i đầu thôn, tôi khẽ hỏi Xuân Vũ: “Đêm qua cô có nằm mơ không?” Cô ấy sững sờ một lúc, sau đó lạnh lùng đáp: “Có mơ”. Chắc là không phải mơ thấy “Hoàn” đâu nhỉ? Nhưng tôi vẫn thử hỏi thăm dò: “Cô mơ thấy ai?” “Cao Huyền”. Câu trả lời này nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi, nhưng trong tình hình và tâm lý lúc này, tôi không biết nên nói gì, chỉ biết gật gật đầu. Ra khỏi tấm bia đá tiết hạnh, phía đông chính là biển đen mênh mông. Bờ biển lúc sớm mai mịt mù trong sương khói, những dốc núi phía tây kín mít những ngôi mộ. Trong bóng tối đêm qua vốn không nhìn thấy bia mộ, giờ thì đã rõ nét dị thường, tiếng sáo lúc nửa đêm chắc cũng được vọng ra từ những ngôi mộ này. Buổi sáng không có xe tới Hoang thôn, chúng tôi chỉ biết dựa vào đôi chân. Đi trên con đường núi trơ trọi không có lấy một ngọn cỏ, quay đầu nhìn lại Hoang thôn và ngón tay trỏ trống trơn, đột nhiên thấy buồn man mác, tận sâu đáy lòng còn buồn rầu hơn. Tạm biệt Hoang thôn, tạm biệt “Hoàn”, tạm biệt Tiểu Chi. Trong sương khói mịt mùng sớm mai, tôi và Xuân Vũ cực nhọc đi bộ hơn một tiếng đồng hồ, chân của chúng tôi giống như sắp gãy cả ra, cuối cùng thì cũng có thể leo lên một chiếc xe hướng tới thị trấn Tây Lãnh, lắc lư chở chúng tôi về thị trấn. Cuối cùng cũng đã trở lại thị trấn Tây Lạnh, cái tên này thật nên thơ, chỉ cách Hoang thôn một dãy núi, mà giống như từ địa ngục trở lại nhân gian vậy. Có độc giả đoán rằng cái tên “thị trấn Tây Lãnh” lấy từ trong tiểu thuyết Salem’s Lot(1) của Stephen King, trên thực tế tôi chưa từng đọc qua cuốn sách này (kể cả xem phim). “Tây Lãnh” vốn là một cái tên Trung Quốc hóa, nguồn gốc đến từ Chiết Giang, nếu mọi người có hứng thú thì có thể đoán xem. Chiếc nhẫn ngọc đã bị tôi ném xuống biển. Bây giờ đối với tôi mà nói, nghi hoặc lớn nhất chính là A Hoàn (Lâm U) – giới hạn bảy ngày đã qua, cô ta còn sống hay đã chết? Tôi có thể tìm thấy tung tích của cô ta không nhỉ? Tất cả những điều này rút cuộc là vì cái gì? Tôi bắt buộc phải nhanh chóng trở về Thượng Hải, chúng tôi đành phải ở lại thị trấn Tây Lãnh đợi đến buổi chiều. Giờ là 9 giờ sáng, tôi và Xuân Vũ đi loanh quanh trong thị trấn, không ngờ vừa mới rẽ một cái trên đường là đã nhìn thấy một cảnh tượng hoàn toàn khác. Đây là một con đường cổ được lát đá xanh, hai bên đều là những ngôi nhà cũ kĩ quét vôi với mái ngói màu xanh đen, có những quán trà, quán rượu, quán cơm cổ kính, chắc là dáng vẻ của thị trấn Tây Lạnh 100 năm trước. Chúng tôi đi vào một quán trà cổ, gọi hai chén trà nóng. Vừa mới ngồi xuống chưa được bao lâu, người trong quán trà đã càng lúc càng đông, đa số đều là những ông lão bà lão tóc bạc phơ, họ ngồi vây quanh những chiếc bàn, hình như đang chờ đợi điều gì đó xuất hiện. Bỗng nhiên, một giọng nữ lanh lảnh cất lên từ sau tấm rèm trong quán trà, tiếp đó lướt qua một bóng phụ nữ mặc cổ trang, đó là chiếc áo gấp nếp thêu hoa thường thấy trong