cho lắm. Chúng tôi cả người lẫn xe rơi gọn vào đó, đè bẹp một góc hang đất, may không ai bị thương nghiêm trọng. Chiếc xe thì coi như bỏ đi, ba người bị xây xát khắp nơi, đất trộn máu dính bê bết, lục phủ ngũ tạng lộn tùng phèo, lóp ngóp bò ra khỏi xe. Dưới ánh trăng mờ mờ, tôi nhìn thấy phần đuôi xe tải đã bẹp dí, mãi lúc sau chẳng ai nói được câu nào. Gã Mặt dày hai mắt đờ đẫn, ngồi bệt dưới đất, tới lúc tỉnh táo lại đổ hết lỗi lên đầu chúng tôi. Tôi phát điên, lên tiếng: “Xe do ông lái, đường do ông đi, tiền xe chúng tôi trả không thiếu một xu, giờ xe lăn xuống đây rồi, bọn tôi không đòi tiền bồi thường thì thôi, ông còn định rạch mặt ăn vạ à?” Gã Mặt dày không còn lý do nào khác, đành xuống nước: “Hai vị, thôi thì phát huy chút tinh thần chủ nghĩa nhân đạo vậy, tôi không lấy nhiều, có bao nhiêu lấy bấy nhiêu.” Điếu bát nói: “Chúng tôi đúng là không có tiền, phát huy tinh thần nhân đạo thì cùng lắm là thông cảm với cậu thôi.” Tôi nói: “Phát huy tinh thần nhân đạo còn phải xem đối tượng, nó là cái thá gì chứ?” Gã Mặt dày cũng nổi sung: “Thằng kia lại định đánh nhau phải không? Nói cho mày biết tao cũng có nghề đấy nhá, đừng để tao động được vào mày, nếu không thì không hay đâu…”, nói rồi, hắn xắn tay áo chuẩn bị động thủ. Tôi cũng xắn tay áo lên nói: “Mấy trò của ông chỉ để đánh nhau với các cụ trên viện dưỡng lão Nam Sơn, bắt nạt bọn trẻ con trường mẫu giáo Bắc Hải thôi, tôi đang muốn lĩnh hội bản lĩnh của ông đây.” Điếu bát vội can: “Có gì từ từ nói, hai người nể mặt tôi được không?” Gã Mặt dày nói: “Có gì mà phải nói? Toàn tại các người hại tôi, giờ xe cũng không còn, sau này tôi biết lấy gì kiếm sống? Tôi cũng không muốn sống nữa, hôm nay tôi quyết sống chết với mấy người.” Tôi nói: “Muốn chơi tới bến phải không? Thích kiểu văn hay võ, kiểu chay hay mặn? Ông chọn đi, tôi chiều tất.” Điếu bát không ngăn được, hai chúng tôi lao vào nhau, vừa lúc đó mây đen che lấp mặt trăng, xung quanh bỗng tối đen như hũ nút. Điếu bát mồm vẫn hô không được đánh nhau, tay lần trong túi lấy ra chiếc đèn pin, lúc bật đèn lên, mới thấy chúng tôi đang đứng trong một bãi tha ma, chiếc xe lăn xuống húc đổ một cỗ quan tài đã mục nát. Tôi không thèm tranh cãi với Mặt dày nữa, chăm chú quan sát tình hình xung quanh, đây hẳn là ngôi mộ trước giải phóng, hố đất nhỏ chính là dấu tích bị đào trộm. Ngôi mộ này không phải của nhà giàu có, huyệt đào không sâu, gỗ quan tài cũng chỉ là loại gỗ bách bình thường. Ngâm trong nước lâu năm, côn trùng gặm nhấm, quan tài đã mục, nước sơn ngoài bạc màu lộ ra màu trắng bên trong, soi đèn vào chỉ thấy một bộ xương khô. Một ngôi mộ bình thường như vậy mà cũng bị đào trộm. Mặt dày thấy trong này ẩm mốc, định trèo qua cỗ quan tài ra ngoài, thì bỗng đâu nhảy ra một con vật trong bộ dạng giống như mèo nhưng to hơn mèo, rất hung hăng, hai mắt sáng rực như đèn, đang xù lông làm tư thế dọa người, vẻ như đang