ại rồi. Chiếc giếng này sâu mười mét, rộng cũng phải đến mười mét, nước đỏ quạch và lạnh buốt. Chúng tôi ướt nhẹp từ đầu đến chân, tôi và Mặt dày còn chịu được, Điếu bát tuy chưa đến nỗi bị sặc chết nhưng lạnh tím tái cả môi, toàn thân run bắn, không nói thành tiếng, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Tôi phải túm lấy cổ áo anh ta thì anh ta mới không bị chìm xuống nước. Tôi nói với Mặt dày: “Ông tiết kiệm sức lực đi, đừng có chửi nữa, cái giếng này quá sâu, trong thôn thì thành lũy trùng trùng lớp lớp, cửa quẻ khắp nơi, ông có đốt thuốc nổ ở đây thì trên đó cũng không nghe thấy đâu, hơn nữa thủ phạm là cậu Ngốc, ông còn mong cậu ta đến cứu bọn ta chắc?” Mặt dày hậm hực: “Chết tiệt, tôi không chửi thằng đó thì khen nó chắc. Tôi mà được lên trên đó, tôi sẽ cho thằng Ngốc kia và lão Chu biết tay, xem hai ông cháu nhà nó chịu được mấy cú đấm của tôi!” Tôi nói: “Ngồi đó mà bốc phét, ông lợi hại thế thật thì không đến nỗi bị cậu Ngốc đá xuống đây!” Mặt dày nói: “Xem như tôi non đi, tôi nhìn nhầm người, không ngờ thằng ngốc kia lại xấu xa thế. Cậu cũng đâu có nhận ra mà nói tôi.” Tôi nói: “Không nói chuyện này nữa, tìm cách ra ngoài đi, nước giếng lạnh quá, chân tôi sắp bị chuột rút rồi.” Mặt dày nói: “Ai bảo là không chứ, tôi cũng sắp không trụ nổi rồi, đứng thêm tí nữa cả ba đều mất mạng ở đây. Hai người một thân một mình, chết cũng không sao, tôi còn có em gái đang… đợi ở nhà, tôi làm sao nhẫn tâm… nhẫn tâm để em gái tìm anh nước mắt chan hòa nhân gian sao? Có cách… cách… cách nào không, mau nghĩ… nghĩ… nghĩ đi.” Mặt dày vừa nói vừa run lập cập, chân tay tôi cũng tê dại, lạnh không thể chịu nổi, chiếc đèn pin bị ngâm nước không biết có phải bị chập mạch không, lúc sáng lúc tối, có khi sắp hỏng rồi. Tôi sốt ruột tìm đường ra, nên cũng không buồn đấu khẩu với Mặt dày nữa. Thành giếng rất trơn, mọc đầy rêu, đừng nói ba đứa chúng tôi, ngay cả khỉ cũng không trèo lên được. Trước đây, nghe ông cụ Chu nói phía dưới thôn Phi Tiên có một cửa núi, không chừng dưới giếng này có đường hầm bí mật cũng nên, tôi trấn an mình không được cuống, định thần quan sát xung quanh, phát hiện có một vết nứt ở thành giếng, phần lớn bị chìm trong nước. Theo ánh đèn pin chiếu sáng, tôi thấy dấu vết của lớp rêu cho thấy trước đây mực nước của giếng cao hơn bây giờ rất nhiều. Vì sau này nguồn nước bị cạn nên vết nứt mới lộ ra. Chúng tôi chỉ mong mau mau chóng chóng ra khỏi nơi nước lạnh như cắt này, thấy có đường thoát như chết đuối vớ được cọc, vội lôi Điếu bát lặn ra ngoài. Bên dưới vết nứt khá rộng rãi nhưng khoảng không không bị ngập nước chỉ tầm một nắm đấm, đi chừng năm sáu mét thì vào một huyệt động. Lúc này thì chiếc đèn pin không sáng được nữa, chúng tôi không nhìn thấy gì ở phía trước, đành mò mẫm để leo lên nhũ đánh trong động, ba người lạnh run như cầy sấy, vội cởi quần áo vắt khô nước, quần áo ướt rồi cũng không thể