ca kịch Côn Khúc(2), phía dưới là một chiếc váy màu xanh, trên tay còn tung cả ống tay áo thướt tha. Hóa ra là hát ca kịch địa phương, tuy mặt cô ấy hóa trang nhàn nhạt, tóc được bới thành kiểu hoa trâm, nhưng tôi vẫn có thể nhìn ra tuổi tác của cô ấy không còn trẻ, chắc tầm ngoài 30 tuổi. Những ông lão bà lão bên cạnh bắt đầu vỗ tay, trong quán trà này chỉ có hai thanh niên – tôi và Xuân Vũ hơi cảm thấy hơi ngại. Tiếp đó người phụ nữ bắt đầu hát, nhưng ngay câu đầu tiên đã khiến tôi ngây người ra giống như gà gỗ. Tôi nghe thấy tiếng hát của A Hoàn (Lâm U). Không sai, miệng cô ấy hát ra chính là giọng hát này, nói chính xác hơn là ca kịch của một địa phương nào đó, đằng sau còn có vài bô lão kéo đàn nhịn đệm cho cô ấy, tiếng sáo và tiếng tiêu cất lên du dương, tôn lên giai điệu bay ra từ miệng cô ấy. Đây chính là tiếng hát trí mạng của A Hoàn (Lâm U). Ngay từ lần đầu tiên nghe thấy trong DV của Tô Thiên Bình, nó đã khắc sâu trong trí não tôi. Lần thứ hai nghe thấy tiếng hát này trong phòng Tô Thiên Bình, tôi gần như hồn xiêu phách lạc. Tôi tuyệt đối không thể nghe nhầm. Trong đầu tôi vừa nhớ lại tiếng hát của A Hoàn (Lâm U), bên tai vừa văng vẳng ca kịch cổ xưa của thị trấn Tây Lãnh. Người phụ nữ vừa hát kịch vừa bước những bước khoan thai ngón tay hoa lan trang nhã uyển chuyển, và cả ánh mắt, cả sự biểu cảm đó cũng đậm vẻ cổ điển. Tuy nghe không hiểu ca từ của cô ấy, nhưng tôi tin rằng cô ấy đang hát về một truyền thuyết cổ xưa nào đó… Màn ca kịch này biểu diễn khoảng một tiếng đồng hồ, người phụ nữ hát kịch liền vội vàng lui vào cánh gà, các bô lão trong quán trà dường như vẫn còn ngay ngất, có lẽ đây chính là thú giải trí quan trọng nhất của họ. Tôi không thể không hỏi một ông lão ngồi bên cạnh: “Thưa bác, đây rút cuộc là kịch gì vậy ạ?” “Tử dạ ca”. Ông lão trả lời tôi bằng giọng Chiết Giang đặc sệt, thần thái lúc nói chuyện thật rạng rỡ, dường như vẫn đang đắm chìm trong ca từ cổ xưa. Cái tên này đã từng quen thuộc với tôi, tôi cúi đầu lẩm bẩm nói: “Tử dạ ca – Đúng rồi, tôi còn nhớ hình như Lý Bạch cũng đã từng viết Tử dạ ca”. “Thực ra ‘Tử dạ ca’ vốn không phải là thơ, mà là tình ca của một cô gái”. Xuân Vũ đột nhiên nói thêm vào, ánh mắt có chút buồn bã. “Sao cô lại biết?” Cô ấy hình như đã thuộc lòng về nó: “’Tử dạ ca’ xuất hiện đầu tiên trong các Nhạc phủ thời Nam triều, cái tên này được đặt theo tên của cô gái Tử Dạ đời Tấn, giai điệu ca khúc rất bi ai, đến nước ma quỷ trong gia đình giàu sang quyền thế Vương Kha Phù thời Đông Tấn cũng phải cảm động mà hát câu ca này. Ngoài ra còn có ‘Tử dạ từ thời ca’… đều là một thể loại của ‘Giang Nam ngô thanh’ trong ‘Nam triều thanh thương khúc’. Không chỉ có Lý Bạch, Nam Đường Lý Hậu Chủ cũng đã lấy ‘Tử dạ ca’ làm tên ca khúc”. Tôi thốt lên: “Oa, Xuân Vũ cô giỏi thật đấy”. Đến cả ông lão của thị trấn Tây Lãnh cũng vô cùng ngạc nhiên trước Xuân Vũ, ông không ngừng gật đầu