ng rồi, bây liệu mà chỉ biểu họ. Hôm qua tụi trẻ giỡ chà bắt được khá nhiều tôm càng, cá lóc, bây làm sao âm cúng ê hề tươm tất thì làm! Má còn phải lo tiếp khách danh giá trong tổng, trong làng. Ông Năm Tảo sau khi chẩn mạch cho Bửu liền bước ra trung đường, nơi ông bà Bang biện, bác sĩ Lê Thạnh Mậu, cậu Hai Luyện đang hầu chuyện pháp sư Chơn Huệ. Ông bảo: – Tui xin nói thiệt cho ông Bang biện lo liệu. Cậu Bửu bị chứng lao sái. Lao sái mạch thường đi với Sác hoặc Sắc hoặc Tế. Chứng nầy phát ra nhiều nhiệt, tuôn mồ hồi dầm dề, ho ra máu, da thịt gầy mòn, vóc mình ốm o so lại. Riêng mạch của cậu Bửu đây đi Sác Tế mà Sắc là chứng chết. Tuy biết vậy nhưng tui cũng gắng hốt vài thang thuốc cho cậu. Biết đâu nhờ ơn Trời Phật, ông bà, mạch đi Vi Sắc thì cậu sẽ có hy vọng sống. Nhưng bịnh nầy thập tử nhất sinh, có sống thì cũng vướng bịnh nan y cho tới chết. Đối với người lớn tuổi hai lá phổi rắn chắc hơn nên bệnh lao lâu phá hư. Đằng nầy cậu Bửu mới tuổi trăng tròn, hai lá phổi còn non yếu, tui không dám chắc cậu có sống được tới sang năm! Bác Sĩ Lê Thạnh Mậu góp ý: – Tuy tui không rõ ngành Đông y nhưng ông Năm đây luận bịnh rất đúng. Ông Năm cứ trị bịnh cho cậu bằng thuốc bắc, tui sẽ trị bằng thuốc tây. Nãy giờ pháp sư Chơn Huệ lặng thinh theo dõi cuộc luận bịnh của ông Năm Tảo, bây giờ mới lên tiếng: – Cứ để cho ông Năm đây điều trị. Ông bà mình thường nói, hễ nhiều thầy thì hư bệnh. Lại nữa, anh chị lu bù công kia việc nọ, nếu để thằng cháu tui ở đây thì không ai săn sóc. Chi bằng anh chị cho người võng cháu về chùa, tui sẽ săn sóc cháu tiện hơn. Bà Bang biện Hưỡn nói: – Bạch thầy, thầy dạy rất phải. Vộ chồng tui xin cám ơn thầy. Bà ngó qua chồng thấy ông cứ làm thinh, uống trà từng hớp. Bà biết ông đã khứng chịu vì chứa một thằng con nít mới lớn mắc bịnh truyền nhiễm thì cực lòng cực trí cho bà biết bao! Pháp sư Chơn Huệ nói: – Tuy tui không biết sống chết ra sao nhưng tui có thể cứu mạng nó được vì tui có rộng thì giớ. Tháng tới nữa tui đi Thất Sơn tu luyện, sẽ đem nó heo luôn. Nó rủi có chết thì có tui trợ niệm hồng danh A di đà Phật để nó nhờ tha lực của Phật mà vong linh được vãng sinh về chốn An bang Tịnh độ. Sư vừa nói tới đây thì cô Tư Cẩm Lệ từ bếp bước lên nói nhỏ vào tai mẹ. Bà Bang biện lật đật xuống bếp. Cô xầm xì xụt xịt: – Mới nãy con Lý thấy con chim tứ nhánh cây bằng lằng bên hè lao xuống dãy đành đạch chết liền tức khắc. Đã vậy, con Lài đi xán măng Mạnh tông gặp bụi trê bên miễu thổ thần trổ bông. Hễ tre trổ bông là tre sắp chết… Bà Bang biện