hứ tư ngày 11 tháng năm, mọi người đã trở về nhà. Họ đặt Regan vào giường, móc một ổ khóa lên các cánh cửa chớp, lột hết tất cả các gương soi ra khỏi phòng ngủ và phòng tắm của cô bé. … “những lúc tỉnh trí càng lúc càng hiếm hoi, và tôi e rằng, giờ đây trong những lúc lên cơn, cô bé đã hoàn toàn bị mất ý thức. Điều này mới mẽ và dường như xóa đi cơn chứng loạn thần kinh ít-tơ-ri đích thực. Lâm thời, một hoặc hai triệu chứng trong lĩnh vực MacNeil, chúng tôi gọi là những hiện tượng siêu tâm lý đã…” Bác sĩ Klein đến. Chris có mặt cùng Sharon khi ông huấn luyện họ cách thức truyền dịch Sustagen cho Regan trong những thời kỳ cô bé bị hôn mê. Ông nhét ống truyền dịch qua đường lỗ mũi – dạ dày. “Trước tiên…” Chris bắt mình quan sát mà cố không trông thấy mặt con gái, nắm bắt từng lời chỉ dẫn của bác sĩ và dẹp qua những điều khác mà nàng đã nghe thấy ở Y viện. Những lời lẽ đó thấm qua vùng ý thức nàng như lớp sương mù len lách qua những cành lệ liễu. … “Bây giờ ở đây bà phát biểu là ‘không tôn giáo’, thưa bà MacNeil, có phải đúng thế không ạ? Không hề có một chút giáo huấn nào về mặt đạo giáo phải không?” “Ồ thì, đại khái chỉ có một từ ‘Chúa’ chung chung vậy thôi. Bác sĩ cũng biết đó. Sao bác sĩ lại hỏi?” “Vâng, vì một lý do, đó là nội dung những lời cô bé hay nói trong nhiều lúc mê sảng – không phải những lúc lảm nhảm những vần vô nghĩa đâu – đều có khuynh hướng tôn giáo. Vậy theo bà, cô bé đã nhiễm được tư tưởng đó ở đâu?” “Xin bác sĩ cứ cho một ví dụ”. “Như thể là, ‘Giê-su và Maria, sáu mươi chín’, chẳng h…” Klein đã đưa ống truyền vào đến dạ dày Regan. “Trước tiên bà phải kiểm soát xem chất dịch có bị len vào phổi không”, bác sĩ chỉ dẫn, vừa bóp trên ống truyền để chận nguồn chảy của dịch Sustagen. “Nếu nó…” … “triệu chứng của một thể loại rối loạn mà người ta hiếm khi còn gặp, ngoại trừ ở những nền văn hóa nguyên thủy. Chúng tôi gọi đó là chứng bị ám ảnh dưới dạng mộng du. Thẳng thắng mà nói, chúng tôi cũng không biết gì nhiều về chứng đó, chỉ biết là nó xuất phát với một vài xung đột hay tội lỗi, rồi rốt cuộc dẫn dắt bệnh nhân đi đến ảo tưởng rằng thân xác anh ta đã bị một trí tuệ ngoại lai xâm nhập, một hồn ma, nếu người ta muốn gọi như thế. Trong thời xa xưa, lúc niềm tin vào quỷ dữ còn khá mạnh, thì các thực thể ám ảnh kia thường là một ác quỷ. Tuy nhiên, trong những trường hợp tương đối hiện đại, đa phần thì đó là linh hồn của một kẻ chết, thường là một kẻ mà bệnh nhân có quen biết hay đã gặp gỡ, và bệnh nhân có thể bắt chước một cách vô thức giống y giọng nói và cử chỉ của người đó. Thậm chí đôi lúc cả đến nét mặt của người đó nữa. Họ…” Sau khi bác sĩ Klein sầu muộn kia đã cáo từ, Chris gọi điện thoại cho người đại diện của nàng ở Beverly Hills và thẫn thờ thông báo cho anh ta biết rằng nàng sẽ không đạo diễn phân đoạn phim ấy nữa. Sau đó nàng gọi cho bà Perrin. Bà ta vắng nhà. Chris gác điện thoại với