tán thưởng. “Không có gì, gần đây tôi đang đọc ‘Nhạc phú thi tập’, nghe thấy ba chữ ‘Tử dạ ca’ này tự nhiên thấy rất quen. Đáng tiếc, bất luận là Ngô thanh ca, Tây Châu khúc hay là Giang Nam thần huyền khúc’ đi nữa, thì giai điệu của chúng đã thất truyền từ lâu rồi, chúng ta chỉ biết ca từ nhưng lại không biết hát thế nào”. Tôi lập tức hỏi ông lão bên cạnh: “Bác ơi, bác có biết ‘Tử dạ ca’ ở đây bắt đầu có từ khi nào không ạ?” “Tử dạ ca lâu đời lắm rồi, không một ai biết về niên đại khởi nguồn của nó, truyền thuyết kể lại rằng cô gái Tử Dạ đời Tấn chính là tổ sư của loại kịch này, còn có chuyên giai mệnh danh rằng nó chính là hóa thạch sống trong lịch sử ca kịch Trung Quốc”. Bô lão này rõ ràng cũng rất am hiểu văn hóa, thảo nào Chiết Giang vốn là nơi xuất thân của nhiều văn nhân, chỉ là khẩu âm của ông thực sự rất khó nghe, “Nhưng do tiếng địa phương của các vùng Chiết Giang khác nhau, rất nhiều thể loại kịch nhỏ chỉ có thể lan truyền trong địa phương, rời khỏi bản huyện là không ai nghe hiểu cả, bởi vậy ‘Tử dạ ca’ chỉ mãi mãi như cô con gái lớn lên trong khuê các thâm sâu, không ai biết đến”. Xuân Vũ gật gật đầu nói: “Rõ ràng là di sản văn hóa rồi”. “Sau Dân Quốc, ‘Tử dạ ca’ đã bị suy thoái, đến năm 1949 thì chỉ còn lại một lớp ca kịch, được chính phủ cải tạo thành đoàn kịch huyện. Mấy chục năm trước đoàn kịch xảy ra hỏa hoạn, đa số diễn viên đều bị chết cháy, ‘Tử dạ ca’ cơ bản cũng tuyệt chủng rồi”. “Thế kịch bản nãy chúng cháu vừa xem thì sao ạ?” “Do còn lại đĩa hát lưu lại từ những năm 60, sau đó có người dựa vào dĩa hát và ca từ trước đây học theo, đáng tiếc là đã không còn chính tông nữa”. Nghe tới đây lòng tôi bỗng bừng sáng, có lẽ nút thắt cuối cùng cũng đã được tháo gỡ rồi. Tôi lập tức cảm ơn bô lão, kéo Xuân Vũ ra khỏi quán trà đông đúc. Cô ấy khẽ càu nhàu: “Anh làm cái gì thế?” Tôi không trả lời ngay, mà tìm tới một nơi yên tĩnh, móc điện thoại ra gọi vào số của Lâm U, nhưng tôi chỉ nghe thấy “Xin lỗi, thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang tắt máy”. Xuân Vũ nghi ngờ nhìn tôi: “Anh tìm Lâm U?” Tôi “ừm” qua loa một tiếng. “Không, anh không thể tìm thấy cô ta nữa đâu”. Câu nói này đè nặng lên tim tôi, giống như mây đen đang bao trùm lấy thị trấn Tây Lãnh. Đợi mãi tới trưa, chúng tôi ăn bữa trưa trong thị trấn rồi lên xe khách đường dài trở về Thượng Hải. Vẫn là ngồi phía sau xe, Xuân Vũ mệt mỏi nhắm nghiền mắt lại, tựa vào cửa sổ ngủ thiếp đi. Còn tôi thì lại lấy cuốn “Hủy diệt mộng cảnh” ra, tên tác giả Hứa Tử Tâm trên bìa sách đập vào mắt tôi. Xe khách từ từ rời khỏi thị trấn Tây Lãnh, núi non xanh mướt hai bên đường dần dần lùi lại phía sau, sự trống trải trong lòng cũng càng lúc càng mãnh liệt. Hành trình dài miên man lại bắt đầu rồi… Tạm biệt, Tây Lãnh. 1.Salem’s Lot: Tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng về ma cà rồng của nhà văn Mỹ – Stephen King, sau đó đã được dựng