ngăn chúng tôi không cho ai tiến lại gần cỗ quan tài. 4 Con vật đó to hơn mèo nhưng nhỏ hơn chó, có thể là họ nhà cầy, thỉnh thoảng vẫn hay xuất hiện tại những nơi hoang vắng, trông thấy người là bỏ chạy, nhưng bộ dạng của con cầy này lại rất hung dữ, như đang cảnh cáo chúng tôi không được tới gần quan tài, tôi nghĩ thầm: “Ngôi mộ này đã bị đào trộm, bên trong chẳng có gì, không lẽ con cầy này muốn gặm xương người?” Mặt dày huơ tay đuổi mấy lần không được liền rút chiếc dây lưng ra, một tay xách quần, tay kia quất dây lưng có mặt bằng đồng về phía con cầy, anh ta ra tay vừa nhanh vừa mạnh, vài phát đã đuổi được con cầy chạy mất hút, Điếu bát mắt tròn mắt dẹt nhìn, gã Mặt dày được thể lên mặt: “Đừng sợ, để tôi xử lý, hai người chỉ cần tay không là đủ, không cần tới thắt lưng quần đâu.” Tôi lại sôi máu lên, nói với Điếu bát: “Lần này anh đừng có mà can tôi, tôi phải bẻ gãy lưng thằng đó ra…” Điếu bát lại vội ngăn: “Chớ động thủ! Chớ động thủ! Cãi nhau mãi chẳng phải vì tiền sao? Xem trong cỗ quan tài kia có gì không mà con cầy đó không cho mình tới gần.” Mặt dày nghe nói có thứ đáng giá thì nửa tin nửa ngờ, đẩy nắp cỗ quan tài đã mục nát ra, Điếu bát soi đèn pin vào bên trong, tôi cũng tiến lại gần, bên trong chỉ có bộ xương mục nát, chưa nói đến tiền áp quan tài, tới bộ quần áo cũng rách bươm, tất cả đều bị bọn trộm khoắng hết rồi. Nhưng bên trong quan tài còn một chiếc hũ màu đen, bên ngoài phủ lớp bụi dày, Mặt dày háo hức mở ra xem, trong đó chỉ có ngũ cốc đã lên men, mùi như mùi rượu, thấy vậy anh ta thất vọng vô cùng. Tôi và Điếu bát lại thấy vật này không tầm thường chút nào. Theo phong tục của người Thiểm Tây, trong quan tài người chết bao giờ cũng có một hũ ngũ cốc, mang hàm ý tổ tiên phù hộ cho con cháu sung túc, no đủ. Ngoài ra, ngũ cốc cũng là một loại đồ tùy táng, vàng ngọc nhiều đến mấy thì cũng không ăn được, lăng tẩm của hoàng thân quốc thích đều có ngũ cốc tùy táng, chỉ có điều ít được người ta chú ý đến. Dân đào trộm mộ nếu mở hũ ngũ cốc ra mà không ngửi thấy mùi thối mốc, thậm chí còn có mùi hương tỏa ra, theo dân gian nói, đó chính là loại rượu “Đỉnh quan tửu”. Để tạo ra “Đỉnh quan tửu” thì mùi xác chết phân hủy, mùi âm khí trong huyệt mộ và nhiều yếu tố khác, thiếu một cái cũng không được. Vì Đỉnh quan tửu hiếm khi gặp, chỉ dựa vào vận may, nên nó đắt như vàng. Lăng tẩm của hoàng đế vương gia đầy ngọc ngà châu báu, đào được một cái như vậy thì ăn cả đời, nhưng mộ người dân thường lấy đâu ra mấy thứ đắt tiền đó mà tùy táng. Những ngôi mộ cũ từ trước thời nhà Thanh đa phần đều có hũ ngũ cốc, chỉ có điều mỗi mộ một khác, không phải đào mộ nào lên cũng có Đỉnh quan tửu. Hồi đó còn có một nhóm dân đào trộm mộ chuyên đi săn Đỉnh quan tửu, đào trộm mộ gặp đồ vàng ngọc cũng tiện tay khoắng luôn, nhưng mục đích chính không phải nhằm vào ngọc ngà châu báu mà chủ yếu là Đỉnh quan tửu. Chúng tôi gặp nạn dọc