mặc ngay được. Điếu bát cũng hồi tỉnh được đôi chút, cởi trần ngồi xổm tìm thuốc hút, nhưng thuốc bị ngâm nước đã nát hết cả, chỉ tìm thấy chiếc bật lửa cơ, tôi bảo anh ta vẩy hết nước đi, bật mấy lần, cuối cùng cũng bật được, không ngờ ánh sáng vừa lóe lên bỗng có ai đó thổi phù một cái tắt phụp, chúng tôi đều giật mình, đồng thanh hỏi: “Ai đấy?” 8 Mặt dày lên tiếng: “Là tôi, là tôi. Đừng có kêu lên thế, chúng ta đang trần như nhộng, bật lửa lên, ngại chết đi được.” Tôi nói: “Đừng có làm loạn lên! Mẹ nó, ông mà còn biết xấu hổ thì mặt tôi với Điếu bát biết để đâu.” Điếu bát nói: “Không có mảnh vải trên người đúng là không lịch sự lắm, rất ảnh hưởng tới hình ảnh của chúng ta, nhưng dù sao cũng toàn đàn ông với nhau, ở đây cũng không có người ngoài, có gì lạ đâu mà ngại!” Nói rồi, Bát Điếu bật lửa lên, trước mặt chúng tôi cuối cùng cũng có được chút ánh sáng. Điếu bát nhìn thấy tiền của mình bị nước ngâm nát hết ra, cuống quýt hết cả lên: “Mạng sống của tôi, vất vả phấn đấu hơn hai mươi năm, giờ lại quay về thời trước giải phóng rồi…” Tôi nói: “Nếu không phải Mặt dày mở giếng phong thủy của người ta ra thì cậu Ngốc đã không đánh lén tụi mình.” Mặt dày nói: “Tôi là oan nhất đấy, cái thằng trông mặt mũi thật thà thế mà lại gian xảo, uống mất rượu Đinh quan của chúng ta đã không nói rồi, sợ chúng ta tính sổ với nó nên mới lừa đến Tổ miếu để diệt khẩu, không phải tôi nói đâu nhá, mà sự việc nó rõ rành rành ra như vậy. Bình thường hai người tinh tường thế, thông minh hơn cả người Do Thái mà lại không nhìn ra sao? Còn để tôi mang tội thay cho thằng ngốc kia.” Điếu bát lạnh quá vẫn run cầm cập, lên tiếng càm ràm: “Giờ nói gì cũng muộn rồi, kẹt trong động tối thế này không chết lạnh cũng chết đói.” Mặt dày nói: “Tôi không sợ chết, chỉ sợ không chết nổi, sống mang tội, chịu khổ cực rồi vẫn phải chết, thế mới gọi là xui xẻo, xui xẻo hơn là sau khi chết không có người lo chôn cất, thi thể vứt đây cho rắn chuột gặm nhấm.” Điếu bát thất kinh: “Hả? Cậu nói ở đây có chuột và rắn sao?” Mặt dày nói: “Có rắn hay không tôi không biết, nhưng chuột thì có, lúc nãy có một con vừa chạy ngang qua chân tôi”. Bị kẹt trong hang động lạnh lẽo tối om, giơ tay ra trước mặt cũng không nhìn thấy, trên người không mảnh vải che thân, ướt nhèm nhẹp, xung quanh lại toàn chuột cống, tối om không nhìn thấy gì, bị chúng cắn phải cũng gay. Điếu bát càng nghĩ càng sợ. Sợ vì không muốn chết, vậy nên anh ta thay đổi chủ ý, không ngồi chờ chết nữa. Tôi nói: “Chiếc giếng cổ trong tổ miếu thôn Phi Tiên thông xuống núi thì nhất định có đường đi, dù không biết là đường sống hay đường chết nhưng vẫn tốt hơn là ngồi đây chờ chết, xem ra đi được bước nào hay bước đó. Cắn răng chịu đựng một chút, không chừng có cơ hội sống sót.” Điếu bát nói: “Nói chí lí lắm, những người vĩ đại cũng thường hành sự như vậy, biết là mạo hiểm nhưng chỉ cần quyết tâm thì vẫn qua được.” Mặt