thành phim – ND. 2.Kịch côn khúc: ra đời từ thế kỷ 14 tại Côn Sơn, Tô Châu, Trung Quốc là một trong những loại hình cổ nhất của nghệ thuật ca kịch Trung Quốc – ND. Đêm 7 tiếng đồng hồ sau. Bên ngoài cửa sổ xe lại là bầu trời đêm rực rỡ đèn hoa xanh đỏ của Thượng Hải, núi non xanh mướt của thị trấn Tây Lãnh và biển của Hoang thôn dường như đã trở thành kí ức của một thời khắc khác, trước mắt chỉ có con đường Hằng Phong rộng thênh thang, và còn cả những tòa nhà cao to sừng sững phía xa xa. Ra khỏi bến xe khách đường dài, tôi không ngừng co duỗi chân tay. Xuân Vũ ngủ trên xe cả buổi chiều, tinh thần hình như có tốt hơn đôi chút. Chúng tôi ăn vội chút đồ ngoài bến xe, Thượng Hải trong màn đêm thôi thúc tôi nhanh chóng hành động, Xuân Vũ chán nản nói: “Thế rốt cuộc bây giờ anh muốn thế nào?” “Chúng ta đi tìm Lâm U!” Không đợi Xuân Vũ trả lời tôi đã gọi một chiếc tắc xi, đưa cô ấy tới căn hộ mà Lâm U thuê. 8 giờ tối, chúng tôi đã tới khu dân cư này, một lần nữa trở lại căn hộ có vẽ trên cánh cửa. Xuân Vũ chưa từng tới đây, cô ấy cẩn thận quan sát mọi thứ xung quanh rồi thì thào nói: “Lâm U ở trong đó sao?” Tôi vẫn không mở lời mà nhắc chậu hoa trước cửa, quả nhiên phát hiện ra khóa nhà dưới dáy chậu. Sau khi dùng chìa khóa mở cửa thì thấy mọi thứ trong căn hộ đều chẳng có gì thay đổi, vẫn như lần trước tôi tới đây. Một bên là căn phòng màu đen của Lâm U, một bên là căn phòng mày trắng của A Hoàn – khi cô ta là Lâm U, cô ta sẽ ở trong căn phòng bên trái, khi cô ta là A Hoàn, cô ta sẽ ở trong căn phòng bên phải, giống như hai người bạn cùng thuê chung một nhà, chỉ có đều họ không bao giờ đồng thời xuất hiện, bởi vậy không biết gì về nhau. Cô ta còn có thể ở đâu vậy? Tôi cúi đầu đi đi lại lại mấy bước, rồi kéo Xuân Vũ ra khỏi căn hộ này, xuống dưới lầu gọi một chiếc tắc xi đi về hướng con phố nhỏ kín mít những quán bar. Trên đường đi Xuân Vũ không ngừng hỏi tôi đang nghĩ gì trong lòng, nhưng vẻ mặt của tôi trầm tư giống như đêm đen vậy, không nói lấy một lời. 20 phút sau, chúng tôi tới quán bar có cửa kính sát đất, Xuân Vũ có vẻ không hề thích những chỗ như thế này, cô ấy không muốn vào nên đã đứng ngoài cửa đợi tôi. Tôi lao như bay vào trong, tách những gã nửa say nửa tỉnh ra và tìm thấy trưởng ca mà tôi quen, cậu ta liền thu ngay lại nụ cười rẻ tiền, vội vàng hỏi: “Ê, tối hôm trước anh đưa Lâm U đi đâu vậy?” Đúng rồi, tôi nhớ lại cái đêm mà Lâm U bỗng nhiên ngất xỉu trong quán bar khiến ở đây náo loạn hết cả lên, sau đó tôi đưa cô ta tới bệnh viện. Tôi có chút bối rối trả lời: “Cô ấy không quay lại sao?” “Không, từ sau cái đêm mà anh đưa cô ấy đi, cô ấy không xuất hiện thêm lần nào nữa, gọi điện thoại cũng toàn tắt máy”. “ô, cảm ơn cậu”. Tôi không thể nói thêm điều gì nữa, lập tức chui ra ngoài. Nhưng tay trưởng ca hình như vẫn chưa muốn buông tha nên đã đuổi theo tôi ra tới tận ngoài cửa. Không ổn – Tôi lao ra khỏi quán