lại mắng lấp: – Bây khéo tin chuyện bá láp! Chim sa cá lụy là chuyện thường. Còn tre trổ bông là tre già, hễ có già thì chết, có gì lạ đâu? Nhà ông ngoại bà ngoại bây thiếu gì bụi tre trổ bông mà mấy cậu bây thâu góp huê lợi dư muôn, thăng quan tiến chức, vẻ vang vô cùng. Riêng tao, tao thấy chim xa hà rầm. Vậy mà có sao đâu? Sắc mặt bà vẫn lộ vẻ hoan hỉ như thường. Thằng con ghẻ bà đau nặng. Mấy cái điềm xấu điềm gở kia chắc chắn ứng vào cái chết sắp tới của nó, việc gì bà phải bận tâm? Cho nên bà bước lên nhà, bảo pháp sư Chơn Huệ: – Thôi, từ rày vợ chồng tui giao luôn thằng Bửu cho thầy. Mỗi tháng tui sẽ cấp cho nó năm đồng bạc, cho chùa mười đồng. Trước khi thầy đưa nó đi Thất Sơn, tui sẽ sắm sửa cho hai chú tháu thầy không thiếu thứ chi, kể cả lộ phí. Khi nào thầy trụ được nơi ăn chốn ở chắc chắn, nhớ biên thư cho vợ chồng tui biết, đặng hằng tháng tui gửi măng- đa cho thầy. Pháp sư Chơn Huệ nói: – Tui chỉ nhờ anh chị lo thuốc men cho cháu để nó được chỏi hỏi rồi tui sẽ dẫn nó lên tu trên núi Cô Tô. Ở đó có nhiều khách đàn việt lo cho hai chú cháu tui, khỏi phiền tới anh chị. Cháu có chết cũng có các đạo hữu tụng niệm. Nếu may ra cháu sống sẽ tu hành. Dù rằng ai tu nấy chứng nhưng cả ba họ tuy không được phần huệ nhưng chắc chắn sẽ được phần phước nhờ công tu của cháu. Bà Bang biện Hưỡn nhai trầu rau ráu, mặt ngời sắc hân hoan. Bà thứa biết mình có độc căn, khó mà phát huệ. Vả lại bà cần phước chớ đâu lý gì tới cái thứ huệ bá láp tầm phào kia! Sau đó, một mặt bà Bang biện sai cú Bảy lực điền cùng thằng Xiêm võng Bửu đến chùa; một mặt bà sai con Lài chọn mùng mền, chiếu gối mới toanh cùng bốn bộ quần áo cũng mới đem qua chùa cho Bửu. Bà còn cắt đặt thằng Đực mỗi ngày đem thuốc men và mọi thứ cần dùng khác cho bịnh nhơn. Trong khi ở nhà ông Bang biện Hưỡn đang tưng bừng khách khứa đến dự tiệc thì ở bên chùa Long Đức, pháp sư tụng kinh Cầu An để cầu lành bịnh cho cháu. Uống hết hai thang thuốc do ông Năm Tảo hốt, Bửu bớt nóng, đổ mồ hôi và ngủ một giấc êm đềm sảng khoái. Pháp sư Chơn Huệ nhủ thầm: “Từ rày thằng này sẽ phải nương nhờ cửa Phật để tránh roi vọt của nghiệp quả!” Pháp sư Chơn Huệ rước Bửu về chùa cũng có nguyên nhơn dựa vào con mộng giữa canh ba của sư. Trong cơn chiêm bao đó, sự thấy mình đi sâu vào xóm Bánh Phồng giữa vùng lau sậy bát ngát, đến một ngôi mộ đắp đất nằm giữa hai mương nước loáng thoáng những cánh béo tai lá tròn tròn. Một người đàn bà mặc áo bà ba trắng, quần vài xiêm đen ngồi bên mộ dưới cây phù dung trổ bôn trắng. Nười