một cảm giác tuyệt vọng càng lúc càng tăng. Nàng cần phải được sự giúp đỡ của một… … “ở những trường hợp mà hồn linh là của kẻ chết thì tương đối dễ ứng xử hơn nhiều, trong hầu hết những trường hợp này, người ta không tìm thấy những cơn giận hoảng, hay là những cơn tăng vận động và kích thích cơ vận động. Tuy nhiên, trong cái thể loại hội chứng bị ám ảnh dưới dạng mộng du quan trọng kia, cái bản ngã mới bao giờ cũng hung ác, bao giờ cũng thù nghịch đối kháng lại bản ngã thứ nhất. Thật vậy, mục tiêu chính của nó là hủy diệt, khảo đả và thậm chí đôi khi là giết chết bản ngã thứ nhất”… Một bộ dây đai đã được giao đến tận nhà và Chris đứng chứng kiến, nhợt nhạt và kiệt sức, lúc Karl máng dây đai vào giường rồi buộc vào hai cổ tay Regan. Sau đó, lúc Chris xê dịch chiếc gối cho ngay vào giữa đầu Regan, người Thụy Sĩ vươn thẳng người lên và nhìn gương mặt thảm thiết của đứa bé với đôi mắt xót thương. “Cháu bé sẽ khỏe chứ?” Anh ta hỏi. Một thoáng tình cảm vương vấn trong những lời anh ta nói, những ngôn từ e ấp nỗi ưu tư. Nhưng Chris chẳng thể trả lời được. Lúc Karl đang ngỏ lời với nàng, nàng nhặt lên một vật đã được nhét dưới gối của Regan. “Ai bỏ cái tượng thập ác này vào đây?” nàng căn vặn. …. “Hội chứng đó chỉ là biểu hiện của một xung đột nào đó, một tội lỗi nào đó, vì vậy, chúng tôi cố lần cho ra, tìm cho được xem nó là điều gì.. Vâng, biện pháp hay nhất trong một trường hợp thế này là dùng thôi miên liệu pháp, tuy nhiên, dường như chúng ta không thể thôi miên cô bé được. Thế là chúng ta chích cho cô bé một liều thuốc tổng hợp thôi miên – một biện pháp sử dụng đến chất ma túy – nhưng tình thật mà nói, có vẻ như biện pháp ấy cũng lại đi vào một ngỏ cụt khác mà thôi”. “Vậy thì biện pháp tiếp theo là gì?” “Chỉ còn trông chờ vào thời gian, tôi e vậy, chỉ còn chờ thời gian mà thôi. Chúng ta chỉ còn biết tiếp tục cố gắng và hy vọng vào một sự thay đổi. Lâm thời cô bé cần được nhập viện để…” Chris tìm gặp Sharon trong bếp đang đặt máy chữ lên bàn. Cô gái vừa mang máy chữ dưới phòng giải trí ở tầng hầm lên. Willie thái cà rốt ở bồn rửa chén chuẩn bị nấu ra-gu. “Có phải cô đã đặt cái tượng thập ác dưới gối con bé không, Shar?” Chris nói với một giọng căng thẳng. “Chị nói gì vậy?” Sharon hỏi, hoang mang thấy rõ. “Cô không đặt à?” “Kìa, Chris, thậm chí em còn chẳng hiểu chị nói gì nữa là khác. Em đã nói với chị rồi, em đã nói với chị lúc ở trên máy bay rồi, tất cả những gì em đã nói với Regan đó là “Chúa dựng nên thế giới”, và có lẽ những điều về…” “Đựơc rồi, Sharon, được rồi, tôi tin cô, nhưng mà…” “Tôi, thì tôi không có đặt cái tượng đó”. Willie lầu bầu, giọng tự vệ. “Mẹ kiếp, thì cũng phải có ai đó bỏ nó vào đó chứ?” Chris bùng nổ, rồi quay sang Karl lúc anh ta đang đi vào bếp và mở cửa tủ lạnh. “Này, tôi hỏi lại anh lần nữa”, nàng nghiến răng, giọng gần như rít lên. “Anh đã để cái thập ác đó dưới gối con bé phải