bar, kéo Xuân Vũ chạy về phía bên kia đường, sau lưng vang lên tiếng gào thét chửi rủa của tay trưởng ca. Xuân Vũ vẫn chưa hiểu đầu cua tay nheo gì cả nên hỏi: “Người đó định làm gì thế?” “Hắn say rồi!” Nói xong chúng tôi chạy vào một con ngõ nhỏ hẹp, con ngõ tối thui khiến Xuân Vũ trở nên lo lắng: “Anh muốn đi đâu?” Trong bóng tối, tôi lạnh lùng trả lời: “Địa ngục!” Xuyên qua con ngõ dài ngoằng thì chính là dãy phố vắng hoe lạnh lẽo đó, ki ốt bưu thiếp cá tính ở ngay trước mặt. Xuân Vũ hiểu ra rồi: “Đây chính là nơi phát hiện ra u hồn bưu thiếp?” “Đúng”. Tôi nhìn ngó xung quanh, gió lạnh từ góc phố cuộn lại khiến người ta bất giác rùng mình. Tôi chầm chậm sang đường, mở cửa ki ốt bưu thiếp. U hồn không có đây. Ki ốt trống hươ trống hoắc, đến cả bưu thiếp trong kỳ vọng cũng không thấy đâu. Tôi thất vọng ra khỏi ki ốt, quay đầu hướng về bầu trời đêm thành phố, mơ màng cảm thấy có gì đó đang nhảy múa. “Cô ta rút cuộc ở đâu?” Xuân Vũ đã bị tôi dày vò đủ rồi, cô ấy cười đau khổ nói: “Anh nhất định phải tìm thấy cô ấy sao?” “Không vì lý do nào cả!” (Nói ra tên một cuốn sách ở đây, thực sự là có chút nực cười, đừng mắng tôi nhé). “Tìm một cô gái giữa Thượng Hải rộng lớn thế này, chẳng khác nào mò kim đáy bể”. Đúng vậy, tôi nhớ tới kết thúc của một cuốn tiểu thuyết mình viết – Cô ấy giữa biển người mênh mông. Dưới ánh đèn đường lạnh lẽo âm u, Xuân Vũ lắc đầu nói: “Xin lỗi, tôi đã quá mệt mỏi rồi, bây giờ tôi phải về trường đây!” Tôi thở dài nói: “Về đi”. Nhưng bỗng chốc hình như có gì đó đập lên tim tôi – về trường? Trường của Xuân Vũ là đại học S. Đúng, tôi bây giờ cũng nên tới đại học S, bởi vì vẫn còn một nơi đợi tôi đến xem sao. Có lẽ đây là cơ hội duy nhất. “Tôi và cô cùng về trường đi”. Xuân Vũ vẫn chưa hiểu ra chuyện gì thì đã bị tôi kéo tới vệ đường, chặn một chiếc tắc xi hướng tới đại học S. Xe tắc xi lao như bay trong màn đêm Thượng Hải, Xuân Vũ hỏi tôi tại sao lại muốn tới trường cô ấy, nhưng tôi lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ không nói lấy một lời. 9 giờ 30 phút, xe dừng lại trước cổng đại học S. Tôi vẫn không nói gì cả, chỉ hộ tống Xuân Vũ tới chân ký túc xá nữ, trước khi lên lầu cô ấy lại hỏi tôi lần nữa, nhưng tôi vẫn lắc đầu không đáp. Tuy Xuân Vũ không biết tôi muốn làm gì, nhưng chắc chắn là cô ấy đã dự cảm được điều gì đó, cô ấy chau mày nói: “Hai hôm nay, cảm ơn anh”. Tôi ngốc ngếch hỏi: “Cảm ơn tôi cái gì?” “Cảm ơn anh đã đưa tôi trở lại Hoang thôn lần nữa”. “À, vậy thì tôi cũng phải cảm ơn cô vì đã đi cùng tôi”. Xuân Vũ gật gật đầu với tôi rồi vội vã lên cầu thang ký túc xá. Gió lạnh trong đêm tối cuồn cuộn thổi qua sân trường, tôi một mình đứng giữa khoảnh đất trống, ngẩng đầu lên chỉ nhìn thấy vầng trăng lạnh lẽo đang lấp ló sau tầng mây. Vầng trăng lạnh lẽo cũng là một “Hoàn”. Đáng tiếc “Hoàn” thế này mỗi tháng chỉ có một lần. Vậy là, tôi đọc nhẩm một câu trong “Bướm yêu hoa” của