đương không ngờ lại phát hiện ra Đỉnh quan tửu, nhìn màu rượu không phải là tuyệt hảo thì cũng là hảo hạng. Có lẽ con cầy kia ngửi thấy mùi rượu thơm nên mới mò tới. Điếu bát gỡ chiếc bi đông nước quân dụng đeo bên người xuống, vừa dốc hết số Đỉnh quan tửu vào trong bi đông vừa nói với Mặt dày: “Trước mắt thì anh em tôi không có tiền, nhưng thứ này có thể đổi lấy tiền, người anh em dẫn đường giúp chúng tôi, khi nào bán lấy tiền, dù ít dù nhiều vẫn sẽ có phần của cậu.” Mặt dày suy nghĩ, chỉ cần kiếm được tiền thì việc gì hắn cũng dám làm. Lần này đến lượt Điếu bát trấn áp hắn ta, Mặt dày nói: “Tôi sớm biết hai người không phải tầm thường, nếu không làm sao biết được Đỉnh quan tửu, hay mấy người là dân đào trộm mộ? Nghe nói nghề đó hái ra tiền lắm, sau này cho tôi theo với được không, lên núi đao xuống biển lửa vào vạc dầu đều được…” Điếu bát nói: “Chúng tôi chỉ là dân buôn đồ cổ thôi, chuyện đào mộ trộm đồ chúng tôi chẳng dám, nhưng cũng đang lúc thiếu người, nếu chú tin tưởng chúng tôi thì đi cùng. Sớm muộn gì anh cũng giúp chú kiếm đủ tiền mua xe mới. Đây không phải là nơi nói chuyện, bọn mình tìm đường ra đã rồi tính kế lâu dài.” Mặt dày nghe thế liền đổi giọng: “Đại ca, sau này có việc cứ để em, được bao ăn bao mặc lại kiếm được tiền thì chỉ cần anh nói một câu, đối với em đó là thánh chỉ.” Nửa đêm, nhiệt độ trong núi xuống thấp, khu huyệt mộ lại càng lạnh lẽo hơn, không thể ở lâu, chúng tôi bật đèn pin lên rồi lần mò ra bên ngoài mới thấy chúng tôi đang ở giữa một bãi tha ma lưng chừng núi, mộ mới mộ cũ đều có, chẳng trách dọc đường gặp hình nhân. Một số mộ vẫn còn đồ cúng, thu hút thú hoang lần mò tới kiếm ăn. Chẳng ai trong chúng tôi muốn ở lại đây tới trời sáng cả, nên đành phải mò mẫm trong đêm tìm đường ra ngoài, tiếng gió rít lên thê lương bên tai, nghe như tiếng ma khóc quỷ hờn. Bước thấp bước cao tới tận khi trời sáng, chúng tôi mới thoát ra được khe đất chật hẹp đó. Trước mắt là một vùng rộng lớn, một ngọn núi cao nhô lên giữa biển mây mù, ngọn núi cao vút hùng vĩ mây vờn xung quanh. Xem ra ngọn núi này chính là Thông Thiên Lĩnh, nhìn dọc nó như một ngọn núi, nhưng nhìn ngang thì như một dãy núi. Đi tiếp thêm một đoạn, chúng tôi nhìn thấy một hang động đen ngòm khổng lồ hiện ra mờ ảo trong làn mây, cả hội không khỏi ngạc nhiên, Thông Thiên Lĩnh làm gì có hang động nào to như vậy, điều khiến người ta kinh ngạc hơn là cái hang này rất tròn không giống được tự nhiên tạo hóa. Vì mây vờn che khuất không nhìn rõ, nên khi đi thêm một đoạn nữa, khoảng cách đã gần hơn, chúng tôi thấy đó không phải một miệng hang mà là một vật gì đó hình tròn rất to nhô lên trên sườn núi, chẳng lẽ đó là đĩa bay rơi từ trên trời xuống? Hay là một cây nấm khổng lồ mọc dưới đất lên? Chương 6: Thiên ngoại phi tiên Trèo đèo vượt núi, lăn lộn mãi mới ra được bãi tha ma, bỗng nhìn thấy một vật thể lạ, tôi không dám tin vào mắt mình, hai