không?” “Không, thưa bà”, anh ta điềm đạm trả lời. Anh ta đang gói mấy cục nước đá vào một chiếc khăn lau mặt. “Không. Không có thập ác nào hết”. “Cái thập ác khốn kiếp đó đâu có tự dưng mà dẫn xác lên đó được, bọn khốn ạ! Các người phải có kẻ nói dối!” nàng rít lên trong cơn giận hoảng làm choáng váng cả phòng. “Bây giờ mấy người nói dùm tôi là ai đã bỏ cái đó vào đấy, ai?” Thình lình nàng quỵ xuống ghế rồi vật khóc nức nở vào đôi bàn tay run rẩy. “Ôi, tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, tôi không còn biết mình đang làm gì nữa!” Nàng khóc. “Ôi, Chúa tôi, tôi không còn biết mình đang làm gì nữa!” Willie và Karl lặng lẽ nhìn lúc Sharon trờ tới bên Chris và xoa nắn cần cổ nàng bằng bàn tay an ủi. “Nào, ổn cả thôi. Ổn cả thôi!” Chris đưa lưng tay áo lên lau mặt. “Vâng, tôi đoán là ai đó làm việc ấy”, – Nàng sụt sịt – “cũng chỉ có hảo ý muốn giúp đỡ thôi”. …. “Này, tôi xin nhắc lại với các ông và các ông nên tin điều ấy, đó là tôi nhất định không đưa con tôi vào một nhà thương điên khốn kiếp nào hết!” “Đó chỉ là…” “Tôi không cần biết các ông gọi đó là cái nhà gì hết! Tôi nhất định không chịu để người ta bắt con tôi đi khuất mắt!” “Tôi xin lỗi”. “Ừ, xin lỗi, Chúa tôi! tám mươi tám ông bác sĩ các ông mà chỉ nói với tôi có mấy điều thối như cứt là…” Chris đốt một điếu thuốc, nóng nẩy dụi tắt nó, rồi lên thang gác ngó chừng Regan. Nàng mở cửa. Trong bóng tối lờ mờ của phòng ngủ, nàng nhận ra một bóng người bên giường Regan, ngồi trên một chiếc ghế gỗ có lưng dựa thẳng. Karl. Anh ta đang làm gì vậy? Nàng tự hỏi. Lúc Chris lại gần hơn, anh ta vẫn không nhìn lên, mà vẫn chú mắt vào khuôn mặt đứa trẻ. Anh ta duỗi thẳng tay và đang sờ lên khuôn mặt nó. Cái gì trong tay anh ta thế? Lúc Chris đến bên giường, nàng mới thấy rõ vật đó, bọc nước đá dã chiến mà lúc nãy anh ta chuẩn bị trong bếp. Karl đang lau mát trán cho Regan. Chris xúc động, đứng nhìn ngạc nhiên, rồi thấy Karl vẫn không động đậy hay nhận ra sự có mặt của nàng, nàng quay ra rồi lẳng lặng rời phòng. Nàng xuống bếp, uống cà phe đen rồi đốt một điếu thuốc khác. Rồi do một xung động thúc đẩy, nàng đi vào phòng. Có lẽ… có lẽ… … “một cơ hội thật mong manh, vì sự ám ảnh chỉ liên quan rất mơ hồ với chứng loạn thần ít-tơ-ri, xét vì căn nguyên của hội chứng đó gần như bao giờ cũng có tính cách tự kỷ ám thị. Con gái bà hẳn đã biết về chuyện quỷ ám, đã tin vào chuyện quỷ ám, và đã biết về một vài triệu chứng của nó, cho nên giờ đây, chính phần vô thức của cô bé đã sản sinh ra hội chứng đó. Nếu điều đó có thể xác minh được, thì người ta có thể thử áp dụng một phương thức chữa trị, đó là trị liệu bằng tự kỷ ám thị. Trong những trường hợp như thế này, tôi nghĩ đó như cách trị liệu cơn sốc, mặc dù đa số các nhà trị liệu khác không đồng ý, tôi nghĩ thế. Ồ, vâng – như tôi đã nói – đó là một cơ hội rất mong manh, rất ít có khả năng xảy ra, và vì bà chống