đàn bà bảo: – Bạch thầy, chắc thầy chưa quên tui. Tui là cô Hai Kim quê ở xóm Bánh Phồng nầy. Bởi tui bạc phước, mới lớn đã bị anh của thầy là ông Bang biện Hưỡn cưỡng bức cho tới mang thai. Sau đó bà Bang biện cho tui về ở chung với bà ngoài Cầu Đào. Thời gian đó thầy đi vân du miệt Nam non Bảy núi, tầm sư học đạo nên thầy chưa gặp mặt tui lần nào. Trong bốn năm trời, tui bị bà lớn đối xử hà khắc thái thậm, chịu chửa mắng, đánh đập như cơm bửa. Sau đó, ông Bang biện còn mua sở ruộng mười mẫu ở Hòa Mỹ. tui được bà lớn cho phép đến đó cất nhà trông coi trâu lúa cùng các tá thổ tá điền. Ai dè năm năm sau tui bị chứng huyết trắng. Không được thuốc thang điều trị châu đáo nên tôi chịu ốm o mòn mỏi nhắm mắt lìa đời, bỏ thằng con dại cút côi cho bà má lớn nó hành hạ. Ngày mai thầy tới nhà ông Bang biện xin cho con trai tui theo hầu thầy, bởi giữa thầy và nó có mối túc duyên trải qua bốn kiếp. Cả hai nếu không làm cha con thì cũng làm chú cháu, thầy trò. Thầy an lòng, đừng sợ bà Bang biện tứ chối vì đã tới lúc giữa bà Bang biện và con trai tui trả hết ác nghiệp oan oan tương báo, con tui sẽ theo thầy thoát vòng tục lụy. Đúng như lời cô Hai Kim dặn, pháp sư đến nhà anh chị mình gặp lúc Bửu đang lên cơn bịnh mê man và đang lúc bà Bang biện Hưỡn muốn trút của nợ cho sư. Tối hôm đó, pháp sư Chơn Huệ tụng cho cháu chầu kinh Dược sư rồi mới ngồi tọa thiền. Sáng hôm sau, Bửu đã tỉnh táo, đòi ăn cháo. Pháp sư Chơn Huệ mừng lắm, sai chú tiểu Như Pháp nấu cháo thiệt lỏng trộn với sữa hộp cho cháu ăn. Xong xuôi, đợi khi Bửu ngủ, pháp sư Chơn Huệ cuốc bộ vào nhà ông Năm Tảo. Ông đang phơi khô cá tra, khô cá sặt trong sân nắng. Bên thềm nhà, con mèo mun nằm sưởi nắng, cặp mắt trong veo màu ve chai chong về phía sư. Thấy có khách đến viếng, mà lại là một bực cao tăng, ông Năm Tảo đứng dậy chắp tay xá xá, miệng niệm hồng danh “Nam mô a di đà Phật” rồi mời pháp sư vào nhà. Bà Năm Tảo từ bếp lên, rối rít: – Bạch thầy tới chơi. Chiều nay xin thầy ở đây dùng bữa cơm chay với tụi con. Phÿp sư Chơn Huệ bảo: – Mô Phật, mỗi ngày tôi chỉ dùng một bữa ngọ traii mà thôi. Hôm nay tui đến dùng trà với ông Nhăm và có việc cần tham vấn cùng ông đây. Ông Năm Tảo mời pháp sư ngồi ở ghế trường kỳ, Bà Năm niêm nở: – Trá thì lúc nào nhà cũng có, nhưng hôm qua có một bà ở miết An Hữu lặn lội tới đây biếu cho tía sắp nhỏ bốn lượng trà ngon gọi là thưởng tái đoán bịnh, trị bịnh của ổng. Bà quày quả xuống bếp sai cô Hai súc bình và chén, cô Ba nhúm lữa nấu nước, mà phải là nước mưa trong chiếc mái đầm