người kia cũng ngẩn mặt ra xem không hiểu là vật gì. Mặc dù kinh ngạc, nhưng chúng tôi vẫn đi tiếp, tới gần hơn để xem cho rõ. Hóa ra, dưới đó là một thôn làng hình cầu có đường kính trăm mét, cao khoảng mười mấy mét, bên ngoài là bức tường đất bao xung quanh. Bên trong là những gian phòng cũng quây lại thành vòng tròn, được chia ra làm ba vòng trong, giữa và ngoài. Mỗi vòng nhà đều xây ba tầng, mái nhà lợp ngói màu đen, chính giữa là một cái giếng trời hình tròn lõm vào trong, tường lũy bảo vệ chặt chẽ, trông như một tòa thành. Điếu bát và Mặt dày nghệt mặt ra nhìn, nhà mà xây kiểu này sao? Lạ thật! Hai người họ người thì nói là đĩa bay, người thì nói là nấm. Tôi giải thích với họ: “Nghe nói thời cổ có kiểu căn cứ quân sự mà cả dòng họ sống chung với nhau để tránh thổ phỉ cướp bóc. Họ xây nhà như thành lũy. Giống như vùng Dự Tây này, trước giải phóng đây là nơi thổ phỉ hoành hành, vì vậy trong núi xuất hiện ngôi làng kiểu này cũng không có gì là lạ.” Điếu bát vỡ lẽ: “Hóa ra là vậy, xem ra thôn làng này ít nhất cũng bốn trăm năm tuổi rồi, trong đó có gì hay không nhỉ? Đại nạn không chết ắt có phúc về sau, vận tốt của anh em mình tới rồi, có cản cũng không được”. Anh ta dặn dò Mặt dày phải thêm cái khóa vào miệng, cái gì không cần nói thì đừng lắm mồm, nếu cứ bô bô nói ra thì đến người thực vật cũng biết tụi mình muốn làm gì, dân trong làng lại được thế hét giá cao. Nói thật là đã sắp đi tới trước cửa thôn làng rồi, dù ngôi làng có thể ở được mấy trăm hộ gia đình nhưng dọc sườn núi đồng ruộng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, bên ngoài cổng thôn có một cái cổng lớn bằng đá trông như cổng thành, lớp vôi vữa bên ngoài tường đã bong hết, trơ ra lớp tường đá bên trong, trước cổng dán những bức tranh Tết đã cũ nát bạc màu, cảnh tượng hết sức kỳ lạ. Có hai người và một con chó mực ngồi ngoài cổng, trong đó có một cụ già có khuôn mặt dài đang ngồi hút thuốc, thấy chúng tôi đi tới thì ngạc nhiên hỏi: “Các cậu từ đâu tới vậy? Thông Thiên Lĩnh chỉ có một lối đi duy nhất, hướng các cậu tới làm gì có đường?” Tôi tiến lên phía trước giải thích: “Thưa cụ, bọn cháu đi qua động Ô Thử, dọc đường bị lật xe rơi xuống khe đất, may mà không chết, bọn cháu đi cả đêm mới ra được đến đây, bây giờ vừa đói vừa khát, cụ có thể cho bọn cháu nghỉ chân một lát được không?” Ông cụ nói: “Đúng là mạng lớn, mau vào trong đi, đợi tôi làm cơm cho các cậu ăn.” Nói rồi ông gọi người còn lại tới, đó là một cậu thanh niên to béo trông rất thật thà, hai người dẫn chúng tôi đi vào bên trong. Quy mô thôn làng rất lớn, đi vào bên trong mới thấy còn hoành tráng hơn cả bên ngoài, trong thôn toàn là xà kéo cột gỗ, cao ba tầng, mỗi tầng đều có ba vòng, từng tầng nối tiếp nhau, từng vòng lồng vào nhau. Ông cụ dẫn chúng tôi vào một gian phòng phía Tây, ông nói nơi đây thiếu nước nên đã lâu trong thôn không có người sinh sống, chỉ còn ông và