đối không chịu cho con gái bà nhập viện, tôi sẽ…” “Lạy Chúa, ông cứ gọi tên điều đó ra đi! Đó là việc gì?” “Bà có từng nghe về phép đuổi quỷ chưa, thưa bà Mac Neil?” Đám sách trong văn phòng là một phần của đồ đạc gia dụng và Chris rất xa lạ với chúng. Lúc này, nàng đang nhìn kỹ từng tựa sách, tìm kiếm, tìm kiếm… … “nghi lễ đúng quy cách ngày nay đã lỗi thời, trong nghi lễ đó, các giáo sĩ Do Thái giáo và các linh mục cố gắng trục đuổi tà linh ra. Chỉ còn giới Công giáo là chưa loại bỏ nghi lễ đó nhưng họ giữ điều đó kín như bưng, coi như một điều khá bối rối, tôi nghĩ. Nhưng đối với một kẻ tự cho rằng mình bị quỷ ám thực sự, thì tôi nghĩ lễ nghi đó sẽ khá gây ấn tượng. Thực vậy, lễ nghi đó trước đây đã thường có tác dụng dù rằng dĩ nhiên là không phải vì lý do mà họ tưởng, mà thuần túy chỉ là sức mạnh của sự ám thị. Niềm tin của nạn nhân vào việc bị quỷ ám đã giúp tạo ra tác dụng đó, hay chí ít thì cũng là tạo ra bề mặt của hội chứng đó, và cùng một thể ấy, chính niềm tin của anh ta vào quyền năng đuổi quỷ có thể làm chứng ấy biến mất. Đó là… chà, bà lại cau mày rồi. Vâng, có lẽ tôi cần thuật cho bà nghe về những thổ dân ở Úc. Những thổ dân này tin rằng nếu một thầy phù thủy nghĩ đến một ‘tia tử thần’ nhắm vào họ từ xa thì chắc chắn là họ sẽ phải chết, bà thấy đó. Và thực tế là họ đã chết thật! Họ chỉ việc nằm xuống và từ từ chết! Và, lắm khi, điều duy nhất cứu được họ cũng chính là một hình thức ám thị tương tự, một ‘tia’ phản tác dụng do một thầy phù thủy khác phóng ra!” “Có phải bác sĩ định bảo tôi mang con bé đến một thầy lang phù thủy chăng?” “Vâng, tôi cho rằng mình định nói đúng như vậy thật: xét như nó là một biện pháp cùng đường, có lẽ nên tìm một vị linh mục. Thực vậy, tôi biết lời khuyên này nghe ra có vẻ trái cựa, kỳ cục, nguy hiểm nữa là khác, trừ phi ta có thể xác quyết được chắc chắn là Regan có biết chút gì về chuyện quỷ ám, đặc biệt là phép đuổi quỷ, trước khi mọi chuyện này xảy ra không. Bà có nghĩ là cô bé có thể đã đọc về điều đó không?” “Không, tôi không nghĩ như vậy”. “Hay xem một phim về đề tài đó? Hoặc một chương trình truyền hình chẳng hạn?” “Không?” “Hay là đọc Phúc Âm, có lẽ thế? Kinh Tân Ước chẳng hạn? Vì có rất nhiều đoạn kinh thánh kể về chuyện quỷ ám, về quyền năng đuổi quỷ của Chúa Ki-Tô, thực vậy, những đoạn mô tả về các triệu chứng trong Kinh Thánh cũng y hệt như chuyện quỷ ám ngày nay. Nếu như bà…” “Này, chuyện đó chẳng có ích lợi gì đâu. Bây giờ tôi chỉ cần cho bố con bé nghe thấy là tôi đã cho triệu tập cả một bọn những…” Móng tay ngón trỏ của Chris khẽ tanh tách từ bìa sách này đến bìa sách nọ, không có gì cả. Không Kinh Thánh, không Tân Ước. Không một… Mắt nàng đảo nhanh lại một tựa sách nằm ở ngăn kệ dưới cùng. Bộ sách biên khảo về thuật phù thủy mà Mary Jo Perrin đã gửi cho nàng. Chris nhấc cuốn sách đó ra khỏi kệ và lật trang mục lục, ngón cái cứ lướt nhanh xuống… Đó