tích trữ từ hối năm ngoái. Trong khi chờ trà, pháp sư hỏi ông Năm Tảo: – Ông nhắm coi thằng Bửu có thể hết bịnh không? Ông Năm trầm ngâm: – Thưa thầy, tui chẳng biết có phải phước chủ may thầy hay không! Hồi sáng hôm qua, tui bắt mạch cậu Bửu thì thấy mạch đi sắc tế, tướng chết hiện ra. Vậy mà sáng nay thì mạch lại đi vi sác, có cơ may sống được. Nhưng cậu dứt được bịnh lao hay không thì tui không dám nói trước. Khi bà Năm bưng khay trà lên, ông Năm Tảo lộ vẻ suy nghĩ lung lắm. Ông e dè nói: – Căn bịnh của cậu Bửu thì lạ lắm thầy ôi! Tui nói ra đây không phải là muốn gieo hoang mang cho thầy, chớ bịnh của cậu lúc quỉ lúc ma, lúc chường lúc ẩn, tui không biết sao mà đoán! Lúc mới vô buồng cẩu, tui thấy quanh giường cẩu có nhiều kẻ mặt xanh nanh bạc, có cả một mụ già mặt đầy vết rỗ vết thẹo gớm ghiếc. Tụi nó chập chờn ẩn hiện. Khi thấy tui bước vô thì biến mất. Lúc đó cậu Bửu nằm mê man. Tui bắt mạch thì thấy trong sáu bộ mạch của cẩu, không mạch nào phát hiện. Tui biết cẩu bị ma dựa nên đọc kinh trừ tà. Chừng giáp bã trầu, mạch bắt đầu máy động ở quan bộ nhưng không hiện rõ phù, trầm, trì, sác. Tui bèn đọc tiếp 105 biến Tiêu tai cát tường và 105 biến Phật mẫu chuẩn đề thần chú. Đó rồi mạch lao sái hiện ra, nhưng đó là mạch của kẻ sắp chết. Vậy mà từ khi về chùa, mạch cẩu lại thay đổi. Thuốc thang do tui hốt đâu có hể hiệu nghiệm mau như vậy được! Vậy xin thầy gắng chờ năm mười bữa hoặc nửa tháng coi bịnh cẩu sẽ xoay chiều đổi hướng tốt đẹp hơn chăng! Pháp sư Chơn Huệ nói: – Những điều ông thấy, tui không lấy làm lạ đâu! Những bóng quỉ mặt xanh nang bạc cùng mụ quỉ mẫu mặt thẹo kia chỉ là những vong hồn bao kiếp trước về báo oán cháu tui. Giớ đây, cháu tui đực vong linh má nó phù trợ, lũ ma quỉ kia khuấy phá lần chót cho sạch oan nghiệp để sau nầy nó hưởng phước quả tròn trận. Tui tin rằng khi nó theo tui lên tu trên núi Cô Tô thì nó sẽ dứt bịnh. Bà Năm Tảo ngó về phía bếp nói vọng xuống: – Tụi bây mau đem bánh trái ra đây. Tụi bây làm gì lúc thúc ở trỏng mà không ra chào hầy? Hai cô Túy từ bếp bưng mâm mận, xoài, đu đủ lẫn khóm xét miếng, một dĩa bánh phục linh, ba chén sương sa hột lựu. Hai cô chấp tay cúi chào pháp sư rồi xuống bếp nấu thêm nước châm trà. Bà Năm Tảo lấy ba lượng bột huỳnh tinh, một lượng đường phèn, trao cho sư, ân cần bảo: – Gọi là chút phẩm vật cho cậu Bửu. Thầy dặn chú Như Pháp khuấy bột trong hoặc bột trứng cá cho cẩu ăn. Khuấy bọt trứng cá thì đẹp mắt nhưng ăn lâu tiêu hơn khuấy trong. Bột huỳnh tinh Mỹ Khê xứ Quảng phải khuấy đường