Nạp Lan Tính Đức: “Tân khố tối liên thiên thượng nguyệt, nhất tịch thành hoàn, tịch tịch đó thành quyết”. (Nỗi đau khổ tột cùng lên tận vầng trăng cao, chỉ tròn trong một đêm, đêm đêm lại thành khuyết). Sân trường đại học S tôi vốn đã quen thuộc từ lâu, dẫm lên ánh trăng sáng lóa, tôi đi xuyên qua con đường nhỏ mà thường ngày ríu rít những đôi nam nữ, cuối cùng cũng đến trước tòa nhà phủ đầy bụi bặm. Đúng vậy, đây chính là nơi mà năm hôm trước Tôn Tử Sở đưa tôi tới, phòng thực nghiệm tâm lý học của Hứa Tử Tâm ở ngay trên chính tòa nhà này. Khi nghe thấy Xuân Vũ nói muốn về trường, tôi tức khắc nhớ ngay tới tòa nhà này. Tôn Tử Sở từng nói hội sinh viên thường đồn nhau rằng, u hồn Hứa Tử Tâm sau khi tự sát vẫn không muốn bỏ đi nên thường xuyên xuất hiện gần đây. Tôi ngẩng đầu nhìn lên căn gác tôi đen trong tòa nhà thì phát hiện ra một ánh đèn leo lắt trong một ô cửa sổ. Đây là cửa sổ tầng ba, đốm sáng giống ánh nến âm u khiến người ta khiếp sợ. Hứa Tử Tâm đã thật sự quay trở lại rồi sao? Không thể kìm chế được sự kích động trong lòng, tôi lao như bay vào tòa nhà, buổi đêm chẳng có ai trực ca ở đây, cả tòa nhà dường như đã ngủ say. Tôi vội vã chạy những bước dài lên cầu thang, cuối dãy hành lang chính là phòng thực nghiệm của Hứa Tử Tâm năm nào. Tôi không biết công tắc đèn ở đâu, đành phải lấy đèn pin trong cặp ra, khó khăn lắm mới xác định được cánh cửa sắt đó. Đúng lúc tôi đang đau đầu vì không biết phải làm cách nào để vào bên trong thì đột nhiên ngeh thấy âm thanh khe khẽ từ bên trong vọng ra. Quả nhiên trong phòng có người – hoặc là u hồn? Tim tôi đập nhanh khủng khiếp. Tôi thử đẩy nhẹ cánh cửa sắt, không ngờ cánh cửa đã mở ra. Tôi nhớ lần đó, trước khi cùng Tôn Tử Sở ra về, rõ ràng là anh ấy đã khóa chặt cửa rồi mà. Không để ý những thứ đó nữa, tôi cẩn thận, rón rén bước vào phòng thực nghiệm tâm lý học, ở đây sáng bóng đèn đỏ âm u, ánh sáng nhìn thấy từ dưới lầu được phát ra từ chính căn phòng này. Giờ thì tôi đã nghe rõ âm thanh này, nó vọng ra từ trong phòng thực nghiệm. Một giọng nữ vừa thanh vừa sắc, yi yi a a hát lên trong tiếng sáo và tiếng tiêu làm nhạc đệm, hình như nó đã xông thẳng vào lớp da đầu tôi. Tôi nhớ giọng hát này… Tử dạ ca. Trong phòng thực nghiệm tâm lý học của đại học S, tôi lại nghe thấy Tử dạ ca của thị trấn Tây Lãnh cổ kính. Tiếng hát đó giống như tiếng ai oán vĩnh hằng cổ xưa của u hồn dốc hầu tâm sự, cổ họng uyển chuyển cất lên những giai điệu du dương gần như khiến tôi say đắm trong căn phòng này. Đúng, đây chính là âm thanh mà ba năm trước Tôn Tử Sở nghe thấy khi bước vào căn phòng này. Lần đó anh ấy nhìn thấy Hứa Tử Tâm, vậy lần này tôi thì sao? Tôi hy vọng có thể được nói chuyện với tác giả cuốn “Hủy diệt mộng cảnh”. “Trở lại Hoang thôn” và “Hủy diệt mộng cảnh”. Trong thời khắc Tử dạ ca xuyên suốt không gian, tôi đã lặng lẽ đẩy cửa phòng. Ở đây chính là địa cung. Tử dạ ca vẫn đang vang