rồi! Tựa đề một chương sách đập rộn ràng như một nhịp tim: “Các Trạng Thái Quỷ Ám”. Chris gấp sách và nhắm mắt lại cùng một lúc, thắc mắc, thắc mắc rất lung… Có lẽ… rất có lẽ… Nàng mở mắt và thong thả bước xuống bếp. Sharon đang đánh máy chữ. Chris giơ quyển sách lên. “Cô đọc cuốn này chưa, Shar?” Sharon vẫn đánh máy, không hề nhìn lên. “Đọc cái gì cơ?” Cô gái nói. “Cuốn sách về phù thủy này nè”. “Chưa”. “Có phải cô để nó trong văn phòng không?” “Không. Không hề đụng tới”. “Willie đâu?” “Đi chợ”. Chris gật đầu đắn đo. Sau đó nàng lên thang gác đến phòng Regan. Nàng cho Karl xem cuốn sách. “Có phải anh để cuốn sách này trong văn phòng không, Karl? Trên kệ sách ấy?” “Thưa bà, không”. “Chắc là Willie”, Chris thì thầm lúc nàng nhìn đăm đăm cuốn sách. Những dự đoán như những gợn sóng lăn tăn suốt người nàng. Như vậy là các bác sĩ ở y viện Barringer có lý chăng? Có phải đúng là điều đó rồi không? Có phải Regan đã thuỗn được cơn chứng rối loạn của nó từ những trang sách này thông qua tự kỷ ám thị chăng? Có phải con bé đã tìm thấy những triệu chứng của nó được liệt kê ở đây chăng? Một cái gì đó đặc biệt mà Regan đang làm? Chris ngồi xuống bàn, mở ra chương luận về quỷ ám và bắt đầu tìm tòi, tìm tòi, và đọc: … “Xuất phát trực tiếp từ niềm tin phổ biến vào quỷ dữ chính là hiện tượng được biết dưới tên gọi là quỷ ám, một trạng thái trong đó nhiều cá nhân tin rằng các chức năng tâm thần và thể xác họ đã bị xâm lấn và điều khiển bởi một ác quỷ (thường thấy nhất trong thời kỳ chúng ta đang bàn đến ở đây) hoặc bởi hồn của một người chết. Không có một thời kỳ nào trong lịch sử hay ở phần đất nào trên thế giới mà lại không thấy đề cập đến hiện tượng này, bằng những mô tả khá nhất quán, dù vậy, hiện tượng này vẫn chưa được giải thích một cách thỏa đáng. Kể từ công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh của Traugott Oesterreich được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1921, có rất ít điều được bổ sung vào vốn kiến thức về lĩnh vực này, cho dù đã có nhiều tiến bộ trong ngành tâm thần học….” Chưa được giải thích một cách đầy đủ? Chris cau mày. Nàng có một ấn tượng khác các bác sĩ. … “Người ta chỉ mới biết được như sau: đó là, có những người khác nhau, ở vào những thời điểm khác nhau đã trải qua những sự biến đổi lớn lao hoàn toàn cho đến nỗi những kẻ chung quanh họ có cảm tưởng là mình đang tiếp xúc với một người khác hẳn. Chẳng những giọng nói, dáng điệu cử chỉ, nét mặt và những động tác đặc trưng bị biến đổi, mà thậm chí bản thân người đó cũng cho rằng mình hoàn toàn khác hẳn với nhân cách (hay bản ngã) nguyên thủy, cũng như cho rằng mình có một cái tên – tên người hay tên quỷ – và một lịch sử hoàn toàn khác biệt…” Các triệu chứng. Các triệu chứng ở đâu nhỉ? Chris thắc mắc một cách nôn nóng. … “Ở quần đảo Mã Lai, nơi chuyện quỷ ám xảy ra thường xuyên, hằng ngày ngay cả trong thời đại