dày nói: “Vậy chúng ta đừng nói nhiều nữa, dù sao thì tôi cũng coi thường sự sống chết rồi, không kiếm được nhiều tiền thì sống cũng vô vị.” Ba người chúng tôi bàn xong liền đi sâu vào phía trong tìm đường, chỉ mặc mỗi quần đùi và đi giày, quần áo ướt quấn lại vắt lên vai, mỗi tội không có ánh sáng cứ phải dò dẫm trong bóng tối, nên rất khó di chuyển. Mặt dày hỏi mượn Điếu bát chiếc bật lửa để đi trước dẫn đường, có chút ánh sáng sẽ dễ đi hơn. Điếu bát phản đối: “Không được! Hai cậu mặc dù là bạn tốt của tôi nhưng lúc cần phê bình tôi vẫn phải phê bình, các cậu thường ngày vẫn chỉ quẹt diêm hút thuốc làm sao mà biết được sự lợi hại của chiếc bật lửa này, cái này gọi là Dupont, mạ vàng đấy, bên trong còn có cái vè đồng, mỗi lần bật lửa đều phát ra tiếng kêu, có thể mang vào khách sạn tham dự những sự kiện lớn đấy. Giờ trên người tôi chỉ còn mỗi thứ này có giá trị thôi, giao cho ai cũng không được, tự tôi cầm vẫn chắc ăn nhất.” Mặt dày không tin: “Làm gì mà xịn thế, có cái bật lửa cũ rích, tôi có làm rơi vài lần cũng chẳng hỏng đâu.” Điếu bát không dám đi trước dẫn đường, lại không muốn đưa bật lửa cho Mặt dày, đành phải chọn giải pháp ở giữa, đó là giao cho tôi. Tôi nói trước với anh ta nếu đánh mất là tôi không chịu trách nhiệm. Nói rồi làn mò theo vách đá đi lên trước dẫn đường, tôi phát hiện ra vách đá ở đây lô nhô lổn nhổn không giống như vách đá thông thường, đánh bật lửa lên xem thì thấy sần sùi nổi cục như rễ cây. Cây gì mà rễ lại có thể đâm xuống sâu tới mức này, không thể tưởng tượng được cái cây phải to đến mức nào, hơn nữa trước đó cũng không thấy thôn Phi Tiên có cái cây nào to như vậy. Chương 7: Rồng đất Tương truyền thời Nữ Oa và Phục Hy có một cây cổ thụ rất to, rễ cuồn cuộn như rồng cuốn, đỏ au như máu, nếu không phải là cây râu rồng như trong truyền thuyết thì thân cây này cũng đã sống rất lâu đời rồi, rễ mọc khắp nơi trên núi, phần lớn đã khô héo, còn một số vẫn sống, nó đã hút hết khí, nước, đất trong dãy núi, khiến cho thôn Phi Tiên thiếu nước trầm trọng, không thể trồng trọt chăn nuôi, vật nuôi trên núi tuyệt chủng. Vụ lở núi thời cuối nhà Minh chắc cũng do rễ cây đùn ra ngoài gây nên. Điếu bát nói: “Hình như cụ Chu có nhắc tới Âm dương đoan công Chu Ngộ Cát lựa chọn dựng thôn Phi Tiên ở đây là để trấn Thổ long trong Thông Thiên Lĩnh, lúc đó thì cũng không kịp nghĩ Thổ long là gì, cứ nghĩ cũng là thứ gì đó như long mạch, giờ xem ra Thổ long chính là chỉ chỗ rễ cây này.” Mặt dày nói: “Ông cụ Chu đúng là giống như ông tổ Chu Ngộ Cát của mình thích giả thần giả quỷ, rễ cây thì cứ nói rễ cây, lại còn nói là Thổ long nữa”. Tôi nói: “ ‘Long’ trong phong thủy không phải là loại rồng cưỡi mây cưỡi gió, ví dụ như long mạch trong những vùng núi, trong long mạch hẳn sẽ có long khí, cũng chính vì Thông Thiên Lĩnh có long khí nên rễ cây mới trường sinh bất tử, theo tôi nghĩ, long khí chính là địa khí, là