cậu Ngốc ở lại trông nom hương khói cho Tổ miếu. Ông cụ cứ dặn dò chúng tôi: “Nếu không có người trong thôn dẫn đường thì các cậu đừng có đi lại linh tinh, ông tổ nhà chúng tôi có bày trận bát quái trong thôn này, ba tầng ba vòng các gian phòng ở đây đều được bố trí theo trận đồ bát quái, đúng tám tám sáu tư quẻ, trong quẻ lồng quẻ, giữa hai quẻ có một tường lửa, một quẻ bị cháy sẽ không ảnh hưởng tới các tầng lầu khác, đóng các cửa quẻ hành lang giữa các lầu thì các quẻ sẽ hợp thành một thể thống nhất, mở cửa hành lang thì các quẻ vẫn có thể thông với nhau. Nếu có thổ phỉ xông vào, dân làng đóng cửa quẻ lại, thì bọn thổ phỉ chẳng khác gì ba ba trong giỏ. Người ngoài đi vào chắc chắn bị lạc, kẹt lại bên trong đến chết cũng không có gì là lạ. Xem tôi nói nhiều quá, chẳng qua cũng là lo các cậu lỡ xảy ra chuyện thôi…” Nói đến đây, ông cụ thắp đèn dầu lên, đợi chúng tôi ngồi đàng hoàng rồi mới gọi cậu Ngốc tới ngồi bên cạnh chúng tôi, còn ông thì đi đun nước. Cậu Ngốc thật thà có phần khờ dại, ngồi trong góc nhà chơi với các ngón tay, coi như không nhìn thấy chúng tôi. Thấy cậu Ngốc không để ý gì tới chúng tôi, tôi nhân tiện quan sát xung quanh. Ngôi nhà được làm rất kiên cố, bàn đá, ghế đá, giường đá, bức tranh treo trên tường đã bạc màu cũ nát, có vài bức ảnh đen trắng được lồng trong khung kính, phong cảnh phía sau chính là ngôi làng, đó là bức ảnh tập thể chụp rất nhiều người, có lẽ là những người dân đã từng sinh sống ở đây ngày trước. Trong đó có một bức ảnh khiến tôi chú ý. 2 Cả tôi và Điếu bát đều nhìn chăm chăm vào bức ảnh, trong ảnh có đủ người già trẻ nhỏ, được chụp trong một gian nhà rộng, người thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng bài trí trong ảnh không phải tầm thường. Điếu bát chỉ vào chiếc ghế mà các vị trưởng lão ngồi, nháy mắt với tôi. Tôi hiểu ý anh ta, gật đầu nói: “Nếu tôi không nhìn nhầm thì đây chính là chiếc ghế trầm hương trên trăm năm tuổi.” Điếu bát hạ thấp giọng nói với Mặt dày: “Đúng thế, ghế trầm hương cơ đấy. Tôi lăn lộn bao nhiêu năm trong nghề, cũng chỉ nghe người ta nhắc tới thôi, lần đầu tiên nhìn thấy đấy. Nếu không phải tối qua lật xe rơi xuống khe đất thì làm sao tìm được nơi này. Cái này gọi là trong cái họa có cái phúc.” Mặt dày hỏi: “Nhưng ông cụ kia có nỡ đưa cho chúng mình không? Hay là bọn mình cướp?” Điếu bát nói: “Không được làm mấy trò vi phạm pháp luật đó, cướp giật là hành vi của bọn thổ phỉ, chỉ cần ông cụ đồng ý thì tôi sẽ mua lại, tiền tôi buộc hết trong người đây rồi.” Mặt dày nói: “Thất đức không cơ chứ? Anh chẳng bảo là hết tiền rồi sao? Tôi là người thật thà thế mà anh còn lừa.” Điếu bát nói: “Có nhưng không nhiều, cả gia tài nhà tôi dốc hết cả vào đây rồi, tiền vốn không thể tiêu tùy tiện được, chúng ta đang đi làm ăn, hiểu chưa?” Mặt dày gật đầu: “Hiểu rồi! Chưa nhìn thấy thỏ thì chưa thả chim ưng.” Chợt nghe thấy bên ngoài hành lang có