này, hồn của kẻ chết thường khiến cho người bị nó ám bắt chước được những cử chỉ, giọng nói và dáng điệu của nó một cách cực kỳ giống thực đến nỗi bà con của kẻ chết phải khóc òa lên. Nhưng loại trừ cái gọi là cơn chứng giống quỷ ám – tức là những trường hợp xét cho cùng chỉ là trò giả tạo, chứng loạn thần pa-ra-noi-a hay ít-tê-ri – vấn đề luôn luôn đặt ra với việc giải thích các hiện tượng quỷ ám, lối giải thích cổ xưa nhất là lối giải thích mang tính chất thông linh học, một ấn tượng có vẻ được củng cố bởi sự kiện rằng cái nhân cách (hay bản ngã) xâm nhập này có thể tạo ra những thành tích hoàn toàn xa lạ với nhân cách nguyên thủy. Chẳng hạn, trong hình thức quỷ dữ ám, con ‘quỷ’ đó có thể nói những ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ đối với nhân cách nguyên thủy, hoặc giả….” Đó! Một cái gì đó rồi! Những lời lẽ huyên thuyên của Regan! Một toan tính nói tiếng lạ chăng? Nàng đọc tiếp rõ nhanh. … “hoặc giả biểu hiện những hiện tượng siêu tâm lý khác nhau, chẳng hạn như hiện tượng thần kích: tức là sự chuyển động các vật thể mà không cần viện đến lực vật chất”. Những tiếng gõ đây chăng? Động tác nẩy người lên xuống trên giường chăng?… Trong những trường hợp bị hồn người chết ám ảnh,có những biểu hiện như bài tường thuật của Oesterreich về một tu sĩ, ông này, đang khi bị ma ám, chợt trở nên một vũ công xuất sắc và tài năng, mặc dù trước khi bị ám, ông chưa hề nhảy múa lấy một bước. Lắm lúc, những biểu hiện này gây ấn tượng mạnh cho đến nỗi nhà tâm thần học Jung, sau khi trực tiếp nghiên cứu một trường hợp, đã chỉ có thể đưa ra một lời giải thích phiến diện về điều mà ông chắc chắn là “không thể nào ngụy tạo được…” Đáng ngại thật. Giọng điệu của đoạn văn này quá đáng quan ngại. … “và Willie James, nhà tâm lý học vĩ đại nhất mà Châu Âu từng sản sinh ra, cũng đành phải thừa nhận ‘tính chất khả thể của lối giải thích theo tinh thần thông linh học về hiện tượng đó’ sau khi ông đã nghiên cứu tường tận cái gọi là ‘Kỳ quan Watseka’: một cô gái vị thành niên ở Watseka, bang Illinois. Cô bé này đã mang lấy bản ngã giống hệt của một cô gái tên là Mary Roff đã chết cách đó 12 năm trước khi Watseka bị ám, trong một nhà thương điên ở tiểu bang…” Cau mày, Chris không nghe thấy tiếng chuông cửa ngân vang, không nghe thấy Sharon dừng đánh máy lại, đứng lên ra mở cửa. … Hiện tượng quỷ ám thường được cho là đã bắt nguồn từ thời kỳ sơ khai của Thiên Chúa giáo, tuy nhiên, trên thực tế, cả hai hiện tượng quỷ ám lẫn phép đuổi quỷ đều xuất hiện trước công nguyên rất xa. Các người Cổ Ai Cập và các nền văn minh tối cổ trên vùng sông Tigre và sông Euphrate đều tin rằng các rối loạn về tâm linh và thể xác đều phát sinh do lũ quỷ xâm lấn vào thân thể. Chẳng hạn như sau đây là câu chú trừ tà ma trong những bệnh trẻ em tại Cổ Ai Cập: “Hãy đi khỏi đây, hỡi hồn linh đến từ cõi tối, kẻ có mũi lật ngược, có mặt lật úp. Có phải