cát trắng, đừng khuấy với đường thẻ hoặc đường cát mỡ gà mà kém màu gương vẻ ngọc. Ông Năm Tảo trách vợ: – Má hai con Túy lôi thôi quá! Sao không tặng thầy một ít quế Trà Bồng xứ Quảng để thầy mài ra uống lỡ khi đau bụng. Bà Năm Tảo liền vào trong mở thùng kẽm lấy quế ở ngăn trên. Thùng kẽm có hai ngăn, ngăn nầy cách ngăn dưới bằng một phên tre, bên dưới đổ đầy mật ong. Chỉ có hương mật ong mới có thể xua tan ẩm mốc và giữ quế lâu dài. Trước khi từ giã ra về, pháp sư Chơn Huệ tặng ông bà Năm Tảo bốn đạo bùa trừ tà chép Lăng Nghiệm thần chú bằng chữ Bắc Phạn trên giấy mỏng. Giấy chép được xếp thành một miếng hình vuông, bề dài một tấc, bề ngang ba phân, bề dày một phân. Cô Hai Túy Ngọc đã may sẵn bốn đãy gấm để đựng bùa, mỗi người trong nhà giữ một đãy. Ông Năm Tảo dặn: – Tuy là mỗi người giữ một đạo thần chú, nhưng mẹ nó và các con không nên cất giữ trong chốn buồng the là chỗ uế trược. Nên đặt bốn túi gấm ở chỗ bàn Phật thì hơn. Nhìn bóng nắng rút khỏi nửa giàn mướp trên vạt đất giáp sân trước, bà Năm giục hai con: – Mau nấu cơm đi. Ba bây ăn cơm sớm để còn đi Cái Sơn Lớn cho kịp con nước. Cô Hai xách nồi đồng đi đong gạo. Nhà nầy phải nấu ba lon một nhúm, cơm ăn không hết thì sẽ rang váo lúc sáng mai cho ông Năm Tảo ăn chắc bụng. Cô Ba xách rổ ra vườn hái một trái mướp hương, một mớ rau bồ ngót, rau giên gai, đọt mồng tơi để nấu canh tép bạc giã nhuyễn. Cô cũng đã ướp sẵn mớ cá chạch với tiêu, tỏi, nước mắm trong cái tộ sành thô nặng. Ông Năm rất ưa món cá chạch kho nghệ, mà phải do tay cô Ba kho ông mới bằng bụng. Kho loại cá nầy là phải giữ nguyên mùi sông rạch thấm vào sớ cá. Đó là mùi bùn, mùi cỏ năng, cỏ lác, cỏ song chằng. Mà ai nói cá chạch ăn độc? Xôi ơi, cá chạch ăn bọt nước để sống thì độc sao được! Mà thịt cá dẫu có độc, cô chỉ dằn vào tộ cá một chút đọt gừng xát chỉ là bao nhiêu độc khí cũng bay ráo trọi, bao nhiêu độc chất cũng bị hóa giải tuốt luốt! Đang lúc hai chị em làm bếp thì bên cửa hông vườn có tiếng gọi giựt ngược: – Con Hai, con Ba đâu mở cổng ráo cho chị Út bây qua ngoạn cảnh một chút coi nào! Cô Hai Túy Ngọc nhìn qua cô Ba Túy Nguyệt cười chúm chím. Rồi! Tại họa đùng đùng tới rồi! Đúng như bà Năm Tảo hay phàn nàn: Nhắc vàng nhắc bạc thì khó thấy, chớ nhắc cô gái già Út Ngan kia là có ngay! Út Ngan chê cái tên Ngan không êm tai, không văn huê đài các nên tự xưng là Út Ngọc An. Út Ngọc An không xấu. Cái hại của cô ta là tưởng mình đẹp nên õng ẹo quá trớn, làm dáng làm điệu thả giàn. Cô ta lại có cái lưỡi đôi chiều thiệt nguy hiểm. Hễ gặp hai đàng thù nghịch nhau, cô đâm bị thóc chọc bị gạo, khen đàng nầy chê đàng kia, dùng lời khích bác ối thù hai bên càng thêm sâu đậm. Tuy nhiên, bà Năm Tảo lẫn hai chị em cô Túy đều thích cách nói chuyện pha lửng của cô ta dù họ công kích cái miệng độc địa và cái lưỡi đêu xảo của cô. Thực tâm, cô Út Ngọc An không hiểm độc, cô ta nói xấu chỉ vỉ nhu cầu mua vui một cách bịnh hoạn mà thôi. Cô Hai cời đống than đỏ rực trong chiếc cà ràng đỏ để có cơm cháy dưới đáy nồi. Xong xả, cô qua hông vườn, mở cửa cho cô Út Ngọc An bước vào. Cô thấy cặp mắt cô Hai ướt sũng nước mắt vì khói bếp, liền cất giọng eo éo: Hai tay nưng vạt áo dài, Chặm lên con mắt, chặm hoài không khô. Cô Hai Túy Ngọc hỏi: – Chị nấu cơm xong chưa mà coi bộ rảnh rang quá vậy? Cô Út liếc xéo cô bạn hàng xóm: – Ông già tao với anh Ba đi ăn giỗ ở Lộc Hòa. Vợ chồng anh Hai thi xuống Cá Mau làm mắm từ hai tháng nay. Nhà chỉ còn hai má con. Hôm qua tao mua được mớ cá mục chở từ biển Ba Động về kho chan bún. Nấu cơm làm chi ắc công! Hôm nay Út Ngọc An mặc quần cẩm quất trắng, áo bà ba bằng hàng bombay màu cà phê sữa. Về nữ trang, cô đeo chiếc cẩm thạch huyết ở tay mặt, cẩm thạch xanh hoa lý ở tay trái. Tai cô đeo bông chạm tỉ mỉ, ngón tay đeo chiếc cà rá nhận cẩm thạch hột vuông. Út Ngọc An nói: – Cha chả, hôm nay trời nổi gió, nắng thì trong mà gió thì lồng lộng. Thời tiết kỳ cục! Tụi mình vô bếp đi. Hễ thời tiết tráo trở thì gió máy độc địa lắm, bịnh như chơi! Cô Hai thừa biết cô Út muốn vô bếp để dòm hành coi chiều nay cả nhà ăn cơm với những món gì. Tuy ghét cái tật tò mò tọc mạch của cô Út nhưng cô vẫn đưa cô Út vào bếp. Cô gái già đảo mắt qua những nồi, những soong thức ăn đang nấu trên mẻ than đỏ rực, phê bình: – Cá chạch xứ nầy tuy mập nhưng không ngon bằng cá chạch ở sông Vàm Cỏ. Năm ngoái tao đi thăm dì Tám tao ở kinh Bà Bèo ăn cá chạch đã đời. Kinh Bà Bèo chảy qua quận Cai Lậy cũng là nhánh của sông Vàm Cỏ Tây đó đa! À, sao tụi bây kho cá đối mà không chiên? Con nầy quê quá. Nhà tao thích ăn cá nục, cá thu kho hơn. Cô Hai nhìn em. Cô Ba Túy Nguyệt có vẻ bực mình, sắc mặt lợt lạt, nguýt cô Út một cái bén ngót. Cô Hai êm ái giải thích: – Cá thu, cá nục lâu lâu nới có bán ở chợ cá tỉnh mình. Bởi vì xứ nầy xa biển, phương tiện giao thông từ biển Ba Động tới tỉnh mình chưa được dồi dào, cho nên muốn có cá biển kho nấu thiệt là khó. Mấy ai được như nhà chị! Cô Út Ngọc An hãnh diện: – Vậy mà nhà tao có cá biển ăn hoài hoài. Đời nào tao thèm ăn chả cá thác lác chiên. Tao làm chả bằng cá thu. Cô