tiếng bước chân, tôi vội nhắc hai người đừng nói chuyện nữa, để người dân trong làng nghe thấy thì không hay. Một lúc sau, ông cụ mang lên mấy bát mì, ông và cậu Ngốc cùng ngồi ăn với chúng tôi, đây được coi là bữa trưa. Điếu bát lấy thuốc mời ông cụ hút, sực nhớ ra vẫn còn chai rượu Nhị Oa Đầu, liền mang ra mời ông cụ uống, nhân tiện thăm dò tình hình. Ông cụ là người ưa chuyện, bình thường đã nói nhiều, giờ uống nửa chai rượu vào lại càng nói nhiều lời, ông kể: “Mấy trăm năm trước, Thông Thiên Lĩnh nhiều chó sói, bản tính của loài này hung dữ gian xảo, thường xuất hiện trong đêm cắn vật nuôi trong thôn, không có cách nào mà phòng tránh được. Thêm vào đó là nạn thổ phỉ cướp bóc hoành hành. Vì vậy, tổ tiên chúng tôi đã xây thành lũy định cư ở đây để tự vệ, phần là tránh thú hoang, phần là phòng thổ phỉ. Năm xưa, khi xây thành lũy này, từ trong ra ngoài đều được bố trí theo trận đồ Cửu cung bát quái, các cửa quẻ được bố trí khắp nơi, có cái ẩn có cái hiện. Sau đó vì đất cát bị sói mòn nghiêm trọng, không còn trồng trọt được nữa, nơi đây giao thông lại không được thuận tiện, phần lớn các phòng đều bỏ trống nhiều năm, người ngoài vào không thạo đường, đêm đến mà đi lại bên trong rất dễ lạc, lỡ kẹt lại ở nơi nào đó thì phiền phức lắm, vì vậy các cậu ở lại qua đêm thì được, chỉ có điều không được rời cậu Ngốc kia nửa bước, trông nó khờ khờ thế nhưng thông thạo các cửa quẻ trong thôn còn hơn cả tôi đấy.” Ba chúng tôi vâng vâng dạ dạ, ban ngày trông nơi đây đã khủng khiếp rồi, đêm đến ai mà dám đi lại lung tung trong tòa lâu đài khổng lồ này cơ chứ. Điếu bát hỏi: “Xin hỏi cụ họ gì ạ?” Ông cụ trả lời: “Cả thôn này của chúng tôi đều cùng một dòng họ, họ Chu.” Điếu bát nói: “À, cụ Chu, thôn mình tên là gì hả cụ? Là Chu Gia thôn chăng?” Ông cụ lắc đầu: “Không phải Chu Gia thôn, tên mỹ miều lắm – Thông Thiên Lĩnh Phi Tiên thôn!” Mặt dày thì không biết gì rồi, tôi và Điếu bát nghe cái tên đều bất giác giật mình. Trước đây có nghe dân đào mộ đồn nhau rằng Thông Thiên Lĩnh có phi cương. Thế nào được gọi là phi cương? Phi cương hay còn gọi là xác chết biết bay theo cách nói mê tín của người xưa, thi thể để lâu trong nghĩa trang không ai đến nhận thường là những người tha hương chết nơi đất khách quê người, nếu nghĩa trang đó bỏ hoang không ai cai quản, người chết không thể về với đất, không được yên nghỉ nơi chín suối, nếu để lâu sẽ xảy ra biến cố, tóc và móng tay của người chết vẫn tiếp tục mọc dài ra, đến khi xác chết đắc đạo, thì ban đêm ra ngoài phá phách hại người, ban ngày lại về trốn trong quan tài. Những lời đồn đại này không có căn cứ, đơn thuần chỉ là mê tín dọa người. Nhưng nghe nói nhiều năm trước, ở Thông Thiên Lĩnh đã có người nhìn thấy phi cương. Tôi nghĩ cái gọi là phi cương chẳng qua là loại chim lớn trong rừng sâu núi thẳm mà thôi. Thời Thanh, ở vùng Thiểm Tây cũng từng xuất hiện một loài chim rất to, đôi cánh