ngay. Cô N thì lại càng không tin, ai mà nói gì với cô có khi cô còn mắng cho. Cô bảo con cô sinh ra thì nó là con cô chứ sao lại là em bố nó được. Thằng P càng lớn tính càng nganh bướng. Nó nghịch từ bé, lại thêm ông bà nội chiều cháu thái quá nên đâm hư. Thích cái gì là nó phải đòi, mà đòi là phải có bằng được. Đồ chơi có cái gì nó chơi một mình, nhưng sang bà ngoại chơi với anh D chị M, có gì hay là nó phải được chơi chung, chơi xong là cũng lấy luôn. Đâm ra ông D với vợ em mang tiếng là anh chị nhưng lại sợ nó. Thằng P này bé tí đã biết làm cả nhà sợ. Có lần nó dỗi mẹ mà trốn đi chơi từ sáng đến tối không về làm cả nhà đỏ cả mắt. Lúc tìm thấy nó đánh cho vài roi thì nó lăm ra ăn vạ, ai cũng lắc đầu thằng này mới bé tí tuổi đã biết làm khổ bố mẹ. Hè năm thằng P học lớp 1. Lúc này bố nó vay mượn đã mua được cái xe công nông để chờ đá cát ở bến mang đi đổ cho nhà người ta. Cô N thì chú mở cho một cửa hàng ngoài chợ để bán tạp hóa. Thằng P ở nhà với ông bà nội , tối thì bố mẹ đón nó về. Nhà ông bà nội nó cũng gần nhà ông bà em nên thằng cu cứ rỗi là chạy sang chơi với anh D và chị M. Thằng P được bố mua cho quả bóng đỏ đẹp lắm, lúc nào đi chơi nó cũng mang theo. Thành ra sân nhà ông bà em thành sân chơi của bọn trẻ con trong xóm vì đứa nào đá bóng chả ham. Sáng sớm đã tụ tập ở đấy chơi rồi, chơi tới tầm trưa mới về nhà ăn cơm, chiều đỡ nắng là lại chơi tiếp. Trưa hôm đó, cô N chạy vội về nhà. Cô chạy về nhà bố mẹ chồng hỏ dồn : – Bố mẹ ơi , thằng P nhà con có đây không ạ ? – Nó chơi bên sân ông bà ngoại nó kìa. Mẹ chồng cô đáp – Con sốt ruột quá, cả ngày nay đứng ngồi không yên, mắt thì giật liên tục. con chạy về nhà cho yên tâm. Cô nói Rồi cô chạy sang bên nhà ông bà em tìm thằng P. Quá trưa rồi trẻ con đã về nhà hết. Cô không thấy thằng P đâu mới hỏi bà. – Mẹ có thấy cháu đâu không ạ ? – Thằng bé đang chơi ngoài vườn với thằng D kia kìa, tao vừa gọi mà không đứa nào chịu vào ăn cơm. Bà nói Cô N càng sốt ruột hơn chạy ra sau thì chỉ thấy D đứng đó – Em đâu con ? Cô hỏi D – P nó xuống lấy quả bóng mà mãi chưa lên cô ạ. D chỉ xuống ao nói Cô N nghe xong chết lặng. Cố bình tĩnh hỏi D lần nữa: – Con bảo sao? Em đi đâu hả con. – P nó đá quả bóng xuống ao, bảo cháu đứng đợi nó nhặt lên mà mãi chưa thấy đâu cô ạ. Cũng mới chỉ vừa nãy thôi. Cô N lúc này không giữ được bình tĩnh khóc òa lên luôn miệng kêu “ P ơi, con ơi”. Rồi cô nhảy xuống ao tìm. Bà chạy ra thấy cô như vậy chột dạ sai ngay thằng D đi gọi cho mợ ra đây. Mẹ em chạy ra biết chuyện liền báo cho ông bà nội nó biết, rồi đi gọi cả bố nó về. Bà em tím tái mặt mày vào, lập cập chạy vào nhà thắp hương, rồi mang cả ra cái ao luôn miệng khấn: – L ơi, con ơi, con trêu cháu đấy à – L ơi, con ơi thả cháu ra đi con. Ông bà nội nó cùng hàng xóm chạy sang. Cô N thì vẫn đang gào thét mò xung quanh ao. Bốn năm người nữa cũng nhảy xuống nhưng vẫn không thấy nó đâu. 10 phút trôi qua từ lúc cô N phát hiện thằng P mất tích, vẫn chưa tìm thấy đâu. Chú Đ biết chuyện chạy ngay về. Chú nhảy luôn xuống ao. Rồi chú đi một mạch ra cái gốc dừa bên mé ao. Chú bế thằng P lên. Cô nhìn con rồi ngất ngay tại chỗ. Thằng P chết đuối trong cái tư thế ngồi ôm gối. Nó ngồi lọt thỏm trong gốc cây dừa. Mắt nó mở trừng trừng. Hai cái tay quắp chặt lấy gối. Quả bóng đỏ được kẹp trong bụng. Lạ nhất là quả bóng đấy bị dìm xuống nước mà không nổi lên. Không ai hiểu sao nó lại chết ngồi trong gốc cây như vậy. Lo xong chuyện cho thằng P, ai cũng thắc mắc sao chú Đ lại biết chỗ thằng P chết đuối. Chú bảo “ Không hiểu sao lúc đó chân lại bước ra đấy. Vả lại, chú ngập ngừng nhìn bố mẹ chú. Ngày xưa bố mẹ chôn em ở gốc cây cạnh ao nhà mình đúng không ?” Thằng P chết đi, người buồn nhất là cô, cô ốm cả tháng trời. Mọi người trách bà trông cháu sao lại để xảy ra cơ sự vậy. Bà nói, vừa mới phút trước còn trông thấy hai đứa, không ngờ quay vào nhà đã thành ra thế rồi. Nhưng mà bà cũng buồn. Hết chuyện con L chết đuối ở ao, thêm chuyện cô H, giờ đến thằng P, bà bàn với ông cho lấp cái ao đi nhưng ông không đồng ý. Vì ông biết chuyện nhà mình còn liên quan đến cái ao này. Ông bà nội thằng P cứ tin rằng chú nó lộn về thành cháu rồi bắt cháu đi. Cô N nghe thì tức lắm, sau đó 1 năm thì cô chú chuyển hẳn ra ngoài sống. Bây giờ cô chú đã sinh được hai đứa, một gái , một trai nhưng chuyện về thằng P cô chưa bao giờ quên. Hết.