Ba cự nự: – Sao chị dại quá vậy? Thịt cá thác lác dẻo hơn, ngọt béo thần sầu. Cá thu mà đem làm chả thì thua cá thác lác một trăm cây số. Đành rằng cá thác lác nhiều xương, nhưng nếu mình khéo lóc thịt đem quết chả thì sẽ ngon gấp mười lần thịt lý ngư trong ao Dao Trì trên thương giới. Thấy tình thế giữa cô Út và em mình có mòi găng, cô Hai kéo cô Út ra ngoài, bảo: – Trong bếp hơi than nóng bức, chi bằng chị em mình ra bến sông ngồi chơi cho thảnh thơi tâm trí. Cô Út đành bước theo cô Hai ra bến sông. Nơi đó, bên mé nước có những cây gừa buông rễ lồng thòng xuống mặt nước. Giờ nầy, nước dòn lênh láng đầy sông, xẻo. Màu nước nâu đục in vòm trời xanh trong, lơ thơ vài cụm mây trắng. Cả hai ngồi xuống chiếc băng cây đặt dưới tàn cây mãng cầu xiêm, sát bên mé nước. Cô Út chợt thấy một sợi óc vướng trên cổ áo bà ba của cô Hai, bảo: – Con nhỏ nầy chưa chi đã rụng tóc rồi. Mầy mà tới tuổi ba mươi coi chừng cái đầu sói sọi như đầu mấy con quạ tháng bảy cho coi! Cô nhặt sợi tóc thổi vèo ra phía sông. Cô Hai Túy Ngọc hoảng hốt: – Í, đừng chị ơi! Không nên đâu! Cô Út Ngọc An tròn mắt: – Sao không nên? Sợi tóc bay ra khỏi đám lục bình hoa tím, rớt trên những lớp sóng lăn tăn rồi trôi ngược phía vàm sông. Cô Hai bảo: – Bác Chín gái nói với má em rằng, ở dưới đáy biển, đáy sông có loài thũy tộc nhiều phép thần thông. Loài nầy ưa tìm cách lên cõi trần để gian dâm với phụ nữ. Hễ cô nào bị tụi nó tư thông thì mang bịnh ốm o gầy mòn cho tới chết. Cô Út cắt lời: – Ai lại không biết đó là bịnh mắc đàng dưới! – Bởi vậy con gái bắt đầu trổ mã thì đừng nên tắm ở sông rạch, cũng đùng giặt quần áo của mình ở khe rạch, sông ngòi, ao bàu, hay vũng… Nếu có giặt thì giặt trong thau chậu rồi đổ nước trên đất. Cũng không nên vứt tóc, móng tay, đờm, máu kinh nguyệt dưới nước. Có vậy mới khỏi mắc bịnh đằng dưới. Út Ngọc An ngơ ngẩn: – Hại không! Tao lại quên cái chuyện mầy vừa nói chớ. Thiệt tao bậy quá chừng chừng! Bỗng bên kia bờ rào, giọng bà Chín Thẹo rổn rảng vọng sang: – Con Út đâu? Mau về nhà hâm cá. dọn bún cho tao ăn. Chèn đét ơi, ai coi nó bận quần trắng mà dám đứng gần mé nước chớ! Thánh thần ơi, con gái người ta có ý có tứ, con gái tui thì u mê bạch tuột, không kiêng không cữ, chẳng biết dữ lành! Cô Út Ngọc An đứng dậy phủi đít, bảo cô Hai Túy Ngọc: – Bà già tao đang nổi máu sân rồi đó. Thôi, tao xin kiếu. Bà Chín Thẹo mặc áo xuyến đen, quần lãnh đen, tóc bới ba vòng một nọn. Khuôn mặt bà lúc giận coi thiệt đanh đá, Bà liếc xéo cô Hai Túy Ngọc, làm như có ai rù quyến con bà