năng lượng thoát ra từ lòng đất chứ không hoàn toàn là quan niệm mê tín. Nên nếu ví những chiếc rễ cây to có thể đẩy vỡ cả vách núi này là Thổ long thì cũng không có gì là quá lời.” Mặt dày không quan tâm đến Thổ long gì hết, anh ta nói: “Nếu trong núi có ngôi mộ cổ cùa hoàng thất thì mình tranh thủ vào đó lấy vài thứ bảo bối, cũng không uổng công vào đây một chuyến.” Tôi bật lửa lên soi vào mặt anh ta: “Ông cũng không nhìn lại xem bộ dạng của ông lúc này như thế nào.” Mặt dày nói: “Nhìn gì mà nhìn, mấy thằng đàn ông ở trần có gì đâu mà nhìn.” Tôi nói: “Ông đừng có mà nói mê, tưởng mộ thời Hán là đồ hàng mã à? Hơn nữa Thông Thiên Lĩnh chưa chắc đã có mộ cổ, theo bố cục của thôn Phi Tiên và câu chuyện mà cụ Chu kể thì từ ngoài vào trong đều rất nguy hiểm, trước mắt phải thoát thân đã, chuyện kiếm báu vật phát tài gác sang một bên đi.” Điếu bát gật đầu lia lịa: “Mía không thể ngọt hai đầu, một là mạng sống, hai là tiền, mạng sống vẫn là trên hết. Còn rừng thì lo gì thiếu củi đốt.” Ba người trần trùng trục, vừa nói chuyện cho đỡ sợ vừa mò mẫm tìm đường ra, trong tay chỉ còn lại một chiếc bật lửa, đi một đọa lại bật lên một lần, lọ mọ trong bóng tối không thể nào phân biệt được đông tây nam bắc, cũng không rõ chiếc bật lửa còn dùng được bao lâu, chúng tôi cứ vậy đi theo địa hình trong động, rồi bỗng trước mắt xuất hiện một cỗ quan tài, một nửa bị chôn sâu trong gốc cây đã chết khô. Mặt dày tiến lên đẩy nắp quan tài, anh ta nghiến răng nghiến lợi một lúc mà nắp quan tài vẫn không động đậy, cứ như người chết ở bên trong giữ lại không cho mở ra vậy. Điếu bát sờ thấy đây là một cỗ quan tài bằng đá, bên trên phủ một lớp rêu đã chết khô, có thể sờ thấy những hoa văn khắc trên quan tài. Tôi lấy tay che ngọn lửa, tiến lên phía trước xem xét. Hoa văn trên quan tài thể hiện nội dung rất rõ ràng, có hình ảnh một vị tướng quân mình mặc áo giáp, cưỡi ngựa, đang dương cũng bắn chết một con mãnh hổ, bên cạnh có một con vượn già đang cúi đầu bái lạy. Trước đây nghe kể, Âm dương đoan công Chu Ngộ Cát đi đến vùng núi này gặp một con vượn tay dài, con vượn đó như hiểu được tiếng người, đã đến bái lạy trước ngựa của ông, dẫn ông đến một sơn cốc sâu trong rừng, bỗng ở đâu chạy đến một con hổ hết sức hung ác, cắn chết con cháu của bầy vượn, Chu Ngộ Cát giương cung bắn chết con hổ, để báo đáp lại công ơn của Chu Ngộ Cát, con vượn già đã dẫn ông đi xem bộ Thiên thư được cổ nhân khắc trên vách núi, từ đó ông thông thạo thuật âm dương. Những hình thù và hoa văn khắc trên nắp quan tài chính là mô tả lại điển tích Chu Ngộ Cát bắn hổ, được Thiên thư, hiển nhiên đây chính là chủ nhân thôn Phi Tiên – Chu Ngộ Cát. Lúc này, ngọn lửa lay động, lúc tỏ lúc mờ chỉ còn là ánh sáng le lói nhỏ như hạt đỗ tương, xem chừng gas sắp cạn. Tôi nhìn thấy chiếc đế nhô ra hai phía bên quan tài, trông như là đĩa đèn dầu, thổi lớp bụi dày bên trên, bên dưới là đèn đối bằng dầu cá, tôi gọi hai người kia lại, tìm những sợi dây leo khô tết lại thành bó chặt, rồi nhúng vào chỗ dầu cá. Loại dầu này không sợ ướt, chúng tôi thắp lửa vào đầu đã nhúng dầu thành những ngọn đuốc, hai bó buộc vào làm một, hang động tối đen bỗng chốc sáng hẳn, nhưng tôi lại có cảm giác bất an hơn hẳn lúc còn mò mẫm trong bóng tối, nghĩ thầm trong bụng: “Tại sao với thành lũy tầng tầng lớp lớp trấn áp còn chưa đủ, đến lúc chết vẫn phải dùng quan tài của Chu Ngộ Cát chắn ở đây?” 2 Mặt dày hận người đã bày trận đồ bát quái trong thôn Phi Thiên, anh ta nhặt một cục đá ném mạnh vào chiếc quan tài bị chôn một nửa vào gốc cây kia. Điếu bát lấy lại chiếc bật lửa trong tay tôi, quay đầu lại nhìn thấy hành động của Mặt dày thì lấy làm lạ: “Đừng có làm gì quá đáng, cậu không muốn mua lại đồ cổ trong thôn nữa à? Hơn nữa Âm dương đoan công Chu Ngộ Cát lúc sinh thời có thể sai thần khiến quỷ, con cháu ông ta đời đời sung túc, đến giờ vẫn chưa tuyệt tự, xem ra không thể thất lễ được, muốn sống để ra khỏi chỗ này còn phải cầu ông ấy phù hộ cho chúng ta đấy.” Mặt dày vẫn không phục: “Chẳng cần biết cái ông Chu Ngộ Cát bản lĩnh thế nào, giờ ông ta cũng chết rồi. Hơn nữa dựa vào đâu mà dân của ông ta đánh lén tụi mình được còn mình thì không được động đến quan tài của ông ta chứ. Mình cứ chơi lại, xem ai xấu hơn ai.” Nói rồi vẫn tiếp tục lấy đá nện vào quan tài, nhưng cỗ quan tài đá đó hết sức kiên cố, hắn nghiến răng gõ một lúc mà chẳng ăn thua gì, nhưng khe hở giữa rễ cây và quan tài thì bắt đầu chảy ra thứ nước bùn màu vàng. Bùn dưới quan tài cứ tuôn ra không ngớt, chốc lát đã lấp đầy chỗ khe thông với đáy giếng, Điếu bát hốt hoảng hô lên: “Nước ở đâu ra mà lắm thế này?” Tôi cũng hốt hoảng không kém, theo ánh sáng của ngọn đuốc, tôi phát hiện ra hình dáng quan tài Chu Ngộ Cát rất quái dị, vội hét to lên với Mặt dày và Điếu bát: “Không được động vào quan tài, chính nó là vật trấn long mạch của Thông Thiên Lĩnh đấy.” Hai người đó nghe nói vậy đều ngẩn ra: “Quan tài trấn long mạch nghĩa là gì?” Tôi giải thích: “Quan tài có hình dạng trên to dưới nhỏ gọi là Trảm long đinh, bên trong Thông Thiên Lĩnh dày đặc rễ cây, vừa khéo chắn ngang long mạch vùng này, còn cỗ quan tài của Chu Ngộ Cát giống như chiếc đinh đóng vào long mạch và chắn ngay cửa miệng mạch nước ngầm, khiến cho cây chết khô, nên Thông Thiên Lĩnh mới không xảy ra lở núi nữa.” Mặt dày hỏi: “Thông Thiên Lĩnh có bị lở núi hay không thì liên quan gì đến Chu Ngộ Cát chứ?” Tôi giải thích: “Năm xưa khi lở núi thì người dân nhìn thấy xác chết biết bay, ngày nay không ai còn biết sự việc đó cụ thể là thế nào, nhưng việc quan tài của Chu Ngộ Cát chắn ở đây chắc chắn có liên quan đến việc đó.” Giọng Điếu bát run run: “Ý cậu nói là… trong núi có phi cương?” Tôi nói: “Tôi cũng không biết, nói chung tốt nhất đừng động vào quan tài của Chu Ngộ Cát.” Điếu bát nói: “Đúng, giữ mạng