ngươi đến toan hôn đứa trẻ này chăng? Ta không để cho ngươi…” “Chris?” Nàng vẫn đọc, mê mãi. “Shar, tôi đang bận”. “Có một thanh tra Ban Án Mạng muốn gặp chị”. “Chúa ôi, này Sharon, bảo ông ta…” Nàng ngưng bặt. “Khoan, khoan, hượm đã”. Chris cau mày, vẫn chăm chăm cuốn sách. “Khoan, mời ông ấy vào đi. Cứ để ông ấy vào”. Có tiếng bước chân. Có tiếng chờ đợi. Ta đang chờ cái gì thế này? Chris tự hỏi. Nàng an tọa trên nỗi mong đã được biết đến nhưng vẫn chưa thể định nghĩa, giống như một giấc mơ sống động mà người ta chẳng hề nhớ được. Ông ta bước vào cùng Sharon, vành mũ nhúm nhó túm trong tay, ông ta vừa thở khò khè, vừa đi nghiêng ngả, vẻ cung kính. “Rất lấy làm tiếc. Cô bận quá, bận quá. Tôi thật là quấy rầy”. “Thế giới ra sao rồi?” “Rất tệ, rất tệ. Con gái cô thế nào?” “Chẳng có gì thay đổi”. “Chà, tiếc quá, tôi lấy làm tiếc kinh khủng”. Lúc này, ông ta lúng ta lúng túng bên cạnh bàn, mắt ông ướt sũng vẻ âu lo. “Lẽ ra tôi không được phép quấy rầy. Con gái cô, thật là một nỗi âu lo. Có Chúa biết, lúc Ruthie của tôi sụm xuống vì chứng – à, không, không, Sheila cơ, con bé…” “Mời ông ngồi xuống đi”. Chris cắt ngang. “Ồ, vâng, cảm ơn cô”, ông ta thở ra, với vẻ biết ơn, ông ta đặt người xuống trên một chiếc ghế bên kia bàn, đối diện Sharon lúc này đã quay trở lại với việc đánh máy thư từ. “Xin lỗi, ông đang nói gì nhỉ?” Chris hỏi nhà thám tử. “Ồ, con gái tôi ấy mà, con bé, à, thôi đừng quan tâm”. Ông bỏ qua chuyện đó. “Cô đang bận, tôi xin bắt đầu ngay đây, tôi sẽ kể lại câu chuyện đời tôi, cô có thể đem đóng thành phim được đấy. Thật đấy! Khó mà tin được! Giá cô chỉ cần biết một nữa những điều thường diễn ra trong cái gia đình khùng điên của tôi, cô biết chứ, giống như thế – à được, cô là – Một chuyện, tôi sẽ kể cho cô nghe một chuyện! Chẳng hạn như chuyện mẹ tôi, mỗi thứ sáu bà đều làm cho chúng tôi món chả cá, đấy! Duy có điều là suốt một tuần liền, suốt tuần ấy, chẳng ai tắm táp gì được vì mẹ tôi đã rộng con cá chép đó trong bồn tắm, nó cứ bơi tới bơi lui, bơi tới bơi lui, suốt tuần, vì mẹ tôi cho như thế sẽ trục hết được chất độc trong ruột cá! Cô sẵn sàng rồi chứ? Vì nó… À, kể thế đủ rồi, bây giờ kể thế là đủ”. Ông ta thở dài mệt mỏi, phác tay ra dấu bỏ qua chuyện đó. “Thỉnh thoảng ta cũng phải cười một phát cho khỏi phải khóc”. Chris cứ nhìn ông ta, đờ đẫn, chờ đợi… “À, ra cô đang đọc sách”. Ông liếc cuốn sách khảo về thuật phù thủy. “Lấy tài liệu cho một cuốn phim chăng?” ông hỏi. “Chỉ đọc vậy thôi”. “Hay chứ?” “Tôi mới bắt đầu”. “Phù thủy”, ông lẩm bẩm, đầu ông nghiêng ngả, đọc tựa sách trên đầu trang. “Ông có việc gì nào?” Chris hỏi ông ta. “Vâng, tôi rất tiếc. Cô đang bận quá. Cô bận quá. Tôi xong ngay đây thôi. Như tôi đã nói rồi, tôi không muốn quấy rầy cô, trừ ra…” “Trừ ra cái gì?” Ông ta chợt nghiêm mặt lại, hai tay chắp trên bàn. “Vâng, vụ ông Dennings, thưa bà MacNeil”. “Thì…” “Mẹ kiếp”, Sharon