ra chỗ trống trải vậy. Khi cô Út về bên kia khuôn viên bà Chín thì cô Hai khép cổng hông rồi lững thững vào nhà. Trời đả nhá nhem tối. Cô Ba thắp đèn rồi dọn cơm. Trong bữa cơm cô Hai thuật lại ẹ nghe vận sự cô Út thổi tóc cô xuống sông, việc cô Út mặc quần trắng đứng bên mé nước. Bà Năm Tảo bảo: – Có kiêng có cữ thì việc dữ hóa lành. Đất nước mình mới khẩn huâng lập ấp mấy trăn năm nay nên có đủ thứ yêu tinh, ma quỉ, tà quái. Làm gái xinh tốt càng phải giữ kỹ hơn. Bây mặc quần áo trắng đứng bên mé nước thì bọn Giang long, Hà bá, Thủy quan, Thủy quái thấy đít, ngực, hông, nách bây ráo trọi, tránh sao “họ” khỏi động lòng dâm dục, phựt ngọn lửa tình. Cho nên có đi xuồng, đi ghe, đi dạo trên bờ sông nhớ bận quần áo màu sậm, nhứt là nên bận đồ đen cho chắc ăn, vì màu đen có hể che mắt “họ”. Ong Năm Tảo thêm vô: – Tụi con gái chớ nên soi kiếng chải đầu ban đêm. Bởi mặt kiếng lánh như mặc nước lúc lặng sóng nên “họ” thường ẩn trong mặt kiếng ban đêm vì ban đêm thuộc giờ âm, giờ của cõi âm, giờ của dưới nước lên trần tác oai tác quái. Cô Ba ngứa miệng: – Thưa tía, tía nói vậy sao phải! Bọn đào hát đêm nào mà chẳng soi kiếng để tô son trét phấn? Bà Năm nguýt cô con gái ương ngạnh: – Nói bậy nói bạ mà cũng ưa chó chét! Mầy quên rằng tổ nghiệp hát bội có oai lục thường che chở cho đào hÿt hay sao? Trong bữa cơm dù có cá chạch kho nghệ, món canh rau mướp hương, món cà đối kho còn dư hôm qua, món chả cá phác lác chiên dầm nước mắm tỏi, nhưng ông Năm chỉ ăn có hai lưng chén cơm rồi gác đũa trên miệng chén, cháp tay xá xá tạ ơn người làm ra hột gạo. Bà Năm ân cần: – Ông nên ăn thêm ba hột nữa kẻo đêm dài thức khuya đói bụng. Ông Năm Tảo cười: – Tối nay tui xuống Cái Sơn ngủ đêm, gia chủ thế nào cũng dọn ăn khuya, không vịt thì gà, bà sao khéo lo! Ông sửa soạn hành lý chất trên chiếc tam bản để chéo ra sông. Cổ chiên cho kịp con nước suôi. Mảnh trăng thượng tuần méo xẹo méo xọ đã hiện ra ở phương đông. Bà Năm Tảo hối hai cô con gái tắm rửa rồi đốt nhang cúng nước trên bàn thờ Phật. Bà bước ra nơi hàng rào ngăn khuôn viên nhà bà và mảnh đất có cây da xà. Bà sẽ trồng cây xương rồng và cây độc trụ ở vòng rào ngoài, cây dâu tằm ăn ở vòng rào trong. Bà tin rằng xương rồng và dâu tằm ăn có thể trừ ma tróc quỉ như ông bà mình thường nói. Tuy cô Út Thoại Huê là vong cô của cô Ba Túy Nguyệt nhưng cây da xà là nơi trú ngụ của bao âm hồn thì nó thuộc về cõi âm. Bà không muốn cuộc đất của mình thông thương giao tiếp với cõi huyền bí đầy hung hiểm dọa dẵm ấy. Hai vòng hàng rào sẽ dựn