sống là trên hết, nếu không mình đừng đi vào trong núi nữa…” Anh ta đang bàn lùi, nhưng đường về đã bị bùn đất lấp mất rồi, mà nước vẫn không ngừng chảy, cứ đứng mãi ở đây cũng không ổn, chỉ còn cách đi sâu vào bên trong thôi, Điếu bát cuống quá cứ loay hoay mãi, vô tình phát hiện một đầu huyệt động có chỗ tấp đầy những tảng đá, có thể gốc cây cổ chưa chết hẳn, những khe đá có phần lỏng lẻo, có chỗ đủ để một người lách qua, chắc là có thể đi vào trong lòng ngọn núi. Từ cuối đời Minh, khi ngọn núi nứt ra rồi khép lại thì xung quanh Thông Thiên Lĩnh chưa từng có người nhìn thấy phi cương, nên chưa chắc phía trước đã có lối ra ngoài. Nhưng lúc này chúng tôi không nghĩ được nhiều như vậy, đi vòng qua quan tài của Chu Ngộ cát, trèo vào những khe đá, ngọn đuốc trên tay vẫn chưa tắt chứng tỏ nơi đây không khí có thể lưu thông, đến lúc này chúng tôi không tin trong Thông Thiên Lĩnh có mộ cổ nhà Hán nữa, cũng không thể tưởng tượng được nơi đó sẽ thế nào, có những thứ gì. Điếu bát nói: “Tôi chỉ nghĩ gì nói nấy thôi, hoàn cảnh rơi xuống giếng cạn của chúng ta cũng hơi giống ‘Bầu trời trong miệng giếng’ đấy nhỉ!” Mặt dày nói: “Có mà giống ếch ngồi đáy giếng thì có.” Tôi nói: “Bầu trời trong miệng giếng cũng chỉ là một truyền thuyết thôi. Tương truyền có một người tiều phu bị rơi vào một cái giếng nhưng may không chết, có điều không thể trèo lên được, may mắn tìm ra được một khe nứt nơi thành giếng, liền đi sâu vào bên trong, sau khi đi ngoằn ngoèo một lúc lâu, không rõ là đã đi bao xa, bỗng tới một thung lũng phong cảnh hữu tình, hoa thơm chim hót, ở đó anh ta đã gặp các vị tiên, được cho thuốc tiên. Câu chuyện này sau đó được truyền trong dân gian và trở thành điển tích.” Mặt dày vỡ lẽ: “Ừ! Anh em ta rơi xuống giếng ở Tổ miếu khu bảo thành này, cũng lọ mọ trong này đã lâu rồi, nếu không kiếm được món gì đó cho ra hồn thì có phải là phí mất lần xuống giếng này không.” Ba người vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã vào đến lòng núi Thông Thiên, trong này rộng rãi, tôi đứng thẳng người nhìn xung quanh, rễ cây đã chết khô trông như những con rắn bò dướt đất, trong động phủ một lớp bụi dày, khắp nơi đều là những đám rêu dày đặc nhưng cũng đều chết khô, phía trên mờ ảo có chút ánh sáng tựa như ánh mặt trời chiếu xuống. Điếu bát tưởng rằng phía trên có khe nứt thông ra bên ngoài, anh ta bị nghiện nặng, chỉ muốn mau chóng ra ngoài để tìm thuốc hút, thế là anh ta vội vàng đu lên những cành dây leo để trèo lên trên. Tôi sợ anh ta trượt chân ngã xuống thì gay nên gọi Mặt dày đi theo. Tôi vẫn thấy có chuyện gì đó không ổn, nhưng cũng không giải thích được là không ổn ở điểm nào. Điếu bát thấy tôi còn chần chừ thì giục: “Số anh em mình vẫn chưa phải chết, theo lối này leo lên thể nào cũng có đường ra.” Tôi trả lời: “Không đúng, giờ này là nửa đêm rồi, sao lại có ánh sáng chiếu vào trong lòng núi được.” 3 Điếu bát nghe