sải dài như hai cánh cửa, thường bay liệng trên trời rồi đột ngột lao xuống bắt dê bắt bò, nếu gặp người đi một mình cũng có lúc nó nhào xuống tấn công. Mỗi lần cứ thấy loại chim này chao lượn trên bầu trời, người dân liền mang chiêng mang trống ra khua gõ loạn xạ để đuổi chúng đi, sau đó loài chim này cũng bị tuyệt chủng. Thông Thiên Lĩnh núi cao chạm mây, sườn núi dốc đứng, tại nơi núi cao rừng sâu này chắc chắn có rất nhiều loài thú lạ, có thể mấy trăm năm trước người dân đã nhìn thấy một loài chim lớn, một đồn mười, mười đồn trăm, cuối cùng thành phi cương. Nghe ông cụ Chu nói đây là thôn Phi Tiên, đằng sau nó hẳn có ẩn chứa một câu chuyện khác, xem ra còn ly kỳ hơn cả lời đồn phi cương. Chúng tôi muốn hỏi rõ xem thế nào, Điếu bát lại mời ông cụ điếu thuốc nữa, mới hỏi: “Cụ kể cho chúng con nghe xem tại sao nơi đây lại gọi là thôn Phi Tiên ạ?” 3 Ông cụ uống không ít, đã mở lời thì như mở cửa đập, ông rít một hơi thuốc dài bị sặc cứ ho mãi, vừa ho vừa kể: “Bắt đầu từ đâu nhỉ, ừ… phải bắt đầu từ lịch sử thôn làng này của chúng tôi. Cuối thời Minh, có một vị tướng quân tên là Chu Ngộ Cát, từng là Tổng quan quân đội, chính là lão tổ tiên của thôn chúng tôi, cụ thống lĩnh đạo quân đào hầm…” Mặt dày nghe tới đây không hiểu, chen ngang hỏi: “Tổng quan quân đội là quan gì? Đội quân đào hầm thuộc quân chủng nào? Sao tôi chưa nghe thấy bao giờ?” Tôi nói: “Ông còn nói nhiều thứ chưa nghe lắm, đừng có chen ngang, để ông cụ kể tiếp đi.” Mặt dày nói: “Làm bộ làm tịch, xem ra cậu cũng chẳng biết gì.” Tôi nói lại: “Tôi mà không biết? Đội quân đào hầm có từ thời Bắc Tống, là đội quân chuyên đào hầm, đào hào chiến sự.” Mặt dày không tin: “Đoán chứ gì đoán khéo đến nỗi đoán cho cả người chết sống lại được nữa đấy.” Ông cụ Chu hơi bất ngờ, nhìn tôi nói: “Không sai, chính là đội quân đào hầm đào chiến sự, giờ không mấy ai biết về điều này nữa đâu.” Điếu bát nói: “Cụ đừng nghe tụi nó chen ngang, cụ kể tiếp đi. Tổng quan thống lĩnh đội quân đào hầm sau đó thế nào?” Ông cụ Chu kể tiếp: “Tổng quan Chu Ngộ Cát còn được gọi là Âm dương đoan công, thông thạo ngũ hành bát quái, xem được trăng sao gió mưa, dưới trướng có hơn ba ngàn quân, thông thạo việc đào hầm đào hào. Hiềm nỗi lúc đó trong triều gian thần làm loạn, không có cơ hội trung quân báo quốc, đành treo ấn từ quan, dẫn theo thuộc hạ và gia đình tới ẩn cư trong núi, ông đã chọn Thông Thiên Lĩnh…” Nghe tới đây chúng tôi cứ nghĩ cụ Chu sẽ giải thích lý do chọn nơi đây vì phong thủy tốt, nhưng hóa ra không phải: “Lão tổ tiên chúng tôi chọn Thông Thiên Lĩnh để lập thông bày trận bát quái, không chỉ đề phòng thổ phỉ mà còn có nguyên nhân khác. Nghe kể, trước khi Âm dương đoan công Chu Ngộ Cát lập thôn, thì người dân trong vùng một lần đi săn bỗng thấy mây đen ùn ùn kéo đến che phủ bầu trời, bỗng chốc trời long đất lở, ngọn núi nứt ra một khe hở, một bóng người từ bên trong bay vụt ra