vọng… Trong phòng không có Hứa Tử Tâm, nhưng tôi đã nhìn thấy con gái ông. Lâm U màu đen đang ngồi thẫn thờ trong một căn buồng đầy sách. Cô ta sững sờ nhìn vào mắt tôi, hoàn toàn không ngờ rằng tôi có thể xuất hiện trong thời khắc này và tại chính nơi đây. Tôi vẫn nhìn thấy trên bức tường trước mặt. Lâm U mím chặt môi tựa vào tường, tiếng hát u hồn vẫn đang ngân nga bay bổng. “Là ai đang hát ‘Tử dạ ca’?” Đột nhiên, tôi phát hiện ra tiếng hát vang lên từ phía sau giá sách, tôi lập tức ké giá sách nặng sang một bên, thì nhìn thấy phía sau có giấu một chiếc máy phát nhạc cổ. Đây là một chiếc máy phát nhạc vừa tròn vừa dẹt, bên trong là chiếc đĩa hát cổ đang chuyển động, hai bên còn có hai chiếc kèn nhỏ, “Tử dạ ca” được phát ra từ chính chiếc máy này. Lâm U đang hát trong đĩa nhạc. Cuối cùng thì cũng đã phát hiện ra bí mật này, tiếng hát mà Tôn Tử Sở nghe thấy ba năm trước trong căn phòng này trên thực tế được phát ra từ chính chiếc máy phát nhạc sau giá sách. Tôi khẽ nhấc thanh chạy đĩa lên, giọng hát đột nhiên im bặt, phòng thực nghiệm tâm lý học lại trở về trạng thái tĩnh mịch như đã chết. Lâm U vẫn nép trong góc phòng, ánh mắt cô ấy phức tạp nhường vậy, tôi thực sự không biết dùng từ ngữ nào để hình dung nữa. Tôi lấy đĩa hát trong máy phát nhạc ra, đây là đĩa hát cổ ra đời từ những năm 60, bên trên có đề tên kịch Tử dạ ca là “Tử dạ quỷ thê”. Hóa ra, đây chính là đĩa hát “Tử dạ ca” mà bô lão ở thị trấn Tây Lãnh đã nói với tôi chiều này. Lúc đó tôi đã phát hiện ra nút thắt này, chỉ có điều không ngờ là nó lại được tháo ra ở đây?… Tôi quay đầu lại nhìn thẳng vào mắt Lâm U nói: “Chắc cô không thể ngờ đúng không? Cuối cùng, tối nay tôi lại mò được tới đây?” Cô ta nhìn tôi như người câm, hoặc là thuần túy chỉ có thể dùng mắt nói chuyện. Nhìn đôi mắt đáng thương này, tim tôi bỗng mềm nhũn ra, nhưng sự việc đã tới mức này rồi làm sao tôi có thể rút lui đây? Tất cả những gì xảy ra trong những ngày qua luôn lởn vởn trong đầu tôi, một bí mặt vừa được phát hiện ra thì lại kéo theo một bí mật mới khác, sự nghi hoặc giống như chiếc vòng liên hoàn lôi cuốn tôi, tôi luôn cho rằng bản thân mình thực sự đã xâm nhập vào một thế giới khác. Nhưng, kể từ đêm qua tôi đã dần dần hiểu ra. Một vài những manh mối đả được tôi sắp xếp lại trong hỗn loạn, trong bóng tối mịt mùng đã lóe lên một tia sáng, chỉ ra cho tôi chìa khóa để phá vỡ mê cung. Trong vài tiếng gần đây, đầu óc tôi tức tốc tính toán, bởi vậy vốn chẳng bận tâm tới những câu hỏi của Xuân Vũ, nhìn tôi rất giống một chiếc máy im lặng. Đúng, chân tướng luôn dưới mí mắt bạn. Các bạn độc giả, tôi quyết định không kéo dài thời gian nữa, đã đến lúc nói ra rồi… “Để tôi đoán thử xem nhé. Ba năm trước, giáo sư Hứa Tử Tâm – cha cô, vốn đã nghiên cứu mối quan hệ giữa truyền thuyết cổ đại và tâm lý học từ trước đó rất lâu, một cơ hội tình cờ đã khiến ông biết được truyền thuyết Hoang thôn, vậy là ô