nói cũng ngẩn người ra, thời gian không đúng thật, lúc cùng cậu Ngốc ở Tổ miếu thì trời vừa tối, từ lúc bị rơi xuống giếng rồi mò mẫm trong lòng núi tới giờ thì cũng chỉ tầm nửa đêm, còn lâu mới tới lúc trời sáng. Tôi nhìn thấy phía trên như có một vầng sáng, nhưng vì xung quanh quá tối, lại có nhiều cành dây leo che phủ nên nhìn không rõ đó là thứ gì. Mặt dày nói: “Đêm tối thì cũng có ánh trăng mà, kiểu gì thì vòm động cũng không thể tự sáng lên được, sắp tới đỉnh rồi đấy, không lẽ cậu định quay về theo đường cũ.” Tôi với Điếu bát nghĩ cũng phải, đã tới nước này rồi cứ phải đi thôi, xem đó là cái gì. Trong lòng núi toàn là rễ cây khô, bên ngoài là vách núi, hàng trăm rễ cây to khủng khiếp mọc dọc theo vách động, chúng tôi trèo qua những rễ cây đó lên phía trên, khắp người bị rễ cây cào xước. Mặt dày sơ ý trượt chân bong một tảng rêu khô, lộ ra hoa văn được khắc trên thành động, hình như là hình vẽ một đoàn người đang xếp hàng, nét khắc thô sơ, đơn giản, kỳ lạ ở chỗ những người này đều có thêm một con mắt dọc giữa trán, xung quanh còn có những miếng vỡ sành sứ, bên trên đều có họa tiết người ba mắt. Điếu bát kêu lên kỳ lạ: “Tranh đá và miếng vỡ sành sứ trong động này có niên đại còn lâu hơn cả thôn Phi Thiên.” Mặt dày nói: “Cuối thời Minh đến nay… mà còn chưa đủ lâu à?” Điếu bát nói: “Hai ba trăm năm thì cũng như cái búng tay thôi, xem ra những bức tranh đá này cũng phải đến hai ngìn năm tuổi rồi.” Mặt dày hỏi: “Thời đó có người ba mắt à?” Tôi lắc đầu: “Thời nào thì cũng không có, từ xưa đến giờ con người lúc nào chẳng hai mắt một mũi, ngoại trừ Mã vương gia và Nhị lang thần.” Điếu bát vỡ lẽ vỗ đánh bốp vào đầu nói: “Ôi giời, các cậu đoán xem tôi nghĩ ra cái gì rồi?” Tôi nói: “Đầu anh có mọc trên người tôi đâu mà tôi biết được anh đang nghĩ gì.” Điếu bát trả lời: “Những họa tiết trên sành sứ đều là người ba mắt cả, lại xuất hiện ở Thông Thiên Lĩnh này, tự nhiên làm tôi nhớ đến tích nước ‘Tấn diệt Cừu Vưu’. Cừu Vưu các cậu biết chứ? Còn gọi là Cừu Thủ, đó là một nước ở vùng biên Trung Nguyên, trước đây tôi từng xem qua đồ sứ của họ, họa tiết trên đó cũng toàn là người ba mắt, đây cũng có thể là đồ của họ để lại.” Mặt dày nói: “Người Cừu Vưu à… chưa nghe thấy bao giờ, giờ còn tồn tại nữa không?” Điếu bát trả lời: “Đã bị nước Tấn tiêu diệt từ lâu rồi, hai nghìn năm trước khi nước Tấn diệt Cừu Vưu, do thế núi hiểm trở, đại quân không vào được bên trong liền đúc một chiếc chuông đồng thật to, nói dối rằng để tặng quân vương Cừu Vưu. Quân vương Cừu Vuu không hề nghi ngờ, vui mừng nhận quà, còn cho người sửa đường làm lễ đón chuông, đến khi đường làm xong thì nước Tấn đưa quân đến diệt Cừu Vưu.” Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Điếu bát kiếm cơm bằng nghề này có khác, nếu không có những kiến thức đó thì làm sao mà trụ lại trong nghề này được. Cho dù tích nước Tấn diệt Cừu Vưu này có chính xác hay không,